Friday, January 30, 2009

Những lỗi lầm trong dịch thuật

Khi bàn luận về dịch thuật, Nabokov chia các lỗi lầm trong dịch thuật thành ba cấp độ khác nhau. Cấp độ thấp nhất và dễ tha thứ nhất là lỗi lầm do nhầm lẫn hay trình độ hiểu biết kém. Đây là lỗi lầm mang thuộc tính con người. Cấp độ thứ hai là người dịch cố tình bỏ qua từ ngữ hay đoạn văn, không mất công tìm hiểu chúng hay cho rằng chúng không phù hợp với độc giả. Người dịch đã cho rằng mình hiểu rõ tác giả nên làm như vậy nhưng thực ra người dịch đã không hiểu tác giả. Cấp độ lỗi lầm thứ ba, mức độ cao nhất mà Nabokov gọi là tội ác, là người dịch đã biến đổi tác phẩm để nó phù hợp với nhận thức hay định kiến của một nhóm công chúng nào đó.

Cấp độ lỗi lầm thấp nhất trong dịch thuật là những sai sót mà chúng ta hay thấy trong các bài báo phê bình các tác phẩm dịch như dịch từ này chưa đúng, câu này dịch sai hay dịch chưa chuẩn, hay "Tây" quá, ví dụ như tôi phê bình bản dịch Những kẻ thiện tâm. Thoạt tiên có thể nghĩ đây là lỗi lớn. Nhưng xét trên khía cạnh nhân cách thì đây lại là lỗi nhỏ nhất và dễ bỏ qua nhất, bởi vì những sai sót đấy thuộc về thuộc tính con người.

Cấp độ lỗi lầm thứ hai trong dịch thuật là cố tình bỏ qua tìm hiểu ngữ nghĩa những gì tác giả viết. Người dịch hoặc bỏ qua nó, hoặc biến đổi nó và cho rằng làm như vậy là tốt cho độc giả. Ví dụ lỗi lầm ở mức độ này là cách dịch tên tiểu thuyết Suite Francaise của Nemirovsky thành Bản giao hưởng Pháp. Có lẽ, người dịch chắc chắn biết rằng suite không phải là bản giao hưởng, nhưng cho rằng cái tên Tổ khúc Pháp không phù hợp với độc giả Việt Nam nên đã đổi tổ khúc thành bản giao hưởng. Với cách làm như vậy người dịch đã giết chết cách nhận ra cấu trúc tiểu thuyết khi người đọc đọc tiểu thuyết. Một cấu trúc tổ khúc với 5 phần là ý định xây dựng tiểu thuyết của Nemirovsky. Đây là một lỗi lầm nặng, chỉ cách tội ác có một bước chân.

Tội ác trong dịch thuật là lỗi lầm dịch thuật ở cấp cuối cùng theo Nabokov. Ví dụ tội ác này như bản dịch bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã bị cắt xén để phù hợp với nhận thức, định kiến hay quan điểm của một nhóm người nào đó. Đây là lỗi dịch thuật không thể tha thứ, bởi vì nó đã hình thành một tội ác, tội ác làm băng hoại nhân cách con người. Những tội ác trong dịch thuật này thường không thấy mấy ai đề cập hay phê bình trên báo chí, nhưng mức độ nguy hại của nó lại lớn nhất và khủng khiếp nhất. Thử so sánh tội ác trong dịch thuật này với tội ác Lò thiêu người trong chiến tranh thế giới thứ hai. Thoạt tiên có thể nghĩ tội ác trong dịch thuật này đâu có làm chết ai, chẳng là gì so với lò thiêu người. Nhưng xét trên mức độ nhân cách sẽ thấy tội ác trong dịch thuật kiểu này và tội ác trong lò thiêu người không khác gì nhau về nhân tính, cùng thực thi ý chí của một cá nhân hay của một nhóm người mà không cảm thấy sự cần thiết của một tinh thần phê phán hay một tinh thần luân lý. Nói một cách khác đây chính là tội ác liên quan đến sự băng hoại của siêu ngã, giống như nhân vật chính trong Những kẻ thiện tâm. Vậy tội ác trong dịch thuật có thể không bị trừng phạt không? Tôi nghĩ chắc chắn sẽ bị trừng phạt không ở dạng này thì ở dạng khác, không ở đời này thì ở đời khác. Ngày phán xét chắc chắn sẽ đến chỉ có điều có thể không nhận ra những bước chân rất gần của nó.

2 comments:

  1. Lỗi lầm thứ ba rất đầy dẫy bên cái gọi là "lề phải" của bộ 4T. Một thứ tội ác được dung túng, phải nói hơn là được áp buộc lên nền truyền thông của đất nước, băng hoại cả một dân tộc khi sự thật bị bóp méo một cách đáng sợ. Cám ơn bài này của bác nhé... Sau này có dịch bài, tôi sẽ ráng nhớ đến các lỗi lầm này.

    ReplyDelete
  2. Về quyển "Suite Francaise", có lần tôi đã comment trên blog Nhã Nam về thắc mắc của tôi y như bác nói, nhưng tôi không hề nhận được trả lời hay giải thích của Nhã Nam!! Hơi thất vọng một chút !

    ReplyDelete