Thursday, January 29, 2009

Vấn đề siêu ngã trong Những kẻ thiện tâm

Vấn đề mấu chốt trong tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của Littell là vấn đề siêu ngã. Siêu ngã là chiếc chìa khóa để khai phá nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này.

Siêu ngã là một trong ba thành phần của nhân cách con người. Đó là bản ngã (Id), ngã (ego) và siêu ngã (superego). Bản ngã là phần cốt lõi vô thức của nhân cách, là nguồn gốc của tất cả năng lực tâm lý và tạo ra những thành tố nguyên thủy của nhân cách. Bản ngã hoạt động trên nguyên tắc khoái lạc tình dục và có thể tạo ra những hành vi khủng khiếp. Ngã là phần nhân cách liên kết với thực tế. Ngã phát triển trên cơ sở bản ngã và đảm bảo những xung lực của bản ngã thể hiện ở những hành vi chấp nhận được trong thực tế. Siêu ngã là phần nhân cách liên kết con người với xã hội với tất cả những chuẩn mực và tư tưởng đạo đức, tức là ý thức về đúng và sai của hành vi con người. Siêu ngã tiếp nhận những chuẩn mực đạo đức từ cha mẹ và xã hội. Siêu ngã ngăn cản những hành vi không chấp nhận được của bản ngã và chiến đấu để ngã tuân theo những nguyên tắc lý tưởng hơn là nguyên tắc thực tiễn. Nhờ có siêu ngã mà con người biết được những hành vi đúng, sai, chấp nhận được hay không chấp nhận được.

Trong Những kẻ thiện tâm siêu ngã bị tha hóa và sa đọa. Chính vì vậy mà các hành vi của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, Aue, trở nên tàn bạo, lạnh lùng, không một chút hối hận về nhân tính. Đây chính là điều khủng khiếp khi đọc cuốn tiểu thuyết này. Tại sao siêu ngã bị tha hóa và sa đọa? Có hai nguồn gốc. Một xuất phát từ xã hội, và nguồn gốc còn lại xuất phát từ cha mẹ. Xã hội mà Aue sống là cái xã hội mà con người mất khả năng định vị đúng sai về nhân tính. Ở cái xã hội đấy, trong chuẩn mực đạo đức bỗng chốc người Do Thái không còn phải là con người và bị đối xử như một giống vật. Chính điểm này đã hủy hoại phương hướng đạo đức mà siêu ngã cần phải tiếp nhận. Những vấn đề này cũng được Aue suy nghĩ (trang 71-76 tập II), và thậm chí là bàn luận với Eichmann (trang 42-43 tập II), nhưng cũng đã muộn. Nguồn gốc tha hóa thứ hai xuất phát từ cha mẹ. Cả thời niên thiếu Aue sống thiếu cha, và người mẹ đã không đảm bảo một chuẩn mực đạo đức để siêu ngã của Aue tiếp nhận. Sự sa ngã của siêu ngã của Aue không chỉ thể hiện qua mức độ hành vi thực tế, mà còn thể hiện cả ở mức độ tiềm thức như trong những con mộng mị của Aue. Những cơn mộng mị triền miên, mất khả năng định vị đúng sai, tốt xấu như cơn mộng mị trong chương Air những cục phân nhảy múa như thức ăn.

Sự sa ngã của siêu ngã là một khám phá lớn của tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm. Đặc biệt sự sa ngã đó liên quan mật thiết tới thiết chế xã hội. Một thiết chế xã hội, hình thành từ những nguyên tắc dân chủ, đã tha hóa và làm sa đọa siêu ngã, không phải là hủy hoại những kẻ thù của thiết chế đấy, như người ta tưởng, mà là hủy hoại chính những con người nòng cốt của nó. Đọc Những kẻ thiện tâm, tôi không khỏi không nghĩ về xã hội Việt Nam đương đại, và vấn đề siêu ngã đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trước mắt chúng ta, những vấn nạn như vặt hoa, phá phố hay những đề phức tạp hơn ở hình thức này nay hình thức khác, nơi mà những chuẩn mực ứng xử đạo đức đã bị hủy hoại một cách trực diện và không biết liệu có còn hy vọng gì không để vực lại siêu ngã. Nếu không còn hy vọng, một Aue Việt Nam sẽ xuất hiện không ở dạng này thì ở dạng khác. Những kẻ thiện tâm là một cảnh báo với chính chúng ta.

1 comment:

  1. em thì thích thú với không gian ngôn ngữ mà Litell tạo ra trong tác phẩm, làm bản thân em thấy Aue chẳng có tội lỗi nào cả

    ReplyDelete