Friday, October 24, 2008

Âm mưu và tình yêu

VTV1 vừa truyền hình trực tiếp vở kịch Âm mưu và tình yêu do đoàn kịch Tuổi trẻ trình diễn. Tôi xem qua mạng nên có những đoạn bị đứt. Đây là một vở kịch kinh điển của thế giới. Vở kịch được dàn dựng theo lối cổ điển nhưng đã không bám sát theo nguyên tác. Một số màn trong vở kịch đã bị lược bỏ. Chính vì sự lược bỏ mà phần "âm mưu" đã không được thể hiện hết trong vở diễn. Đoạn kết của vở kịch được dựng theo kiểu kết thúc của một bi kịch cổ điển, không có sám hối, tha thứ và trừng phạt như trong nguyên tác. Có thể thấy nhận thấy qua màn diễn, bản dịch của Nguyễn Đình Nghi được dịch từ tiếng Pháp. Tên một người được nhắc tới trong vở kịch được phát âm là "đờ Bốc". Tiếng Đức không gắn danh hiệu quý tộc với "đờ" mà là với "phôn", von Bock.

Dấu ấn của đạo diễn lên vở kịch quá mờ nhạt. Dường như không thấy có một chút sáng tạo nào của đạo diễn. So với vở Macbeth cũng do đạo diễn Lê Hùng dàn dựng mấy năm trước thì vở diễn lần này là một sự thụt lùi về phong cách đạo diễn. Trong các vai diễn chỉ có diễn viên Anh Tú là diễn tốt, thể hiện rất tốt vai viên thủ tướng một con người tham vọng và mưu mô chính trị. Lê Khanh diễn quá tẻ nhạt. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao với diễn xuất quá tầm thường, Lê Khanh luôn được nhận những danh hiệu cao quý và đằng sau những danh hiệu đấy có "âm mưu và tình yêu" gì không? Nhưng nhìn chung các diễn viên của đoàn Tuổi trẻ có đài từ tốt, tốt hơn hẳn đoàn kịch Trung ương mà có lần tôi được xem họ diễn vở Hedda Gabler của Ibsen với cách phát âm tên người nước ngoài kinh khủng luôn. Không hiểu sao Luise cứ bị phát âm thành Lui-i như tên vua Pháp.

Dường như cách dựng kịch ở Việt Nam vẫn còn mang phong cách cổ điển và chưa có những sáng tạo hiện đại. Tôi tra trên youtube được một đoạn giới thiệu vở Âm mưu và tình yêu của nhà hát kịch quốc gia Weimar của Đức. Tuy chỉ là đoạn giới thiệu nhưng có thể cảm nhận thấy một phong cách dựng kịch hoàn toàn khác, đầy chất thơ, bi kịch giữa âm mưu và tình yêu nhưng cũng rất hiện đại.

3 comments:

  1. Xem trong link của bác (không hiểu tiếng) thì vở này do nhà hát Weimar dựng lấy bối cảnh hiện đại, trang phục hiện đại. Đó cũng là cách làm mà nhiều nhà hát hay điện ảnh làm với các tác phẩm kinh điển của Shakespeare: câu chuyện cổ điển nhưng bối cảnh hiện đại.
    Nếu ở Việt Nam mà dựng thế cũng hay, nhưng chắc sẽ không được duyệt, hehe, vì có nhân vật ông Thủ tướng hiện đại mưu mô xảo quyệt. Có thể chuyển ông Thủ tướng thành ông Thứ trưởng thì may ra được. Sau đó có cảnh cô Trần Thị Lúa và anh thiếu tá công an Nguyễn Văn Năng yêu nhau nhưng bi kịch vì gia đình không môn đăng hộ đối, rồi tự tử vì tình...

    ReplyDelete
  2. Tôi không nghĩ phong cách hiện đại là bản địa hóa (kiểu như Luise biến thành Lụa) hay lấy bối cảnh hiện đại. Các tác phẩm tuy đều có dấu ấn thời gian và không gian xác định, nhưng chúng đều có thể dịch chuyển khỏi gốc mà không cần phải bản địa hóa, hay bối cảnh hiện đại, ví dụ như truyện Kiều được xác định "vào năm Gia Tĩnh triều Minh" và câu chuyện xảy ra ở Trung quốc, nhưng người Việt vẫn cảm thấy câu chuyện gần gũi thân thuộc như xảy ra trên đất Việt Nam. Tôi nghĩ phong cách hiện đại là nói về cách diễn vở kịch, cách thể hiện vở kịch. Tất nhiên trang phục, bối cảnh là một phần trong cách thể hiện, nhưng không phải là tất cả. Đối với các vở kịch kinh điển, khán giả xem, không phải là thưởng thức nội dung vì nội dung ai cũng biết trước, mà là thưởng thức cách thể hiện nội dung của vở kịch.

    ReplyDelete
  3. Ông Tể tướng chứ không phải Thủ tướng nhé.
    Thêm nữa, công nhận chẳng hiểu sao cứ gọi cô gái là Lu i?
    Hay các bạn ấy không phát âm được từ Luise?
    Còn Ms. Lê Khanh, 1 con người nhạt hoét ra và nói chuyện thì đạo đức giả, loanh quanh đến phát kinh! Em nhớ có lần đi quay Ms. Lê Khanh về, phỏng vấn liên quan đến thương hiệu cá nhân gì gì đó trên 1 cái talkshow của VTV, lúc em ngồi trong phòng edit, Mr. Khải Hưng đứng đằng sau xem 1 lúc rồi thốt lên: ơ, cái con điên này nó lảm nhảm gì thế hả chúng mày? Ha ha ha.
    Nhớ mãi!

    ReplyDelete