Saturday, January 5, 2008

Khương Quỳ: Ám hương

Cựu thì nguyệt sắc,
Toán kỷ phiên chiếu ngã,
Mai biên xuy địch.
Hoán khởi ngọc nhân,
Bất quản thanh hàn dữ phan trích.
Hà Tốn nhi kim tiệm lão,
Đô vong khước xuân phong từ bút.
Đãn quái đắc trúc ngoại sơ hoa,
Hương lãnh nhập dao tịch.

Giang quốc,
Chính tịch tịch.
Thán ký dữ lộ dao,
Dạ tuyết sơ tích.
Thuý tôn dị khấp,
Hồng ngạc vô ngôn cảnh tương ức.
Trường ký tằng huề thủ xứ,
Thiên thụ áp Tây hồ hàn bích.
Hựu phiến phiến, xuy tận dã,
Kỷ thì kiến đắc.

Ám hương
là một từ khúc do Khương Quỳ đời Tống tự sáng tác. "Ám hương" có nghĩa là hương thầm. Khương Quỳ sáng tác hai bài từ, Ám hươngSơ ảnh vào một mùa đông ở bên Thạch hồ ở Tô Châu. Từ là một thể loại nghệ thuật rất đặc biệt. Từ là sự kết hợp hài hòa kỳ lạ giữa thơ và nhạc. Thông thường người ta hay bàn về tính thơ của từ và bỏ qua phần nhạc của nó. Có bốn cách dịch một bài từ. Cách thứ nhất là dịch từ thành một bài thơ. Cách làm này là một cách diễn Nôm từ, và làm mất hết tích chất của một bài từ. Cách thứ hai là dịch từ thành một bài từ. Cách dịch này giữ nguyên phần từ phổ của một bài từ, có nghĩa là giữ nguyên luật bằng trắc và vần của từ. Cách này khiến bản dịch giữ được tính chất phần thơ của từ nhưng lại làm mất tính chất nhạc của nó. Hơn nữa việc áp luật từ vào tiếng Việt vẫn chưa cho thấy thành quả rõ rệt như việc áp dụng luật thơ tạo ra thơ Đường luật bằng tiếng Việt. Cho đến nay có không nhiều các bài từ được làm bằng tiếng Việt và từ điệu cũng không phong phú. Cá nhân tôi khi đọc điệu từ, chẳng hạn Hoán khê sa cảm thấy rất khó cảm thụ vì ba vần thanh bằng liên tiếp nhau và mỗi câu lại thuân thủ như thơ Đường luật, đọc bỗng nhiên cảm thấy ngang xương. Tôi nghĩ đó bởi vì từ không phải là thơ mà là khúc ca. Cách thứ ba là dịch từ thành một khúc ca. Cách dịch này giữ được phần nhạc của từ, nhưng lại làm mất quy luật bằng trắc và vần của từ. Cách thứ tư là cách dịch kết hợp cách thứ hai và thứ ba. Đây là cách dịch tuyệt vời nhất, nhưng từ trước đến nay chưa thấy ai có thể làm được. Cách thứ ba cũng chưa thấy có ai thử. Cách dịch thứ hai của bài Ám hương có thể xem trên Thi viện. Ở đây cũng cần phải nói là bản dịch trên Thi viện tuy đã cố gắng tuân thủ từ phổ của bài Ám hương, nhưng bản dịch đấy đôi chỗ vẫn bỏ qua luật bằng trắc bắt buộc của bài Ám hương, như âm tiết đầu tiên của câu thứ hai bắt buộc phải là thanh trắc. Từ phổ của bài Ám hương có thể thấy trong Khâm định từ phổ, như hình dưới đây
Photobucket Photobucket

Bên cạch từ phổ, bài từ còn có nhạc phổ. Nhạc phổ của bài Ám hương hiện nay vẫn còn lưu nguyên vẹn trong Bạch Thạch đạo nhân ca khúc, như hình trên bên phải. Bản nhạc phổ này được viết dưới dạng cống xế phổ. Tôi thử dịch bài Ám hương này theo cách thứ ba, theo nhạc phổ đã được Lý Miễn khảo đính và dịch ra ký hiệu nhạc phương Tây từ bản nhạc phổ trên. Đây là bản thử nghiệm vì tôi không có đoan chắc là phần chuyển ngữ ra tiếng Việt có đủ tốt để có thể hát được. Rất hy vọng được nghe góp ý và nhận xét để có thể rút kinh nghiệm cho những thể nghiệm khác trong quá trình phiên dịch từ ra tiếng Việt.
Am Huong
Đây là bản nhạc Ám hương do Lý Miễn xướng hát

7 comments:

  1. Không nghe được mp3 bác ạ. Bị lỗi

    ReplyDelete
  2. "Thông thường người ta hay bàn về tính thơ của từ và bỏ qua phần nhạc của nó". Không hẳn như vậy đâu ạ.
    Ai quan tâm đến "từ" đều biết rằng "từ" có mối liên hệ chặt chẽ đến nhạc, thậm chí là nhạc qui định "từ". Tuy nhiên vì nhiều lí do (trong đó có sự phân nhánh của từ, có một dòng tự thoát khỏi ảnh hưởng của nhạc để tiến gần đến thi ca), đến cuối thời Nam Tống (1127-1279),từ nhạc đã mai một và thất truyền.
    Theo luận văn Thạc sĩ của một người chuyên nghiên cứu về từ mà cháu biết thì "đến cuối thời Minh (1368-1661),hầu như không còn mấy người hiểu được hệ thống âm nhạc của từ. Việc làm từ khi đó chủ yếu là mô phỏng thể thức các tác phẩm vốn có. Điều này gây nhiều khó khăn và dễ nhầm lẫn. Để khắc phục nhược điểm đó, Trương Diên (thế kỉ XVI) làm ra sách Thi dư đồ phổ, khái quát các đặc điểm hình thức của một số điệu từ thành khung cách luật (sách loại này sau gọi chung là từ phổ. Từ phổ đặc biệt phát triển và hoàn bị vào thời Thanh). Sự xuất hiện của từ phổ làm thay đổi tính chất của việc tác từ. Khi có sách về từ phổ, người làm từ không cần phải mô phỏng sáng tác của các nhà trước đó, không cần phải hiểu từ nhạc cũng có thể làm từ, từ chỗ phải dựa vào nhạc để viết lời (tức ỷ thanh điền từ, thẩm âm điền từ, tiên nhạc hậu từ) chuyển sang dựa vào khung cách luật sẵn có để viết lời (tức án phổ điền từ). Đến đây, từ đã trở thành một dạng thức thơ ca cách luật. Sự mai một của từ nhạc và sự xuất hiện của từ phổ còn làm nội dung phản ánh và phong cách nghệ thuật của từ có những biến đổi quan trọng".
    Vì vậy khi dịch từ, không phải là người dịch không ý thức được phần nhạc của từ mà là người dịch sẽ hoàn toàn bất lực nếu như trong tay không có Từ phổ của nó....
    Riêng bài Ám hương của Khương Quỳ vẫn lưu giữ được nguyên vẹn Nhạc phổ là một điều rất lạ....

    ReplyDelete
  3. Cháu đã kiểm tra lại, trong cuốn "Cổ thi từ văn ngâm tụng" (Tác giả: Trần Thiếu Tùng, Xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã), trang 118 có viết đại ý rằng: những khúc nổi tiếng của Khương Quỳ như "Hạnh hoa thiên ảnh", "Dương Châu mạn", "Ám hương" đã được Dương Âm Lưu tiên sinh dịch phổ.
    Bản nhạc phổ của bài "Ám hương" mà cháu thấy in trong cuốn này khác với bản của Lý Miễn, bác ạ....

    ReplyDelete
  4. Tôi lại chỉ có bản phổ bài Dương châu mạn của Dương Ấm Lưu, còn bản Ám hương lại không có để so sánh. Tôi tra trên CADAL thấy có cuốn Tống Bạch Thạch sáng tác ca khúc của Dương Ấm Lưu và Âm Pháp Lỗ, nhưng họ đòi VIP login mới được đọc.

    ReplyDelete
  5. Dạ, cháu cũng chỉ muốn chia sẻ với bác một thú ngâm ngợi tao nhã ạ....

    ReplyDelete
  6. À tôi vừa mới tìm được quyển Cổ thi từ văn ngâm tụng của Trần Thiếu Tùng. Google vĩ đại thật, tra một cái có ngay ebook. Tôi xem bản phổ bài Ám hương của Dương Ấm Lưu trong đấy thì thấy về cơ bản không khác nhiều bản của Lý Miễn, chỉ cần dịch nốt sol trong bản của Dương Ấm Luu xuống nốt re là thành bản của Lý Miễn. Tuy nhiên cũng có chỗ khác chút ít, như nốt si ở chữ "sắc" ở bản họ Dương là nốt đen với 1 chấm và tiếp là dấu nghỉ, còn ở bản của Lý Miễn là nốt trắng, thực ra chỉ là lúc hát ngân chữ "sắc" dài thêm một chút.

    ReplyDelete
  7. Xin copy của bác tiếp bổ sung cho nó phong phú :p

    ReplyDelete