Wednesday, January 9, 2008

Phân tích âm nhạc trong một bài từ

Đặc điểm chính của một bài từ là âm nhạc. Làm thế nào để phân tích âm nhạc trong một bài từ? Levis trong cuốn Foundations of Chinese musical art có đề ra cách phân tích âm nhạc trong một bài từ. Ở đây tôi sẽ lược thuật lại cách phân tích của Levis qua một ví dụ trong cuốn sách của ông. Bài từ được phân tích là bài từ Đông pha dẫn của Tào Quán. Bài từ này có lời như sau:

1. Lương tiêu sinh ngọc vũ.
2. Hoàng hoa hiểu ngưng lộ.
3. Đinh bình ngạn liễu thu tương mộ.
4. Đăng cao khai yến trở.
5. Truyền bôi hưng dật,
6. Phân vịnh đắc cú.
7. Tư hi mã, thường hoài cổ.
8. Đông ly hậu tửu nhân hà xứ.
9. Phương tôn tu tống dữ.

Khúc phổ của bài từ này được lấy từ quyển Toái kim từ phổ:

Photobucket

Ở mỗi chữ của bài từ phía bên phải ghi nốt nhạc theo kiểu cống xế phổ, và phía bên trái ghi thanh của chữ. Tiếng Hán có bốn thanh: bình, thượng, khứ, nhập. Với cách viết bằng chữ Quốc ngữ, các thanh có thể dễ dàng xác định và thực sự không cần phần phổ ghi thanh. Các chữ không có dấu và thanh huyền thuộc về bình thanh, dấu hỏi và ngã thuộc về thượng thanh, dấu sắc và nặng không kết thúc bằng phụ âm c,ch,t,p thuộc về khứ thanh, và kết thúc bằng c,ch,t,p thuộc về nhập thanh. Trong bài từ trên, chữ "liệu" (蓼) ở câu thứ 3 vốn thuộc về khứ thanh, nhưng bản ở Toái kim từ phổ lại ghi là thượng thanh, nên tôi phiên âm thành "liễu" để thuộc thượng thanh. Levis ký hiệu mỗi thanh bằng dấu như sau: _ là bình thanh, thể hiện âm sắc ngang bằng, / là thượng thanh thể hiện âm sắc đi lên, \ là khứ thanh thể hiện âm sắc đi xuống và x là nhập thanh, thể hiện âm sắc lên rồi xuống. Các nốt ghi bằng ký hiệu cống xế có thể dịch ra thang 12 bán cung luật lữ Hoàng chung, và từ đấy có thể đối chiếu với thang sol-la của âm nhạc phương Tây, như bảng sau
Photobucket
Bảng đối chiếu các nốt nhạc này không mang tính cố định. Nó chỉ mang tính so sánh quãng giữa các nốt nhạc cống xế và các nốt nhạc sol-la. Tùy từng điệu thức mà các nốt cống xế có thể định vị với các nốt sol-la. Levis đã định vị nốt hồ (合) với nốt do (C) để đối chiếu. Đối với bản nhạc phổ nhất định nào đó sự định vị này có thể bị dịch chuyển. Như vậy ví dụ chữ "vũ" (宇)ở câu đầu tiên trong bài từ trên có thể dịch như sau

Photobucket

Với cách làm như vậy chúng ta sẽ thu được bản nhạc tương ứng cũng như biểu đồ âm sắc của thanh. Ví dụ hai câu đầu tiên của bài từ có cấu trúc phổ như sau

Photobucket

Ở đây dấu tròn trắng chỉ thanh bằng và dấu tròn đen chỉ thanh trắc. Ta thấy giữa nhạc và thanh nhìn chung có sự đồng bộ, ngoại trừ chữ "hiểu" ở câu thứ hai có sự lệch pha giữa phần nhạc và thanh. Chữ "hiểu" thuộc thượng thanh, âm sắc đi lên, trong khi nốt nhạc lại có hướng đi xuống. Đây là điểm không đồng bộ giữa nhạc và thanh. Phân tích như trên ta sẽ thấy toàn bài từ có cấu trúc giữa nhạc và thanh như sau
Photobucket

Nhìn chung chỉ có câu thứ hai và câu thứ ba có chỗ bị lệch pha giữa thanh và nhạc, chữ "hiểu" ở câu hai, và chữ "liễu" ở câu ba. Nhưng nếu để ý thì âm Hán-Việt của chữ "liễu" vốn là "liệu" thuộc khứ thanh như đã nhận xét ở trên. Khứ thanh có âm sắc đi xuống và điều này lại cho thấy sự tương đồng giữa thanh và nhạc ở đây. Phân tích chi tiết hơn có thể tìm thấy các mẫu nhạc trong bản từ này. Như vậy, nếu có khúc phổ của các bài từ viết ở dạng cống xế phổ như trong Toái kim từ phổ hay Cửu cung đại thành chúng ta có thể phiên dịch các khúc từ này sang dạng nhạc lý phương Tây và có thể phân tích tính chất âm nhạc trong các bài từ đấy.

2 comments: