Friday, October 5, 2007

Ôn Đình Quân: Thương sơn tảo hành

商山早行

晨起動征鐸
客行悲故鄉
雞聲茅店月
人跡板橋霜
槲葉落山路
枳花明驛牆
因思杜陵夢
鳧雁滿迴塘
溫庭筠

Thương sơn tảo hành

Thần khởi động chinh đạc
Khách hành bi cố hương
Kê thanh mao điếm nguyệt
Nhân tích bản kiều sương
Hộc diệp lạc sơn lộ
Chỉ hoa minh dịch tường
Nhân tư Đỗ Lăng mộng
Phù nhạn mãn hồi đường
Ôn Đình Quân


Sớm đi ở Thương sơn

Mờ sớm chuông khua rộn
Người đi thương cố hương
Điếm tranh gà gáy nguyệt
Cầu ván khách in sương
Lá hộc rụng rơi lối
Hoa gai rực rỡ tường
Đỗ Lăng hoài giấc mộng
Le nhạn đầy đê đường.
(Đông A dịch)

Bài thơ này tôi dịch cũng đã lâu rồi. Trong hoài niệm về thời gian đã mất tôi lục tìm lại. Tôi dịch bài thơ này vì có một lý do rất đơn giản. Tôi không tìm thấy bài thơ này trong các quyển sách về Đường thi tiếng Việt mà tôi được đọc. Tôi không biết tại sao người ta lại không đưa bài thơ này vào các quyển sách đó. Giở các quyển sách đó bao giờ cũng thấy "Giang hải tương phùng khách hận đa", đọc mãi phát chán. Tôi đọc truyện Kiều, biết được câu thơ "Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương" từ câu thơ của Ôn Phi Khanh. Tôi lại càng ngạc nhiên, sao bấy lâu nay đọc truyện Kiều mọi người thấy chú giải "Kê thanh mao điếm nguyệt / Nhân tích bản kiều sương" là đầy đủ, thỏa mãn hay sao? Tôi muốn biết nhiều hơn. Tôi muốn biết cả bài thơ có hai câu thơ đấy. Lúc đấy chưa có Google, chưa có Toàn Đường thi bản điện tử, tìm được bài thơ này của Phi Khanh không dễ chút nào. Một lần lang thang trên mạng, tôi tìm được bản chữ Hán của bài thơ này. Tôi không còn nhớ ở trang nào, nhưng là một trang giới thiệu các nhà thơ thời Đường, tuyển chọn khá nhiều, nhiều hơn Tam bách thủ. Tôi dịch bài thơ này khá nhanh. Bản dịch lần đầu tôi đã dịch "Cầu ván người in sương". Trong cảm thụ của tôi, "Cầu ván người in sương" đọc lên nhịp điệu rất êm dịu, tuy thanh của tiếng "người" và "tôi" cùng thanh bằng, hơi trái luật thanh hài hòa thông thường. Sau đó bản dịch được lưu trữ trên mạng ở một nơi, mà giờ tôi không nhớ là các bạn ở đấy biết được bản dịch của tôi từ nguồn nào. Một bạn phụ trách ở đấy đã đề nghị tôi sửa lại chữ "người" thành chữ "khách". Tôi đã đồng ý sửa lại, thành bản dịch như ngày nay, vẫn còn lưu trong cõi ảo này.

No comments:

Post a Comment