Saturday, February 7, 2009

Một số âm Việt trong Trần Cương Trung thi tập

Photobucket


An Nam tức sự
của Trần Phù được chép trong Trần Cương Trung thi tập. Đây là tập ký sự ghi chép của Trần Phù khi sang sứ Việt Nam vào thời nhà Trần. Trần Phù có ghi lại một số âm tiếng Việt bằng chữ Hán để làm ví dụ miêu tả âm tiếng Việt. Trong Kiến văn tiểu lục Lê Quý Đôn có chép lại những ghi chép này của Trần Phù. Đối chiếu bản Trần Cương Trung thi tập được chép trong Tứ khố toàn thư thì bản Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn lại chép chính xác hơn. Không biết Lê Quý Đôn có hiệu đính lại khi chép hay bản Giao châu thi tập của Trần Phù mà Lê Quý Đôn chép chính xác hơn bản trong Tứ khố toàn thư. Điều này cũng dễ hiểu vì những người biên soạn Tứ khố toàn thư có thể không biết tiếng Việt nên có thể đã chép không đúng và không biết để hiệu đính lại. Ví dụ, bản Tứ khố toàn thư chép "trời" được nói là "bột vị", trong khi Kiến văn tiểu lục chép là "bột mạt". Chữ "vị" (未) và chữ "mạt" (末) khá giống nhau nên có thể chép nhầm. Bản Tứ khố toàn thư chép "đất" được nói là "yên" (烟), trong khi bản Kiến văn tiểu lục chép là "đát"(怛). Rõ ràng âm "đát" chính xác hơn âm "yên". Hai chữ này viết rất khác nhau và không rõ tại sao lại nhầm lẫn đến vậy. Nhưng cũng có thể nhận thấy Tứ khố toàn thư đã chép từ bản không được tốt vì đã để khuyết cách nói chữ "mây". Ngoài ra cũng phải nói rằng những ghi chép về ngữ âm của Trần Phù cũng chỉ tương đối vì đây không phải là ghi chép chính âm hay thiết âm. Khó có thể lấy những ghi chép này của Trần Phù để phục hồi lại cách phát âm của người Việt thời Trần.

1 comment:

  1. Cám ơn bác vì entry thú vị này.
    Xin góp thêm một giả định với bác về chữ thiên/nhật được ghi bằng "bột mạt(vị)". Theo tôi, có lẽ cả Tứ khố toàn thư và Kiến văn tiểu lục đều chép nhầm, chữ này có lẽ là chữ "lai" 来 hoặc "lỗi" 耒. Bởi chữ "giời" (= thiên/nhật) trong tiếng Việt cổ có âm là "blời". Từ điển Việt-Bồ-La thế kỷ 17 còn ghi cách phát âm này.
    "bột lai" hoặc "bột lỗi" thì gần với "blời" hơn "bột mạt/vị".
    Nếu đúng thế, thì phải nói là Lê Quý Đôn tôn trọng bản chép, không đính chính lại. (Ngầm định bản của LQD là đúng như ông viết, không phải tam sao thất bản).
    Ngoài ra, ghi chép của Trần Phù chỉ lẻ tẻ vài chữ, nên không thể dựa vào đó phục hồi cách phát âm của người Việt thời Trần. Giả như ông viết hẳn thành một cuốn từ điển (như An-nam dịch ngữ đời Minh chẳng hạn), thì hoàn toàn có thể tái lập cách phát âm cổ đời Trần.
    (Nhưng có lẽ cách phát âm thế kỷ thứ 14 cũng không khác nhiều so với thế kỷ 15-16. Giai đoạn này có thể dựa vào cuốn An nam dịch ngữ để tái lập. Gs Vương Lộc có chuyên khảo về cuốn này).

    ReplyDelete