Saturday, January 17, 2009

Thư pháp "Sắc xuân"

Tôi luôn cảm thấy khó khăn khi thưởng thức thư pháp. Đọc các tiểu thuyết khi viết về thư pháp cảm thấy rất thích thú. Nào là bức thư pháp như cho thấy uất hận trào ra đầu ngọn bút, nào là như một đường kiếm tuyệt luân [đường kiếm như thế nào là một đường kiếm tuyệt luân? đây là một sự so sánh giữa cái hai cái đều chưa biết và chưa hiểu]... Nhưng quả thật là đọc thế biết thế chứ tôi chưa từng được nhìn thấy một bức thư pháp nào cho tôi cảm giác uất hận trào ra đầu ngọn bút hay cảm xúc nào đó trào ra đầu ngọn bút, hay đơn giản nhất là mực đen trào ra đầu ngọn bút. Có thể tôi thực sự không cảm được thư pháp.

Như vậy hẳn thưởng thức thư pháp là thưởng thức tâm trạng của người viết chữ qua nét chữ, con chữ và nghĩa chữ. Người thưởng thức tái tạo lại cảm xúc của người viết chữ qua những gì được thể hiện trên bức thư pháp, cả về hình họa lẫn ngữ nghĩa văn chương. Nhưng có điểm rất không rõ ràng là cái cảm xúc tái tạo đó không có bất cứ một minh chứng nào để cho thấy nó đích thực là cảm xúc của người viết chữ, thậm chí nó có thể không duy nhất và cũng có thể biến đổi theo thời gian, theo tâm trạng của người thưởng thức. Có nghĩa đây chính là sự mù mờ, bất định, tiên nghiệm của nghệ thuật, những điều luôn đem lại cho tôi cảm giác bất an về nghệ thuật. về sự cáo chung của nó. Trái với nghệ thuật, khoa học luôn đem lại cho tôi cảm giác yên tâm, bình ổn vì tính logic, tính chặt chẽ và tính tiến hóa của nó.

Tôi tới Viện Hán Nôm xem triển lãm thư pháp Sắc xuân. Đây là một cuộc trưng bày nhỏ về thư pháp. Có độ khoảng hơn chục tấm thư pháp. Tôi không đếm chính xác, ước lượng như vậy. Nơi triển lãm xen lẫn các hoạt động khác của Viện Hán Nôm như trả tiền nhuận bút các bài viết đăng tạp chí nào đó của Viện. Có bàn viết để tác giả (tôi đoán thế) viết thư pháp cho khách tham quan. Có một điều tôi không thích lắm là một số bức thư pháp được viết trên giấy đỏ. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không thích thư pháp mực đen giấy đỏ. Tôi thấy chúng tẻ nhạt. Tôi rất khó hình dung bức thư pháp mực đen giấy đỏ có thể treo trong nhà trừ trên bàn thờ. Tôi vẫn thích thư pháp viết trên lụa, hay trên giấy không có màu đỏ. Tôi không biết sau cuộc triển lãm các bức thư pháp viết trên giấy đỏ sẽ đi đâu, nhưng nếu vứt đi thì rất phí công sức, nhưng để công chúng mua thì cũng rất khó vì màu đỏ rất khó treo trong nhà. Tôi nghĩ vậy nhưng cũng có thể là tôi sai. Tôi nghĩ tới tính thương mại của nghệ thuật. Nghệ thuật và thương mại luôn mâu thuẫn với nhau, nhưng nghệ thuật không bán được là nghệ thuật có nguy cơ chết. Cuộc triển lãm không đề giá tiền các bức thư pháp, nên tôi không rõ các bức thư pháp trưng bày không bán hay có bán mà không đề giá. Tôi rất không thích kiểu báo chí hay viết xin chữ, cho chữ. Thậm chí có lần tôi đọc ở đâu đó một bài báo phóng viên kể chuyện tới nhà một nhà thư pháp nổi tiếng xin chữ, nhà thư pháp này bảo anh phóng viên thắp hương lên bàn thờ xin chữ. Tôi đọc mà phì cười vì sự huyền hoặc mà dường như pha màu bịp của nó. Tôi không hiểu tại sao lại có cái cơ chế xin - cho ở đây. Đấy không phải là một thứ lễ hay là một thứ phong cách. Tác giả và người mua cần phải bình đẳng trong thương vụ nghệ thuật. Nhưng ở đây có một điểm khuyết rất lớn trong thẩm mỹ thư pháp của xin -cho. Khi tôi xin một nhà thư pháp nào đấy viết cho chữ nào đấy, thì ngữ nghĩa của bức thư pháp do tôi xác định, còn thể hiện đường nét, cảm xúc viết lại do nhà thư pháp xác định. Như vậy bức thư pháp bị xé ra làm hai, cảm xúc ngữ nghĩa thuộc về tôi, cảm xúc hình họa thuộc về người viết chữ. Liệu người cho chữ có đồng cảm xúc với người xin chữ không? Khi viết chữ, người cho có cảm xúc như thế nào, có cùng mỹ cảm với người xin không? Tôi thấy rất khó có thể đồng cảm xúc.


Photobucket

Đây là một bức thư pháp tôi chụp trong triển lãm Sắc xuân. Chữ Long, Hiện long tại điền. Hiện long tại điền là hào thứ hai của quẻ Kiền, thể hiện khí thế đang lên của một con rồng như mặt trời lúc bình minh. Tôi có nhìn thấy con rồng đang bay lên không? Tôi có nhìn thấy cảm xúc của tác giả lúc viết không? Phần bên phải của chữ Long là hình ảnh con rồng bay. Phần bên trái là chữ nhục và chữ lập của chữ đồng được coi là hài âm của chữ long [tôi không chắc giải tự này có chuẩn không, nhưng hình ảnh con rồng đúng ở phần bên phải]. Thực ra tôi không thích chữ nhục viết không cân, nhưng có lẽ đây là ý đồ thẩm mỹ của người viết chữ, muốn tạo ra chút đăng đối với đuôi rồng. Một con rồng cong đuôi bò trên một cái bục, tôi hình dung như vậy. Tôi có gắng thử tìm nét chữ của tác giả, nhưng không nhìn ra. Dường như tác giả đã không viết chữ Long mà là viết rồi tô chữ Long. Đây cũng là điểm mà tôi không thích. Viết là viết chứ không phải là tô. Khi tô chữ cảm xúc của người tô như thế nào? Một công việc lặp đi lặp lại, tuy tỉ mẩn nhưng không có cảm hứng. Một con rồng bay phải là một con rồng cảm hứng.

9 comments:

  1. Vâng, em cũng có cùng quan điểm với bác, chữ Long này giống kẻ chữ cổ động chứ chẳng có chút khoáng đạt nào của thư pháp cả.

    ReplyDelete
  2. Nhân bài của bác em có sắp xếp lại chút hiểu biết ít ỏi, mời bác cho ý kiến bên blog :)

    ReplyDelete
  3. Đọc bài này của bác, đặc biệt đoạn nói về "xin chữ", em lại nhớ đến truyện ngắn "Xin chữ cụ nghè" của Nguyễn Công Hoan, và không nhịn cười được.

    ReplyDelete
  4. Anh xem chữ Long em post thế nào?

    ReplyDelete
  5. Tôi thấy nét bút có khí lực rắn rỏi vững trãi. Nhưng tôi cảm thấy đây là một con rồng tranh bá đồ vương. Về mặt bố cục đây không phải là một sáng tạo mới (xem http://www.gxcznews.net/uploadpic/2008/04/18/812f153d2b05d2c831d0acb484b5eb9a.jpg )
    Tôi nghĩ bức thư pháp này thích hợp treo ở nơi công sở hơn là treo ở tư gia.

    ReplyDelete
  6. Chưa bao giờ lão yêu thư pháp "bành trướng" huống hồ thư pháp quốc ngữ "gà bới". Theo lão nên dẹp cái trò này đi.

    ReplyDelete
  7. cám ơn bác Đông A đã đến thăm triển lãm. Về chữ Long tôi viết đúng là có điểm xuyết lại các góc cạnh, cho nên nó thiếu khí cốt, và không thể hiện được xương ngạnh, mạnh mẽ..... nên phần bác bình ở dưới, tôi không bao biện gì! hiiiii...... Vả tôi cũng định viết theo kiểu đăng đối, thực chủ ý của người viết cũng có cái ý như thế. Phần này bác hiểu, vì phần dưới bài bác viết rất phù hợp ý này. Về bài viết của bác rất hay. Như phần xin cho, tôi ví dụ người xưa, khi xin chữ có thể đến xin không mang theo gì, có thể đem con gà, nải chuối, bơ gạo, chai rượu đến cảm ơn thầy, là tình cảm, nhưng cũng là.... kiểu trao đổi giá trị. Dĩ nhiên thầy đồ được trọng hơn ngày nay....
    Hệ thống tác phẩm triển lãm ở Viện nghiên cứu Hán Nôm có những điểm, tôi nghĩ bổ sung vào bài viết của bác như sau:
    - ngũ thể được đưa vào viết cho chữ Nôm, đây là điều chưa bao giờ triệt để và có ở các triển lãm khác từ trước tới nay trên cõi đất này một cách quy mô và tử tế, viết ĐẸP.
    - thứ nữa là hệ thống tác phẩm gồm hơn 40 bức chứ không phải hơn mươi bức như bác viết, trong đó bản thân tôi chuyên viết thể chữ Lệ, cho một số bài thơ của các tác giả trung đại như Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du....
    - và một điều nữa, bác đến thăm triển lãm, thăm chúng tôi mà cũng chẳng cho chúng tôi được tiếp một li rượu, hoặc chăng cho anh em được mời một chén trà!.....

    ReplyDelete
  8. Oh! Nhời thưa lại của Thiền Phong thật thanh nhã và thành ý. Bác Đông A lai vô ảnh khứ vô hình, chẳng thể cầu gặp mà được. Thôi đành qua lại đây chơi, thấy cảnh mà tưởng đến người vậy!
    Bác cũng có nhời thưa với Thiền Phong thật ý vị quá. Quả thực mùa xuân đã đến rất gần!

    ReplyDelete
  9. Tôi cũng không đếm, chỉ ước lượng số bức thư pháp. Lúc tôi đến xem chỉ thấy có một bác đang viết chữ mà các em xinh tươi đang xúm xung quanh, xông lại làm quen thì ngại quá :-) [Ai bảo thầy đồ ngày nay không được trọng? Ít nhất tôi thấy các ông đồ ngày xưa làm gì có các em xinh tươi vây quanh]

    ReplyDelete