Friday, December 12, 2008

Thơ Viên Mai: Ký đắc

Trong Tiểu Thương sơn phòng thi tập của Viên Mai có bài thơ Ký đắc như sau:

Ký đắc
Ký đắc nhi thời ngữ tối cuồng
Lập danh tối tiểu thị văn chương
Nhi kim bát thập bình đầu hĩ
Do vị văn chương trấn nhật mang
Viên Mai

Nhớ lại
Nhớ lúc trẻ con nói cực ngông
Nên danh thường lắm chuyện văn chương
Mà nay tám chục còn chân đất
Ngày hết văn chương vẫn vấn vương
(Đông A phiên âm và dịch thơ)

Bài thơ này bình thường, không có gì đặc sắc. Nhưng qua bài thơ có thể hiểu rất rõ câu thơ của Viên Mai làm lúc còn nhỏ: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch / Lập danh tối tiểu thị văn chương. Bài Ký đắc được Viên Mai làm vào lúc đã về già. Ông nói rất rõ ràng rằng lúc trẻ con (cước chú nói rằng ông lúc đấy 13 tuổi) ông đã phát ngôn rất ngông: lập danh tối tiểu thị văn chương. Một câu thơ ngông cuồng chỉ có thể hiểu được rằng ông đã cho lập danh bằng văn chương là chuyện nhỏ nhoi, tầm thường, không đáng, tức là một thứ công danh quèn và hèn. Đối với người xưa công danh luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông hay Không công danh thời nát với cỏ cây. Và đối với họ văn chương không phải là một sự nghiệp làm nên công danh. Thơ văn có thể dùng để tu dưỡng, tâm sự hay nói nên chí của mình, nhưng không bao giờ là một sự nghiệp. Điều này rất minh bạch với người xưa. Ngay cả Đỗ Phủ có viết: văn chương thiên cổ sự / đắc thất thốn tâm tri thì câu thơ này cũng chỉ nói rằng chuyện văn chương được mất chỉ có tấc lòng hay. Nó không nói rằng văn chương là một sự nghiệp công danh ở đời. Có nhiều người cho rằng lập ngôn là làm thơ hay viết văn. Tôi cho rằng hiểu như vậy là không chính xác. Lập ngôn là một thứ lập thuyết của mình, là định hình về tư tưởng, về nhận thức, về quan niệm cuộc sống của mình. Có thể nói câu thơ Lập danh tối tiểu thị văn chương đã ám ảnh suốt cuộc đời của Viên Mai. Khi viết Tùy viên thi thoại ông đã nhắc tới. Đến khi già lão ông lại nhớ tới nó và ông nhận ra rằng công danh không phải là thứ dễ có được ngay cả bằng văn chương. Phan Bội Châu đã hiểu rất chính xác câu thơ của Viên Mai.

Photobucket

No comments:

Post a Comment