Saturday, November 15, 2008

Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa

Photobucket

Khi leo lên đỉnh núi Cao Vĩ tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Đỗ Phủ "Vạn lý bi thu thường tác khách / Bách niên đa bệnh độc đăng đài / Gian nan khổ hận phồn sương mấn / Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi", nơi xa vạn lý nỗi buồn mùa thu luôn tác động lên những người khách tha hương, già cả lắm bệnh đơn độc leo lên đài, gian nan khổ hận làm tóc bạc bời bời, say sưa không hợp với tuổi già vất vả mới dừng chén rượu đục. Tôi không biết Tử Mỹ làm bài thơ này khi nào, nhưng chắc là làm lúc đã về già. Cuộc đời của ông luôn vất vả, gian lao, hiếm có những khoảng thời gian thong dong nhàn tản. Những câu thơ của ông đẹp không theo kiểu mỹ lệ, cẩm tú. Những câu thơ của ông đẹp theo kiểu gian khó của cuộc đời, ngấm vào câu thơ là trải nghiệm nhân sinh. Câu thơ của ông như gan ruột cuộc đời. Người ta bảo rằng người tuổi trẻ không thích đọc thơ Tử Mỹ, tôi không biết có phải không, nhưng tôi lại đang nhớ tới câu thơ của ông. Tôi lên đỉnh Cao Vĩ để ngắm mùa thu đang tới. Đỗ Mục có câu thơ: "Đình xa tọa ái phong lâm vãn / Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa", dừng xe vì yêu thích cảnh rừng phong vào lúc xế chiều, lá gặp sương đỏ như hoa tháng hai. Mục Chi leo núi có xe, thật ung dung nhàn hạ. Câu thơ của Mục Chi cũng đẹp, nhưng là cái đẹp hoa mỹ. Chữ "hồng" trong câu thơ của ông rất đẹp, vừa chỉ màu đỏ của lá, vừa chỉ vẻ đẹp của rừng phong. Hoa tháng hai không nhất thiết phải màu đỏ, lá mùa thu của rừng phong không nhất thiết phải đỏ hơn hoa tháng hai. Chữ "hồng" trong câu thơ của Mục Chi là để nói rằng lá mùa thu đẹp hơn hoa tháng hai. Đó là nói về đẹp chứ không hẳn là nói về màu sắc. Chữ "sương" cũng thật lạ lùng. Đi với lá (sương diệp) thì tạo ra vẻ đẹp, đi với tóc (sương mấn) thì lại tạo ra già khổ. Thực ra cũng làm sao mà biết được cây lá có đau không khi sương nhuộm lá. Cái đau khổ của vật này nhiều khi lại tạo ra vẻ đẹp cho vật khác thưởng thức. Không biết có phải là bất công không, nhưng tạo hóa lại như vậy. "Uu tư chi để sầu mây nước"? Tôi nghe người ta nói rằng để đỡ mệt khi leo núi vừa đi vừa niệm phật, phật sẽ phù hộ cho đôi chân dẻo dai, tinh thần phấn chấn. Tôi lại khác, vừa đi vừa nghĩ tới những câu thơ. Tôi không biết người xưa làm ra những câu thơ khi nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, nhưng mỗi nơi tôi đi qua tôi như có cảm tưởng rằng chính nơi đây những câu thơ đấy được làm ra. Những câu thơ như xuyên qua thời gian, xuyên qua địa điểm và xuyên qua cả lòng người.

Photobucket

5 comments:

  1. Lá chuyển màu sang đỏ là bắt đầu sự chết của lá bác ạ, thường rất nhanh vào khi ngày nắng đêm sương lạnh, cho nên có thể coi là nó đau. Để lúc nào tôi sẽ viết một entry về lá chuyển đỏ.

    ReplyDelete
  2. Vâng tôi tự chụp.

    ReplyDelete
  3. Ảnh của bác Đông A tự chụp đó à? Đẹp nhỉ.

    ReplyDelete
  4. "Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi" chữ "tân đình" dịch là "mới dừng", trùng hợp phải không bác ?

    ReplyDelete
  5. "Người ta bảo rằng người tuổi trẻ không thích đọc thơ Tử Mỹ, tôi không biết có phải không, nhưng tôi lại đang nhớ tới câu thơ của ông"(Dong A). Khi là sinh viên năm thứ nhất đọc bài thơ này tôi cũng rất thích, thấm vào tâm can tới mãi ngày nay. Khi yêu quý bài thơ này tôi cũng đang là người tuổi trẻ.

    ReplyDelete