Sunday, November 23, 2008

Lục nghĩa viên

Photobucket
Điền hạc kiều trong Lục nghĩa viên

Khu vườn được đặt tên theo thi pháp của thơ cổ điển. Lục nghĩa là phú, tỷ, hứng, phong, nhã, tụng. Khu vườn có tên như vậy vì nó được thiết kế để thưởng ngoạn như một bài thơ. Kiến trúc vườn phương Đông rất khác kiến trúc vườn phương Tây. Ở các khu vườn phương Tây có thể nhận thấy các cấu trúc đăng đối, cân xứng. Các khu vườn phương Đông được thiết kế theo những tiểu cảnh như một thu gọn của tự nhiên. Vườn phương Tây đẹp theo kiểu lý trí, còn vườn phương Đông đẹp theo kiểu tình cảm. Vườn phương Tây như một cuốn tiểu thuyết, còn vườn phương Đông như một bài thơ. Tôi nghĩ những điểu này khi dạo chơi ở Lục nghĩa viên. Tôi không biết có những đoản ca nào đã là niềm cảm hứng cho Lục nghĩa viên. Hẳn phải là những đoản ca đẹp vì những tiểu cảnh của khu vườn như những câu thơ. Tôi định thử làm thơ xem thế nào nhưng lại nghĩ rằng mình chẳng có tài năng thơ, thơ của mình sẽ chẳng khác nào những vết bùn trát lên một bức tranh. Phong cảnh nên thơ nhưng không có tài cũng là một nỗi thiệt thòi ngậm ngùi mà không biết phải làm sao.

Người xưa "xuân du phương thảo địa, hạ thưởng lục hà trì, thu ẩm hoàng hoa tửu, đông ngâm bạch tuyết thi". Mùa thu người xưa chỉ uống rượu hoa cúc, say sưa ngồi bên song cửa ngắm bầu trời xanh thăm thẳm, lặng nghe xem đã có tiếng sếu bay qua chưa. Mùa thu như là mùa nhớ tới lúc đã phải về nhà, về đi thôi, "quy khứ lai", sau những tháng ngày lăn lộn với đời. Một khóm cúc bên song như một gia đình yên ấm êm ả trong một buổi chiều thu. Tôi khác với người xưa, mùa thu như giục giã lên đường. Lang thang trên những nẻo đường nơi chốn như cố lưu giữ lại một khoảnh khắc trời thu, vừa tới rồi lại sẽ đi như một sự xê dịch chẳng bao giờ dừng lại một chỗ.

Một câu thơ là phú, là tỷ hay là hứng? Một bài thơ là phong, là nhã hay là tụng? Mùa thu như một thi nhân đang sáng tác những câu thơ của đất trời. Thu - bài thơ của tự nhiên đó là thi pháp gì trong lục nghĩa mà khiến nao nao lòng người?


Photobucket
Điền hạc kiều vào buổi tối

3 comments:

  1. oh , (xin lỗi) nhưng tôi lại thấy cái vườn này có vẻ "nhân tạo" hì . Người lố nhố ( như kiểu đầm sen ấy). Hình hai giá mà ánh sáng không phải ánh đèn mà là do ánh trăng bàng bạc thì tôi lại nhớ đến bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế
    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
    Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
    Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

    ReplyDelete
  2. Vườn thì bao giờ cũng là nhân tạo. Chỉ có rừng mới tự nhiên thôi. Vườn giống như thơ, nhạc, họa đều là những thứ do con người làm ra, và thưởng ngoạn vườn cũng như thưởng ngoạn một nghệ thuật và không phải là thưởng ngoạn tự nhiên. Đông người vì ai cũng muốn ngắm lá đỏ và cái đình ngồi ngắm chỉ chứa được khoảng 20 người. Cái vườn này vốn là của một gia đình, về sau mới hiến cho công cộng, nên không tính được tình huống đông người ngắm cảnh.

    ReplyDelete
  3. cám ơn lời giải thích của anh, nhưng hình như anh hiểu lầm ý tôi . Tôi nói chữ "nhân tạo" là để trong nháy nháy , ở đây mang ý nghĩa "thương mại" , "hiện đại" chứ không mang vẻ...vì tôi thấy bức hình (với tôi) không đẹp, người đứng lố nhố. Có lẽ tôi dùng chữ chia chính xác

    ReplyDelete