Friday, October 31, 2008

Khi quyền lực bị lạm dụng

Câu chuyện trong bộ phim Cuộc sống của những người khác có thể nói được khởi động bằng ham muốn chiếm đoạt một nữ diễn viên kịch của viên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đông Đức. Nữ diễn viên kịch là vợ của nhà soạn kịch, một trí thức Đông Đức. Viên Bộ trưởng nghĩ rằng nhà soạn kịch dễ có tư tưởng thân phương Tây nên đã yêu cầu cơ quan an ninh Đông Đức theo dõi nhà soạn kịch hòng tìm ra chứng cứ để kết tội nhà soạn kịch. Nếu nhà soạn kịch bị bắt, y sẽ dễ dàng gây áp lực và chiếm đoạt được nữ diễn viên. Những bi kịch cuộc đời khởi phát từ đây, từ dục vọng của một quan chức, từ lạm dụng quyền lực của y, từ hành xử không theo luật pháp của cơ quan an ninh. Viên mật vụ, người được giao nhiệm vụ theo dõi nhà soạn kịch, trong một tình thế không liệu trước, đã trỗi dậy thiện tâm và tìm cách bảo vệ gia đình nhà soạn kịch. Những cố gắng của y, rốt cuộc, cũng chỉ bảo vệ được nhà soạn kịch. Nữ diễn viên đã tử nạn trong lúc hốt hoảng chạy ra khỏi nhà khi vừa mới được cơ quan an ninh thả cho về sau khi đã khai hành động của chồng. Thân phận con người trở nên mỏng manh, đầy bất trắc trước những bạo tàn khi quyền lực bị lạm dụng. Kết thúc bộ phim, sau khi nước Đức thống nhất, viên mật vụ bị thất nghiệp, còn tên Bộ trưởng trưởng lại trở thành một doanh nhân thành đạt trong một nước Đức dân chủ và tự do. Số phận của viên mật vụ và tên Bộ trưởng như một mỉa mai của tọa hóa, nhưng lại rất hiện thực. Những con người nhỏ bé thiện tâm luôn chịu thua thiệt trước những kẻ ma quái, khởi nguồn của cái ác. Những kẻ ma quái đó luôn thoát khỏi sự trừng phạt của công lý, và chúng cũng không bao giờ bị lương tâm cắn rứt vì lương tâm đâu có ở nơi những kẻ như vậy.

Tôi lại nhớ tới bộ phim Cuộc sống của những người khác nhân chuyện Ban biên tập báo Đại đoàn kết bị cắt chức. Trong một bức thư phổ biến trên mạng, Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết từng tố cáo ông Hồng Vinh, phó ban Tuyên giáo, từng cản trở báo chí đăng tin vụ hiếp dâm trẻ em của Lương Quốc Dũng, một quan chức cao cấp của Tổng cục Thể thao. Đây là một ví dụ rất điển hình của lạm dụng quyền lực. Một quyền lực khi không có kiểm soát luôn bị những kẻ ma quái lợi dụng trong những ý đồ và tham vọng riêng của chúng. Công lý trong một chừng mực nào đó, lại không thể động tới chúng. Chỉ có công luận may ra mới làm cho chúng phải e dè. Phải làm cho chúng, con cháu của chúng cảm thấy nhục nhã vì hành vi của cha ông mình. Phải làm cho chúng, con cháu của chúng thấy xấu hổ khi giơ mặt với đời.

Tôi nhớ tới thời của Khổng tử. Đó là thời kỳ loạn lạc, luân lý chao đảo, cương thường mục nát. Khổng tử từng phải than thở: Thái sơn kỳ đồi hồ, lương mộc kỳ hoại hồ, triết nhân kỳ nuy hồ. Núi Thái sơn đã sụt rồi, cây gỗ rường cột đã mục nát rồi, người trí thức đã nguy rồi. Ba tiếng "đồi hồ", "hoại hồ", "nuy hồ" như ba tiếng nấc cụt trong cõi lòng của Khổng tử.

4 comments:

  1. U*....Co`n viec thay Pho' TBT ba'o Dai doan ket ba`ng 1 Tay du`ng ba`ng Gia? mo'i that la`......

    ReplyDelete
  2. Đồng ý với bác Dong A là trước khi chờ công lý ra tay, chỉ có công luận mới ngăn chặn được bọn ma cô; tôi cũng tin là công luận sẽ đưa đến công lý nhanh nhất.
    @Philip T: Ồ thay 1 tay dốt nát là đúng rồi. Bởi vì "it is difficult to get a man to understand something when his salary depends upon his not understanding it" mà. (—Upton Sinclair)

    ReplyDelete
  3. Bài viết hay thật. nhưng sao buồn quá là buồn!

    ReplyDelete
  4. Theo suốt chiều dài lịch sử,vẫn thấy những kẻ gian ác vẫn thọ ngoài 90t(Ác giả,ác báo? đâu thấy đâu!!!;Những người hiền lành, chất phác vẫn chết non,chết yểu vì đủ thứ chuyện (ở hiền gặp lành? đâu thấy đâu!!!). Cả ngàn năm loài người đấu tranh cho công lý,đi tìm công lý! sao vẫn thấy xa vời?

    ReplyDelete