Tuesday, October 28, 2008

14 chứng nan y của Ban Tuyên Huấn TƯ

14 chứng nan y của Ban Tuyên huấn Trung ương là một phần trong bài viết Thảo phạt Ban Tuyên huấn Trung Ương của ông Tiêu Quốc Tiêu, GS Đại học Bắc Kinh. Bản dịch của Nguyễn Thành Tiến, lưu tại Talawas. Ban Tuyên huấn Trung ương Việt Nam qua vụ việc của ông Hồng Vinh và Trịnh Đình Khôi cũng cho thấy đã có những chứng bệnh trong người. Cơ chế nào để kiểm soát Ban Tuyên huấn, bởi vì nếu một quyền lực không có kiểm soát sẽ là một quyền lực tha hóa.

14 chứng nan y của Ban Tuyên Huấn TƯ

Thứ nhất: Dùng phép phù thủy làm phương pháp công tác

Hôm nay không được nêu vụ Tưởng Ngạn Vĩnh, ngày mai không được nhắc lại vụ dịch SARS, ngày kia cấm đăng việc này việc nọ, không được nói báo chí là “công cụ xã hội”... đại loại như vậy. Thử hỏi những lệnh cấm ấy của Ban Tuyên Huấn TƯ là từ đâu và do đâu? những cái “không được” của họ là vô căn cứ, hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính áp đặt, chúng không dựa theo một chuẩn mực cơ bản nào của văn minh nhân loại cả, mà trái với những kiến thức khoa học cơ bản.

Thứ hai: Vận dụng uy quyền của giáo hội La Mã

Nói đúng ra thì Ban Tuyên Huấn TƯ hiện tại chẳng khác gì Giáo hội La Mã hồi Trung cổ: Quyền lực đầy mình, độc ác và đẫm máu; kẻ nào chống lại thì ít nhất cũng phải chịu “sứt đầu mẻ trán”, nếu như không bị voi giày cọp xé. Báo chí giám sát chỗ này chỗ nọ nhưng đâu dám giám sát Ban Tuyên Huấn TƯ. Họ đã xử lí biết bao phóng viên, tổng biên tập nhưng nào có mấy ai dám ho he? Lẽ nào họ xử đúng cả? Hiện nay các Bộ và Ban Ngành của Chính phủ đều hoạt động đúng luật, tuy mức độ chấp hành pháp luật có khác nhau nhưng dù sao thì cũng có luật để mà theo; còn Ban Tuyên Huấn TƯ ra lệnh thì chẳng theo luật nào cả. Như vậy ở Trung Quốc duy nhất chỉ có Ban Tuyên Huấn TƯ là hoạt động không theo luật, họ là “vương quốc tối tăm” mà ánh sáng của “mặt trời pháp luật” không chiếu tới.

Thứ ba: Đơn giản chữ viết theo kiểu Nhật

Trong lịch sử, việc đơn giản chữ viết ở Nhật Bản đã từng xâm nhập vào Trung Quốc, biến “xâm nhập” thành “tiến xuất”. Ban Tuyên Huấn TƯ không coi đó là điều bất cập, mà bảo không nên nhắc lại cái sai của lịch sử. Những cụm từ gợi lại nỗi đau của đất nước như: “cuộc đấu tranh chống hữu khuynh”, “cách mạng văn hoá”, “sự kiện Thiên An Môn (1989)”, “hàng chục triệu nông dân chết đói”… đều là những cụm từ nên tránh sử dụng. Tất cả những cái đó khiến cho báo giới và các nhà học thuật không thể nào chấp nhận được còn dân chúng thì cảm thấy đau lòng, tuyệt vọng.

Thứ tư: Sát thủ của Hiến pháp

Tự do ngôn luận (báo chí-xuất bản) là quyền được Hiến pháp nước CHND Trung Hoa bảo hộ. Theo đạo lý thì Ban Tuyên Huấn TƯ đã là cơ quan tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc thì phải là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận ấy. Nhưng trên thực tế họ lại là kẻ xâm hại nặng nề nhất quyền tự do ngôn luận. Họ đã dùng trăm phương ngàn kế chà đạp lên quyền tự do ấy. Cho nên, muốn bảo vệ Hiến pháp thì không thể không “thảo phạt” Ban Tuyên Huấn TƯ.

Thứ năm: Phản bội lý tưởng cao cả của ĐCS Trung Quốc

Những năm 40 của thế kỷ XX, thời kỳ đấu tranh chống chế độ chuyên chế Quốc dân đảng là thời kỳ vẻ vang huy hoàng nhất của ĐCS Trung Quốc. Vậy mà học giả Tiếu Tú tập hợp lại những bài xã luận đã đăng trên “Tân Hoa nhật báo” Trùng Khánh, “Giải phóng nhật báo” Diên An… phát hành trong thời kỳ đó để in thành sách “Những tiếng nói đầu tiên của lịch sử” thì lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán. Những tiếng nói tự do dân chủ trong thời kỳ đó đối với Trung Quốc là rất có ý nghĩa, chúng đại biểu cho những bài viết có phương hướng văn hoá tiến bộ, vậy mà nay lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm xuất bản, thì cũng đủ chứng tỏ họ là kẻ thù của lý tưởng ban đầu của ĐCS Trung Quốc rồi.

Thứ sáu: Truyền bá tư duy chiến tranh Lạnh

Câu nói bất hủ của Mao: “Phàm là những gì kẻ thù phản đối thì ta ủng hộ, phàm là những gì kẻ thù ủng hộ thì ta phản đối” đến nay vẫn là phương châm được Ban Tuyên Huấn TƯ vận dụng để chỉ đạo báo chí tuyên truyền và coi đó là “kim chỉ nam” cho hành động.

Thứ bảy: Cắt xén, cản trở thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương chứ không phải quán triệt tinh thần ấy

Có một số đồng chí nhà báo thường lên Ban Tuyên Huấn TƯ để “lãnh chỉ” hoặc nghe huấn thị đã phát biểu: Một khi anh đã lên Ban Tuyên Huấn TƯ nghe huấn thị thì anh sẽ cảm thấy tình hình Trung Quốc rối tung rối mù, rất nghiêm trọng, trái hẳn với tinh thần của Trung ương; anh sẽ biến thành kẻ đầu têu cắt xén, cản trở, phủ định, thậm chí chống lại tinh thần của Trung ương. Những người gây ra chuyện đó không phải là Đài Loan, Hồng Kông; không phải là bọn tham nhũng hay phần tử hải ngoại “vận động dân chủ” và thân nhân của những người tử nạn trong “sự kiện Thiên An Môn” mà chính là Ban Tuyên Huấn TƯ của ĐCS Trung Quốc.

Thứ tám: Bệnh “Máu lạnh và nhược trí”

Ban Tuyên Huấn TƯ thậm chí đã chỉ trích báo chí thông tin về nỗi oan khuất của quần chúng. Phản ảnh việc nhân dân gửi đơn hoặc đi khiếu nại tố cáo thì sao có thể coi là gây mất ổn định xã hội cơ chứ? Không phản ảnh, để tích tụ lâu ngày mới là nguyên nhân gây mất ổn định xã hội. Hàng ngày, phải đối mặt với những nỗi oan chồng chất của nhân dân, họ không những không động lòng mà còn trách báo chí phản ảnh thái quá thì quả là hạng người có trái tim đá và dòng máu lạnh! So với 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc, những người đi khiếu nại tố cáo chỉ là thiểu số thì làm sao có thể gây mất ổn định xã hội kia chứ? Huống hồ, 80-90% trong số đó đều là những người hiền lành, chứ những kẻ cơ hội quá khích thì căn bản không làm như vậy. Những lời chỉ trích của Ban Tuyên Huấn TƯ sẽ chẳng bao giờ giải quyết được tận gốc nạn khiếu kiện.

Thứ chín: Chỗ dựa cho kẻ bạo tàn, hư hỏng

Năm ngoái, giới báo chí đều nhận được 25 điều chỉ thị “không được đăng báo” do Ban Tuyên Huấn TƯ “phùng mang trợn mắt” phun ra. Trong đó có “không được đăng” vụ Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy Vân Nam bị “song quy” (theo chỉ thị của Trung ương, những cán bộ “có vấn đề” đều phải được làm rõ trong một thời hạn và tại một địa điểm quy định). Tại sao không được đăng báo? Điều “không được đăng” này làm cho báo giới cả nước lấy làm tiếc, còn kẻ hư hỏng thở phào nhẹ nhõm. Đúng là “Hoà thượng che ô, vô pháp vô thiên!” Thử hỏi tất cả những người coi trọng chính nghĩa rằng như vậy có chịu nổi không?

Thứ mười: “Ăn quả quên người trồng cây”

Báo giới được Ban Tuyên Huấn TƯ quản lý chặt như bó giò, cứ tưởng họ sẽ bảo vệ mình nhưng không ít nhà báo bị trù dập mà không thấy họ nâng đỡ hoặc lên tiếng. Họ có vô số biện pháp để quản lý, uốn nắn nhà báo nhưng khi nhà báo bị hàm oan, muốn được họ giúp đỡ, minh oan thì họ rụt đầu lại chẳng khác gì một con rùa!

Thứ mười một: Ra vẻ quý tộc nhưng là nô lệ của đồng tiền.

Họ luôn tùy tiện ngăn cản báo chí thực hiện chức năng giám sát bằng dư luận bởi một tiếng “ngừng” với một lý do đàng hoàng là “tránh gây mất ổn định xã hội”. Nhưng trong nhiều trường hợp, đó là cuộc trao đổi giữa quyền và tiền, là dùng quyền lực để thu “tô”, là được kẻ xấu nhờ vả. Họ mượn quyền quản lý báo chí được Đảng và Nhà nước giao phó nhằm làm giảm bớt tai họa để trục lợi cá nhân. Như vậy, mỗi lần ngăn cản báo chí đưa tin là một lần họ dung túng cho một hoặc nhiều kẻ xấu, một lần duy trì tai họa. Họ bán rẻ hình tượng của Đảng và Nhà nước để đổi lấy những lợi ích phi pháp.

Thứ mười hai: Kẻ thù ghét những người tài đức, ai tỏ ra vượt trội thì “diệt”, ai ủng hộ chính nghĩa thì “chôn sống”

Hiện nay ở Trung Quốc không có loại sách bán chạy, nếu có cuốn nào bán chạy thì lập tức bị Ban Tuyên Huấn TƯ “đốt” ngay. Họ luôn có lý do đàng hoàng mà lòng dạ thì vô cùng đen tối. Cấm một cuốn sách hay, bán chạy là bóp ngẹt sức sáng tạo của dân tộc Trung Hoa. “Bịt miệng” được một nhà báo, một học giả hay một tờ báo tâm huyết với chính nghĩa là làm nhụt chí khí của xã hội Trung Quốc. Sở dĩ hiện tại ở Trung Quốc tinh thần sáng tạo cạn kiệt, đạo đức suy đồi, chính nghĩa co cụm, ác bá hoành hành, chính khí lụn bại… thì 99% là trách nhiệm của Ban Tuyên Huấn TƯ.

Thứ mười ba: Nhân vật thứ 2 tạo ra hiểm họa khiến quần thể suy yếu

Tại sao người lao động bị nợ lương triền miên mà chỉ có Thủ tướng Ôn Gia Bảo ra tay thì mới được giải quyết? Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán báo chí thông tin, việc nợ lương không lọt vào tầm mắt quốc dân thì giải quyết sao được? Tại sao việc dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm không dứt? Tại Ban Tuyên Huấn TƯ che đậy tội ác. Những điều bất cập trong công tác kế hoạch hoá dân số vẫn tiếp tục tái diễn do báo chí không được phép thông tin. Kẻ xấu không sợ quan chức mà chỉ sợ đạo đức chính trị và đạo đức xã hội. Báo chí Trung Quốc vốn có thể làm một vạn điều tốt cho dân, hạn chế đều là tai họa; chỉ tại Ban Tuyên Huấn TƯ ngu muội, lạc hậu trong phương thức tư duy và bá đạo, võ đoán trong cách làm việc nên đã cấm đoán hết 9999 điều.

Thứ mười bốn: Ban Tuyên Huấn TƯ biến Tổng biên tập các cơ quan báo chí thành những người vô cảm, phi chính nghĩa và thiếu văn hoá

Mỗi lần nghe họ giáo huấn xong, người ta thấy mình như vừa thoát nạn, bởi dường như họ đang lội ngược dòng thời đại. Nhìn bề ngoài, các Tổng biên tập thấy mình vẫn còn nguyên vẹn nhưng nội tâm đã bị tổn thương rất nhiều. Những lời giáo huấn của các Tổng biên tập đã làm tổn thương hoàn toàn khả năng chống vô cảm, sự đồng cảm với chính nghĩa và văn minh của họ. Gây ra sự vô cảm là tai họa lớn nhất thế giới; chà đạp lên sự đồng cảm với chính nghĩa là sự chà đạp tàn bạo nhất thế giới.



4 comments:

  1. Bác Đôg A đã nghiệm ra được điều gì rồi chăng?

    ReplyDelete
  2. Hoàng Sa Trường SaOctober 28, 2008 at 9:05 PM

    14 tiếng Trung nghĩa là yaosi tức là " cần phải chết "

    ReplyDelete
  3. Cho em xin bác bài này đưa lên blog nhé. Cảm ơn bác nhiều.

    ReplyDelete
  4. Bài phân tích nhận định của GS Tiêu Quốc Tiêu rất sâu sắc! Xin cám ơn bác Đông A!

    ReplyDelete