Sunday, September 7, 2008

Về một bài thơ của Hồ Quý Ly

Theo Tuyển tập thơ văn Lý Trần, Hồ Quý Ly hiện còn 5 bài thơ, một chép ở Đại Việt sử ký toàn thư và 4 bài chép trong Hoàng Việt thi tuyển. Bài Ký Nguyên quân chép trong Toàn thư, do đó 4 bài còn lại chép trong Hoàng Việt thi tập. Trong 4 bài này có bài Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục. Bài thơ này được chép như sau:

Dục vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường chế độ
Lễ nhạc Hán quân thần
Ngọc úng khai tân tửu
Kim đao chước tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lý nhất ban xuân.

Ngô Bá Tông, một viên quan đời nhà Minh, có một tập sách với tên gọi là Vinh tiến tập. Trong tập sách này có bài thơ Thượng vấn An Nam sự. Bài thơ này được viết khi Ngô Bá Tông đi sứ trở về, được triệu vào kinh hỏi về chuyện An Nam. Bài thơ này được chép trong Tứ khố toàn thư như sau:

Thượng vấn An Nam sự
An Nam phong tục thuần
Y quan Đường nhật nguyệt
Lễ nhạc Thuấn càn khôn
Ngõa úng trình thuần tửu
Kim đao phá tế lân
Niên niên nhị tam nguyệt
Đào lý nhất ban xuân.

Có thể thấy hai bài thơ trên về căn bản là một bài thơ. Chúng chỉ khác nhau một số chữ không đáng kể. Hiện không rõ chính xác ai là tác giả của bài thơ. Nhưng tôi thiên về Ngô Bá Tông, bởi vì không rõ Hồ Quý Ly làm bài thơ này trong hoàn cảnh nào. Thi viện chú rằng Hồ Quý Ly làm bài thơ này khi bị bắt giải về Trung Quốc và được triều đình nhà Minh hỏi về Việt Nam. Tôi nghĩ rằng Hồ Quý Ly khó mà biết được áo mũ thời nhà Đường, lễ nhạc thời nhà Hán như thế nào.

Photobucket

Cập nhật (11-9-2008)


Bài thơ của sứ thần Nhật Bản Hạt Lý Ma Cáp thấy được chép trong Nghiêu sơn đường ngoại kỷ. Tập sách còn chép cả câu chuyện vịnh bèo giữa Mao Bá Ôn và họ Mạc lúc Mao Bá Ôn vâng lệnh xuống phương Nam phạt họ Mạc vào năm Gia Tĩnh thứ 18 (1539). Như vậy Nghiêu sơn đường ngoại kỷ là tập sách khá muộn, ra đời sau Vinh tiến tập của Ngô Bá Tông. Bài thơ của Hồ Quý Ly được chép trong Hoàng Việt thi tuyển do Bùi Huy Bích soạn vào năm 1788, muộn hơn rất nhiều so với Vinh tiến tậpNghiêu sơn đường ngoại kỷ. Trong các dị bản thơ này chỉ có bản của sứ thần Nhật Bản là tuân thủ niêm luật trọn vẹn. Bản của Hồ Quý Ly và Ngô Bá Tông đều làm sai luật thơ (Niên niên nhị tam nguyệt).


Photobucket Image Hosting

10 comments:

  1. Phát hiện này quả là khá bất ngờ. Bài báo này: www.his.ncnu.edu.tw/ming/confer/Pp26.pdf có ghi rằng theo "Vinh tiến tập" (ở chú thích) bài này làm năm 1377. Trong khi đó mãi năm 1407 Hồ Quý Ly mới bị bắt và theo ĐVSKTT thì ông làm bài này năm đó. Như vậy chắc nhiều khả năng bài thơ do Bá Tông làm và được lưu truyền ở VN, sau đó được Quý Ly dùng để đáp vua Minh. Thực ra cũng không có thông tin nào cho thấy việc Quý Ly nói rằng đó là thơ của mình.
    Theo bản Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu ở đây: http://www.6jc.cn/guji/Article/17890_18538.html (mục 荣进集 ở gần gần dưới cuối) thì bài này còn có 1 tồn nghi nữa với 1 sứ thần Nhật Bản là Hại Lý Ma Cát 嗐哩嘛哈 rằng ông này ở Nhật Bản cũng nói là có 1 bài thơ tên "Đáp Minh Thái Tổ chiếu vấn Nhật Bản phong tục thi" với nội dung gần giống. Bài thơ này ko rõ ntn nhưng có thể đoán về cơ bản là những chữ An Nam được thay bằng Nhật Bản.

    ReplyDelete
  2. Ông Ngô Bá Tông này chết năm 1384, trước 1407 của Hồ Quý Ly. Như vậy nếu bài thơ này được khẳng định có nằm trong "Vinh tiến tập" thì không thể là của HQL được rồi.

    ReplyDelete
  3. Tôi cũng thiên về ông Ngô Bá Tông. Vì Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt năm 1407 giải về TQ, sau thì không chính xác là bị sát hại khi đến Bắc Kinh ( hồi đó là Yên Minh) hay dị lưu đày làm lính Quảng Tây.
    Với lại nghe qua phong thái của bài thơ thì đây thấy là góc nhìn của một kẻ tự coi mình ngồi chiếu trên nói về tụi ở chiếu dưới chứ không phải là của một Tù nhân cỡ ông Hồ Quý Ly.
    Có điều, đọc bài thơ này mới thấy ảnh hưởng của TQ đối với các quốc gia lân cận đến mức nào.

    ReplyDelete
  4. Như vậy chắc là Ngô Bá Tông rồi. Có lẽ các sách sử Việt Nam ghi lầm là của Hồ Quý Ly? Không rõ việc cho bài này của Hồ Quý Ly bắt đầu từ đâu?

    ReplyDelete
  5. Bài của sứ thần Nhật Bản có thấy chép trong một tiểu thuyết chương hồi khuyết danh đời Minh là "Anh liệt truyện": http://big5.dushu.com/showbook/100618/1018009.html
    So với bản "của Hồ Quý Ly" thì chỉ khác 2 câu đầu (Quốc tỉ Trung Nguyên quốc, Nhân đồng thượng cổ nhân) và chữ "ngọc" ở câu 5 chuyển thành chữ "ngân" (bạc).

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn entry này tôi đọc được bài Cảm Hoài của HQL. Bài này chắc chắn của ông vì ông dùng từ Kim Âu rất gần gũi với ông để ẩn dụ nước Nam. Từ này hay lắm, khi nào có thời gian tôi sẽ bình và dịch bài này.

    ReplyDelete
  7. Đây có lẽ thuộc về hiện tượng được cho là bình thường trong VHTĐ Vn ("tập cổ"?). Nếu các nhà nghiên cứu truy nguyên các bài thơ của các nhà thơ TĐại VN ( Thơ Thiền, hàng loạt câu trong Truyện Kiều là từ thơ Đường,.) có thể sẽ tìm được nhiều cứ liệu tương tự. Thông tin của Annonymous về bài thơ ở Nhật là thêm cứ liệu về "một vùng văn hóa Hán". Tôi nghĩ các sách sử VN không ghi lầm. Họ mặc nhiên công nhận đó là của Hồ Quý Ly. Những nhà làm sách đời sau cũng theo đó mà nói. Tuy nhiên, rất cần những người nghiên cứu/nhà làm sách chỉ ra/chú thích các bài thơ nguồn, như thế việc nhìn VHTĐ Vn sẽ minh bạch hơn.

    ReplyDelete
  8. hê hê..... Trong Tứ khố còn khối thơ kiểu này các bác à! tức của Tàu thì nhầm của mình, hoặc của mình mà chưa từng giới thiệu ở mình, lẫn lộn lung tung. Yêm ví dụ: phần Minh thống chí viết về địa lí An Nam là một chuẩn mực cho các nhà Dư địa chí ở ta về ăn cắp mà soạn thuật. Dĩ nhiên Tàu làm cũng dựa từ ta, nhưng ta chẳng giữ được gì cà.............
    Các bác vào kho tư liệu Tàu, nếu phân minh cái nào của Việt thì cũng như khảo cái chân thực và dị biệt trong....Đại Việt sử kí toàn thư với lịch sử thực của sử ta (đâu là ánh hào quang chiếu để đối sánh????)..... sử ta, văn ta. còn nhiều việc để làm lắm, đâu chỉ nói ngông mà xong.
    hãy làm đi (các cụ) có làm mới có cảm nghiệm và không quan trọng thất bại hay thành công....

    ReplyDelete
  9. Cảm ơn tác giả Đông A! Tiếc là chúng tôi được đọc bài này hơi muộn! Nhân đây cũng rất mong nhà nghiên cứu Trương Thái Du sớm công bố bài Cảm hoài của Hồ Quý Ly. Xin cảm ơn nhiều!

    ReplyDelete
  10. Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

    更改多端死復生,
    悠悠鄉里不勝情。
    南關迢遞應頭白,
    北館淹留覺夢驚。
    相國才難慚李泌,
    遷都計拙哭盤庚。
    金歐見缺無由合,
    待價須知玉匪輕。


    Canh cải đa đoan tử phục sinh,
    Du du hương lý bất thăng tình.
    Nam quan điều đệ ưng đầu bạch,
    Bắc quán yêm lưu giác mộng kinh.
    Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật,
    Thiên đô kế chuyết khốc Bàn Canh.
    Kim âu kiến khuyết vô do hợp,
    Đãi giá tu tri ngọc phỉ khinh.


    Lắm sự đổi thay, tưởng chết mà lại sống,
    Quê hương mờ mịt gợi dậy biết bao tình.
    Ải Nam Quan xa xôi mái đầu bạc là phải,
    Nơi quán Bắc lâu ngày, tỉnh mộng thấy kinh sợ.
    Cứu nước, tài hèn, thẹn với Lý Bật,
    Dời đô, kế vụng, khóc chuyện Bàn Canh.
    Bình vàng bị mẻ, biết hàn gắn làm sao,
    Nên biết ngọc còn đợi giá, chứ không phải bị xem rẻ đâu.

    ReplyDelete