Wednesday, August 27, 2008

Xích Bích

Đông phong bất dữ Chu lang tiện
Đổng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều

Tôi chợt nhớ hai câu thơ này của Đỗ Mục khi xem bộ phim Xích Bích của đạo điễn Ngô Vũ Sâm. Bài thơ của Đỗ Mục được viết cách trận chiến Xích Bích lừng danh trong lịch sử mấy trăm năm. Một khoảng thời gian khá gần nếu so với La Quán Trung và so với Ngô Vũ Sâm ngày nay. Nhưng nghệ thuật không phải là chép sử và tác giả không phải là tên hầu của sử quan. Do đó khoảng cách thời gian hay tính xác thực lịch sử không phải là yếu tố quan trọng mang tính quyết định thẩm mỹ. Xích Bích là một phim mang tính sử thi. Nhưng một bộ phim như thế nào thì được gọi là mang tính sử thi? Bakhtin trong báo cáo Sử thi và Tiểu thuyết
của ông đã chỉ ra ba đặc điểm cốt lõi của sử thi: đối tượng của sử thi là thời gian quá khứ tuyệt đối, nguồn gốc của sử thi là truyền thuyết và thế giới sử thi cách biệt hoàn toàn khỏi hiện tại. Tất nhiên phim không phải là sử thi nên nó không nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ ba đặc điểm cốt lõi của Bakhtin. Nhưng có một điểm cần phải phân biệt giữa một bộ phim lịch sử và một bộ phim mang tính sử thi. Lịch sử cũng có thể coi là một truyền thuyết theo nghĩa đó là những câu chuyện được thừa nhận và lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Có những câu chuyện lịch sử mang tính sử thi, nhưng cũng có những câu chuyện lịch sử không mang tính sử thi. Đặc điểm nền tảng hiển nhiên mà Bakhtin không đề cập tới đó là nhân vật của sử thi là anh hùng. Hiển nhiên khi nói đến sử thi là nói đến anh hùng nên Bakhtin không cần thiết phải nói đến. Nhưng anh hùng là đặc điểm để phân biệt một bộ phim lịch sử và một bộ phim mang tính sử thi. Một bộ phim mang tính sử thi không thể không là một bản hùng ca. Thời gian của Xích Bích là quá khứ tuyệt đối. Quá khứ tuyệt đối không phải chỉ về một khoảng thời gian xác định như mấy trăm năm hay hàng nghìn năm, mà là chỉ câu chuyện đã xảy ra hoàn toàn cách biệt với hiện tại, chuyện đó như xảy ra ở một thế giới khác mà hiện tại không thể nào chạm tới, không thể nào can dự, không thể nào thay đổi, đánh giá hay xét lại. Thế giới quá khứ tuyệt đối đó tự bản thân nó khép kín và hoàn thiện, tất cả mọi thứ đã có sẵn trong đấy, phát triển và kết thúc ở trong đấy. Nó không cần một sự tiếp nối, thay đổi, can thiệp nào. Thế giới của sử thi không chấp nhận bất cứ một quan điểm, đánh giá, phân tích cá nhân nào. Nó không chấp nhận các trải nghiệm cá nhân. Tự bản thân nó là truyền thuyết, là tự hoàn thiện, là hiển nhiên, tự xác định, tự đánh giá. Nguồn gốc những câu chuyện trong Xích Bích là truyền thuyết. Ngô Vũ Sâm đã tận dụng tối đa những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, những điển tích, điển cố để xây dựng bộ phim Xích Bích. Câu chuyện về ước mơ của Tào Tháo có nàng Kiều trong đài Đổng Tước, có phải là sự thật lịch sử hay không - không quan trọng. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian bất kể thành công và ảnh hưởng của La Quán Trung hay của lịch sử đến đâu. Ước mơ của Tào Tháo - nguyên nhân của chiến tranh mang âm hưởng như một bản Iliad trong văn hóa phương Đông: giang sơn - anh hùng - mỹ nhân. Một motif mang tính cổ điển, nhưng tự bản thân nó tự xác định, tự phát triển, hoàn thiện và kết thúc. Nó tạo ra một thế giới sử thi, một thế giới của quá khứ tuyệt đối, tất cả mọi thứ đã có sẵn, tự phát triển, khép kín, biệt lập và toàn vẹn. Những đặc điểm đấy cho thấy Xích Bích là một bản sử thi điện ảnh. Xích Bích không phải mà một bộ phim để tiếp cận lịch sử, để đánh giá tính chính xác lịch sử trong phim, tính logic hay phi logic của các sự kiện trong phim, cũng như không phải để áp những quan điểm, đánh giá cá nhân vào các nhân vật của bộ phim, bởi vì thế giới của nó là sử thi. Đây là điểm cốt lõi để thưởng thức bộ phim.

Xích Bích mở đầu bằng một buổi bình minh thanh lặng, một triều ca yên ắng đến rợn người. Một tiếng chim hót. Thanh âm trước chiến tranh, một dấu hiệu thanh bình, nhưng lại cô độc như một tiếng hạc lẻ loi trên biển cả bình lặng trước giông tố. Một người xuất hiện. Một màn tử khí bức bối phá vỡ khung cảnh thanh bình kỳ lạ đó. Ẩn dụ mở màn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ phim. Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh là âm nhạc, là thanh bình, như trường đoạn Chu Du nghe tiếng sáo mục đồng hay cảnh yên bình giữa Chu Du và Tiểu Kiều. Chữ An mà Tiểu Kiều viết chính là người phụ nữ dưới mái nhà. Cái yên ả che lấp cái khẩn trương, ngột ngạt của một cuộc chiến đang cận kề. Nhưng nếu như giả sử chiến tranh không xảy ra, những cảnh thanh bình đó lại quá đỗi bình thường, thường nhật. Đây chính là thủ pháp ngẫu đối để bật lên những khốc liệt của cuộc chiến đang tới. Khi chiến tranh tới, cái âm nhạc đấy, cái thanh bình dưới mái nhà đấy sẽ vĩnh viễn không còn nữa.

Xích Bích được dựng với thủ pháp tự sự theo lối kịch phương Đông. Các nhân vật lần lượt xuất hiện và "kể" về mình. "Kể" ở đây không phải bằng lời nói, mà là bằng hình ảnh hành động. Một Tào Tháo, một Triệu Tử Long, một Trương Phi, một Quan Công ... cứ lần lượt xuất hiện và giới thiệu mình. Những hình ảnh giới thiệu mang tính chấm phá nhưng lại rất đặc trưng và tiêu biểu. Hình ảnh Tào Tháo xuất hiện ở buổi chầu sáng khiến cho con chim bặt hót cho thấy tính hiếp đáp và chuyên quyền của nhân vật này. Hay như một Quan Công cướp ngựa, giật lại cờ và không giết Tào Tháo cũng là nét chấm phá kể về nhân vật này. Quá trình xuất hiện và giới thiệu như vậy được đẩy theo sự phát triển của nội dung tự sự. Xích Bích cũng tận dụng các điển tích, điển cố trong phim như tài thẩm âm của Chu Du hay như điển tích giật giải mũ được thể hiện qua câu chuyện cho binh sĩ chạy qua vũng bùn. Dụng điển là một đặc điểm của bộ phim. Xích Bích là một bộ phim mà khi xem chúng ta sẽ thưởng thức như thưởng thức một thể loại điện ảnh với thi pháp của nó.

(updated 28/8/2008)

2 comments:

  1. Lâu lắm mới thấy bác có một bài nhẹ nhàng thế này. Đọc rất lắng. Và đọng.

    ReplyDelete
  2. Nhất trí với bác về chất Phương Đông trong thủ pháp của phim này. Nhưng họ Ngô là người giỏi làm đại cảnh nên những trường đoạn cần cận và tinh tế thì đạo diễn này cũng khá nhạt và vụng về.

    ReplyDelete