Tuesday, August 19, 2008

Về hai chữ Tốn Phong

Nhân trên mạng đang ồn ào chuyện liên quan đến tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương, tôi có Google tìm tập thơ này. Wikipedia tiếng Trung có một mục cung cấp nội dung Lưu hương ký, nhưng không đề nguồn, thành ra bản này không rõ chính xác đến độ nào. Tôi chú ý đến hai chữ Tốn Phong, tên người viết bài tựa cho tập Lưu hương ký và cũng là người có thơ trao đổi với Hồ Xuân Hương. Theo Wikipedia kể trên, Tốn Phong chữ Hán là 巽風 (tốn là quẻ tốn, phong là gió). Thi viện còn chú thích rằng theo Hoàng Xuân Hãn, Nam Phong (gió Nam) cùng gọi là Tốn Phong. Không rõ Thi viện lấy chú thích này từ đâu. Nhưng nếu chú thích này đúng thì Hoàng Xuân Hãn đã hiểu chữ Phong trong Tốn Phong là gió. Blog của Thiền Phong cung cấp bản chụp bài tựa tập thơ Lưu hương ký trong Du Hương Tích động ký. Theo bản chụp này thì Tốn Phong viết là 巽峰 với chữ phong là ngọn núi. Tôi không thể nghĩ rằng Hoàng Xuân Hãn đã đọc nhầm chữ Phong, nhưng cách giải thích của ông về hai chữ Tốn Phong (nếu quả thật đúng là của ông) thì chỉ có thể nghĩ rằng có thể là ông chưa đọc bản chữ Hán bao giờ. Điều này cũng rất lạ với một người làm nghiên cứu, tại sao lại có thể đoán mò tên người mà mình đang nghiên cứu trong khi không biết tên được viết thế nào, nghĩa chữ ra làm sao. Ngoài ra chữ Lưu trong Lưu hương ký được viết là bộ ngọc với chữ lưu 留.


6 comments:

  1. về cái Tốn Phong 巽峰 này thì bác tra Trung Quốc qua Baidu.com cũng ra chuyện để nói, nhiều, tôi chưa tìm hiểu kĩ, chỉ thấy là thời Minh có ông tên hiệu là Tốn Phong, cũng có để lại Tốn Phong tập. Nói chung............. còn phức tạp lắm! cá nhìn ra vấn đề của bác rất thú vị!

    ReplyDelete
  2. Hi bác, nhận định của Hoàng Xuân Hãn trên Thi Viện xuất xứ từ cuốn "Hồ Xuân Hương, thơ và đời" (Lữ Huy Nguyên, NXB Văn học, 1996, tái bản 2004).
    Bác tinh ý chỗ này quá, nhưng em không nghĩ là Hoàng Xuân Hãn lại nhầm một lỗi lớn như thế. Với những chuyện viết chữ nọ sang chữ kia trong văn bản cổ, có thể nghĩ đến một việc phạm huý (đơn giản như phạm huý 1 người nào đó trong dòng họ của người viết/người chép mà phải viết chệch sang chữ khác), hoặc chơi chữ nào đó chăng? Vấn đề còn ở lai lịch bài Tự của Tốn Phong trong "Du Hương Tích động ký", nó là thủ bút của ông này, hay là của một người nào?

    ReplyDelete
  3. Tôi nghĩ không phải thủ bút của Tốn Phong vì chữ Tốn đã bị sửa lại. Tôi nghĩ cũng không có chuyện phạm húy ở đây. Tôi cho rằng Tốn Phong chỉ xuất hiện ở 2 nơi: một ở bản Lưu hương ký đã thất lạc, Hoàng Xuân Hãn chưa bao giờ nhìn thấy, tất nhiên; hai ở Du Hương Tích động ký này (chính là Lưu hương ký của Viện Hán Nôm).

    ReplyDelete
  4. Em thấy 1 bài viết này của Phạm Trọng Chánh (cũng là một người từng nghiên cứu về vấn đề HXH) có đoạn: http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=4501
    "Hồ Phi Mai hiệu Xuân Hương, Phan Huy Huân hiệu Tốn Phong, GS Hoàng Xuân Hãn và Học giả Trần Thanh Mại đã đồng ý với nhau việc giải mã tên của nàng."
    Hoàng Xuân Hãn có thể không nhìn thấy LHK, nhưng Trần Thanh Mại thì không thể không thấy.

    ReplyDelete
  5. Trần Thanh Mại công bố Lưu hương ký vào năm 1964, và ông mất năm 1965, đúng vào dịp Tết. Trong khoảng thời gian ngắn thế làm sao Hoàng Xuân Hãn có thể trao đổi với Trần Thanh Mại được, nhất là ở trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, người trong nước, người ở nước ngoài. Hoàng Xuân Hãn giới thiệu về Hồ Xuân Hương "Thiên tình sử" vào năm 1983.

    ReplyDelete
  6. Tôi đọc một số Blog : DONG A, NGUYEN XUAN DIEN...thấy bàn về Lưu Hương ký, nên theo dõi xem sao. Rất cám ơn anh đã tâm huyết với vấn đề

    ReplyDelete