Thursday, August 14, 2008

Thơ tân hình thức

Cũng không biết tại sao tôi nhận được tập thơ Bướm sáu cánh, một tập thơ tân hình thức. Tôi mới chỉ đọc lướt qua tập thơ này, nhưng ở đây tôi muốn nói về thơ tân hình thức, hình như đang được cổ xúy trên mạng.

Tôi nghĩ có thể có nhiều người lầm tưởng về thơ và về tân hình thức. Chữ "lầm tưởng" này phải được hiểu là theo cách hiểu của tôi. Có thể cách hiểu của tôi lại là một lầm tưởng đối với người khác. Hình thức viết thơ, kiểu như thơ cổ điển hay thơ hiện đại lâu nay ta vẫn thấy, mỗi câu thơ chiếm một dòng hay một vài chữ trong một câu thơ chiếm một dòng. Khi đọc đến chỗ xuống dòng, thông thường ta phải nghỉ hơi. Như vậy có thể thấy xuống dòng - nghỉ hơi này là một cách tạo nhịp cho bài thơ, bên cạnh các hình thức tạo nhịp khác của một bài thơ. Từ đặc điểm này dẫn đến quan niệm cho rằng bài thơ được trình bày theo kiểu mỗi câu thơ hay một số chữ trong một câu thơ chiếm một dòng và xuống dòng nghỉ hơi là một hình thức thơ cổ điển. Từ đấy dẫn đến cách viết thơ mà xuống dòng không phải là tạo nhịp. Câu thơ hay nhịp thơ có thể kết thúc ở giữa dòng hay ở bất kỳ chỗ nào trong dòng thơ. Cách viết thơ kiểu này gọi là tân hình thức.

Thực ra cách viết thơ xuống dòng là cách viết thơ hiện đại hay là cách viết thơ của phương Tây. Phương Đông không có truyền thống viết thơ xuống dòng như vậy. Phương Đông viết thơ liền tù tì, không có chấm phảy hay xuống dòng gì hết. Phương Đông viết thơ đến hết dòng, hết giấy mới buộc phải viết sang dòng khác. Tôi lấy ví dụ một bài thơ của Trần Thánh Tông trong tập Nam ông mộng lục mà gần đây tôi có đọc

Photobucket
Đây là bài thơ Hành Thiên trường hành cung của Trần Thánh Tông, quen thuộc với nhiều người. Căn cứ theo bản viết trên đây tôi sẽ phải viết bài thơ này với những chỗ xuống dòng (thực chất là hết dòng, không còn chỗ để viết tiếp, ký hiệu bằng /) như sau:

cảnh thanh u vật diệc thanh u thập nhất tiên châu thử /
nhất châu bách bộ sinh ca cầm bách thiệt thiên hàng nô bộc quất thiên đầu nguyệt vô sự chiếu /
nhân vô sự thủy hữu thu hàm thiên hữu thu tứ hải dĩ thanh trần dĩ tịnh kim niên du /
thắng tích niên du

Nếu theo tiêu chí của tân hình thức thì đây là bài thơ tân hình thức thứ thiệt. Nhưng đó lại là một bài thất ngôn bát cú điển hình. Bất cứ bài thơ nào người xưa đều viết như trên. Hình thức xuống dòng không phải là đặc điểm của thơ phương Đông. Khi viết thơ người ta có thể xuống dòng ở bất kỳ chỗ nào và việc xuống dòng này không làm ảnh hưởng đến nhịp điệu của bài thơ. Ví dụ khác là bài thơ Tuyệt cú của Đỗ Phủ có thể được viết như sau:

Photobucket

Căn cứ theo cách viết trên bài thơ của Đỗ Phủ sẽ được phiên âm như sau:

lưỡng cá hoàng ly /
minh thúy liễu nhất /
hàng bạch lộ thướng /
thanh thiên song hàm /
tây lĩnh thiên thu /
tuyết môn bạc đông /
ngô vạn lý thuyền

Có thể nghĩ đây là một bài thơ tân hình thức được không?

Đặc điểm đọc thơ của phương Đông không căn cứ vào việc xuống dòng. Phương Đông đọc thơ căn cứ vào nhịp điệu của bài thơ. Khi nào nhịp hết, chỗ đấy là lúc nghỉ hơi. Bất kể bài thơ được trình bày như thế nào, nhịp điệu của bài thơ mới là yếu tố quan trọng xác định cách đọc thơ, không phải cách trình bày hay cách viết bài thơ. Kết thúc một câu thơ trong cách trình bày cổ điển có thể nằm ở bất cứ vị trí nào trong một dòng viết. Điểm duy nhất để xác định ở đâu câu thơ kết thúc là nhịp điệu và ngữ nghĩa của bài thơ. Ví dụ khác là hai câu thơ lục bát của Thế Lữ:

Trời cao xanh ngắt . Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

Tuy dấu chấm đặt ở giữa câu và "ô kìa" phải liền câu với câu 8 ở dưới, nhưng bất kể ai khi đọc đến chữ "ô kìa" đều phải nghỉ hơi. Nghỉ hơi ở đây không phải vì Thế Lữ đã viết xuống dòng, mà vì nhịp điệu của thơ lục bát bắt buộc phải làm như vậy. Giả sử tôi viết hai câu thơ trên như cách viết thơ cổ điển:

trời cao xanh ngắt ô kìa hai con hạc trắng bay về Bồng Lai

thì cách đọc vẫn như cũ. Đến "ô kìa" vẫn phải nghỉ hơi. Như vậy có thể thấy cái gọi là tân hình thức thực ra chỉ là một hình thức cổ điển mà phương Đông đã dùng từ xưa.

No comments:

Post a Comment