Saturday, July 12, 2008

Nam ông mộng lục

Nam ông mộng lục là tập ký của Hồ Nguyên Trừng viết về các nhân vật Việt Nam khi ông đang ở Trung Quốc. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam tập sách này nguyên có 31 thiên, nhưng hiện chỉ còn 28 thiên như ở Tuyển tập thơ văn Lý Trần. Thư viện CADAL có một bản Nam ông mộng lục in trong Tùng thư tập thành sơ biên do Thương vụ ấn thư quán phát hành, có đầy đủ cả 31 thiên. Ba thiên không có trong Tuyển tập thơ văn Lý Trần là: Mệnh thông thi triệu, Thi chí công danh, Tiểu thi lệ cú. Không rõ có ai nghiên cứu xem ba thiên này là ba thiên do Tùng thư tập thành sơ biên ngụy tạo hay đích thực đúng là của Hồ Nguyên Trừng viết mà sách vở của Việt Nam chưa biết.

Hồ Nguyên Trừng viết lời tựa cho Nam ông mộng lục đúng vào ngày Trùng cửu. Ngày Trùng cửu là ngày sum họp gia đình theo phong tục Trung Quốc. Chắc hẳn ngày hôm đó ông đang nhớ về mảnh đất Việt Nam. Độc tại dị hương vi dị khách / Mỗi phùng giai tiết bội tư thân / Dao tri huynh đệ đăng cao xứ / Biến sáp thù du thiểu nhất nhân. Tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ này của Vương Duy khi nghĩ lúc Hồ Nguyên Trừng hạ bút viết lời tựa. Hồ Nguyên Trừng còn không được như Vương Duy. Ông không có chắc những người thân của ông có còn không, có còn có thể bẻ cành thù du để nguôi nỗi nhớ không. Viết vào ngày Trùng cửu Hồ Nguyên Trừng như có ý nhắn gửi rằng tập sách này là một sự sum họp của ông với mảnh đất phương Nam, quê hương của ông, giờ chỉ còn như trong một giấc mộng.

Mấy câu thơ trên của Vương Duy cũng có lần tôi đã tập dịch: Đất lạ đơn côi làm khách lạ / Mỗi lần lễ tết nhớ nhà hoài / Vẫn hay huynh đệ lên non đấy / Đều ngắt thù du thiếu một người. Khi dịch mấy câu thơ này tôi đã không biết cành thù du như thế nào. Đến khi xem phim Hoàng kim giáp mới đoán cành thù du trong phim. Trương Nghệ Mưu đã thay đổi chút phong tục của Trung Quốc. Thay vì bẻ cành thù du cắm vào một chỗ, ông đã cho các nhân vật trong phim cài cành thù du lên mái tóc. Một biểu tượng cho gia đình, cho sum họp. Nhưng có lẽ ít người để ý và biết đến ý nghĩa của chi tiết này.

Cập nhật trong ngày:


Trong ba thiên bị thất lạc không có trong Tuyển tập thơ văn Lý Trần, thì thiên Tiểu thi lệ cú của Nam ông mộng lục trong Tùng thư tập thành sơ biên chính là phần cuối trong thiên Thi ngôn tự phụ của bản Tuyển tập thơ văn Lý Trần. Thiên Thi ngôn tự phụ trong
Tùng thư tập thành sơ biên phần về Nguyễn Trung Ngạn dài hơn so với bản trong Tuyển tập thơ văn Lý Trần. Thiên Mệnh thông thi triệu là thiên viết về Lê Quát, giống y trang như phần viết về Lê Quát trong Đại Việt sử ký toàn thư. Thiên Thi chí công danh là thiên viết về Phạm Ngũ Lão và bài thơ của ông, cũng khá giống như trong Đại Việt sử ký toàn thư phần viết về Phạm Ngũ Lão. Không biết hai thiên này trong Tùng thư tập thành sơ biên chép từ Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Việt sử ký toàn thư lấy từ Nam ông mộng lục. Bách khoa toàn thư Việt Nam cho rằng Nam ông mộng lục bị mất ba thiên là không có cơ sở. Không rõ ai là tác giả mục viết về Nam ông mộng lục trong Bách khoa toàn thư Việt Nam mà nghiên cứu thiếu kỹ lưỡng đến như vậy.

Bản Nam ông mộng lục trong Tùng thư tập thành sơ biên là bản lấy từ Kỷ lục vựng biên, quyển 50, của Trầm Tiết Phủ (1533-1601) đời nhà Minh. Bộ Kỷ lục vựng biên có tổng cộng 216 quyển. Thư viện CADAL cũng cung cấp toàn bộ bộ Kỷ lục vựng biên, trong đó có tập Nam ông mộng lục, do Trường sa thương vụ ấn thư quán chụp lại từ bản Vạn lịch đời nhà Minh. Mặt khác Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký sau thời gian Hồ Nguyên Trừng viết Nam ông mộng lục, nhưng lại trước thời gian Trầm Tiết Phủ soạn Kỷ lục vựng biên. Không có lý do gì mà Trầm Tiết Phủ lại phải giả tạo ba thiên cho Nam ông mộng lục mà trong đó hai thiên chép lại từ Đại Việt sử ký. Như vậy có thể thấy Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký đã tham khảo và chép lại từ Nam ông mộng lục. Cũng có thể cả Ngô Sĩ Liên lẫn Hồ Nguyên Trừng đều chép từ một nguồn khác, nhưng khi nguồn này chưa tìm ra được thì không thể khẳng định điều này.

Có thể thấy bản Nam ông mộng lục của Tuyển tập thơ văn Lý Trần đã bị mất một số trang từ trang cuối của thiên Thi ngôn tự phụ cho đến trang có Thi tửu kinh nhân. Do đó bản này đã chép luôn thiên Tiểu thi lệ cú vào thiên Thi ngôn tự phụ. Bốn chữ "niên phương thập nhị" trong thiên Thi ngôn tự phụ của bản Tuyển tập thơ văn Lý Trần được ngắt sang cho đoạn viết về Ái Sơn, vốn của thiên Tiểu thi lệ cú là sai. Đó là bốn chữ trong bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn mà hai câu đầu đã có trong bản của Tuyển tập thơ văn Lý Trần. Những chữ còn lại của bài thơ và đoạn cuối viết về Nguyễn Trung Ngạn đã bị mất trong bản của Tuyển tập thơ văn Lý Trần. Mấy câu thơ của Nguyễn Trung Ngạn bị mất trong bản của Tuyển tập thơ văn Lý Trần là: Niên phương thập nhị thái học sinh / Tài đăng thập lục sung đình thí / Nhị thập hựu tứ nhập gián quan / Nhị thập hựu lục Yên kinh sứ. Đọc thiên Thi ngôn tự phụ của Tuyển tập thơ văn Lý Trần có thể thấy phần cuối chẳng ăn nhập gì với tên bài Thi ngôn tự phụ. Ngoài ra, có thể nhận thấy thiên Thi ngôn tự phụ này cũng giống như đoạn viết về Nguyễn Trung Ngạn trong Đại Việt sử ký toàn thư. Điểm này càng khẳng định thêm Đại Việt sử ký toàn thư đã chép một số chuyện trong Nam ông mộng lục.

3 comments:

  1. Vậy là bác chưa đọc cuốn Nam ông mộng lục do Ưu đàm - La Sơn soạn, dịch, chú giải và Nguyễn Đăng Nam giới thiệu, in ở NXB Văn học, H.1999 rồi, bản này dịch đủ 31 thiên. Theo Nguyễn Đăng Na, bản dịch Nam ông mộng lục in trong Thơ văn Lý - Trần (tập III, năm 1978, do Nguyễn Đức Vân và Tuấn Nghi thực hiện), Tổng tập văn học Việt Nam (tập IIIB, năm 1994, do Trần Nghĩa thực hiện), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (tập I, năm 1997, do Trần Nghĩa thực hiện) thì các "bản dịch này có quá nhiều nhầm lẫn, thậm chí tới mức không thể chấp nhận được" (Nam ông mộng lục, NXB Văn học, H.1999, tr.8) Vê các "nhầm lẫn" này, Nguyễn Đăng Na đề nghị đọc bài Nam ông mộng lục - vấn đề dịch bản, văn bản, tác giả và tác phẩm đã đăng trên Tạp chí Văn học số 7.1998. Thêm vài thông tin với bác.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn bác nhiều! Mấy ông làm Bách khoa toàn thư cũng quan liêu, không cập nhật kết quả nghiên cứu mới nhất.

    ReplyDelete
  3. Tôi vừa tải về bản chữ Hán của Nam Ông Mộng Lục từ Trung Quốc Cổ Đại Văn Hiến Tư liệu Tàng Thư 3000. Thấy bộ sách này có đủ 31 thiên, nhưng mỗi thiên rất ngắn có vài chục chữ. Không biết có đúng không.
    Ngoài ra còn rất nhiều sách có liên quan đến Việt Nam

    ReplyDelete