Sunday, July 20, 2008

Bài thơ cảm tác đi sứ về của Trần Phù

Tôi đọc thấy ở nhiều nơi viết rất tự hào khi sứ nhà Nguyên là Trần Phù có viết câu thơ "Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" (giữa tiếng trống đồng tóc bạc sinh) trong chuyến đi sứ Việt Nam. Những chỗ đó viết rằng sứ nhà Nguyên đã run sợ trước tinh thần Đại Việt. Tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tiện thể thư viện CADAL có cung cấp tập thơ Trần Cương Trung thi tập của Trần Phù nên tôi tìm đọc bài thơ này. Bản Trần Cương Trung thi tập trong thư viện CADAL là bản chụp của Tứ khố toàn thư, phần Tử tập. Nguyên bài thơ của Trần Phù có tên là Giao Châu sứ hoàn cảm sự (Đi sứ Giao Châu trở về cảm tác về sự việc). Bài thơ có hai thủ:

Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh
Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh
Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo
Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
Dĩ hạnh quy lai thân phúc tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.

Bảo kiếm kim phù tiếu thử thân
Bá Lăng kim thị cựu tương quân
Tháp tiền vị thượng chinh biên sớ
Nang để không lưu dụ Thục văn
Thất thập thân vi song mấn tuyết
Bát thiên khách lộ nhất tiên vân
Hà thì quy trạo yên giang thượng
Nhàn đối sa âu tẩy chướng phân

Câu thơ quen thuộc "Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh" nằm ở bài thứ nhất. Bài thứ nhất có nghĩa:
1. Tuổi trẻ chợt xin được giải mũ dài, có nghĩa là thiếu niên đã được ra làm quan.
2. Mệnh lạc đến phương Nam như một chiếc lông nhẹ. Lông nhẹ hàm ý không tự chủ được mình, bị gió thổi bay tới cả những nơi mà mình không muốn.
3. Muôn dặm ở vườn Thượng Lâm không có chim nhạn bay đến. Đây là điển tích về Tô Vũ. Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị giữ lại. Ông viết lá thư buộc vào chân chim nhạn. Mùa đông chim nhạn bay về phương nam tránh rét, bay tới vườn Thượng Lâm trong cung nhà Hán. Vua Hán đọc được thư mới biết Tô Vũ hãy còn sống ở đất Hung Nô. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy ông cảm thấy chuyến đi sứ của mình gian khó còn hơn cả trường hợp của Tô Vũ, lấy đâu chim nhạn bay đến vườn Thượng Lâm.
4. Canh ba ở ải Hàm Cốc có tiếng gà gáy. Đây là điển tích về Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân đi sứ sang Tần, đang đêm chạy về Tề, tới ải Hàm Cốc cửa đóng không ra được. Đúng lúc đấy có tiếng gà gáy và quan coi ải mở của, Mạnh Thường Quân thoát ra khỏi Tần. Tiếng gà gáy là do một người trong đoàn của Mạnh Thường Quân giả làm. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy ông cảm thấy hoàn cảnh chuyến đi sứ của ông gian nan, vất vả, nguy hiểm như chuyến đi sang Tần của Mạnh Thường Quân.
5. Trong bóng hình mác sắt tấm lòng son cay đắng. Mác sắt là hình tượng của chiến tranh. Trần Phù viết câu thơ này cho thấy tấm lòng trung chinh của ông rất cay đắng trong cảnh hai nước có chiến tranh. Đó là vị thế không biết phải làm sao, chỉ có tầm lòng son mà thôi.
6. Giữa tiếng trống đồng tóc bạc sinh. Ở câu thơ này Trần Phù có cước chú rằng ông mới có 35 tuổi mà chuyến đi sứ này trở về đã thấy có 2 sợi tóc bạc. Câu thơ này cho thấy chuyến đi sứ rất hung hiểm, đầy bất trắc và lo âu.
7. May mắn được quay về, thân như được sinh ra lần thứ hai.
8. Trong giấc mơ còn có cảm giác kinh sợ về chướng khí.
Hai câu thơ cuối cho thấy Trần Phù cảm thấy ông còn được may mắn trở về quê hương, đến nỗi trong mơ còn sợ tấm thân bỏ lại ở đất Việt.

Đọc bài thơ trên của Trần Phù chỉ thấy nỗi lo sợ về chuyến đi sứ của ông. Nỗi lo không có ngày tấm thân được an toàn trở về quê hương bản quán. Đấy là một nỗi lo hiện sinh. Đi sứ là một quan hệ ngoại giao, và đáng lẽ ra nước chủ nhà phải hiếu khách đảm bảo để sứ giả cảm thấy an toàn, cảm thấy như đang ở nước mình. Đằng này, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhà Trần đã không làm được gì để sứ giả yên tâm. Đó là nhược điểm của nhà Trần. Hậu thế không hiểu tại sao toàn tán dương bài thơ này, cho rằng sứ nhà Nguyên đã khiếp sợ trước tinh thần Đại Việt. Tôi cho rằng những việc tán dương như thế là biểu hiện rất rõ của tinh thần nhược tiểu, một hả hê của nước bé trước những vụn vặt, nhỏ nhoi không đáng quan tâm. [Buồn cười nhất là ông Xuân Ba viết trên báo Tiền Phong rằng bài thơ này được ứng tác ở chính đất Thăng Long khi sứ giả được vua Trần tiếp. Không hiểu ông này hiểu câu "Dĩ hạnh quy lai thân phúc tại" như thế nào. Thế mà thấy người ta viết rằng nhà ông này có đủ "văn phòng tứ bảo".]

Bài thơ thứ hai có nội dung:
1. Kiếm báu phù vàng cười cho tấm thân này
2. Bá Lăng ngày nay là nơi cai quản quân ngày xưa
3. Trước giường chưa dâng sớ đi sứ
4. Đáy túi còn lưu dụ Thục văn. Dụ Thục văn là dụ chỉ an dân. Thời Hán, Đường Mông được sai đi đánh Dạ Lang. Trên đường khởi quân áp chế dân chúng, cướp bóc thóc gạo. Hán Vũ Đế sai Tư Mã Tương Như thảo hịch "Dụ cáo Ba Thục dân dĩ phi thượng ý" (Dụ thông báo cho dân Ba Thục biết những việc làm không phải là ý của vua) trách mắng Đường Mông. Từ đấy gọi là "dụ Thục văn".
5. Cha mẹ bảy mươi hai mái tóc bạc
6. Đường trần tám nghìn một dải mây
7. Bao giờ được chèo thuyền trở về trên sông khói
8. Nhàn nhã ngắm đám chim âu tẩy sạch mùi chướng khí

4 comments:

  1. Đồng nhất với cao kiến của bác.

    ReplyDelete
  2. "Tôi cho rằng những việc tán dương như thế là biểu hiện rất rõ của tinh thần nhược tiểu, một hả hê của nước bé trước những vụn vặt, nhỏ nhoi không đáng quan tâm".
    Rất đúng. Nhưng e rằng sẽ ko làm hả hê được số đông. Tâm lý nhược tiểu khó gột rửa.
    Blog thật thú vị.

    ReplyDelete
  3. Lắm chuyện, thế cái lúc quân Mông chặt đầu xứ thần, chinh phạt đến đâu thì giết chóc từ quan quân đến dân lính các nước không chịu thuần phục đến đó một cách khốc hãi và man rợ thì Trần Phù kia có thấy khiếp sợ ko? Hai nước có xích mích, ngoại giao căng thẳng, nhà ngoại giao luôn trong trạng thái "khiêu vũ giữa bầy sói" là chuyện thường tình. Ko lẽ nó đến cửa nhà mình "uốn lưỡi cú diều sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó bắt nạt tể phụ" mình cũng phải cung dưỡng nó thoải mái như ở nhà hay sao?! Đúng là đã ăn cướp lại còn la làng!

    ReplyDelete
  4. Vả lại, có vẻ tác giả bài viết còn cố tình dịch sai nghĩa hai câu đầu bài thơ. Ra đều như việc Trần Phù đến Giao Châu là bất đắc dĩ, không có ý xấu, ngược lại bị vua tôi nhà Trần bắt nạt. Vậy thực hư là thế nào?

    Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh
    Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh

    "Trường anh" không phải là dải lụa làm quan, mà là chỉ Tích Chung Quân xin dải lụa dài xung phong đi bắt vua Nam Việt. Hình ảnh này cũng xuất hiện trong Tống thượng thư Sài Trang Khanh xuất sứ An Nam (tức Sài Thung 柴椿), ngữ khí hết sức khảng khái. Lại còn dùng động từ "thỉnh" (xin), chứ ko phải là "lãnh" (nhận). Ý nói Trần Phù tuổi thiếu niên ngạo mạn, có chí xin vua đi sứ "hạch tội" đám quan quân An Nam dám bố láo với Thiên Triều.

    Tương tự, đặt trong ngữ cảnh thì "nhất vũ khinh" cũng ko có ý than thở "thân em như dải lụa đào..." chi sất! Mà là coi tính mạng "nhẹ tự lông hồng" như nam tử Hán sẵn sàng xông pha đón nhận cái chết mới đúng!

    Tóm cái váy lại là một thằng trẻ trâu hếch mặt lên giời, đòi "bắt trói vua Nam" về chầu thiên tử, cuối cùng bị chèn ép đến sợ mất mật, nghe tiếng trống trận thì bạc cả tóc, vớt được cái mạng quèn về đến thiên triều hẵng còn ăn ko ngon ngủ ko yên. Có gì đáng để mà thương cảm với chê trách nhà Trần hả ông chủ thớt?

    ReplyDelete