Monday, June 30, 2008

Tên tôi là đỏ

Tôi đang định đọc cuốn Tên tôi là đỏ của Pamuk. Vừa giở bản dịch tiếng Việt của Phạm Viên Phương và Huỳnh Kim Oanh ra đọc thì thấy khó chịu quá, không muốn đọc nữa. Bản dịch tiếng Việt được dịch từ bản dịch tiếng Anh. Chuyện này cũng không sao. Nhưng các dịch giả này lại có sáng kiến đem dịch lại một số danh từ, được gọi cho tên người trong tiểu thuyết, từ tiếng Anh ngược lại sang tiếng Thổ bằng từ điển Anh-Thổ để "tôn trọng bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ". Thế cũng chưa sao, nếu họ tra Google mất vài phút, tìm bản mục lục tiểu thuyết bằng tiếng Thổ thì đã không bị tam sao thất bản. Cứ "I am called black" sang tiếng Việt biến thành "Tôi được gọi là Siyah". Nếu ai không đọc Đôi lời của những người dịch thì chẳng thể nào hiểu nổi Siyah là đen. Nhưng khốn nỗi, Siyah không phải là từ mà Pamuk đã sử dụng. Ông dùng từ Kara, "Benim Adim Kara", có nghĩa là Tôi tên là đen. Hơn nữa, đã muốn đổi các tên sang tiếng Thổ, sao cái nhan đề "Tên tôi là đỏ" không dịch là "Tên tôi là Kirmizi" đi? Không biết biến Kara thành Siyah như vậy là có tôn trọng tác giả lẫn "tôn trọng bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ" không? Không biết có bao nhiêu tờ báo, bao nhiêu nhà nghiên cứu phê bình văn học đã đọc bản dịch này, viết điểm sách, bình luận, phê bình mà không phát hiện ra lỗi này. Ôi chẳng lẽ tất cả cũng chỉ là một đám giá áo túi cơm, một bầy mù tịt, cứ chàng Siyah hay sao?

Xem mục lục bản tiếng Thổ mới thấy Pamuk đặt tên cho các chương rất nhất quán: Benim Adim Kara (tôi tên là đen) giống như nhan đề của tiểu thuyết Benim Adim Kirmizi (tôi tên là đỏ), cũng giống y trang như tên của chương 31, Benim Adim Kirmizi. Còn cấu trúc "tôi được gọi là ..." trong tiểu thuyết có dạng "Bana .... Derler", ví dụ như "I am called "butterfly"" nguyên tiếng Thổ là "Bana Kelebek Derler".

Pamuk hiện có 3 tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt, thì một quyển dịch từ tiếng Anh, một từ tiếng Đức, một từ tiếng Nga. Đúng là trăm hoa đua nở.

11 comments:

  1. Sách dịch của mình thực sự hiếm cuốn nào tử tế bác nhỉ.
    Em chưa được đọc bản gốc nhưng thấy "Những kẻ thiện tâm" đọc được bác ạ. "Tên tôi là đỏ" thì chưa đọc nhưng nghe bác nói thế lại nản ghê.

    ReplyDelete
  2. May wa em chưa mua cuốn nay :-ss

    ReplyDelete
  3. Nếu thích đọc thì mua đi. Lỗi đấy cũng không trầm trọng gì.

    ReplyDelete
  4. "Những kẻ thiện tâm" đọc nhức cả mắt, mọi cái tên trôi tuột ra khỏi đầu, trừ những cái tên nghe Anh một chút. Thấy hay nhất là chương đầu (vì chẳng có cái tên nào cả). Chắc là C.V.Dz học tập các bình luận viên bóng đá đây.

    ReplyDelete
  5. Châu Hải ĐườngJuly 2, 2008 at 1:25 AM

    Chuyện dịch thuật này thú vị quá bác nhỉ ...he he ...
    Ngày xưa em từng nghe chuyện người ta dịch bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương" sang tiếng Anh, rồi lại có ông tỷ mẩn dịch lại từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thành bài ca dao như sau:
    "Cuồng phong đập cành trúc;
    Đổ gục bên lề đường;
    Mụ giời đánh một hồi chuông;
    Phở gà húp vội mắc xương nhiều lần!"
    Khà khà ... Hoá ra không chỉ là chuyện đùa!

    ReplyDelete
  6. Em mua một cuốn nhưng đọc không thấy vào lắm. Bác nào nhà ở SG muốn đọc em tặng...

    ReplyDelete
  7. Cuốn "Thế giới phẳng" thấy một loạt "đại gia" ký tên ở mục "dịch và hiệu đính", nhưng lại có quá nhiều lỗi. Sách này viết nguyên bản từ tiếng Anh, dịch thẳng ra tiếng Việt mà thế mới chết chứ.
    @ Bác DOng A: Thấy bác viết ở đây thì có vẻ bác giỏi tiếng Thổ, hay là bác ra tay nghĩa hiệp dịch một vài cuốn của Pamuk cho bà con mê sách Việt Nam đỡ phải xài sách "bắc cầu qua sông Xen, sông Thêm, sông Vôn Ga, sông Ranh".

    ReplyDelete
  8. Thưa bác, cháu theo dõi blog của bác nhiều, cháu để ý thấy bác dùng những từ như: "y trang", "nghê rợn", chàu nghĩ không có lỗi đánh máy ở đây, mà là có ý nghĩa gì mà cháu chưa biết. Mong bác chỉ giúp!
    PS: cháu còn hay thấy người ta viết "xử dụng" chứ không phải "sử dụng", bác giải thích giúp luôn được không ạ?

    ReplyDelete
  9. Đấy là lỗi chính tả. Nếu bạn thấy những lỗi này thường xuyên lặp lại ở blog này thì có nghĩa đấy là những lỗi trầm trọng của một thói quen xấu chưa sửa được. Nhưng "sử dụng" thì lại chính xác.

    ReplyDelete
  10. về phần tiếng Thổ thì đương nhien em không biết, nhưng theo em thấy thì bản dịch này rất hay, dịch giả đã nói rõ rằng nếu có sai sót thì độc giả cứ việc nêu í kiến, để nhữung lần xuất bản sau được chính xác hơn, cho nên em nghĩ bác cứ nêu lên với nhà xuất bản
    nhưng nếu bác có thể dịch hay hơn thì độc giả chúng em hoàn toàn hoan nghênh,sẽ đợi phiên bản của bác vậy
    dù sao thì đây là một tác phẩm tuyệt vời, tam sao thì đương nhiên thất bản, mình cứ đọc rồi đi tham khảo khắp nơi thế này để hoàn chỉnh thêm phần thiếu sót, và đương nhiên đọc bản dịch thì không bao giờ hoản hảo như bản gốc được
    người qua đường,xinh lượng thứ vì sự đường đột

    ReplyDelete
  11. Chào bác Dong A.
    Tôi có quen biết với dịch giả Phạm Viêm Phương và biết bác ấy là người làm việc rất nghiêm túc. Bác ấy muốn cám ơn bác tại blog này nhưng không được, do không rành về blog và đã đăng trên trang facebook. Nay tôi xin được giúp bác Viêm Phương gửi lời cám ơn đến bác Dong A với nội dung như sau:

    "LỜI CÁM ƠN MUỘN MÀNG
    Lang thang trên mạng, tôi đọc được nhận định sau, từ trang blog Đông A ...
    ... Tôi (PVP) vào comment, để cám ơn người viết, nhưng không gởi ý kiến của mình đến trang blogspot đó được (tôi vốn kém cỏi về hoạt động trên mạng), nên muốn dùng status này để nói lên điều đó. Hy vọng lần tái bản kế, nếu có, tôi và bên xuất bản sẽ sửa được lỗi này.
    Một lần nữa, xin cám ơn."
    (https://www.facebook.com/phamviem.phuong?fref=ts)

    ReplyDelete