Saturday, December 22, 2007

Sách đắt rẻ thế nào?

Giá của một quyển sách như thế nào thì được coi là đắt hay là rẻ? Có lẽ, sách là một mặt hàng đặc biệt nên rất khó xác định chuyện đắt rẻ. Giá trị của một quyển sách không phụ thuộc nhiều vào chi phí thô (in ấn, biên tập) mà chủ yếu phụ thuộc vào những giá trị không "quy ra thóc" được như tác giả, phiên dịch. Tuy vậy, tôi vẫn muốn khảo sát giá sách của các nhà xuất bản, và qua đó có thể hình dung nhà xuất bản nào bán sách đắt, nhà xuất bản nào bán sách rẻ. Giá sách đắt rẻ của các nhà xuất bản phần nào cũng phản ánh phần lợi nhuận của các nhà xuất bản, cũng như chi phí quản lý của họ. Giá sách thấp thể hiện nhà xuất bản quản lý tốt, hạch toán tốt, cân đối giữa lợi nhuận và nhu cầu đọc sách của độc giả. Để so sánh giá sách tôi sử dụng hai chỉ số. Chỉ số thứ nhất là giá thành một trang sách (đơn vị đồng): đó là giá bìa chia cho số trang sách. Chỉ số thứ hai là giá thành trên 1cm vuông (đơn vị đồng/1cm^2): đó là giá bìa chia cho số trang sách và chia cho diện tích một trang sách. Chỉ số thứ nhất không cung cấp nhiều thông tin cho so sánh lắm vì các quyển sách khác nhau có thể có khổ sách khác nhau. Tôi chỉ khảo sát giá sách các tác phẩm văn học nước ngoài, và căn cứ vào thông tin trên trang web bán sách www.vinabook.com. Tôi cố gắng chọn các sách xuất bản gần đây và có khả năng đều phải mua bản quyền.

1. Nhã Nam
- Tên tôi là đỏ: 157 và 0.436
- Kafka bên bờ biển: 157 và 0.423
- Em ở đâu: 141 và 0.528
- Quỷ cái vận đồ Prada: 117 và 0.401
- Người tình: 189 và 0.710
Trung bình: 0.500

2. NXB Trẻ
- Pendragon: 116 và 0.472
- Sức mạnh tình yêu: 121 và 0.454
- Suối nguồn: 140 và 0.489
- Mong Sil: 172 và 0.614
- Pháp thuật (I): 112 và 0.453
Trung bình: 0.496

3. NXB Phụ nữ:
- Bốn kiếp thùy liễu: 105 và 0.462
- Thủy thủ phố Portobello: 139 và 0.521
- Cửa hoa hồng: 121 và 0.417
- Nhạc đời may mắn: 129 và 0.474
- Mặc cảm của Đ: 117 và 0.448
Trung bình: 0.464

4. NXB Công an nhân dân:
- Sau nửa đêm: 138 và 0.500
- Đỗ quyên đỏ: 126 và 0.457
- Nhan sắc: 140 và 0.470
- Totem sói: 177 và 0.460
- Huynh đệ (II): 114 và 0.460
Trung bình: 0.469

5. NXB Văn hóa thông tin
- Điệp viên của Chúa: 173 và 0.446
- Tâm bệnh: 149 và 0.605
- Thiên thần và ác quỷ: 173 và 0.450
- Điểm dối lừa: 195 và 0.509
- Kỳ án ánh trăng: 130 và 0.437
Trung bình: 0.489

Qua khảo sát như trên tôi thấy giá sách của Nhã Nam đắt nhất, sau đến NXB Trẻ. Giá sách rẻ nhất thuộc về NXB Phụ nữ. Một điều dường như là nghịch lý, đáng lẽ những nhà xuất bản lâu đời như Phụ nữ quản lý thường cồng kềnh hơn các nhà sách mới như Nhã Nam hay Trẻ thì chi phí phải cao hơn và giá sách phải cao hơn. Nhưng trên thực tế lại tỏ ra ngược lại. Có lẽ các nhà sách mới đã coi vấn đề lợi nhuận cao hơn.

16 comments:

  1. em đợi tin TS HS từ bác cơ!

    ReplyDelete
  2. Em nghĩ là chẳng có sách đắt hay rẻ mà chỉ có sách người đọc thích hay không thích. Nếu cuốn sách được yêu mến, có được cuốn sách ấy là vô giá. Nếu ko thích, cuốn sách rẻ cũng nặng, đắt giá mà ứ nuốt nổi :)

    ReplyDelete
  3. Cách phân chia của bác không chính xác rồi. Trong số sách của các nxb nhà nước bao nhiêu quyển là của các công ty như Nhã Nam, Đông A, Bách Việt? Và sách của Nhã Nam thì lại có giấy phép của từ NXB Hội Nhà Văn đến NXT Trẻ và Phụ nữ...

    ReplyDelete
  4. Nhị Linh nói có ý đúng. Bởi sách của Công ty Nhã Nam hay Đông A hoặc Anlpha đi nữa thì cũng vẫn phải nằm trong Nhà xuất bản nào đó!Ví như trong cái list của bác Đông A thì hầu hết các tác phẩm của Nhã Nam là thuộc NXB Văn học. Vậy nên so sánh giữa công ty với Công ty hoặc giữa NXB với NXB mới đúng ạ!

    ReplyDelete
  5. Bác gõ nhầm ạ: Huynh đệ chứ không phải Huyng đệ ạ!

    ReplyDelete
  6. Các bác, tôi cũng muốn so sánh giữa các nhà sách (không phải NXB) với nhau, nhưng cái trang web bán sách họ chỉ đề tên NXB, không đề tên nhà sách. Riêng Nhã Nam tôi nhận ra vì có cái logo và tên sách quen thuộc nên tôi chắc chắn là của Nhã Nam. Các nhà sách khác tôi ít để ý nên không dám chắc chắn. Tôi nghĩ NXB Trẻ không liên kết với các nhà sách, nên họ cũng không thu được đồng nào bán cái.

    ReplyDelete
  7. Nếu các bác so sánh sách với nhau cũng sẽ thấy, "Tên tôi là đỏ" rẻ hơn "Suối nguồn". Cuốn "Người tình" sao mà đắt thế. Tôi chỉ đoán là do tại sách mỏng, ít trang, tiền bản quyền lớn [tất nhiên cũng không loại trừ chuyện lợi nhuận nữa].

    ReplyDelete
  8. Giá sách cũng còn tùy theo chất lượng giấy in, chất lượng bìa , đặc biệt là tiền bản quyền nữa. Như cuốn "Kafka bên bờ biển" chẳng hạn. Tiền bản quyền cao, bìa và giấy in đẹp nên giá cũng tương đối. Mà sách ngày càng đắt, ra nhà sách cứ như bị móc túi. Ôm vài cuốn về là thộn mặt ra ngay.

    ReplyDelete
  9. Theo như em hiểu thì bác hoàn toàn hiểu được mối tương quan biện chứng thống nhất nhưng không đồng nhất giữa "giá cả" và "giá trị" của một cuốn sách, hay là của một mặt hàng nói chung, là như thế nào (mà ai chẳng phân biệt được vì đã bị nhồi nhét Kinh tế chính trị Mác Lê từ khi mới lò dò vào đại học). Nhưng cái mệnh đề "Giá trị của một quyển sách không phụ thuộc nhiều vào chi phí thô (in ấn, biên tập) mà chủ yếu phụ thuộc vào những giá trị không "quy ra thóc" được như tác giả, phiên dịch." thì em ngờ là bác hơi vội vàng đấy ạ. Một cuốn sách nó không chỉ là một cái túi giấy để đựng tác phẩm mà bản thân nó cũng là một thực thể vật chất nữa, mà đã vậy thì cái tạm gọi theo hệ thuật ngữ cũ là hình thức của nó cũng phải có một tư thế nào đó trong con mắt của bác bên cạnh cái tạm gọi theo hệ thuật ngữ cũ là nội dung của nó chứ? Nếu căn cứ trên cái mệnh đề của bác thì sẽ lý giải ra sao ba cái hiện tượng mà em nhặt bừa ra sau đây:
    - Hiện tượng sưu tầm các bản sách cũ. Cuốn Frankenstein (chắc không ai phủ nhận về mức độ kinh điển của nó) của Penguin 2003 giá có 8USD, còn bản đầu tiên năm 1831 được rao trên ilab.org với giá 5750GBP (úi).
    - Hiện tượng một cuốn sách (ok, một tác phẩm) được in trong nhiều tủ sách, thành nhiều bản khác nhau, phục vụ cho những đối tượng khác nhau: paperback, hardcover, các dạng special editions có đánh số nhảy, có chữ ký tác giả..
    - Hiện tượng trong cái trang bản quyền của mỗi cuốn sách ngoài tên tuổi tác giả, dịch giả và cái thằng cha nắm quyền mua quyền bán với tác phẩm trong ruột ra thì cái tên người thiết kế bìa, jacket hay đến từng mẩu nhỏ hình họa trên bìa cũng đều được ghi chú tử tế. Một số quyển, như Kafka bên bờ biển bản tiếng Anh chẳng hạn, còn ghi vài dòng bản quyền và giới thiệu của cái typeface nữa mới ghê chứ, đủ khiến em giật mình vì mức độ chuyên nghiệp trong làm sách của họ. Chứ còn nếu chỉ có nhà tác với nhà dịch là quan trọng, thì em mở luôn nhà xuất bản Mở Miệng cho rồi.
    Thêm nữa, bác nói ngay từ đầu giá trị của một quyển sách phụ thuộc chủ yếu vào những giá trị như tác giả, phiên dịch... mà trong cái tiêu chí khảo sát của bác em lại chả thấy hai cái tiêu chí ấy đâu cả. Số trang với kích thước chẳng phải cũng là những yếu tố thuần kỹ thuật đấy sao? Hay tới đây giá và giá cả lại không liên quan gì tới nhau nữa rồi? Còn nói Người tình đắt, thì so về mấy cái chỉ số của bác, nếu nó có đắt gấp đôi hay gấp rưỡi xê ri Marc Levy em thấy cũng chấp nhận được. Dưng mà nghe cái câu in ấn với biên tập chỉ là chi phí thô mà em thấy xót lòng cho cả một bộ phận công nhân Việt Nam (cổ xanh lẫn trắng) chỉ tồn tại để đổ móng cho tượng đài của các trí thức (tức tác giả và dịch giả) quá.
    Em cũng hiểu là bác chỉ muốn đưa ra mấy con số tạm thời để dễ hình dung, nhưng mấy cái "có lẽ" kết luận của bác nó vẫn nghiệt ngã quá. Em cũng đồng ý là sách thời buổi này đắt, nhất là sách Nhã Nam, nhưng em cũng đồng ý luôn với bạn Brissjjđó là cuốn sách đã không thích thì rẻ mấy cũng thành đắt, cũng chẳng cần tốn thêm cả thời gian đọc đến. Mà sách hay thì em cứ hóng hớt sớm muộn gì cũng có bạn bên VN Thư quán hay Thư viện ebook chăm chỉ gõ lên, nên ơn trời em chẳng bao giờ phải lăn tăn chuyện sách đắt hay rẻ cả.

    ReplyDelete
  10. "Nguoi tinh" la mot an ban dac biet, nen gia dat dot xuat. "Totem soi" thi co ve nhu la vi tinh chi phi dich cho nguoi dich "vuot khung", trong khi do hinh nhu la mot that bai ve thuong mai.

    ReplyDelete
  11. @Lunafan: tôi cũng chỉ muốn hình dung tương đối giá cả của một cuốn sách thế nào. Tôi thấy chỉ số tôi đưa ra để khảo sát là tạm OK. Tôi nghĩ không còn có cách nào hay hơn để so sánh. Những phần không quy ra thóc được lại có thể ước lượng thông qua số lượng bản in và số lượng sách bán. Chi li thì rất khó tính. Tôi tạm gọi phần thô là in ấn và biên tập vì phần này không độc nhất như tác giả hay biên dịch. Ví dụ như Murakami thì chỉ có 1 ông Murakami thôi hay Dương Tường cũng chỉ có 1 ông Dương Tường thôi. Thay ông Dương Tường bằng ông khác là có 1 bản dịch khác. Trong khi đó thay biên tập này bằng biên tập khác hay thay người sắp chữ này bằng người sắp chữ khác, cuốn sách vẫn không thay đổi về cơ bản. Chi phí trả cho biên tập và in ấn về cơ bản là không biến đổi nhiều, trong khi cho tác giả và người dịch tôi nghĩ là có khác nhau.

    ReplyDelete
  12. @Nhị Linh: Nhã Nam bị cuốn "Người tình" kéo chỉ số trung bình lên. Nếu bỏ cuốn này thì giá sách của Nhã Nam thấp hơn. Nếu thay "Người tình" bằng "Bí ẩn về con chó lức nửa đêm" thì chỉ số trung bình của Nhã Nam sẽ là 0.462, tương đối thấp. Thôi cứ tạm lấy 0.450-0.470 là giá OK. Dưới chỉ số này là rẻ, trên chỉ số này là đắt.

    ReplyDelete
  13. Các tham số của bác vẫn chưa đủ, thành ra có nhận xét/phán đoán lẽ ra các nxb lâu năm giá phải cao hơn vì cồng kềnh... nếu quy ra thóc tất thì còn phải tính chuyện nxb nhà nước không phải trả tiền quản lý phí, mua giấy phép, và còn cách tính thuế khác nhau nữa. Bác có ở trong cuộc thì mới biết sức ép mạnh thế nào, và "phe" nhà nước lợi thế nào, vì với tư nhân, một đầu sách không bán được là chết, còn nhà nước thì kể cả không làm gì thì với kiểu thành lập nxb theo ngành nghề và đoàn thể thì họ vẫn có thể in các thể loại lăng nha lăng nhăng cho cơ quan này nọ etc.

    ReplyDelete
  14. bác ạ, em nhất trí với bạn nhị Linh là bác khảo sát thiếu các yêu tố cấu thành giá. Nhất là tiền thù lao dịch giả (Nãh nam trả cao nahát trong mặt bằng hiện nay), và tiền quản lý phí- các NXB ngồi không hưởng 7% quản lý phí từ các nhà sách tư nhân , các nhà sách tư nhân è cổ ra gánh thêm 7% tiền "mua mũ"cho đối tác liên kết. Hơn thế nữa, NXB không mấy khi phải trả chi phí đào tạo và khấu hao máy móc, tài sản cố định cho nhà nước. Còn nhà sách tư nhân thì chịu tất
    Theo như cân nhắc một cach thiển cận của nhà em lấy chất lượng+ giá cả rồi chia ra cho sức chịu đựng của cái ví= lợi ích vật chất và tinh thần thu về, thì em chọn mua sách Nhã nam bác ạ

    ReplyDelete
  15. Giá không có same same như nhau đâu. Ví dụ quyển Suốn nguồn của NXB Trẻ nếu tính theo giá như quyển "Tôi tên là đỏ" của Nhã Nam thì giá bìa sẽ là 147200 đồng. Trong khi đó NXB Trẻ bán giá bìa 165000. Như vậy với 1000 bản NXB Trẻ đã bỏ túi gần 18 triệu đồng thuần túy do cách đặt giá cao của mình. Số tiền dư này rõ ràng là móc từ túi tiền của độc giả. Tuy thị trường sách về nguyên tắc là thị trường tự do, nhưng vì lý do bản quyền nên nó vẫn có tính độc quyền. Ví dụ như một NXB khác muốn xuất bản quyển "Suối nguồn" với giá rẻ hơn (ví dụ như 147200 đồng) cũng không thể làm được vì NXB Trẻ đã mua bản quyền rồi. Tôi chưa thấy cơ chế chống độc quyền trong xuất bản sách, mà cụ thể là chống đặt giá cao không có cơ sở hợp lý. Tôi nghĩ nhà nước có thể đặt ra một thang bảng giá, sau đó nếu NXB nào đặt giá cao thì thuế sẽ đánh lũy tiến, ví dụ nếu bán Suối nguồn giá 147200 thì thuế là 10% (con số 10% này là ví dụ) nhưng nếu bán giá 165000 thì thuế là 20%. Tôi nghĩ báo chí cần đưa vấn đề này ra công luận để đảm bảo quyền lợi cho người đọc.

    ReplyDelete
  16. MỌI và MỌI mà thôiDecember 26, 2007 at 4:55 AM

    Tôi nghĩ trước đó các NXB này cũng làm cuộc khảo giá như anh Đông A làm rồi, với lại họ có quyền bán giá rẻ hơn không, số lượng bản in mà họ xin được, ....(một số yếu tố khác mọi người đã nêu) vì vậy có lẽ giá sẽ xem xem nhau thôi.

    ReplyDelete