Tuesday, November 6, 2007

Câu chuyện cello hồ cầm

Khi đọc một bài viết trên blog của bác Linh về tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng tôi có comment rằng tôi không đọc vì không thể hiểu hồ cầm là cello. Hôm nay cũng qua blog của bác Linh tôi được đọc một bài viết trên blog Bulldog về vấn đề hồ cầm và cello và có liên quan tới comment của tôi. Tôi định comment trên blog Bulldog nhưng ở đó không cho khách lạ comment, nên mở topic về hồ cầm và cello ở đây.

Trước tiên tôi khẳng định rằng tôi không biết xuất xứ từ hồ cầm có nghĩa là cello hay violoncello từ đâu. Trong tiếng Việt hồ cầm là một từ Hán Việt, có xuất xứ từ Trung Quốc, để chỉ một loại đàn vốn có xuất xứ từ người Hồ, truyền vào Trung Quốc. Đó là kiểu đàn giống như đàn nhị ở Việt Nam. Ai xem phim Tiếu ngạo giang hồ có thể thấy chiếc đàn này do Mạc Đại tiên sinh sử dụng. Truyện Kiều có câu "Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương". Tuy câu thơ này còn gây tranh cãi chuyện hồ cầm ở đây là cây đàn nhị, đàn tỳ bà hay đàn nguyệt, nhưng tuyệt nhiên nó không thể nào là cello.

Người Trung quốc không gọi cello là hồ cầm. Người Trung quốc gọi cello là đại đề cầm. Có thể tra bất kỳ từ điển Anh - Trung nào để kiểm tra hay đơn giản xem trang wikipedia tiếng Trung. Như vậy có thể thấy xuất xứ hồ cầm - cello không phải từ tiếng Trung. Tuy nhiên người Trung quốc có gọi hồ cầm - đàn nhị, cây đàn của người Hồ, là đề cầm (xem Từ điển Quốc ngữ của Đài Loan) vì lý do hết sức đơn giản đề có nghĩa là kéo. Tiếng Việt gọi là đàn nhị cũng có lý do hết sức đơn giản vì nó có hai dây, và Hán ngữ cổ cũng gọi là "nhị huyền".

Vậy cello tiếng Việt gọi là gì? Người ta gọi là vi-ô-lông-xen.

13 comments:

  1. "một trương" hay "một chương" cũng là vấn đề tranh cãi.
    contrabass người Trung Quốc gọi là "đê âm đề cầm", có nghĩa là cây đàn kéo âm thấp.
    Đúng là cách phiên âm hiện nay vẫn chưa thống nhất.

    ReplyDelete
  2. "...một trương" hay "..một chương"?
    thế còn cây contrabass có thể gọi là Đại hồ cầm được ko ?
    bạn có thể nói thêm một chút về cách phiên âm (đoc) từ ngọai ngữ sang tiếng Việt, ví dụ như chữ vi-ô-lông-xen, lâu nay cách phiên âm hình như không sao thống nhất được.

    ReplyDelete
  3. Bác bức xúc với VVQ làm gì. Đọc entry mới về Dương Cầm của y cười muốn bể bụng. Y bảo Dương là sai, chính ra phải là Rương vì cái đàn này rất giống cái Rương. Cười xong thấy nhạt toẹt... Chẳng đáng quan tâm.

    ReplyDelete
  4. Không rõ bạn hỏi đàn harp nào. Như cái này
    http://en.wikipedia.org/wiki/Harp
    thì dịch là thụ cầm (thụ có nghĩa là đứng)
    Như cái này
    http://en.wikipedia.org/wiki/Guqin
    thì gọi là cổ cầm
    Như cái này
    http://en.wikipedia.org/wiki/Koto_%28musical_instrument%29
    thì gọi là đàn tranh

    ReplyDelete
  5. Theo nhà em biết thì thằng hồ cầm là anh trai thằng nhị mà nha mình đã biết. Thằng này giọng nó trầm buồn và dày âm hơn thằng nhị. Còn cách bác ở trên dẫn là "đại hồ cầm" và "hồ cằm" í là do nguồn Nôm-Hán_Phú-lãng-xa của các cụ 1930 nhà mình ngày xưa. Cái hồi đó cũng nhập nhèm về vốn hiểu âm nhạc Tấy phương lắm. Vả lại, ngay cái thằng Tầu khi dịch nó cũng hay quy về những thứ tương đồng mà nhà nó có. Em biết thế nói thế thôi ạ.

    ReplyDelete
  6. Đông A tiên sinh,
    Hồ cầm có vài nghĩa.
    Nghĩa thứ 1 chỉ những cây đàn dây có nguồn gốc của “rợ Hồ”, được phát triển, cải tiến ở TQ qua nhiều thế kỷ, đến nay vẫn được sử dụng, tiếng Anh Cát Lợi gọi là huquin. Có thể search trên google để xem mặt.
    Nghĩa thứ 2 là gọi tắt của “trung hồ cầm” chỉ cây đàn violoncello (cello) du nhập vào VN trong thời Pháp thuộc. Sở dĩ có chữ hồ cầm, vì cũng là đàn dây như hồ cầm Tàu, có chữ trung để phân biệt với đại hồ cầm chỉ cây contrebass to vật. Trong ngôn ngữ thông thường, người ta lược bớt chữ trung đi cho tiện.
    Giai đoạn 54-75, cây đàn cello ở miền Bắc thường gọi theo tiếng Pháp là vi-ô-lông-xen (viloncelle), còn ở miền Nam vẫn hay gọi là trung hồ cầm. Sau 75, từ trung hồ cầm tiếp tục được cộng đồng Việt kiều hải ngoại sử dụng.
    Chẳng hạn ông Trần Quang Hải, 1 nhà nghiên cứu âm nhạc có uy tín cũng gọi cello là trung hồ cầm trong 1 bài viết của ông. Trần Quang Hải tuy không phải là người trong giới ngôn ngữ, nhưng ông biết rõ cái đàn gì gọi tên là gì thì chuẩn xác.
    http://www.tranquanghai.info/index.php?p=47

    ReplyDelete
  7. Ngôn ngữ của Trần Quang Hải và ngôn ngữ của Đoàn Minh Phượng là một thôi. Không có gì đặc biệt cả. Vấn đề là "hồ cầm" từ đâu mà có. Việc gọi hay dịch cello là hồ cầm hay trung hồ cầm là một việc làm thiếu chuẩn mực về mặt dịch thuật và ngôn ngữ. Nó thể hiện sự tùy tiện và hời hợt trong công việc sử dụng ngôn ngữ. Bởi vì đặc điểm giống nhau của cello và đàn nhị không phải ở chữ "hồ" mà là ở đặc điểm khác. Cello giống đàn hồ cầm - đàn nhị không phải ở chỗ nó là của người Hồ, mà ở chỗ chúng đều dựng đứng và kéo. Cello không phải là một phóng đại kích cỡ của hồ cầm-nhị. Việc chuyển ngữ phải dựa trên các đặc điểm chung của hai loại đàn. "Hồ" không phải là đặc điểm chung của chúng.

    ReplyDelete
  8. Đông A tiên sinh,
    Tiểu nữ hoàn toàn đồng ý với tiên sinh rằng những người đầu tiên sử dụng cụm từ (trung) hồ cầm để gọi cello đã đặt từ không chính xác. Họ dùng chữ hồ cầm để chỉ 1 cây đàn không có quan hệ dây mơ rễ má gì với người Hồ mà chỉ giông giống cây hồ cầm ở chỗ kéo đứng. Và nếu ta viết 1 công trình nghiên cứu ngôn ngữ, ta có quyền chỉ ra cách dùng từ không chính xác của tiền nhân và đề xuất cách gọi chính xác hơn.
    Nhưng nếu ta viết cái khác, thì ta có thể chọn 1 thái độ khác.
    Chẳng hạn viết tiểu thuyết về một thời đã xa, các nhân vật thời ấy dùng từ hồ cầm, thì để truyền đạt được đúng cái không khí của thời ấy, bắt buộc ta phải dùng từ hồ cầm, dù ta mong muốn rằng từ năm 2007 trở đi, không nên dùng từ ấy nữa.
    Tiểu nữ chưa đọc Và khi tro bụi, chưa biết Đoàn Minh Phượng dùng từ hồ cầm trong văn cảnh nào, nên chưa bênh vực hay phê phán gì cả.
    Cũng tương tự như chuyện nhạc tiền chiến. Những bài viết trên chiến khu như Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ), Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Nụ cười sơn cước (Tô Hải)… đúng ra không phải là ca khúc tiền chiến, mà là ca khúc lãng mạn trong kháng chiến. Nhưng những bài này do lãng mạn tạch tạch sè nên không được hát ở miền bắc XHCN sau 54 mà chỉ được hát ở miền Nam với lời ca có sửa đổi (bỏ bớt những từ có mùi kháng chiến) và được giới thiệu sai là nhạc tiền chiến. Giả dụ tiểu nữ viết truyện về 1 cô ca sĩ phòng trà ở Sài Gòn chuyên hát Dư âm với Sơn nữ ca, tiểu nữ phải gọi cô là ca sĩ hát nhạc tiền chiến chứ không thể gọi cô hát nhạc kháng chiến được.
    Cũng như chuyện nước Nga và Liên Xô. Năm 86 tiểu nữ đi xuất khẩu lao động ở Donetsk, Ukraina. Khi đi đó là 1 nước cộng hòa trong thành phần Liên Xô, khi về đó là 1 quốc gia độc lập đang cãi nhau to với nước Nga về Crưm và hạm đội Hắc Hải. Đương nhiên Ukraina không phải là Nga. Nhưng bà con lối xóm cứ bảo là tiểu nữ đi Nga, ai đi Liên Xô cũng đều gọi là đi Nga cả, thì biết làm sao? Giả dụ tiểu nữ sau này nổi tiếng như Lê Vân, viết tự truyện yêu và sống thì phải thuật lời bà bán bún riêu đầu phố là “con Núi vừa đi Nga về” chứ không thể nhét chữ Ukraina vào mồm bả được.
    Vài lời ngô nghê, mong tiên sinh chỉ bảo thêm!

    ReplyDelete
  9. sevent-string harp.
    Cái này nên dịch thế nào cho đúng,anh có thể cho em biết được ko?

    ReplyDelete
  10. @Tề Phi: Tôi vừa tra từ điển Anh-Nhật trên mạng thì thấy piano ngoài cách phiên âm ra người Nhật còn dùng kanji gọi là dương cầm (yuokin,洋琴)

    ReplyDelete
  11. Tôi có check trên wiki thì người Nhật cũng không dùng từ "hồ cầm" cho cello, thành ra không hiểu tại sao ở Việt Nam lại dùng như vậy (theo lời nhà văn Phượng). Cũng như từ "dương cầm", không hiểu ở Việt Nam lại dùng cho đàn piano là bắt nguồn từ đâu. Người Trung Quốc gọi piano là "cương cầm", còn "dương cầm" chỉ loại đàn cổ truyền gõ dây (đàn tam thập lục?)

    ReplyDelete
  12. Thực ra violon và erhu (đàn hồ, đàn nhị, đàn gáo, đàn cò...) đều là anh em thôi. Đàn hai dây rung bằng màng trống da rắn, dây bằng kim loại, tơ hoặc ruột mèo, kéo bằng đuôi ngựa dễ tháo lắp và mang theo trong các cuộc chinh chiến của Thành Cát Tư Hãn, cho nên đã du nhập sang đến nước Ý, nơi người ta nghĩ cách dùng hộp cộng hưởng để âm thanh kêu to hơn - tạo ra cây violon, qua nhiều biến thể mà thành các loại violon của ngày hôm nay, trong đó có violon cell, cho nên gọi là trung hồ cầm có lẽ cũng không sai, nhắc đến cái nguồn gốc của cây đàn. Piano thì ngoài loại dùng búa gõ dây còn có loại gảy bằng lông ngỗng nữa, nay không còn phổ biến, nếu gọi nó bằng piano cũng được nhưng cũng có thể có người phản đối cho rằng không chính xác.

    ReplyDelete
  13. Tôi đi tìm thông tin về đàn Harp (Thụ cầm) thì gặp trang này, xin phép được tham gia 1 chút về Piano. Hồi trước học tiếng Hán ở trường KHXH Nhân Văn 1 cô giáo rất trẻ giải thích rằng chữ sở dĩ người TQ gọi Piano là Dương Cầm chỉ là vì piano được người "Tây Dương" mang vào TQ <-- thế ra Piano = Dương cầm = đàn của người tây. Cũng nói thêm: 1 thể loại khác như "Dương Tửu" = "rượu tây"; và chữ Dương được dùng cho người phương tây có thể vì họ đến TQ = đường thủy (đại dương), giống như VN gọi TQ là "Tàu" xuất phát từ "giặc tàu ô" sang VN = tàu thủy...
    Nhân tiện, các bác có thể giúp tôi tìm thông tin về đàn Harp (thụ cầm) được không? wiki tiếng việt không có. nick yahoo: averellpham . Thêm nữa, hình như "Đàn Hạc" là 1 tên không chính thống của cây đàn này phải không?
    ThanQ

    ReplyDelete