Friday, November 9, 2007

Tả hay tiêu chảy cấp?

Tôi không có chuyên môn về y tế cũng như về ngôn ngữ, nên chỉ suy nghĩ về vấn đề này như một cách tìm hiểu. Quả thật khi nghe thấy từ "tiêu chảy cấp" tôi đã không hiểu tỏ tường lắm. Tôi tự nghĩ rằng tiếng Việt của mình không đến nỗi quá tồi, nhưng nhiều khi nghe thấy những gì người Việt nói hay viết, tôi cứ phải quy về một tiếng nước ngoài nào đó thì mới hiểu nổi. Lần này không phải là một trường hợp hãn hữu hay ngoại lệ. Cuối cùng tôi cũng biết được "tiêu chảy cấp" là acute diarrhoea từ trang web của WHO và tra từ điển. Tôi thấy rằng "tiêu chảy cấp" cho tôi một khái niệm mù mờ vì chính cấu trúc của từ này. "Tiêu chảy" là một từ dễ hiểu, nhưng "cấp" lại là một từ khó hiểu. Người ta dễ hiểu "cấp" là bậc hay mức độ hơn là hiểu đúng nghĩa của nó là gấp. Tuy tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, nhưng việc từ "cấp" đứng đơn độc một mình bổ nghĩa cho "tiêu chảy" đã khiến cho nghĩa hiển ngôn của cấu trúc từ trở nên mù mờ khó cảm nhận. Chỉ cần thay chúng bằng "tiêu chảy cấp tính" thì nghĩa của từ trở nên dễ hiểu biết bao. Điều này có thể hiểu được vì "cấp tính" chỉ cho một nghĩa và do đó không tạo ra những phân vân đa nghĩa khi tiếp nhận. Không hiểu ai là người đầu tiên dịch acute diarrhoea thành "tiêu chảy cấp", nhưng có thể thấy cách dịch này là một cách dịch dở và không được trọn vẹn. Sự khó hiểu của "tiêu chảy cấp" không phải ở khía cạnh y học, mà ở cấu trúc của từ, mà nguyên nhân là do chuyển ngữ đã không tính tới khả năng hàm hồ của từ đơn.

Xem trang web của WHO thấy rõ họ định nghĩa cholera = acute watery diarrhoea. Như vậy tiêu chảy cấp tính (tiêu chảy nước) cũng là tả. Do đó "dịch tiêu chảy cấp tính" và "dịch tả" là đồng nghĩa. Thế thì việc sử dụng thuật ngữ "dịch tiêu chảy cấp tính" thay vì "dịch tả" là không có gì sai về phương diện ngôn ngữ lẫn phương diện y tế, cũng như có thể dùng "acute watery diarrhoea" thay cho "cholera". Đọc blog này tôi có cảm tưởng rằng tác giả blog đã không hiểu cả "tả" lẫn "tiêu chảy cấp", và cũng không chịu tìm hiểu bằng vài cú nhấp chuột đơn giản tra Google mà đã tạo ra những thị phi không cần thiết vì tạo ra cảm tưởng không đúng rằng "tiêu chảy cấp" là mức độ thấp hơn hay ít nguy hiểm hơn "tả", trong khi thực chất chúng là một.

15 comments:

  1. Thưa anh, vậy anh có trả lời được dịch tiêu chảy cấp từng xảy ra trong lịch sử ntn không ? Tác hại của nó thế nào ? Tại sao Bộ Y tế phải cuống lên vậy ?
    Hơn nữa có bao nhiêu người có khả năng vào web tra cứu chi tiết và dịch ra tiếng Việt như anh ? Nếu anh chỉ tra các trang tiếng Việt hay từ điển bách khoa
    tìm thuật ngữ Tiêu chảy cấp thì có không ? Và có ai khi nghe nói tiêu chảy cấp thì biết rằng trong lịch sử dịch này đã từng gây nguy hiểm thế nào không ?
    Nhưng nếu anh chỉ nói đơn giản là dịch Tả , người dân sẽ biết !
    Truyền thông ra cộng đồng thì cần sử dụng thuật ngữ dễ hiểu, nếu dùng chuyên ngành thì cứ gọi trong ngành thôi.

    ReplyDelete
  2. Bạn cho tôi thuật ngữ tiếng Anh tương ứng với "tiêu chảy cấp" và "tiêu chảy kéo dài" theo cách phân loại của bạn, vì chỉ bằng tiếng Việt không thôi, thú thật là tôi không thể hiểu được.
    Còn bản thân tôi hiểu thuật ngữ "tiêu chảy cấp" đang nói đến ở Việt Nam chính là "acute watery diarrhoea", mà dịch chính xác và đầy đủ là "tiêu chảy mất nước cấp tính", và đã được thu gọn lại thành "tiêu chảy cấp". Nếu ai hỏi tôi tả là gì, tôi sẽ trả lời rằng tả là tiêu chảy mất nước cấp tính.

    ReplyDelete
  3. Osin chỉ muốn cảnh báo mọi người thôi, "dịch tả" 1 từ gây ấn tượng mạnh hơn là "dịch tiêu chảy cấp", qua đó để mọi người có ý thức phòng tránh hơn thôi.

    ReplyDelete
  4. Tôi nghĩ có khi hiệu ứng ngược lại. Nếu gọi là dịch tả sẽ tạo ra: thứ nhất tâm lý hoảng loạn; thứ hai, tâm lý tự chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian khi có dịch tả; thứ ba, tâm lý mê tín, cầu cúng ôn dịch. Nếu người dân không hiểu gì thì họ chỉ còn cách đến bệnh viện chữa và tuân thủ vệ sinh an toàn theo hướng dẫn và tuyên truyền.

    ReplyDelete
  5. Tại sao lại không có ? Đây: the very first day of an outbreak
    Và tên của tập tài liệu là: First steps for managing an outbreak of acute diarrhoea
    outbreak là dịch.

    ReplyDelete
  6. tại người ta tự huyễn hoặc mình như thế cả thôi!

    ReplyDelete
  7. "Quả thật khi nghe thấy từ "tiêu chảy cấp" tôi đã không hiểu tỏ tường lắm" và đây "Do đó "dịch tiêu chảy cấp tính" và "dịch tả" là đồng nghĩa".
    Tôi tự hỏi tại sao không chọn cái tên gọi dể hiểu, đơn giản mọi người đều biết mà lại gọi cái tên chính anh cũng không hiểu tỏ tường.

    ReplyDelete
  8. Thưa bác Đông A, cháu có cái ý chia sẻ thế này ạ:
    1. Tiêu chảy chia làm 3 loại:
    + Tiêu chảy cấp
    + Tiêu chảy kéo dài
    + Hội chứng lỵ
    Trong đó, tiêu chảy cấp và kéo dài phân biệt với Hội chứng lỵ qua 1 đặc điểm (theo WHO) là: có máu trong phân.
    2. Như thế, khi không có máu trong phân, người ta sẽ coi tiếp, bệnh nhân đó có đi tiêu chảy từ 14 ngày trở lên không. Nếu có, đó là tiêu chảy kéo dài ạ.
    3. Như vậy, tiêu chảy cấp là loại tiêu chảy dưới 14 ngày và không có máu trong phân. Nhưng vấn đề là tiêu chảy này do virus hay do vi trùng (mà vi trùng tả là 1 trong số đó). Cần xét nghiệm, coi lâm sàng của bệnh nhân mới chắc được.
    4. Tuy vậy, dịch tả, với các đặc trưng dễ nhận: đi cầu phân lỏng lượng nhiều, phân đục như nước vo gạo,... rõ ràng là có tính chất nguy cấp hơn tất cả các loại tiêu chảy cấp (mà do các nguyên nhân khác gây ra). Do đó, có thể nói, dòm là biết ngay.
    Cháu rất đồng tình với bác trước cách phản ứng của Bộ trong việc công bố tên dịch. Tuy vậy, bác có nói ở trên là ""dịch tiêu chảy cấp tính" và "dịch tả" là đồng nghĩa", cháu không đồng ý lắm ạ, bởi như phân tích ở trên, thì tiêu chảy cấp tính còn rất nhiều những nguyên nhân khác nữa (thậm chí có con vi trùng gây bệnh rất giống bệnh tả, tên nó là ETEC loại LT)
    Chúc bác khỏe và tiếp tục có nhiều bài viết hay ạ!

    ReplyDelete
  9. @Bác Đông A:
    1.
    Tiêu chảy cấp : acute diarrhea
    Tiêu chảy kéo dài: prolonged diarrhea
    2.
    Thưa bác, cháu rất muốn một lần nữa đồng ý với tinh thần bài viết của bác về thái độ của Bộ trong đợt dịch tả này. Như cháu phân tích ở trên kia, thì công bố "dịch tiêu chảy cấp" là một hành động hoàn toàn chính xác về "từ vựng" và thuật ngữ y khoa (cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt). Tại sao cháu nói như vậy, là vì:
    + Tiêu chảy cấp là một bệnh rất rộng, có 90% nguyên nhân là do Vi khuẩn và Virus (trong đó có VK rất nguy hiểm là VK tả - sách Harrison 15ed trang 351). 10% còn lại là do các nguyên nhân khác như thuốc, ngộ độc,...
    + Triệu chứng tiêu chảy nhiều nước, mất nước nhanh... tuy rất đặc hiệu cho bệnh tả, nhưng vẫn có thể nhầm lẫn (Vi khuẩn ETEC loại sinh độc tố chịu nhiệt LT vẫn có thể gây ra bệnh cảnh tương tự vi khuẩn tả Vibrio Cholera)
    Do đó, khi Bộ nói đang có dịch "TC cấp", nghĩa là Bộ đang nói đúng "phân loại" rộng, "nhóm" lớn của bệnh tả. Vì như công bố của Bộ ở đây, thì "chỉ" có 15% ca tiêu chảy trong đợt này là có VK Tả, còn 85% còn lại thì không.
    Nhưng chỉ cần 1 ca có tả thì đã có thể gọi là dịch tả được rồi (WHO họ có nói như thế). Bộ đã dùng cái tổng quát để né cái "cần" nói. 15% là quá đủ phải khộng ạ? Vì vậy, nếu chính xác chút nữa, Bộ nên công bố là "Dịch tiêu chảy cấp" và "Dịch tả"(mặc dù "dịch Tả" là tập hợp con của "tiêu chảy cấp")
    đây là số liệu 15% ở trên đây ạ
    http://vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Benh-ta-chiem-15-so-ca-mac-tieu-chay-cap/50794085/407/

    ReplyDelete
  10. Gửi anh Dong A.
    Theo tài liệu của who họ viết cholera = acute watery diarrhoea là định nghĩa cho bệnh Tả chứ không phải định nghĩa cho Tiêu chảy mất nước cấp tính. Nói bệnh Tả là Tiêu chảy nước cấp tính thì đúng, ngược lại thi không phải. Tiêu chảy nước cấp tính là triệu chứng của bệnh Tả và nhiều bệnh khác nữa.
    Việc công bố tên bệnh khó có thể tạo tâm lý hoảng loạn trong thời đại thông tin ngày nay, nhất là đối với thủ đô HN. Có thể dẫn chứng 2 dịch SARS và dịch cúm H5N1 -> không có hoảng loạn.
    Tâm lý mê tín và tâm lý tự chữa bệnh như anh nói chỉ có thể có ở xã hội kém văn minh. Tôi cho rằng ngày nay, dân trí của VN , đặc biệt là thủ đô rất văn minh, nếu có thì chỉ có ở 1 thiểu số rất nhỏ.
    Việc chống dịch nếu phần lớn người dân không có kiến thức thì sẽ rất khó ngăn chặn bệnh. Hiện nay ngành y đã quá tải, nếu trường hợp xấu nhất, dịch bùng phát lên tới cả triệu người thì bệnh viện và các Cơ Sở y tế sẽ bó tay !!! Vậy người dân sẽ đến đâu ?
    hơn nữa, tôi không cho rằng Bộ Y tế muốn người dân không hiểu gì về dịch bệnh, chỉ có đều họ cứ úp úp, mở mở thôi.
    Ngành y, hơn ai hết là người hiểu rõ tác hại của dịch và ý nghĩa của tuyên truyền ntn.

    ReplyDelete
  11. Cám ơn bạn cho biết như vậy. Nhưng theo tài liệu của WHO mà tôi đã dẫn
    http://whqlibdoc.who.int/hq/2004/WHO_CDS_CSR_NCS_2003.7_Rev.1_eng.pdf
    họ khẳng định rằng "tiêu chảy mất nước cấp tính" là tả. Và họ cũng nói rằng những nguyên nhân khác tạo ra tiêu chảy gây bệnh dữ dội cho người bệnh, nhưng sẽ không tạo thành dịch (outbreak) nguy hiểm trực tiếp cho cộng đồng (xem trang 1 tài liệu ở trên). Như vậy đối với dịch, dịch tiêu chảy mất nước cấp tính chính là dịch tả. Các tác nhân tạo ra tiêu chảy khác (ngoài tả và lỵ) không tạo thành dịch. Tôi rất tin tưởng vào tài liệu của WHO.

    ReplyDelete
  12. Gửi anh Dong A
    Tôi nhận thấy logic của anh có vấn đề: Ban đầu anh dựa vào bản tiếng anh của WHO, sau đó lại bổ sung thêm từ "dịch" - Từ "dịch" này đâu có trong bản tiếng Anh ;-)
    Để hiểu thế nào là bệnh tả và khi nào phải công bố dịch tả, anh xem ở đây nhé, toàn tiếng Việt thôi:
    http://www.ykhoanet.com/binhluan/
    http://www.moh.gov.vn/homebyt/vn/upload/info/attach/1194246102031_TaQuytrinhxuly.doc

    ReplyDelete
  13. Ở đây tôi nói với nghĩa là khi tạo thành dịch, thì tiêu chảy cấp tính (mất nước) là tả. Các nguyên nhân tiêu chảy khác (ngoài tả và lỵ) có thể gây bệnh, nhưng không tạo thành dịch và do đó không gây nguy hiểm trực tiếp cho cộng đồng. Vì lý do này mà ở bài viết tôi đã viết rất rõ là "dịch tiêu chảy cấp tính" và "dịch tả" là đồng nghĩa (có chữ "dịch").

    ReplyDelete
  14. Có lẽ để "giải độc" một thời ngôn ngữ xã hội toàn tô hồng, khen ngợi; dạo này anh nào "chửi" hay, "đả" giỏi đều tự nghĩ như thế là "chính danh" chăng?
    Cái gì của "chúng nó" đề dơ dáy, bẩn thỉu, đáng nghi ngờ, có âm mưu, phi nhân tính... hết.
    Vẫn là con đường một chiều mà thôi, khác chăng là chiều nghịch so với trước đây. Thiếu tính xây dựng, chính là thiếu nhân bản.

    ReplyDelete
  15. Qua? la`Ngo^.-Chu*~...hic cu*' di ngoa`i Ra Nuo'c la'm va`o...Oh..Xin lo^~i..Toi no'i nha^`m..la` Di ra nuo'c Ngoai` cho la'm do' ma`..

    ReplyDelete