Tuesday, October 9, 2007

Vẻ đẹp của vật lý

Cách đây gần hai tuần tôi có nhắc đến hiệu ứng từ trở khổng lồ khi viết về khả năng lãng quên, về tương lai đánh mất khả năng lãng quên của con người. Hôm nay Giải thưởng Nobel Vật lý vinh danh chính hiệu ứng từ trở khổng lồ mà tôi nói đến. Truyền thông lại có dịp tán dương các khám phá vĩ đại, những ứng dụng to lớn đã mang lại biết bao tiện ích cho con người. Chắc không ai sẽ nói đến cái tương lai u ám học lãng quên đấy.

Tôi sẽ không nói đến những lợi ích hay cái tương lai có thể xảy ra kia. Tôi nói về vẻ đẹp của vật lý, cái vẻ đẹp mà không mấy ai cảm nhận được. Hiện tượng điện và từ được con người biết tới từ thời cổ đại. Phát minh la bàn của người Trung quốc là một ví dụ về từ tính. Việt sử còn ghi chuyện bộ tộc Việt Thường dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu và lạc mất đường về. Nhà Chu phải làm xe chỉ nam để đưa đoàn sứ thần về nước. Vẻ đẹp cổ điển của điện từ được biểu diễn qua các phương trình Maxwell. Đây là một trong các phương trình đẹp nhất trong lịch sử tri thức của nhân loại. Chúng liên hệ những bản chất điện và từ, thoạt nhìn có vẻ khác nhau vào một thể thống nhất. Tuy vậy, bản chất của từ tính phải đến tận thế kỷ 20 mới được hiểu một cách toàn diện. Bản chất của từ tính là một bản chất lượng tử. Một khái niệm lượng tử mới, spin, được đưa ra. Spin cùng với điện tích tạo thành hai mặt, mang tính từ và điện cho các hạt tải, những điện tử. Hiệu ứng từ trở chính là hiệu ứng thể hiện hai đặc tính cơ bản, điện tích và spin, đồng thời. Nhưng thông thường hiệu ứng từ trở này nhỏ, không tạo ra những đặc điểm nổi trội. Một đặc tính không tạo ra được sự khác biệt lớn, không tạo ra những chấn động, mãi mãi không là vẻ đẹp.Từ trở khổng lồ là một hiện tượng nổi trội, một vẻ đẹp trở nên rực rỡ đã tạo ra những khác biệt lớn, những khác biệt chấn động, cực kỳ cuốn hút mà chỉ ở thế kỷ 20 mới có khả năng tạo ra và khám phá. Bởi vì nó không tồn tại tự nhiên, mà là do con người tạo ra bằng những kỹ thuật lớp mỏng, mỏng hơn cả cánh bướm,
hơn lớp nước hồ thu, và hơn cả làn môi của người con gái. Sự mỏng manh như vệt nắng đầu thu đấy lại tạo ra được hiện tượng cách trở khổng lồ. Thiên nhiên đã lồng gì vào trong khối óc con người, thật không thể biết được và không thể tưởng được. Chỉ vẻ đẹp là hiện thực và dễ cảm.

Giải thưởng Nobel vật lý năm nay có đóng góp của một con người đất Việt. Đó là F. Nguyen Van Dau. Tôi không biết ông là ai, nhưng họ Nguyen chắc chắn là họ của một người Việt Nam. Nhìn thấy tên người Việt Nam giữa những đồng tác giả cho công trình được giải thưởng Nobel, cho dù đóng góp có nhỏ bé thế nào đi chăng nữa, không khỏi không xúc cảm. Trên con đường đi tìm những vẻ đẹp tự nhiên đấy, những dấu chân Việt đã bắt đầu lưu dấu.

10 comments:

  1. Hi vong rang` nhung~ da^u' cha^n Vie^t se~ trai? dai`, vuon xa, va` le^n cao

    ReplyDelete
  2. Anh Dong A, anh co the viet giup toi mot bai dang bao vê su kien Nobel năm nay khong? Neu duoc xin anh gui cho toi: huyducnews@yahoo.com

    ReplyDelete
  3. Bác Osin, rất tiếc là tôi không viết được đâu.

    ReplyDelete
  4. Giải thưởng Vật lý châu Âu trao cho cả ba người, Fert, Grunberg và Parkin. Nhưng giải Nobel mang tính hàn lâm hơn, do đó chỉ trao cho những khám phá đầu tiên. TMR lại do Julliere khám phá đầu tiên.

    ReplyDelete
  5. Có lẽ bác nói đúng. Nghĩ kỹ lại thì đóng góp của Parkin thiên về engineering nhiều hơn là physics.

    ReplyDelete
  6. Tay phải tay trái gì đâu. Mỗi thứ tôi biết một tí, nhưng chẳng cái gì đến đầu đũa cả. Tất nhiên hội đồng xét giải Nobel vật lý có thể có nhược điểm, song không đến nỗi như hội đồng văn học. Nhưng tôi thấy giải năm 2002 không có vấn đề gì. Davis đúng là người đầu tiên tìm ra neutrino, nhưng thí nghiệm của ông có vấn đề về neutrino mặt trời, không tách ra được. Thí nghiệm của Koshiba giải quyết được vấn đề này. Như vậy thí nghiệm Koshiba không phải là kiểm chứng lại mà là giải quyết được khúc mắc mà Davis không vượt qua được.
    Tôi thấy giải Nobel có một nhược điểm là có luật bất thành văn không trao cho quá 3 người. Lỡ có tới 4 người là hỏng bét. Hay cuối cùng lại chỉ trao cho sếp.

    ReplyDelete
  7. Tôi làm việc trong lĩnh vực magnetic thin films và cũng rất xúc cảm trước thông tin này. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy có đôi chút tiếc rẻ, giá như trong danh sách lần này có thêm Stuart Parkin thì có lẽ hợp lý hơn. Parkin là người phát minh ra cấu trúc spin-valve, kết hợp cả GMR effect và exchange bias effect, là cầu nối quan trọng để đưa GMR vào ứng dụng trong đầu đọc ổ cứng máy tính. Trong lĩnh vực magnetic thin films, Parkin theo tôi có lẽ là người có nhiều phát minh quan trọng nhất. Sau GMR, cả Fert và Grunberg đều không có nhiều đóng góp quan trọng nữa thì Parkin vẫn tiếp tục làm dân nghiên cứu magnetism ngỡ ngàng khi năm 2004, ông công bố một phát hiện thực sự groundbreaking là TMR effect của cấu trúc Fe/MgO/Fe lên đến hơn 200% và gần đây nhất, năm 2006, ông đề xuất ra một loại MRAM mới là "racetrack memory" dựa trên nano-wire. Phát minh này rất có thể tạo ra một bước đột phá trong lĩnh vực data storage materials.
    Tiếc là cơ hội này không đến với Parkin và có lẽ ông sẽ không còn cơ hội nào nữa vì đây là lần đầu tiên sau 20 năm giải Nobel Vật lý mới lại được trao cho dân magnetism. Chắc còn phải rất lâu nữa mới có lần kế tiếp.

    ReplyDelete
  8. Đọc blog bác Đông A đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên thấy bác viết bằng nghề tay phải :)
    Bác Đông A nói đúng, giải Nobel chỉ trao cho những khám phá đầu tiên. Một ví dụ diển hình là năm 1957 giải Nobel Vật lý chỉ được trao cho Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang) và Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee) do các khám phá (lý thuyết) của họ về đối xứng phản xạ gương (mirror-rèlection symmetry) trong tương tác yếu (weak interactions). Vũ Diên Xương, nhà khoa học nữ được coi là Madame Curie của Trung Quốc, là người đầu tiên kiểm nghiệm tiên đoán lý thuyết này bằng thực nghiệm nhưng không được chia sẻ giải năm đó, cho dù rất nhiều người nói là bà xứng đáng được nhận. Một trường hợp khác là giải Vật lý năm 1984 được trao cho Carlo Rubbia và Simon van der Meer trong thí nghiệm kiểm chứng sự tồn tại các hạt truyền tương tác W và Z trong tương tác yếu vốn đã được tiên đoán lý thuyết trước đó (và các tác giả của tiên đoán này đã thắng giải năm 1979), nhưng trong citation nói rõ là giải được trao vì "những đóng góp mang tính quyết định" của họ trong một dự án lớn ... (for their decisive contributions to the large project, ...) chứ không phải là vì kiểm chứng thực nghiệm sự tồn tại của các hạt (đã được tiên đoán lý thuyết) này.

    ReplyDelete
  9. Bác ... phân tích nghe cũng có vẻ hợp lý nhưng dù sao tôi vẫn cảm thấy băn khoăn về logic của mấy tay hội đồng xét giải Nobel. Theo tôi biết giải năm 2002 trao cho Masatoshi Koshiba vì công lao của ông trong việc kiểm chứng lại kết quả của Raymond Davis.

    ReplyDelete
  10. hay quá.
    Vẻ đẹp là cái không thể nhfin bằng mắt

    ReplyDelete