Tuesday, September 25, 2007

Xưng hô

Xưng hô của người Việt Nam là một vấn đề phức tạp. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất phong phú, đa sắc thái, nhưng dẫu vậy cũng có hạn chế. Khi dịch truyện ngắn Hội ẩm của Kundera tôi đã phân vân mãi khi gặp tình thế cần tìm một đại từ ngôi số hai không mang giới tính. Đó là tình huống khi một nhân vật trong truyện tưởng người đang đến là một nhân vật nữ, nhưng thật sự người đang đến lại là một nhân vật nam, và hội thoại giữa họ cho thấy đại từ nhân xưng không biểu lộ giới tính. Cuối cùng tôi đã chọn đại từ "người" ("Tôi biết là người sẽ đến"). Cách dịch này có lẽ chưa phải là cách dịch hay, nhưng thật sự tôi không còn biết làm thế nào để đạt hơn.

Có những lúc tôi có ý định thử tìm hiểu cội nguồn của xưng hô trong tiếng Việt. Do đâu mà trong tiếng Việt đại từ nhân xưng chi li thế, như tôi-ta, cô-chú, cậu-mợ, bác, ông ... Đại từ nhân xưng đã thể hiện ngôi thứ, tôn ti, trật tự không chỉ trong gia tộc mà còn ở ngoài xã hội nữa. Do chịu ảnh hưởng của Nho giáo hay do bản chất văn hóa nguyên thủy? Thật ra có thể tiến hành khảo sát nho nhỏ qua các ngôn ngữ lân cận như tiếng Mường, thứ tiếng mà tôi tin ảnh hưởng của Nho giáo còn ít hay không đáng kể. Nhưng những dự định này tôi vẫn chưa tiến hành được. Nhưng dù có nguồn gốc từ đâu, tôi luôn cho rằng hình thái biểu hiện xưng hô của người Việt là một nét văn hóa bản sắc.

Đặc điểm quan trọng của Nho giáo là chính danh. Chính danh quy định cách xưng hô chặt chẽ vì xưng hô cũng là một biểu hiện của chính danh. "Danh có chính thì ngôn mới thuận, ngôn có thuận thì sự mới thành" là nguyên lý hành xử của Nho giáo. Quân, thần, phụ, tử không chỉ bao gồm các mối liên hệ nội tại, mà còn biểu hiện ra bên ngoài theo xưng hô. Cha con xưng hô với nhau không đơn giản là I - You như bạn bè hay những mối quan hệ bình thường khác như trong một số ngôn ngữ, mà phải là cách xưng hô thể hiện mối quan hệ của tam cương. Cách xưng hô của vua cũng vì vậy mà rất đặc biệt. Lúc là cô, quả thể hiện sự khiêm tốn, khi lại là trẫm, là dư thể hiện ngôi vị tôn quý. Chỉ cần xưng là "cô" là đã thể hiện vương quyền, chẳng hạn trong Hạng Vũ bản kỷ, Tư Mã Thiên viết: "
Tại sao tướng quân không đem quân quay lại liên hiệp với chư hầu, giao ước cùng nhau đánh Tần, chia đất Tần để làm vương, ngoảnh mặt về hướng nam để xưng "cô", điều đó chẳng hơn thân bị búa rìu, vợ con bị giết hay sao?" Thời nhà Trần, vua xưng là quan gia. Cách xưng hô này rất đặc biệt và được giải thích như sau: "Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia." Cách gọi này biểu hiện vua xưng danh như một quốc gia. Xưng hô của nguyên thủ quốc gia là một vấn đề quan trọng. Nó không giản lược như trong các ngôn ngữ có hệ thống các đại từ nhân xưng đơn giản. Nó phải làm sao vừa thể hiện sự tôn ti như một truyền thống văn hóa, lại vừa không tạo ra khoảng cách như một đặc điểm của thời hiện đại. Tôi là một đại từ thích hợp, nhưng chỉ thích hợp đối với quan hệ công chúng chung. Đối với mỗi đối tượng riêng biệt có thể có cách xưng hô khác thích hợp hơn. Đó là sự uyển chuyển của văn hóa và ngôn ngữ.

2 comments:

  1. "Nhưng dù có nguồn gốc từ đâu, tôi luôn cho rằng hình thái biểu hiện xưng hô của người Việt là một nét văn hóa bản sắc."
    Tui không cho là thế. Xưng hô phức tạp chả có gì hay. Nó chỉ nhằm mục đích đưa cái tôi ra thôi.
    Sự phân biệt đó đôi khi mang tính tiêu cực. Phân chia giai cấp cũng là "một nét văn hóa bản sắc.".

    ReplyDelete
  2. Chào anh,
    Em đọc "Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử" của Nguyễn Ngọc San, NXB Giáo dục 1993 thì thấy "mày" với "tao" là 2 đại từ nhân xưng cổ, đã được dùng trong "Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh".
    Các đại từ nhân xưng khác như bố mẹ con cháu... đều có nguồn gốc Khmer, do chúng đều là danh từ nên được sử dụng như đại từ nhân xưng mà không mang sắc thái thông tục như "mày" và "tao".
    Tình cờ em lại đọc được bài của Cao Xuân Hạo theo đường link sau http://blog.360.yahoo.com/blog-Uga056Y2eqpTlTfdGZ63uu5QvUVIxA--?cq=1&p=23
    Em đi học ở nước ngoài 1 thời gian. Khi về nước, trong thời gian đầu, em rất lúng túng khi phải giao tiếp với những người lạ vì không biết phải xưng hô như thế nào. Tiếng Việt phức tạp quá :(

    ReplyDelete