Sunday, September 23, 2007

Trăng trung thu

Vầng nguyệt cong cong chiếu chín châu
Ấy ai vui sướng ấy ai sầu
Bao nhà vui tiệc đoàn viên mãi
Bao kẻ phiêu linh cảnh dãi dầu

Vầng trăng ở bài thơ này không chắc là trăng trung thu, và chắc chắn không phải là trăng rằm. Nhưng mỗi độ trăng tròn, nếu nhìn thấy trăng tự nhiên tôi lại nhớ tới mấy câu thơ này. Bài thơ này đối với tôi thật kỳ lạ vì tôi thích bản dịch tiếng Việt này hơn cả bản gốc, và cũng không biết ai người đã dịch nó. Bây giờ tôi cũng không nhớ là lần đầu tiên tôi đọc nó ở đâu, và tôi cũng không biết bản gốc thực sự của bản dịch tiếng Việt. Chỉ nhớ có thế. Và thế là đủ.

Thi sĩ họ Hoàng từng hạ bút "Trăng của nhà ai, trăng một phương". Trên bước đường phiêu lạc mới thấm câu thơ này. "Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến / Hải giác thiên nhai tam thập niên". Góc biển chân trời vẫn có một vầng trăng. Cố nhân!

Ngày mai là trung thu. Trăng muời bốn bao giờ cũng đẹp hơn trăng mười lăm. Người xưa có thú vui uống rượu, ngắm trăng, ngâm thơ, thưởng hoa. Tôi không có thú vui tao nhã đó. Cũng định thử đọc một bài thơ nào đó, nhưng đã lâu rồi tôi không còn dịch được một bài thơ nào nữa. Cũng không biết tại sao. Lần giở các bản dịch cũ, tìm được bài Trung thu nguyệt của Bạch Lạc Thiên. Tôi nhớ tôi đọc bài thơ này lần đầu trong quyển thơ chữ Hán do Tản Đà dịch. Tôi không thích bản dịch của Tản Đà, và tôi đã tự dịch cho mình một bản. Tự thưởng cho mình.

Trung thu nguyệt

Vạn lý thanh quang bất khả ti (tư)
Thiêm sầu ích hận nhiễu thiên nhi (nhai)
Thùy nhân lũng ngoại cửu chinh thú
Hà xứ đình tiền tân biệt ly
Thất sủng cố cơ quy viện dạ
Một phiên lão tướng thượng lâu thì
Chiếu tha kỷ hử nhân trường đoạn
Ngọc thỏ ngân thiềm viễn bất tri
Bạch Cư Dị

Lần đầu đọc bài thơ này tôi đã không hiểu rõ tại sao tư 思 lại đọc là ti, nhai 涯 lại đọc là nhi. Lúc đó chỉ đơn giản nghĩ rằng đọc như vậy cho hợp vận. Sau tìm hiểu phiên thiết mới rõ cách đọc như vậy cũng có cơ sở. Tư có một số cách phiên thiết khác nhau. Quảng vận cho tư là tức tư thiết, có nghĩa đọc là tư. Tập vận cho tư là tân tư thiết, có nghĩa đọc là tư. Chính vận cho tư là tức di thiết, có nghĩa đọc là ti. Nhai ngoài cách đọc là nhai và nha, còn có thể đọc là nhi vì Vận hội cho rằng nhai tòng âm nghi.

Bản dịch thơ của tôi

Trăng trung thu

Muôn dặm trăng soi sáng tuyệt vời
Sầu khơi thêm hận tận chân trời
Nào ai biên ải bao năm đóng
Đâu kẻ ra đi bước mới rời
Thất sủng cung tần chong bóng lẻ
Mất thành lão tướng vịn chòi coi
Trăng soi bao cõi lòng đau đớn
Thỏ ngọc vời xa có thấu đời

và bản dịch của Tản Đà

Trăng giữa thu

Bóng đâu? Trong sáng vô ngần!
Sầu thêm, giận đắm cõi trần khắp nơi.

Đóng lâu đồn thú kia ai,
Biệt ly buổi mới đâu người trước sân?
Canh khuya, ai đó phi tần,
Vua không yêu nữa tần ngần về cung.
Biên thành thế giữ không xong,
Bạc đầu, ông tướng thong dong lên chòi.
Soi cho đứt ruột bao người,
Thiềm thừ, ngọc thỏ trên trời biết chi!


Tôi luôn không ưa lối dịch thơ như ở bài này của Tản Đà. Tôi không gọi đấy là dịch thơ, mà gọi là diễn Nôm.

8 comments:

  1. Bài này là dân dao đời Tống , được xếp vào "Ngô ca "
    月兒彎彎照九州,
    幾家歡樂幾家愁。
    幾家夫婦同羅帳,
    幾家飄散在他州。
    Bài này em nhớ lúc trước đọc ở maihoatrang .
    Bài Trung thu của Đỗ Mục cũng rất buồn :
    Mộ vân thâu tận dật thanh hàn,
    Ngân Hán vô thanh chuyển ngọc bàn.
    Thử sinh thử dạ bất trường hảo,
    Minh nguyệt minh niên hà xứ khan ?

    ReplyDelete
  2. Gửi anh bài "Nguyệt nhân loan loan chiếu cửa châu"
    http://www.hercity.com/bbs/music/yueewwzjz.mp3
    Theo lời bài hát thì nguyên văn là :
    guyệt tự loan loan chiếu cửu châu
    Kỷ gia hoan lạc kỷ gia sầu
    Kỷ gia đồng khánh đoàn viên giả
    Kỷ cá phiêu linh tại ngoại đầu.
    Chắc lời bài hát này được cải biên từ bài dân dao trên , mở rộng ra hơn chứ kô chỉ giới hạn trong tình phu phụ .
    Cho em đính chính lại bài thơ trên kia là "Dương Quan khúc - Trung thu nguyệt " của Tô thức .
    Chúc anh có một đêm trung thu vui vẻ .

    ReplyDelete
  3. Theo tôi bạn nên để bản dịch của Tản Đà trước bản dịch của bạn. Khiêm tốn trước một thi gia lừng lẫy sẽ nâng bạn lên trong mắt mọi người.
    Bản dịch của Tản Đà, ngoài ra, còn trội hơn bản dịch của bạn ít nhất ở những chỗ sau: Không rớt vần; Có nhạc điệu.

    ReplyDelete
  4. Rất tiếc là tôi không làm được, vì bản viết của tôi lúc đầu không có bản dịch của Tản Đà. Bản dịch của Tản Đà là tôi thêm vào sau, sau khi đã viết xong, và sau khi tra google tôi mới tìm ra được.

    ReplyDelete
  5. @DongA: sau khi đọc xong bản dịch của anh tôi đồ rằng sẽ có khối kẻ đi mua quan tài !

    ReplyDelete
  6. 中秋月
    萬里清光不可思,
    添愁益恨繞天涯。
    誰人隴外久徵戍,
    何處庭前新別離。
    失寵故姬歸院夜,
    沒蕃老將上樓時。
    照他幾許人腸斷,
    玉兔銀蟾遠不知。
    白居易
    Bản dịch của T.T.Du
    Trăng trung thu
    Sáng trong muôn dặm ngời ngời
    Sầu đưa hận đẩy chân trời ưu tư
    Ai người lính thú viễn cư
    Nơi nao ly biệt lòng dư ngậm ngùi
    Hoàng phi thất sủng bước lùi
    Tướng già nhớ ải lên ngồi lầu cao
    Chiếu soi niềm nỗi hanh hao
    Trăng xa thỏ ngọc làm sao tỏ tường.

    ReplyDelete
  7. @Trương Thái Du: Tôi nhớ Luân Biển thấy Tề Hoàn Công đọc sách ở trên nhà có nói một câu rằng: "Thánh nhân đã chết rồi, cái mà nhà vua đang đọc cũng chỉ là cặn bã của người xưa thôi." Người xưa đối với thánh nhân còn như thế, hà huống Tản Đà không phải là thánh nhân, ông ấy chỉ là tiền nhân. Hậu nhân đối với tiền nhân nên trọng nhưng không nên sợ. Nếu cứ suốt đời nép dưới cái bóng của tiền nhân thì vĩnh viễn không bao giờ có đột phá được.
    Tôi có thể khiêm tốn trước một thi nhân lừng lẫy, nhưng tôi không khiêm tốn trước một bài thơ kém hay một bản dịch dở. Cá nhân tôi thấy version của Tản Đà đúng như anh Đông A nói, chỉ là một bản diễn nôm. Nguyên tác có 8 câu, người dịch phải dùng đến 10 câu, hơn hẳn hai câu thì việc chuẩn vận chẳng có gì là khó nữa. Còn về nhạc điệu, nguyên tác không có cái nhạc tính ấy thì tôi chỉ có thể khen Tản Đà khéo gieo vần chứ không thể khen ông ấy dịch hay được.
    Hơn nữa việc bố cục bài viết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu mục đích chính của người viết là tự sự, đem cái tôi ra nói, thì bản dịch của Tản Đà chỉ mang tính chất bổ sung tham khảo, đương nhiên phải để ở dưới. Cái gì cũng có sự linh hoạt của nó cả, nhiều khi không phải cứ quá khiêm là đã được người ta trọng.

    ReplyDelete
  8. Đồng ý với bác Đông A về cách dịch phóng mà rất nhiều dịch giả việt nam (có cả Tản Đà) mắc phải. Hãy tôn trọng tác giả nguyên bản. Nếu họ viết lủng củng thì khi dịch cũng phải dịch lủng củng.

    ReplyDelete