Wednesday, September 5, 2007

Thiếu nữ đánh cờ vây

Tôi nhớ tại sao tôi đã mua cuốn truyện này. Có mấy cái lạ. Tên tác giả lạ. Tôi chẳng biết Sơn Táp là ai. Tên người dịch lạ. Tố Châu. Cái tên rất đẹp. Tôi rất thích chữ tố. Chữ tố cho con gái đẹp hơn chữ bạch. Đã trắng thì phải trắng nõn nà. Nhà xuất bản lạ. Nhã Nam. Nhã Nam gợi cho tôi chút tò mò. Một miền trung du rừng núi xa lạ. Khổ sách lạ. Từ bỏ truyền thống tỷ lệ vàng.

Cuốn tiểu thuyết lạ. Cấu trúc lạ. Hai nhân vật của tiểu thuyết cứ lần lượt xuất hiện. Người ta bảo là đồng hiện. Tôi không thích khái niệm này. Tôi tìm một cấu trúc thích hợp riêng tôi. Tôi tìm ra cấu trúc của một ván cờ. Không phải cờ tướng, cờ vua, mà là cờ vây. Giống như tên tiểu thuyết vậy. Tiểu thuyết là một ván cờ vây giữa hai nhân vật. Cờ tướng, cờ vua chia đôi dải sơn hà, công thành diệt tướng. Cờ vây nhẫn nại mà vi diệu. Công không phải là công, thủ không phải là thủ. Không chia hai, mà lại chia hai, mà không phải chia hai. Khai cuộc của ván cờ vây người ta án ngữ vùng đất bắt đầu bằng một hai quân cờ rồi khai triển dần ra. Tiểu thuyết cũng vậy. Bắt đầu là giới thiệu lần lượt hai nhân vật, cái lý do họ xuất hiện ở vùng đất Mãn Châu, và về sau sẽ rõ ràng hơn quảng trường Thiên Phong. Nơi người ta chơi cờ vây. Ván cờ tiểu thuyết đã bắt đầu khai triển. Mỗi nhân vật khai triển theo tuyến của mình, giống như trên bàn cờ vây, mỗi đối thủ âm thầm hoạch định vùng đất chiếm. Trung cuộc là cuộc chiến tranh chấp các vùng, hạn chế và vây bắt đối phương. Ở tiểu thuyết cũng vậy, trung cuộc bắt đầu khi hai nhân vật gặp nhau. Những mâu thuẫn, đồng cảm giằng xé trong hiện thực lạnh lùng và tàn bạo để dẫn đến tàn cuộc của ván cờ. Đồng quy tử tận. Không có kẻ thắng người thua. Chỉ có hiện thực vô cảm như nó vốn thế.

Bản dịch của cuốn tiểu thuyết hay. Dường như không cảm thấy trúc trắc văn phong khi chuyển từ một ngôn ngữ phương Tây sang tiếng Việt. Tuy vậy, bản dịch vẫn có những lỗi đáng tiếc mà không biết phải làm sao. Đó là lỗi tam sao thất bản. Tiểu thuyết của một tác giả Trung quốc viết bằng tiếng Pháp nên một số thứ vốn thuộc về Trung quốc đã được dịch sang tiếng Pháp. Đến lượt bản tiếng Việt, những thứ đó lại được dịch một lần nữa, kết quả so với nguyên thủy đã trở nên kỳ dị. Chẳng hạn đoạn này:


"Ba hỏi ý kiến tôi về các bài thơ của mình.
- Hay lắm ba ạ, nhưng con thích các vần thơ cổ của mình hơn:
Khi hoa xuân tàn
Trăng cũng tàn theo,
Bao kỷ niệm về lại trong tôi!


Hay là:
Đời ngắn bao nỗi sầu,
Mai này ta ra đi,
Tóc xõa,
Đứng trên mũi thuyền.
"

Nếu như không biết sẽ rất lầm tưởng những câu thơ trên là haiku hay tanka và biết đâu người Mãn Châu cũng làm haiku, tanka. Nhưng thực ra những câu thơ trên nguyên chữ Hán như sau:

Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu
Vãng sự tri đa thiểu

Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu

Một câu của Lý Dục, một câu của Lý Bạch. Ôi còn đâu Lý Dục với Lý Bạch nữa! Những lỗi này như những chấm tàn nhang trên một khuôn mặt yêu kiều. Đáng tiếc làm sao!

14 comments:

  1. MỌI và MỌI mà thôiSeptember 4, 2007 at 6:32 PM

    Tôi đã đọc cuốn này khi nó vừa được NXB Nhã Nam cho ra đời. Nó rất hay và vi diệu như Đông A đã nói, nhưng không nhìn ra được một thiếu sót đó, và quả thật là một điểm khuyết của bản dịch này. NXB Nhã Nam rất quen thuộc với các bạn đọc trẻ ờ miền Nam. Còn cái tên Nhã Nam thì không rõ do ông chủ NXB này lấy vì ý nghĩa như thế nào. Nguyễn Huy Thiệp có việt Mưa Nhã Nam thì phải, tôi cũng đã đọc, rất lâu rồi.

    ReplyDelete
  2. Tất nhiên bây giờ thì Nhã Nam nếu không phải là nhẵn mặt thì cũng không lạ lẫm nữa. Tôi đang xem đến bao giờ thì Nhã Nam sẽ in số lượng bản in thật ở trang cuối (tất nhiên tôi chẳng có bằng chứng gì chứng tỏ Nhã Nam không in số lượng bản in thật, nhưng cứ nghĩ thế cái đã, mà đã lậu rồi lại cứ to mồm chuyện in lậu thì thật đúng là ăn cắp một nước thì được phong hầu, ăn cắp ngoài chợ thì bị chặt tay, đạo đức gì, không nhẵn mặt mới lạ đây).
    Tôi mua quyển truyện này lâu rồi, đọc cũng lâu rồi, bây giờ chợt nhớ đến thôi.

    ReplyDelete
  3. @Nhị Linh: tôi không biết sách ngày xưa có phải trở thành giấy vụn hay không. Nhưng chính ở cái ngày xưa đó tôi từng phải mua sách giá cao những quyển vừa ra lò, mà nhiều khi cũng không kiếm được [không như bây giờ, mua sách toàn được trừ phần trăm]. Các cửa hàng bán sách ngày xưa đó giờ chỉ còn lại lác đác bán sách cũ.

    ReplyDelete
  4. @Dong A: Em nghĩ hai câu sau đúng là trong bài Biệt hiệu thư Thúc Vân, nhưng hẳn là hai câu dưới mới phải chứ:
    Nhân sinh tại thế bất xứng ý
    Minh triêu tản phát lộng biên chu
    Đem cái ý lánh đời thoát tục này đối với cái định mệnh ngọc thạch câu phần của hai nhân vật, càng làm nổi bật tính bi kịch của thời đại.

    ReplyDelete
  5. Tôi thì đọc một loạt từ đầu đến cuối, chẳng biết nó thuộc thể loại gì cấu trúc như thế nào. Lúc cuối cùng hai nhân vật bị chết mới thắc mắc không biết họ tên gì. Tiếc

    ReplyDelete
  6. Bác Đông A, bác có lập luận/bằng chứng/giả thuyết có cơ sở nào không? Nếu không tôi có thể nghĩ rằng bác đang vu khống. Nếu không ít nhất thì cũng là nói sai sự thật, ít hơn nữa thì là nói một điều cứ tưởng là sự thật rồi tưởng thật đó là sự thật. Bác thấy cái nào trong những cái đó đúng? Nếu không thì bác có thể tự do trình bày những cái khác.

    ReplyDelete
  7. Mấy quyển tôi mới mua, hồi ký Schellenberg, trùm mật vụ Đức, còn ghi 45.000 bản cho mỗi tập (tổng cộng là hai tập). Theo một số người buôn sách cũ thì đại đa số trong đó trở thành giấy vụn. Nếu bác muốn biết, "Đo thế giới", có ấn tượng là rất nhiều người đọc, thì theo tôi biết (khá chính xác) thì còn chưa tiêu thụ nổi đến 700 bản, sau khoảng nửa năm. Người khác nói tôi nghĩ cũng không vấn đề gì, xét cho cùng nghi ngờ là một quyền của con người. Nhưng vì bác thường xuyên tạo cảm giác nói có lập luận, bằng chứng, và suy nghĩ, nên tôi nghĩ là rất khó chấp nhận khi nói như vậy.

    ReplyDelete
  8. Tôi đã viết là tôi nghĩ vậy thôi, không có bằng chứng gì cả. Tôi nghĩ vậy vì tôi suy luận thế này: ngày xưa các sách đều in cỡ 10000-20000 bản, nên bây giờ ít thì cũng phải 5000 bản. Tôi không thấy có dấu hiệu số người đọc ít đi.Tôi đọc báo hồi chuyện bìa sách có 1 ông giám đốc NXB gì đó có nói tới chuyện số lượng bản in, các NXB đều ghi 1000 bản (tuy vậy Nhã Nam có ghi 2000 bản nếu tôi nhớ không nhầm). Tôi hình dung 2000 bản trên 80 triệu mà hỏi ai cũng thấy bảo là có đọc thì hơi lạ. Do đó tôi nghĩ vậy.

    ReplyDelete
  9. Cũng hơi phức tạp là suy nghĩ có phải là vu khống không. Tuy nhiên tôi đã thận trọng viết là tôi không có bằng chứng gì cả. Tôi không thích phức tạp và rắc rối. Nếu phức tạp thì tôi xóa comment của tôi đi vậy. Suy nghĩ trong đầu thì được, viết ra thành lời thì có khi không được. Nhưng không nói ra thì không biết mình đúng hay sai.

    ReplyDelete
  10. @Lestat: anh cũng nghĩ là như vậy, nhưng bản tiếng Trung trên mạng lại viết như thế.

    ReplyDelete
  11. Anh ơi, em tình cờ tìm thấy entry này của anh qua google ạ
    Anh cho em hỏi: tại sao tác giả lại để đến khoảng giữa truyện, mới để cho 2 nhân vật gặp nhau ạ? Liệu có phải chỉ vì đi theo mô hình ván cừ vây "Trung cuộc là cuộc chiến tranh chấp các vùng, hạn chế và vây bắt đối phương."
    Em cảm thấy khai triển nửa đầu hơi rề rà & loãng, cái gì cũng nói 1 chút, chắc để tạo cái nền, ko khí và bối cảnh cho tác phẩm, nhưng không được sâu sắc lắm
    Nửa sau thì tốt, rất tốt, nhưng gần như quên bẵng nửa trước
    À mà về bản dịch thì em không đông ý cái tựa "đánh cờ vây" lắm, em thích để là "Thiếu nữ chơi cờ vây" hơn
    THiếu nữ & chàng sĩ quan đến cờ vây vì niềm yêu thích, chơi cờ vây vì niềm yêu thích & cũng là 1 cách giải thoát cho thực tại hỗn độn & khốc liệt của họ, để rồi cuối cùng bị cuốn cả cuộc đời vào đó, vậy thì sao lại gọi là "đánh cờ vây", cảm giác không được hài hòa cho lắm

    ReplyDelete
  12. Tôi không chắc là biết ý đồ thẩm mỹ của tác giả. Có thể tác giả muốn xây dựng kết cấu tiểu thuyết như một ván cờ vây, và điều này thể hiện qua cách tác giả trình bày tiểu thuyết, nên phần mở đầu tiểu thuyết như vậy, như một ván cờ, các bên chủ yễu xây dựng địa phương của mình. Nhưng mặt khác, lối kể chuyện là tự sự, do đó tác giả phải mất một số thời gian để giới thiệu nhân vật cho độc giả, đó là đoạn đầu của tiểu thuyết.
    Tôi nghĩ động từ "chơi" và "đánh" có sắc thái khác nhau. "Đánh" là tham gia trực tiếp, đầy đủ và trọn vẹn. "Chơi" mang sắc thái kém máu lửa hơn.

    ReplyDelete
  13. Chạy một hồi rồi em (nếu đc thì mạn phép không xưng cháu), cũng phải phạm vô tội bới blog. Cũng lâu rồi em không bới blog ai cả :)

    Em thắc mắc một điều, em nghĩ người biết cờ vây ở Việt Nam khá hiếm, kèm theo đấy là một cộng đồng khá nhỏ. Ở trên anh đánh giá - "Cờ vây nhẫn nại mà vi diệu. ... chia hai", không phải là một đánh giá khách quan của người chưa từng chơi cờ vây. Vậy anh đã từng tham khảo sơ về cờ vây chứ ạ ?


    Em đã từng có ý định viết một bài để so sánh - theo một góc nhìn dễ chấp nhận và tham chiếu chủ quan - giữa cấu trúc của tiểu thuyết và cờ vây, giữa những lát cắt truyện ngắn và những thế cờ ..., nhưng chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng, (vì trình độ hạn hẹp ở cả hai lĩnh vực này ).

    À, dài dòng một hồi, ý em chỉ là, nếu may mắn anh biết chơi cờ vây thì quá vui, cho em làm quen :) .


    --------
    p/s: Cho em khuân qua bên blog một đoạn bài này, nha ?

    ReplyDelete
  14. Em cũng vừa đọc được trang viết này qua google.Cũng đã xem đến trang 228 và đọc mấy câu thơ đó.Quả thật là một sơ suất của em khi mà em vừa tìm hiểu về thơ haiku cách đây không lâu.
    Nhưng điều mà em quan tâm nhất vẫn là cái kiểu cấu trúc "cờ vây" mà tác giả đã nói trên.Lần đầu đọc tác phẩm này, em thấy nó chẳng có gì đặc biệt khi nói về tình yêu của cô gái Trung Hoa và chàng sĩ quan Nhật Bản.Tình yêu của họ mới chỉ chớm nở và rồi nhanh chóng bị dập tắt trong bi kịch.Tuy nhiên, càng đọc nhiều lần, em càng thấm thía cái cách xây dựng kết cấu của Sơn Táp.Quả thật, nó giống như một ván cờ, càng đọc em càng hình dung ra mình như đang chơi cờ vây vậy.Cho đến khi phải thốt lên rằng "Chà,đây đúng là một trò chơi!", cuốn tiểu thuyết này nó giống như một trò chơi, đưa người đọc và một mê cung, càng đọc càng bị xoáy vào mê lộ của ván cờ đó.Cảm ơn bài viết của tác giả đã giúp em tìm được một sự đồng cảm!

    ReplyDelete