Không hiểu thế nào, trong friends list của tôi có Đặng Thiều Quang. Tôi cũng chẳng biết là ai. Một bằng hữu tự viễn phương lai. Thấy báo Tuổi trẻ giới thiệu Gã lang du trên cánh đồng chữ, tôi mới nhớ là trong friends list của tôi có người này. Thế là tôi thử đọc Đảo cát trắng xem thế nào. Cuối cùng thì cũng không phải là đọc vì tôi không đọc hết. Tôi chưa xác định được thể loại tiểu thuyết này, vì tất nhiên là do chưa đọc hết. Do đó cũng khó phê bình nó. Tuy vậy, tôi thấy tiểu thuyết có cấu trúc giọng song song. Hai giọng tự sự, một tôi 5xu, một tôi Trần Tiểu Đăng và một giọng truyện của 5xu. Tôi tạm gọi là giọng, do đó chưa có định nghĩa và để cho nó có hình thức, chứ nói cả 3 giọng này là một cũng chẳng sao. Cấu trúc giọng song song có thể thấy trong tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp. Ở đấy hai giọng lần lượt thay đổi cho nhau, giống như người ta đang chơi cờ. Tiểu thuyết có cấu trúc của một ván cờ. Tôi chưa tìm ra được cấu trúc ba giọng trong Đảo cát trắng. Có thể nó chỉ mang tính hình thức, và về bản chất thực ra chẳng có cấu trúc nào. Có nghĩa là không đáng để đọc. Tôi ưa thích các cấu trúc và đọc truyện để tìm ra cấu trúc trong đấy. Kundera nói tiểu thuyết Ignorance của ông có cấu trúc như một bản Fuga. Thế là đủ hấp dẫn để đọc. Thử hình dung một bản nhạc ba giọng, chẳng hạn một piano, một violin và một cello [một bản piano trio, ví dụ như bản của Dvorak]. Các giọng lần lượt xuất hiện, lúc độc tấu, lúc đệm cho nhau, theo một chủ đề để rồi hợp xướng theo và quyện vào nhau. Khi đọc tiểu thuyết tôi nghĩ về cấu trúc. Cấu trúc là cốt lõi của tiểu thuyết, là bản lai diện mục của tiểu thuyết. Những chi tiết thể hiện chỉ là những biến tấu trên một nền cấu trúc.
Thế sắp tới bác thử đọc "Tên tôi là đỏ" của Orhan Pamuk (sắp xuất bản ở Việt Nam). Có chừng 10 giọng khác nhau trong cuốn sách.
ReplyDeleteBác nhận xét rất chính xác. Đây là cuốn thứ ba tôi viết, và lần đầu thử nghiệm về cấu trúc. Trước đây tôi chưa từng nghĩ đến cấu trúc tiểu thuyết một cách nghiêm túc, chỉ viết theo hứng thú, theo kiểu chỉ có một định hướng mơ hồ về câu chuyện rồi viết, kiểu như tự khám phá cảm xúc. Giờ đây, trót ham viết và đang tập viết, tôi đã suy nghĩ khác. Đảo Cát Trắng là một thử nghiệm thất bại. Cái được là sự đào tẩu khỏi hiện tại để đến với một cuộc sống khác, trong quá trình viết, nhưng lại chỉ cho người viết mà thôi. Đã có blog của bác khá lâu, nhưng hôm nay tôi mới đọc entry này, cảm thấy rất may mắn khi đã được bác dành thời gian để viết đôi dòng về Đảo Cát Trắng, và một số quan điểm về tiểu thuyết nói chung. Cám ơn bác rất nhiều!
ReplyDeleteAnh thử đọc Chờ Tuyết Rơi của DTQ xem có khá hơn ko :)
ReplyDelete