Wednesday, August 29, 2007

Chick Lit

Tôi có ý định thử suy nghĩ một cách hình thức và thuần túy về chick lit. Mục đích cuối cùng là làm thế nào để có thể xác định một tác phẩm văn học nào đó có phải thuộc dòng chick lit hay không. Điều này cũng tương tự như đối với bi kịch, hài kịch hay sử thi. Chẳng hạn đối với bi kịch, đặc điểm của nó là kết cục buồn, là chết chóc, là đảo ngược của số phận [bi kịch không nhất thiết phải chết, Oedipus không chết]. Nhưng cũng có cái chết mang tính hài [chuyện một nhà thiên văn tham dự một buổi tiệc, không dám ra ngoài đi tiểu, bị bục bàng quang chết, Kundera gọi là sự bất tử lố bịch] hay sử thi [cái chết của Hector] và cũng có cái chết chẳng mang tính gì cả, vô thưởng vô phạt. Nội dung không phải là đặc điểm để xác định thể loại. Cái chết của Nguyễn Trãi có thể dựng thành bi kịch hay sử thi, tùy theo mục đích. Cách thức đi đến cái chết của nhân vật mới quy định tính chất của cái chết, và thể loại. Tôi nghĩ đó là cấu trúc phong cách.

Chick lit có cấu trúc phong cách gì? Chick lit là thể loại văn học được viết dành cho phụ nữ trẻ, có học vấn tương đối. Ba đặc điểm chính của đối tượng độc giả: nữ, trẻ, học vấn. Đặc điểm của nữ là đa cảm, của trẻ là tình yêu, của học vấn là tri thức.Vậy một tác phẩm phải có ba đặc điểm: đa cảm, tình yêu, tri thức thì nó mới thuộc dòng chick lit. Một tình yêu tuyến tính sẽ không tạo ra đa cảm. Do đó tác phẩm chick lit phải xây dựng được tình yêu phi tuyến. Phi tuyến có thể biểu hiện thông qua các đặc điểm đa tuyến, đa đoan và phức hợp. Ví dụ như tình yêu tay ba, đơn phương, mưu mô, thủ đoạn, trắc trở trong tình yêu, hay chỉ đơn giản, trong sáng, hồn nhiên [đặc điểm này rất khó viết vì phải tạo ra một simple complexity]. Đa cảm hay bị coi là sến, do đó đôi khi chick lit bị coi là sến. Tôi nghĩ có đa cảm sến và có đa cảm không sến. Một tác phẩm chick lit hay phải là tác phẩm đa cảm không sến. Sến có thể biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ cấu trúc lối mòn đến cố gắng hay ra vẻ tạo ra cái đẹp, cái đa cảm, tức là cái đèm đẹp, cái cam cảm. Ví dụ cấu trúc lối mòn có thể thấy điển hình ở các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc với motive tình yêu tay ba, giàu-nghèo, một chút mưu mô và thủ đoạn, bệnh tật [các bộ phim khác nhau thực chất chỉ là những biến tấu khác nhau trên cùng một cấu trúc]. Những cấu trúc lối mòn khó tạo ra sự đa cảm ở độc giả vì cảm xúc của độc giả đã bị nhàm chán. Đa cảm cũng không phải là lãng mạn. Truyện ngắn của Bunin, của Paustovsky rất lãng mạn, nhưng không đa cảm. Đa cảm không sến là đa cảm xây dựng trên nền tảng lãng mạn. Tây sương ký là một ví dụ. Cuối cùng tác phẩm phải có tri thức. Đặc điểm này thoạt tiên có vẻ hơi thừa. Tác phẩm nào chẳng có tri thức. Nhưng thực ra không hẳn là vậy. Tri thức thể hiện ở chỗ tác phẩm phải tạo ra chính xác tri thức mà tác phẩm muốn thể hiện. Sự thiếu tri thức ở tri thức mà tác phẩm muốn thể hiện làm giảm giá trị của tác phẩm, thậm chí có thể dẫn đến phản cảm. Ví dụ tác phẩm muốn đề cập tới tình dục thì tri thức về tình dục phải chuẩn xác. [Ở đây nói tới sự chính xác, khác với thể hiện tri thức không qua các dạng thái khác như trào tiếu, hiện sinh, ấn tượng..., những mức độ không nhất thiết phải thể hiện trong tác phẩm chick lit, và tôi cho rằng thà viết một tác phẩm chick lit chân phương còn hơn cố tình trộn lẫn những yếu tố thể hiện phức hợp hơn trong một tác phẩm chick lit để cuối cùng thành một thứ dở ông dở thằng.] Đặc điểm tri thức cũng thể hiện ở chỗ tác phẩm đưa vào được những tri thức xã hội, văn chương, thi ca, nhạc họa ở mức độ đại chúng có học vấn.

Để minh họa tôi thử xét tiểu thuyết Trên đỉnh dốc của Lê Ngọc Mai. Tác phẩm này không đa cảm tuy có chút tình yêu trong đó, nhưng chỉ là những cấu trúc tình yêu tuyến tính [tuy có chút trắc trở nhưng chưa đủ mức để có thể tạo ra tính phi tuyến]. Nếu coi tiểu thuyết này là một tác phẩm chick lit thì hẳn đây không phải là một tác phẩm hay và tôi nghĩ rằng có ít đối tượng nữ trẻ văn phòng thích đọc nó. Tuy vậy tôi nghĩ rằng Trên đỉnh dốc không thuộc dòng chick lit. Trên đỉnh dốc là một tiểu thuyết xã hội với văn phong cổ điển pha chút châm biếm phê phán.

6 comments:

  1. Vậy quả trứng hay con gà có trước?

    ReplyDelete
  2. Tôi không nghĩ vấn đề lại như vậy. Tất nhiên, lấy ví dụ, bi kịch có trước, sau đó có lý thuyết về bi kịch (như Thi pháp của Aristotle). Lý thuyết về bi kịch soi sáng những vấn đề về bi kịch, về thẩm mỹ bi kịch. Chẳng hạn khi xem phim Hoàng kim giáp, người ta sẽ nhận ra đây là một bộ phim bi kịch. Vì là một bộ phim bi kịch, cho nên không thể phê bình bộ phim này, chẳng hạn như, phim gì mà toàn chém giết, chẳng có chút hài hước nào cả. Phê bình như vậy là đã xác định sai thể loại, bi kịch không phải là hài kịch, nó không cần yếu tố hài hước. Do đó bình luận Hoàng kim giáp phải dựa trên cơ sở lý thuyết của bi kịch. Không có cơ sở lý thuyết, mọi phê bình chỉ là những thứ rờ rẫm sờ voi.

    ReplyDelete
  3. Cái này là tôi tự comment. Tôi nghĩ nghiên cứu về thi pháp học của chick lit là một đề tài không tệ. Nhưng tại sao ở Việt Nam không thấy ai lấy đề tài này làm luận văn tốt nghiệp hay cao học [có thể tôi không biết vì là dân ngoại đạo]. Như thế chẳng hơn là cứ nhai đi nhai lại mãi những Vũ Trọng Phụng, Nam Cao?

    ReplyDelete
  4. Cái này dễ hiểu. Nghiên cứu của đại học (về nguyên tắc là có tính academic) có một số quy chuẩn, hoặc ít nhất là quy chuẩn không thành văn. Người ta có xu hướng chỉ cho là nghiêm túc khi làm luận văn/khóa luận về các tác giả có những giá trị được công nhận rộng rãi. Flaubert hay Baudelaire được lấy làm đề tài cho một số lượng luận văn khổng lồ ở Pháp, tương tự là ở Việt Nam, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao có được vị trí ngôi sao đó. Mãi gần đây mới có một số đề tài về Drieu La Rochelle, tác giả phát xít, cũng như ở Việt Nam mới năm ngoái hoặc đầu năm nay mới có một luận án tiến sĩ đáng kể về Thế Lữ, và chắc là chưa bao giờ có một cái nào về Vũ Hoàng Chương. Chưa giải quyết xong những cái đó thì nói gì đến chick-lit? Chắc cũng hơi giống với bên vật lý học chẳng hạn, các giáo sư sẽ băn khoăn với kiểu đề tài làm về những cái quá đời thường. Áp dụng lý thuyết thì chắc là được thôi, nhưng sẽ là một sự áp dụng máy móc và thô thiển, giống như là tình trạng hiện nay ở ngành nghiên cứu văn học: cái gì cũng tương thi pháp vào hết. Người ta thường dùng lý thuyết như công cụ, chứ không suy nghĩ theo kiểu lý thuyết.

    ReplyDelete
  5. Nếu thế thì văn học không giống khoa học rồi. Khoa học quan tâm tất cả mọi thứ từ chuyện làm thế nào cho cho bóng đèn chiếu sáng hơn, ít tốn điện hơn, làm sao chip máy tính chạy nhanh hơn, ổ cứng ghi được nhiều hơn mà thể tích không tăng cho đến chuyện vũ trụ hình thành thế nào, có thống nhất được các lực tương tác không... Tất nhiên một người không thể nghiên cứu được tất cả mọi hướng, nhưng tất cả mọi hướng đều có người nghiên cứu. Đối với khoa học cái gì đã quy chuẩn rồi thì không cần nghiên cứu nữa, như cơ học Newton chuẩn rồi, không phải xét lại nữa. Thực chất nghiên cứu những cái đã quy chuẩn, không phải là nghiên cứu khoa học, chỉ là một dạng bài tập để thực tập. Quy chuẩn có nghĩa là lời giải đã biết. Nghiên cứu là đi tìm lời giải chưa biết, thậm chí là có thể, ngay cả lời giải có thể cũng không có.

    ReplyDelete
  6. Thì vẫn tương tự thôi, người ta cố gắng đi tìm những cái chưa biết về một số vấn đề nhất định. Tôi không nghĩ là trong nghiên cứu đại học bên khoa học tự nhiên chấp nhận được mọi loại đề tài đâu.

    ReplyDelete