Sunday, August 12, 2007

Bergman và Tarkovsky

Báo Tuổi trẻ vừa có một bài viết về hai nhà điện ảnh Bergman và Antonioni. Tôi đọc được dòng chữ này ở đấy: "Ingmar Bergman có ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ các đạo diễn sau này như Woody Allen (người Mỹ) và Andrei Tarkovsky (người Nga)." Với Allen thế nào tôi không rõ, nhưng với Tarkovsky thì linh cảm của tôi cho thấy dòng chữ trên không đúng. Andrei Tarkovsky là đạo diễn yêu thích của tôi. Có thể nói tôi xem gần hết các bộ phim của ông, và cũng bởi vì ông dựng không nhiều phim. Với Bergman tôi mới xem có bộ phim Fanny và Alexander. Do đó tôi cảm thấy mình thật khó phán xét. Nhưng tôi thấy rằng Fanny và Alexander làm sao so sánh được với Tuổi thơ của Ivan. Nói về sự ảnh hưởng thì phải chỉ ra ảnh hưởng ở đâu, như thế nào, chứ khơi khơi như vậy thì thật buồn cười. Tôi thử tra Google thì tìm thấy ngay lập tức cảm nghĩ của Bergman về Tarkovsky như sau:

"Phát hiện ra của tôi về bộ phim đầu tiên của Tarkovsky giống như một phép màu. Bỗng nhiên, tôi thấy mình đang đứng trước cửa phòng mà chìa khóa phòng chưa bao giờ được đưa cho tôi. Đó là căn phòng tôi luôn luôn muốn vào và là nơi anh ấy hoạt động tự do và hoàn toàn thoải mái. Tôi cảm thấy phấn khởi và hào hứng: ai đấy vừa diễn tả điều tôi luôn muốn nói mà không biết phải làm thế nào. Tarkovsky đối với tôi là một nhà đạo diễn vĩ đại nhất, là người đã khám phá ra ngôn ngữ mới, chân xác với bản chất của phim, nắm bắt cuộc sống như một sự phản chiếu, cuộc đời như một giấc mơ."

"Phim nếu không phải là tài liệu thì đó là một giấc mơ. Đấy là tại sao Tarkovsky lại vĩ đại nhất giữa tất cả họ. Anh ấy hoạt động một cách tự nhiên như thế trong không gian mộng mơ. Anh ấy không diễn giải. Anh ấy phải diễn giải gì hay sao? Anh ấy là một người xem giỏi trình diễn sức tưởng tượng của mình theo cách gian khó nhất nhưng lại nhu thuận nhất của loại hình nghệ thuật. Cả cuộc đời mình tôi nện vào cánh cửa những căn phòng nơi anh ấy hoạt động quá tự nhiên. Chỉ vài lần tôi lọt được vào bên trong. Đa số những cố gắng hết sức của tôi đã kết thúc bằng thất bại đáng xấu hổ: Xà noãn, Xúc cảm, Mặt đối mặt và vân vân.

Fellini, Kurosawa và Bunuel hoạt động chung hướng với Tarkovsky. Antonioni theo hướng của mình, nhưng đã ngộp ngạt vì sự cô sầu của chính mình. Melies luôn ở đó mà chẳng cần nghĩ ngợi về nó. Ông là một nhà ảo thuật chuyên nghiệp. "

"Bỗng nhiên tôi tìm ra giải pháp: bấm máy quay truyền chạy. Bấm máy quay truyền chạy quanh các diễn viên, qua ngoại cảnh, truyền chạy. Tarkovsky luôn truyền chạy vòng quanh trong từng cảnh, ống kính bay theo mọi hướng. Tôi thực sự nghĩ đó là một kỹ thuật đáng ngờ, nhưng nó giải quyết vấn đề của tôi, thời gian trôi qua..."

Layla Alexander Garret, đạo diễn, từng làm việc cùng với Tarkovsky nói rằng: "Sau này, khi tôi làm việc ở Nhà hát Kịch Hoàng gia ở Stockholm, Bergman nói với tôi rằng mỗi lần trước khi làm phim mới, ông ấy đều xem Andrei Rublev của Tarkovsky."



5 comments:

  1. Bác Linh, tôi thấy trên trang wikipedia, ở chỗ kết thúc câu bác trích có một cái chú nho nhỏ: citation needed. Nếu không có tài liệu dẫn chứng thì thật khó nói về tính chân thực của vấn đề. Nếu chỉ có một cảnh nhỏ trong bộ phim Tấm gương mà Tarkovsky nói rằng "có thể lấy ra từ Bergman", nhưng thứ nhất tôi không biết là lấy từ bộ phim nào của Bergman, thứ hai, đấy không phải là ảnh hưởng. Ảnh hưởng là tạo ra định hướng chủ định.

    ReplyDelete
  2. Bác DongA, các nghệ sĩ lớn ảnh hưởng tới nhau là chuyện bình thường và không chỉ là mối quan hệ một chiều. Nhưng nếu để ý chút về thời gian có thể thấy các bộ phim lớn của Tarkovsky xuất hiện muộn hơn các bộ phim lớn của Bergman. Bộ phim đầu tiên của Tarkovsky được ghi nhận quốc tế là Andrei Rublev vào năm 1966 còn hầu hết các phim nổi tiếng khác đều trong thập kỷ 1970. Trong khi đó những phim nổi tiếng nhất của Bergman đều trong thập niên 50-60 (trừ Fanny và Alexander).
    Có thể tham khảo thêm một số link sau:
    “The use of Josephson and cinematographer Sven Nykvist indicate the influence of Ingmar Bergman, one of the few directors Tarkovsky wholeheartedly admired.”
    http://www.sensesofcinema.com/contents/directors/02/tarkovsky.html
    Hay ở đây, trong danh sách 10 phim mà Tarkovsky yêu thích nhất thì có tới 3 phim của Bergman (Winter Light 1962, Wild Strawberries 1957, Persona 1966).
    http://www.acs.ucalgary.ca/~tstronds/nostalghia.com/TheTopics/Tarkovsky-TopTen.html
    Trên trang wikipedia về Bergman cũng có câu này: “Many filmmakers worldwide, including Americans Woody Allen, David Lynch, Stanley Kubrick, and Robert Altman, the Danish director Lars Von Trier, the Polish director Krzysztof Kieślowski, the Russian director Andrei Tarkovsky, and the South Korean director Chan-wook Park, have cited the work of Bergman as a major influence on their own work”
    Trong khuôn khổ một bài báo có giới hạn về số chữ, có thể cũng khó nói được tất cả các vấn đề.

    ReplyDelete
  3. Trên trang wikipedia, trong phần chú thích, bác vào chú thích sau chữ Tarkovsky, sẽ tới link trong đó nói bộ phim cuối cùng của Tarkovsky là Sacrifice chịu ảnh hưởng nhiều từ Bergman (Tarkovsky còn dùng lại cả cinematographer của Bergman cho phim này).
    Thêm nữa, nên hiểu ảnh hưởng theo cách của Tarkovsky hiểu, tức là cảm hứng và không gian từ những đạo diễn kia tạo ra cho Tarkovsky và điều này chính Tarkovsky đã thừa nhận ông chịu ảnh hưởng từ Bergman, Bresson và một số người khác.

    ReplyDelete
  4. Tối qua cháu mới được xem phim Solaris của Takovsky, bộ phim được giải Cannes. Đúng như lời Bergman nói "Anh ấy là một người xem giỏi trình diễn sức tưởng tượng của mình theo cách gian khó nhất nhưng lại nhu thuận nhất của loại hình nghệ thuật. Cả cuộc đời mình tôi nện vào cánh cửa những căn phòng nơi anh ấy hoạt động quá tự nhiên. Chỉ vài lần tôi lọt được vào bên trong ", thật sự chỉ biết nói là "kinh nhi viễn chi". Bộ phim là thế giới tưởng tượng phi thường nhất mà cũng giản dị nhất cháu biết. Cháu chưa thể thấm ngay được cái hay của bộ phim, nhưng với trực cảm của mình thì đây là bộ phim " có cảm giác phim" thực sự giống như lần đầu cháu đựơc xem Blow-up của Antonioni, 8 1/2 của Fellini, Pesona của Bergman, những tác phẩm này với sự kỳ diệu của nó đã vượt ra ngoài tất cả những hình mẫu kinh điển, và nó cũng sẽ chẳng là hình mẫu cho bất lỳ tác phẩm nào cả, nó là riêng tư sáng tạo.
    Cháu nghĩ rằng Tarkovsky đã ảnh hưởng( tất nhiên ảnh hưởng ở đây là cảm hứng và không gian như anh Linh nói) và mang thế giới tưởng tượng 81/2 của Fellini lên đến đỉnh cao, cháu không biết bác xem phim này chưa, và Solaris lại có tầm triết học và tinh tuý hơn và đã tát cạn mọi hình thức thể hiện của điện ảnh.
    Cháu rất muốn được đọc những ài liệu quý như thế này, bởi cháu là sinh viên ĐA, nếu bác còn thì có thể post tiếp không ạ.
    ( cháu xin lỗi là không biết như thế nào để xưng hô cho phù hợp)

    ReplyDelete
  5. Nếu bạn đọc được tiếng Nga thì có thể đọc 3 tập tự truyện của Bergman, trong đó có tập Lartena Magica ở đây:
    http://yanko.lib.ru/books/cinema/bergman_enskilda_samtae_ru.htm
    Tôi chắc không dịch được hết mấy tập sách này.

    ReplyDelete