Sunday, May 27, 2007

Đọc sách: Đo thế giới của Kehlmann

Tên sách: Đo thế giới
Tác giả: Daniel Kehlmann
Dịch giả: Lê Quang
Nhà xuất bản: Nhã Nam và Văn học (2007)

Người ta gọi cuốn tiểu thuyết này là một đại tự sự (grand narrative) (chính xác hơn thì không phải "người ta", mà là "một số người Việt"). Tôi không hiểu đại tự sự là cái gì. Tôi gọi cuốn tiểu thuyết này là liệt truyện song chiếu. Liệt truyện là ghi chép lại các câu chuyện về các nhân vật hay sự tích. Tuy ghi chép gọi là ký, nhưng liệt truyện thực chất là kể chuyện, là narrative. Truyền thống liệt truyện khởi đầu với Tư Mã Thiên là để ghi chép lại sử, nhưng liệt truyện ở đây không còn giữ nguyên tính sử, không hư cấu như ở Tư Mã Thiên. Ở đây liệt truyện đã hư cấu hóa những chi tiết có thực hay bán thực như giai thoại, và có thể có cả những chi tiết hoàn toàn hư cấu. Có thể nói ở đây hư cấu và không hư cấu hòa quyện vào nhau, không thể tách ra được, hay nói cách khác là "thực giả bất phân minh". Tư Mã Thiên cũng có những liệt truyện viết về hai con người như Liêm Pha và Lạn Tương Như liệt truyện, thống nhất trong một chủ đề, trong một câu chuyện, và tương hỗ với nhau. Tôi gọi những liệt truyện kiểu này là song hành. Kiểu liệt truyện này cũng khác với kiểu liệt truyện tuy cùng chung một chủ đề, nhưng chỉ là một tập hợp các truyện về các nhân vật, không thống nhất nội tại với nhau, ví dụ như Thích khách liệt truyện chẳng hạn. Đo thế giới là một liệt truyện kiểu khác. Nó không phải là một song hành, mà là một song chiếu. Song chiếu là cặp đôi hai cuộc đời, thống nhất trong một chủ đề, nhưng tương phản với nhau, đối chiếu với nhau. Sự thống nhất và tương phản tạo ra những tình thế nhân sinh thống nhất nội tại để đối chiếu phác lộ các cá tính tương phản mà lại thống nhất.

Đo thế giới, như vậy, là một liệt truyện song chiếu về Gauss và Humboldt. Gauss quá nổi tiếng và chắc chắn đối với nhiều người Việt "ông hoàng của toán học" không phải là một cái tên xa lạ, thậm chí một số giai thoại về Gauss như cộng các số tự nhiên từ 1 đến 100 cũng được biết đến rộng rãi. Humboldt là một cái tên xa lạ hơn, tuy không phải là quá xa lạ. Đối với người Đức Humboldt là một nhà bác học nổi tiếng, nhưng đối với người Việt, tất nhiên, ông cũng là một nhà bác học nổi tiếng, nhưng nổi tiếng về cái gì và vì sao nổi tiếng thì hẳn không nhiều người biết.

Lối kể chuyện trong Đo thế giới có pha hài hước nhẹ nhàng. Cái hài hước ở đây thể hiện ở tính nước đôi hai mặt của các tình thế nhân sinh. Chẳng hạn trong đêm động phòng, Gauss khi đã ở trên người vị hôn thê, chợt nảy sinh ra ý tưởng về dung sai, vội nhảy xuống ra bàn làm việc viết lại công thức, rồi mới quay trở lại giường hành sự.

Đo thế giới không chỉ viết về hai nhà khoa học đơn độc. Qua đó còn thấy cả một giới khoa học của nước Đức trong kỷ nguyên Ánh Sáng với những tính cách và văn hóa đặc trưng của nước Đức. Chẳng hạn cặp đôi trên con đường thám hiểm, Humboldt và Bonpland, không chỉ là hai cá tính đơn lẻ, mà còn là một song chiếu giữa tính cách và văn hóa Đức với tính cách và văn hóa Pháp. Cuốn sách, như vậy, đã mở ra trước người đọc con người và văn hóa Đức, vừa lạ lùng, vừa lôi cuốn, lại không thiếu phần hài hước.

2 comments:

  1. Nếu thế thì đừng có mua. Không hợp với gu đọc của em đâu. Em mua quyển Mùi hương đi. Anh nghĩ em sẽ thích quyển Mùi hương hơn.

    ReplyDelete
  2. Mai em đi mua cuốn này về đọc, mấy bữa nay lười quá, chả động đến cuốn sách nào T_T

    ReplyDelete