Friday, March 23, 2007

Truyện Hoa Tiên

Hoa tiên ký là một bộ Mộc Ngư ca, khúc dân ca ở Quảng Đông, sáng tác bằng Việt ngữ (tiếng Quảng Đông). Các bộ Mộc Ngư ca tập hợp thành tập gọi là Mộc Ngư thư. Trong Mộc Ngư thư có 11 bộ gọi là Tài tử thư. Hoa tiên ký là bộ thứ tám trong Tài tử thư, nên còn gọi là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký. Tài tử thư gồm các tác phẩm sau: Tam quốc, Hảo cầu truyện, Ngọc kiều lê, Bình san lãnh yến, Kim trâm ký, Tây sương ký, Tỳ bà ký, Hoa tiên ký, Nhị hà hoa sử, San hô phiến kim tỏa uyên ương ký.

Tôi chưa tìm được bản chữ Hán của Hoa tiên ký nên chưa so sánh được với nhận xét của Goethe.

Nguyễn Huy Tự có diễn nôm Hoa tiên ký thành Truyện Hoa tiên. Sau đây là tóm tắt nội dung Truyện Hoa tiênvnthuquan.net

Cõi Tô-châu có nhà họ Lương, Lương tướng-công tên chữ Ấn Ba, làm quan tại triều đến chức Bình-chương (Tể-tướng); vợ là Diêu-thị, chị ruột của Diêu-công hiện là Đô-ngự-sử tại triều. Hai ông bà hạ sinh được một trai, đặt tên Phương Châu, tự Diệc Thương. Được 20 tuổi, Lương-sinh diện-mạo khôi ngô, tài ba xuất chúng; sinh xin phép mẹ đi du học bên quê ngoại ở Tràng-châu. Phu-nhân cho và dặn nhân tiện đi mừng sinh-nhật của Diêu phu-nhân, mợ dâu Lương-sinh. Trong lễ sinh-nhật, đêm đến Lương-sinh ra vườn dạo trăng, tình cờ gặp hai mỹ-nhân đang chơi cờ, nhan-sắc lộng-lẫy; sinh để ý quyến-luyến cô mặc xiêm trắng là nàng Dương Giao Tiên, con quan Dương tham-đô, em ruột Diêu phu-nhân. Sinh dò la thăm hỏi, rồi mua một căn nhà ở cạnh Dương-phủ, cho sửa-sang dọn về ở đó, để hòng tiện bề lân-la. Thừa-ưa Dương-tướng lại là bạn thân của Lương-công, thành-thử việc vãng lai thù tạc giữa Dương-công và Lương-sinh cũng được dễ dàng mau-lẹ. Dường như trời cũng chiều người, một mặt Dương-công mến tài Lương-sinh, quyết tâm kén càng làm rể; một mặt, nhờ khéo mua lòng Vân Hương, Bích Nguyệt, Lương-sinh nhờ sức hai đứa nó giúp tay trong, nên chi trước khi được Dương-công ngỏ lời hứa gả con cho, Lương-sinh đã có dịp gặp Giao Tiên, cùng nhau làm lễ dưới trăng, hẹn non thề biển.
Chợt Lương phu-nhân sai người sang rước Lương-sinh về. Đến nhà Sinh chưa kịp nói chi về việc đính hôn của mình thì phu-nhân cho hay rằng ông bà đã đính hôn Sinh cùng Lưu Ngọc Khang, con gái Lư Lại-bộ. Cái tin sét đánh ấy làm cho Lương-sinh lỡ khóc lỡ cười !
Bên kia, Diêu-sinh trong dịp đi mừng sinh nhât Dương-công, cho ông hay việc đính hôn của Lương-sinh với Lưu tiểu-thư. Một trận thống khổ cho Giao Tiên, khi tin ấy lọt đến tai nàng. Dương-công thăng chức về kinh, kế lại vâng chiếu ra biên quan ngăn giặc Hồ. Gia-quyến ông tạm náu nương nơi nhà Tiền Hàn-lâm, em họ Dương phu-nhân.
Lương-sinh trở qua Tràng-châu, tìm nơi vườn cũ, thì hỡi ôi! cầu đá rêu phong, lối thơm tuyết phủ, người quen còn biết về đâu ? Vì quá si tình, Sinh đã toan bỏ phế cả việc sách-đèn khoa-cử. Diêu-sinh khéo lời khuyên-giải, Lương-sinh cũng nguôi dần.
Tại kinh, Giao Tiên được tin cha bị giặc Hồ vây, nỗi khổ vì tình lại tăng thêm nỗi đau vì hiếu. Lương-sinh và Diêu-sinh đồng xuống kinh ứng cử, cả hai đều trúng tuyển, kẻ Thám-hoa người Hoàng-giáp. Diêu bổ đi ngoài cõi, Lương thì vào Hàn-lâm. Thừa-ưa chốn trọ của Lương lại liền tường với Tiền-nha. Một đêm kia, lúc dạo trăng sau vườn, Lương-sinh tình-cờ gặp Giao Tiên, đôi bên mừng mừng tủi tủi, hết câu hờn-rỗi, đến chuyện nhớ mong. Hôm sau, Lương-sinh dâng biểu xin ra giải vây cho Dương-tướng. Chẳng ngờ ra đến biên-thùy, Sinh lầm kế phục binh, bị khổn ngoài ấy. Tin đồn về rằng Sinh đã liều mình trong quân rồi. Giao Tiên nghe tin dữ toan tự-tử, nhờ Vân Hương khéo can-gián nên tạm thôi. Bên nhà Lưu-công nghe tin Lương-sinh tử tiết, Lưu phu-nhân định đem Lưu Ngọc Khanh gả ép nơi khác; nàng một mực không vâng lời, nhân đêm trốn ra sông tự-vẫn. Thời may, thuyền Long Đề-học về kinh vừa đến ngang đó, vớt được nàng, và sau khi hỏi rõ nguyên-do, nhận nàng làm dưỡng nữ.
Diêu-sinh theo đại-quân phá giặc; hay tin Lương-sinh còn sống cả mừng. Cùng thông tin nhau, dùng mưu nội-ứng ngoại-hiệp, giáp-công phá vỡ địch-quân, luôn dịp giải vây cho Dương-tướng; thắng trận ban sư.
Ngoài việc thưởng công phong tước, Lương-sinh lại được vua tứ-hôn cho. Liền sau đó, thuyền Long Đề-học đến kinh, ông đem việc Lưu ngọc Khanh tâu lên vua; vua tứ-hôn luôn Ngọc Khanh cho Lương-sinh, đồng bậc với Giao tiên. Nghĩ công trước của Bích Nguyệt, Vân hương, Lương-sinh thâu nạp hai nàng làm tiểu-tinh.

1 comment:

  1. Trước đây em có đọc truyện Song Tinh của Việt Nam cũng có nội dung tương tự như trên. Nhưng tất cả đều diễn Nôm. Điều em không hiểu là những truyện (có nội dung) như thế này có gì hay? Đọc cả quyển Song Tinh cũng như nội dung truyện trên không thấy có gì là đặc sắc, nhân văn, hay đẹp đẽ cả. Kết truyện cũng chỉ là 1 người đàn ông không rõ mình yêu cô nào hơn cô nào thì cuối cùng lấy tất cả luôn. Thế có phải là tinh thần "Tài tử"?

    ReplyDelete