6. Câu chuyện của một người bay như chim
Ivan Mashovets - nghiên cứu sinh khoa triết, năm ....
Từ chuyện kể của một người bạn, Vladimir Stanjukevich, nghiên cứu sinh khoa triết
"... Cậu ấy, tất nhiên, muốn ra đi một cách lặng lẽ. Lúc đó vào buổi chiều. Trời xâm xẩm tối. Nhưng một số sinh viên ký túc xá bên cạnh vẫn trông thấy cậu ấy nhảy thế nào. Cậu ấy mở toang cửa sổ phòng mình, đứng trên bậu cửa và nhìn hồi lâu xuống dưới. Sau đó cậu ấy xoay mình lại, nhảy rất mạnh và bay ... Cậu ấy bay từ tầng mười hai...
Có hai mẹ con đi qua đó. Chú bé ngửng đầu nhìn:
- Mẹ ơi, nhìn kìa: chú kia bay như chim ...
Cậu ấy bay năm giây...
Tất cả những điều này là do anh công an khu vực kể lại, khi tôi về ký túc xá; tôi hoá ra là người duy nhất theo mức độ nào đó có thể coi là bạn của cậu ấy. Ngày hôm sau tôi thấy bức ảnh trong tờ báo buổi chiều: cậu ấy nằm trên đường, mặt úp xuống... Trong tư thế của một người đang bay....
Tất nhiên, tôi có thể cố nhớ lại điều gì đó... Mặc dù tất cả đang trôi tuột đi mất... Chúng ta không thoát khỏi mớ bòng bong này đâu... Chúng sẽ giải thích phần nào, giải thích bề ngoài thôi, không giải thích được những cốt lõi bên trong tâm hồn. Có những chỗ, ví dụ như nơi xưng tội chẳng hạn. Người ta gọi tới đó và chia sẻ: "Tôi muốn kết thúc cuộc đời này". Trong mười năm phút người ta khuyên can anh. Họ hiểu những nguyên do. Nhưng đó không phải là nguyên do, mà là cò súng...
Một ngày trước đó, cậu ấy gặp tôi ở ngoài hành lang:
- Cậu qua chỗ tớ, nhất định đấy. Tớ cần nói chuyện.
Chiều hôm đấy vài lần tôi gõ cửa phòng cậu ấy, nhưng cậu ấy không mở cửa. Qua bức tường (phòng chúng tôi cạnh nhau) tôi nghe thấy cậu ấy vẫn có trong phòng. Cậu ấy đi đi lại lại. "Thôi, sáng mai qua vậy", tôi nghĩ. Sáng hôm sau tôi gặp công an.
- Đây là cái gì? - Anh công an chỉ cho tôi tập giấy trông rất quen.
Tôi cúi xuống bàn.
- Đây là luận văn của cậu ấy... Này, đây là tiêu đề: "Chủ nghĩa Mác và tôn giáo".
Tất cả các trang đều bị gạch xoá. Và bằng bút đỏ theo đường chéo rất thẳng tay: "Nhảm nhí!! Vô lý!! Dối trá!!". Nét chữ của cậu ấy... Tôi nhận ra...
Cậu ấy luôn sợ nước... Tôi nhớ, ngay từ hồi sinh viên cậu ấy đã sợ nước. Nhưng mà cậu ấy chẳng bao giờ tiết lộ là cậu ấy sợ độ cao...
Không làm xong luận án thì đã làm sao nào! Cần phải tự thú nhận mình là tù nhân của không tưởng... Chẳng lẽ chỉ vì thế mà nhảy từ tầng mười hai hay sao? Bao nhiêu người bây giờ viết lại luận văn phó tiến sĩ, tiến sĩ, và biết bao nhiêu người không dám thừa nhận công khai là họ từng xưng như thế. Xấu hổ, ngượng ngùng... Có thể, cậu ấy quyết định: tôi vứt bỏ cả áo quần này, cả xác thân này...
Logic của hành vi không dẫn tới điều đó, mà là hành động đã thực hiện... Có những khái niệm như số phận. Số phận của anh được lập trình... Anh bước lên... Con người hoặc đi lên hoặc tụt xuống... Tôi cho là cậu ấy tin là có cuộc sống khác... Ở nghĩa rất hẹp... Cậu ấy có tin Chúa không? Đấy lại bắt đầu vấn đề rồi... Nếu như cậu ấy tin Chúa thì sao lại không có cha cố, không đi nhà thờ, không làm lễ. Mà đối với người theo đạo thì tự tử không thể được, anh ta không được phép bội ước ý định của Chúa... Cắt đứt sợi dây... Đối với người vô thần cơ chế khởi động làm việc đơn giản hơn. Anh ta không tin vào cuộc sống khác, anh ta không hãi sợ. Bảy mươi hay một trăm tuổi có nghĩa lý gì? Chỉ như là một khoảnh khắc, một hạt cát. Một phân tử của thời gian...
Có lần chúng tôi bàn chuyện về việc chủ nghĩa xã hội không giải quyết được vấn đề về cái chết hay ít ra là sự già nua. Lướt qua thôi...
Tôi đã chứng kiến, trong một hiệu sách cũ cậu ấy làm quen với một người điên thế nào ấy. Người đó cũng lục tìm trong những quyển sách cũ về chủ nghĩa Mác, như chính chúng tôi. Sau đó cậu ấy bảo tôi:
- Nghe này, hắn nói: "Đây là tao - người bình thường, còn mày - kẻ đau khổ". Cậu có thấy: hắn đúng.
Tôi nghĩ: cậu ấy là một người mác xít chân thành và tiếp nhận chủ nghĩa Mác như một lý tưởng nhân văn, mà đối với lý tưởng đó cái "chúng ta" lớn hơn rất nhiều so với cái tôi. Như một nền văn minh hành tinh duy nhất nào đó trong tương lai. Tạt vào phòng cậu ấy, cậu ấy nằm, bao quanh toàn là sách: Plekhanov, Mác, tiểu sử Hitler, Stalin, truyện cổ Andersen, Bunin, Kinh thánh, Kinh Coran. Tất cả chúng được đọc cùng một lúc. Tôi còn nhớ những trích đoạn suy tư của cậu ấy, nhưng chỉ là những trích đoạn thôi. Tôi nhớ lại chúng ngay sau khi... Tìm kiếm ý nghĩa cái chết của cậu ấy... Không lý do, không nguyên nhân... Ý nghĩa! Theo những lời của cậu ấy....
- Đâu là sự khác nhau giữa nhà khoa học và linh mục? Linh mục là người không nhận thức, nhưng nhận thức qua đức tin. Còn nhà khoa học cố đi sâu vào Vô thường qua sự kiện, qua kiến thức. Kiến thức hợp lý. Nhưng lấy ví dụ cái chết. Đơn giản là cái chết. Tiếp theo hình dung cái chết...
Chúng ta, những người mác xít, tự nhận vai trò của người coi giữ giáo đường. Chúng ta nói là chúng ta biết câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để ai cũng hạnh phúc? Làm thế nào?! Quyển truyện yêu thích thưở ấu thơ của tôi - "Người cá" của A. Beliaev. Tôi mới đọc lại nó. Nó trả lời cho tất cả những người không tưởng trên thế giới... Người cha tạo nên người cá từ người con. Ông muốn tặng cho người con đại dương thế giới, đem lại hạnh phúc bằng cách thay đổi bản chất con người. Nhà kỹ sư thiên tài... Ông có cảm giác là ông đã đi sâu vào bí mật... Ông là Chúa! Ông đã làm cho người con bất hạnh nhất giữa mọi người... Tự nhiên không dễ hiểu với trí tuệ của con người...Nó chỉ dụ dỗ con người thôi...
Và đây thêm vài độc thoại của cậu ấy. Tôi nhớ chúng thế...
- Hiện tượng Hitler còn rất lâu vẫn làm lo lắng trí tuệ. Kích động. Tất cả như thể khởi động cơ chế loạn thần kinh tập thể? Những bà mẹ mang những đứa bé trong những cánh tay chìa ra: "Đây, lãnh tụ ơi, hãy lấy chúng đi!!"
Chúng ta - những người tiêu dùng của chủ nghĩa Mác. Ai có thể nói là biết chủ nghĩa Mác? Biết Lenin, Mác? Có Mác thời trẻ... Và có Mác lúc cuối cuộc đời... Đấy là những bán cung, sắc thái, tất cả sự phức tạp tươi đẹp đó chúng ta không biết. Không ai đưa thêm phát triển tri thức. Tất cả chúng ta - những người diễn dịch...
Hiện nay chúng ta đã bắt đầu lại trong quá khứ, như trước đây bắt đầu trong tương lai. Tôi cũng cảm thấy là tôi căm thù cả cuộc đời này, nhưng hóa ra là tôi yêu... Tôi yêu ư?... Lẽ nào có thể yêu cái hũm máu này? Đấy bãi tha ma ư? Từ thứ bẩn thỉu nào, từ thứ khủng khiếp nào ... Trong dòng máu nào tất cả nhào trộn... Tôi yêu!
Tớ đề nghị với ông giáo sư của chúng ta đề tài mới cho luận án của mình: "Chủ nghĩa xã hội như một sai lầm trí tuệ". Và ông ấy trả lời: "Nhảm nhí". Nói là, với thành tích như thế tớ có thể bắt đầu giải mã Kinh Thánh hay Khải huyền. Thôi được, nhảm nhí - cũng là sáng tạo... Ông già luống cuống. Cậu biết: ông ấy không phải đồ ngốc, nhưng những gì đã xảy ra đối với ông ấy là bi kịch cá nhân. Tớ phải viết lại luận án, còn ông ấy phải viết lại cuộc đời thế nào? Bây giờ mỗi người chúng ta cần minh oan chính mình. Ở khoa thần kinh có căn bệnh thế này - phân đôi, phân ba nhân cách. Những người mắc bệnh đó quên họ tên mình, vị trí xã hội, những người quen biết và thậm chí cả con của mình, cuộc đời của mình. Nhân cách phân ba ... Đấy là khi con người không thể thống nhất được quan điểm cá nhân của mình với quan điểm chính thức hay niềm tin quốc gia với những nghi ngờ của mình, biết bao tận tâm những gì anh nghĩ và những điều anh nói... Nhân cách phân đôi, phân ba... Ở bệnh viện tâm thần đầy các giáo viên lịch sử, giảng viên đại học... Họ càng ám thị mình bao nhiêu, họ càng suy thoái bấy nhiêu... Ít nhất là ba thế hệ... và vài thế hệ nhiễm trùng... Nhưng tất cả biến mất một cách bí ẩn khỏi phán quyết... Sự cám dỗ của không tưởng...
Như với Jack London... Có nhớ truyện ngắn của ông về câu chuyện có thể sống trong cả chiếc áo trói [1]? Chỉ cần ních vào, ấn chặt lại và quen... Thậm chí thấy cả mơ nữa...
Giờ đây tôi phân tích... Truy nguyên tiến trình tư tưởng của ông... Và tôi thấy được là ông đã chuẩn bị ra đi...
Chúng tôi uống trà, cậu ấy đột nhiên nói:
- Tớ biết thời hạn của mình...
- Vanechka, anh làm sao vậy! - vợ tôi kêu lên. - Chúng em chỉ có ý định cưới vợ cho anh thôi.
- Anh đùa ý mà. Mà này động vật chẳng bao giờ kết thúc cuộc đời mình bằng tự tử. Chúng không phá vỡ các bước tiến triển...
Sáng hôm sau sau buổi nói chuyện đó cô phụ trách phòng tìm thấy trong thùng rác bộ complê còn gần như mới của cậu ấy, và chứng minh thư nằm trong túi áo. Cô ấy chạy đến chỗ cậu ấy. Cậu ấy lúng túng, lầu bầu gì đó tựa như là đang say. Chẳng mó đến thứ gì cả! Chứng minh thư giữ lại cho mình, còn bộ complê tặng cho cô phụ trách: "Tôi không cần nó nữa".
Cậu ấy quyết định vứt những quần áo đấy, cái vỏ ngoài thể xác. Cậu ấy biết tinh tế và cặn kẽ hơn chúng ta là cái gì chờ đón cậu ấy ở đó. Nhưng cậu ấy thích tuổi tác của Christ...
Có thể hình dung là cậu ấy hóa điên. Nhưng mới chỉ một tuần trước đấy tôi đã nghe buổi báo cáo của cậu ấy... Logic vững chắc... Bảo vệ tuyệt vời!
Con người phải biết thời hạn của mình ư? Tôi có biết một người biết thời hạn của mình. Bạn của bố tôi. Khi chú ấy đi ra mặt trận, một bà Digan bói cho chú ấy: cứ để cho ông không sợ đạn, vì chăng không chết trong chiến tranh, mà chết khi năm tám tuổi ở nhà trong ghế bành. Chú ấy trải qua suốt chiến tranh, lao dưới bom đạn, nổi tiếng là một chàng trai liều mạng, người ta phái chú làm những việc can đảm nhất. Chú ấy trở về không một vết sước. Trước khi năm tám tuổi chú ấy uống rượu, hút thuốc vì biết là mình sẽ chết khi năm tám tuổi, và trước thời hạn đấy có thể làm mọi thứ. Năm cuối cùng chú ấy sống thật là kinh khủng... Lúc nào chú ấy cũng sợ chết... Đợi chờ cái chết... Và chú ấy chết khi năm tám tuổi ở nhà... Trong ghế bành bên cạnh tivi...
Liệu có tốt cho con người không khi vòng đời đã định? Đó là ranh giới giữa nơi đây và chốn đó? Ở đó lại bắt đầu câu hỏi...
Có lần tôi khuyên cậu ấy cố nhớ lại trong ký ức, trong mơ ước tuổi thơ những thứ từng mơ ước, nhưng sau đó quên mất. Có thể bây giờ đang thực hiện chúng... Cậu ấy chẳng bao giờ nói với tôi về thời ấu thơ của mình. Bỗng nhiên lại cởi mở. Từ lúc mới được ba tháng tuổi, cậu ấy đã sống ở quê với bà. Khi lớn lên, đứng ngóng mong mẹ... Bà mẹ trở về, khi cậu ấy kết thúc học phổ thông, với ba em trai và em gái - mỗi đứa nhỏ từ một người đàn ông. Cậu ấy học ở trường Tổng hợp, dành lại cho mình mười rúp, số học bổng còn lại gửi về nhà. Cho mẹ...
- Tớ không nhớ rằng là bà có giặt cho tớ cái gì không, dù chỉ là một chiếc khăn mùi xoa. Nhưng mùa hè tớ lại về quê: dán lại giấy tường, sửa lại hàng rào. Nếu như bà nói với tớ chỉ một từ âu yếm, tớ đã sung sướng rồi...
Cậu ấy chẳng bao giờ có bạn gái....
...Em trai cậu ấy từ quê lên. Cậu ấy nằm ở nhà xác... Người ta đi tìm người đàn bà lau rửa, thay quần áo. Có những người đàn bà làm những việc đấy. Nhưng bà ta lại đang say rượu. Tôi tự tay thay quần áo cho cậu ấy...
Ở quê ngồi với cậu ấy suốt đêm một mình. Giữa những ông bà già. Cậu em trai không giấu giếm sự thật, mặc dù tôi đã xin cậu ta đừng nói gì, dù chỉ về bà mẹ. Nhưng cậu ta say mèm nói hết. Hai ngày đổ mưa. Ở nghĩa trang ô tô chở quan tài do máy kéo kéo đi. Những bà già sợ hãi và nhiệt tâm làm dấu thánh giá:
- Hằng an cho con người...
Cha xứ không cho chôn ở nghĩa trang: tội lỗi không thể xá tội được... Chủ tịch xã đi chiếc Gazik đến và cho phép...
Mọi người trở về khi trời tối chạng vạng. Ẩm ướt. Hoang tàn. Chếch choáng. Thiết nghĩ, những người sùng đạo và những người mộng mơ tại sao đó luôn chọn những nơi như thế. Chỉ ở những nơi đấy họ mới sinh ra. Bập bềnh trong trí nhớ là những cuộc nói chuyện của chúng tôi về chủ nghĩa Mác như nền văn minh hành tinh duy nhất. Về nhà chủ nghĩa xã hội đầu tiên là Christ. Và cả về bí ẩn của tôn giáo Mác xít mà chúng ta đến tận cùng cũng chẳng thể hiểu nổi cho dù có quỳ xuống trong máu.
Mọi người ngồi quanh bàn. Người ta rót ngay cho tôi một cốc quốc lủi. Tôi nốc cạn...
Năm sau tôi với vợ tôi một lần nữa đến nghĩa trang...
- Anh ấy không có ở đó, - vợ tôi nói. -Trước đây chúng mình đến với anh ấy, còn bây giờ đến với bia mộ. Anh còn nhớ không, anh ấy trước đây mỉm cười như thế nào trong ảnh...
Có nghĩa là cậu ấy đã đi xa hơn. Phụ nữ nhạy cảm hơn đàn ông, và vợ tôi cảm thấy điều đó.
Phong cảnh vẫn như thế. Ẩm ướt. Hoang tàn. Chếch choáng. Mẹ cậu ấy trút đầy táo cho chúng tôi trên đường. Ông lái máy kéo ngà ngà say chở đến bến xe..."
Đông A dịch từ nguyên bản tiếng Nga
Chú thích của người dịch
[1] Một loại áo mặc cho người điên, tay áo bị trói buộc lại.
No comments:
Post a Comment