Sunday, February 25, 2007

Milan Kundera: Hội ẩm [2]

HỘI ẨM
Milan Kundera

Phần một

MÀN BA

Ai đã nói gì

Khi cả bốn bác sĩ ra khỏi khoa nội, bộ trạng của họ hết sức mệt mỏi.
Sếp nói: - Cô Elisabeth này đã làm hỏng cả cuộc hội ẩm của chúng ta.
Nữ bác sĩ nói: - Những người phụ nữ không được thỏa mãn bao giờ cũng mang bất hạnh tới.
Havel nói: -Hoang đường thật! Cô ta đành phải mở vòi gaz để chúng ta nhận ra là cô ta có cơ thể tuyệt đẹp.
Nghe những lời đó, Fleischman nhìn (thật lâu) Havel và nói: -Tôi chẳng muốn uống lẫn tập tành chảnh chọe nữa. Chào.- Và anh đi tới lối ra.


Lý thuyết của Fleischman

Fleischman cảm thấy những lời ba hoa của các đồng nghiệp thật đáng tởm. Anh cảm thấy ở đó sự vô cảm của những người đang già đi, sự tàn nhẫn của tuổi tác họ, đã dựng lên trước sự trẻ trung của anh một barie thù địch nào đó. Vui sướng vì mình là người độc nhất, anh cố ý đi bộ để trải qua và tận hưởng đầy đủ sự phấn khích: với niềm xúc động ngọt ngào anh liên tục thuyết phục mình là Elisabeth chỉ cách cái chết trong gang tấc và anh có lỗi về cái chết đó.
Rõ ràng là anh biết rất rõ là tự tử xảy ra không phải chỉ vì một nguyên nhân nào đó mà thông thường vì cả nguyên một mớ nguyên nhân, nhưng anh không làm sao có thể thoát ra khỏi ý nghĩ là có một nguyên nhân (và có thể là quyết định) đó chính là anh: chính sự thực tồn tại của anh lẫn xử sự hôm nay của anh.
Lúc này anh không khỏi không thống thiết kết tội mình.
Anh tự nhủ mình là một kẻ ích kỷ, chăm chăm phù phiếm tìm kiếm sự thành công tình ái. Anh cười nhạo là đã để cho đàn bà làm lóa mắt mình bằng sự chú ý đến cá nhân anh. Anh tự trách mình là Elisabeth đã vì anh dễ dàng trở thành thứ đồ vật, chai lọ mà anh đã trút giận vào đó khi ông sếp ghen tuông ngăn chặn cuộc hẹn hò ban đêm của anh với nữ bác sĩ.
Anh có quyền gì, vâng, anh có quyền gì mà đối xử như thế với một con người vô tội?
Chàng bác sĩ trẻ, tuy thế, không phải là một người thô thiển; mỗi trạng thái tinh thần của anh đều biểu lộ phép biện chứng khẳng định và phủ định; và đây này bây giờ giọng nói bên trong của người lên án ngay lập tức bị
giọng nói bên trong của người biện hộ
phản bác lại: đúng, những châm chọc của anh dành cho Elisabeth rõ ràng là không nên, nhưng chúng đã chắc gì dẫn tới hậu quả bi thảm như thế nếu như Elisabeth không yêu anh. Nhưng Fleischman có lỗi chăng là để một người đàn bà thế nào đó phải lòng anh? Có lẽ nào anh nhất thiết chịu trách nhiệm về người đàn bà đó?
Anh tư lự ở câu hỏi này - câu trả lời cho nó anh cảm thấy như là chiếc chìa khóa để mở sự bí ẩn của bản chất con người. Dừng bước, anh tự trả lời mình với tất cả sự nghiêm túc: không, anh đã không đúng khi thuyết phục sếp hôm nay là anh không chịu trách nhiệm về những tình cảm mà anh vô thức gây ra cho phụ nữ. Chẳng lẽ có thể hạn định mình chỉ vào những thứ có ý thức và có chủ ý? Chẳng lẽ những tình cảm mà anh vô thức gây ra không có liên quan nào tới cá nhân anh? Chẳng lẽ ai đó khác chịu trách nhiệm về chúng? Đúng, anh có lỗi là đã để Elisabeth phải lòng anh; anh có lỗi là đã không biết điều đó, đã không để ý tới điều đó; anh có lỗi hoàn toàn. Như thế còn chưa đủ sao, vì lỗi của anh mà một con người có thể chết.


Lý thuyết của bác sĩ trưởng

Trong khi Fleischman đang chìm đắm vào sự sám hối, sếp, Havel và nữ bác sĩ trở về phòng trực, nhưng uống rượu thì họ thực sự không muốn nữa; họ im lặng trong một khoảng thời gian, sau đó Havel thở dài nói: cả cái gì lởn vởn trong đầu cô Elisabeth này nữa!
- Chẳng có một ly một tý nào đâu, bác sĩ ạ, - sếp tuyên bố. - Khi ai đó làm những trò dại dột như thế, tôi cấm mình xúc động theo nguyên cớ đó. Nếu như anh không cứng đầu và đùa nghịch với cô ấy như anh làm không biết ngượng với tất cả những người đàn bà khác, thì điều đó đã không xảy ra.
- Rất biết ơn anh đã đổ lỗi để cô ấy tự tử cho tôi, - Havel nói.
- Hãy nhìn nhận chính xác thêm một chút nào, - bác sĩ trưởng bác lại, - câu chuyện đang nói quả là không phải về tự tử, mà là về một cuộc biểu tình tự tử được diễn sao cho tránh được thảm họa. Bác sĩ thân mến ơi, nếu ai đó lởn vởn trong đầu đầu độc bằng khí gaz thì trước tiên người đó phải khóa cửa lại. Và không chỉ điều đó không thôi, người đó phải cố bịt kín các khe hở lại để mùi khí gaz không bị phát hiện càng lâu càng tốt. Nhưng không phải Elisabeth nghĩ
đến cái chết
, mà cô ấy nghĩ đến anh.
Không phải chỉ mới có một tuần cô ấy vui sướng với ý nghĩ là cuối cùng buổi tối hôm nay được trực cùng với anh, và ngay từ đầu buổi chiều cô ấy đã không ngượng ngùng đổ xuống anh tất cả sự cuồng nhiệt của mình. Nhưng anh lại xử sự tàn nhẫn.Và anh càng tàn nhẫn bao nhiêu, cô ấy càng cuồng nhiệt bấy nhiêu, càng dùng đến các phương sách khiêu khích hơn: ba hoa nhảm nhí, nhảy múa, quyết định thoát y...
Anh thấy không, trong chuyện này thậm chí có cả điều gì đấy cảm động. Không biết thu hút cả tai lẫn mắt anh chú ý tới mình, cô ấy trông cậy vào khứu giác của anh và đã mở khí gaz. Nhưng trước khi mở khí gaz, cô ấy đã cởi quần áo. Biết là cơ thể mình tuyệt đẹp, cô ấy muốn ép buộc cả anh phải tin vào điều đó. Nhưng chỉ có điều hãy nhớ xem là cô ấy đã nói gì với chúng ta khi từ biệt: Giá mà các người biết. Các người không biết gì cả. Các người không biết gì cả. Và bây giờ anh đã biết tất cả: Elisabeth mặt không đẹp, nhưng cơ thể lại tuyệt đẹp. Chính anh cũng đã nhận ra điều này. Anh thấy đấy, cô ấy tính toán cũng không đến nỗi bộp chộp. Ai biết được là bây giờ, có thể, anh đã nuốt cả lời.
- Có thể lắm, - Havel nhún vai nói.
- Tôi không nghi ngờ điều đó đâu, sếp tổng kết.

Lý thuyết của Havel

- Tất cả những điều anh nói, sếp ạ, hoàn toàn có lý, nhưng ở đây còn có cả một tính sai: trong trò chơi này anh đánh giá quá cao vai trò của tôi. Vấn đề không phải ở tôi. Chính là tôi không phải là người duy nhất từ chối ngủ với Elisabeth. Với Elisabeth không ai muốn ngủ cả.
Khi anh hôm nay hỏi tôi là tại sao tôi không vơ lấy Elisabeth, tôi đã ba hoa đủ thứ nhảm nhí về vẻ đẹp của chủ ý và về tự do mà tôi muốn chiếm giữ. Nhưng tất cả những thứ đó không hơn những lời ba hoa rỗng tếch có mục đích che dấu sự thật, đối lập trực tiếp với tất cả những thứ đã nói, và hoàn toàn không lôi cuốn: tôi từ chối Elisabeth chỉ vì tôi không biết trở nên tự do. Giải thích thêm: không ngủ với Elisabeth trở thành một thứ mốt của tôi. Không ai ngủ với cô ấy, mà nếu như ai đó tình cờ ngủ lang với cô ấy, thì người đấy không bao giờ thú nhận về điều đó, bởi vì tất cả mọi người sẽ cười anh ta. Mốt là một thứ bạo chúa khủng khiếp, và tôi nô lệ tuân theo. Không nên quên rằng Elisabeth là một người phụ nữ tràn trề nhựa sống, và sự khinh mạn nói chung với cô ấy sẽ tước đoạt lý trí của cô ấy. Còn sự khinh mạn của tôi tuyệt nhiên đẩy cô ấy đến mức cùng cực, bởi vì mọi người đều biết là ai tôi cũng vơ lấy. Thế nhưng, chính lần này mốt đối với tôi tỏ ra quan trọng hơn lý trí của Elisabeth.
Và anh đúng đấy, sếp ạ: cô ấy biết là cô ấy có một cơ thể đẹp, và vì thế mà cô ấy cho rằng thái độ như thế đối với cô ấy hoàn toàn phi lý và không công bằng, và cô ấy chống đối lại khi có thể. Hãy nhớ lại xem, trong suốt cả buổi tối cô ấy đã không mệt mỏi biểu diễn cơ thể của mình. Khi kể về cô gái Thụy Điển trong quán bar thoát y vũ ở Viên, cô ấy vuốt ve vú mình và khẳng định là chúng đẹp hơn vú của cô gái Thụy Điển. Luôn thể anh nhớ lại xem: ngực và mông cô ấy trong buổi tối này lấp kín cả phòng như là một đám người biểu tình. Quả thật, sếp ạ, đấy đúng là một cuộc biểu tình!

Và màn thoát y vũ đó của cô ấy, anh nhớ lại mà xem, cô ấy đã bị nó cuốn hút như thế nào! Sếp ạ, đấy là màn thoát y vũ buồn nhất mà tôi đã có dịp được chứng kiến. Cô ấy say mê cởi quần áo, mà vẫn giữ nguyên cái vỏ ngoài đáng ghét của đồng phục y tá. Cô ấy cởi quần áo nhưng không thể cởi quần áo được. Và thậm chí cô ấy biết là không cởi quần áo cũng như đã cởi quần áo và mong muốn chia sẻ với chúng ta ước mơ cởi quần áo buồn bã và viển vông của mình. Sếp ạ, không, cô ấy đã không cởi quần áo, cô ấy hát về điều cởi quần áo, hát về nỗi không thể cởi quần áo, về nỗi không thể hiến thân, về nỗi không thể sống! Còn chúng ta thậm chí không muốn nghe cô ấy hết, chúng ta gục đầu và thờ ơ đưa mắt!

- Ô ô, anh chàng chơi gái lãng mạn! Anh thực sự tin là cô ấy muốn chết à? - sếp kêu Havel.
- Anh nhớ xem, - Havel nhận xét, - trong lúc nhảy cô ấy đã nói với tôi: Em vẫn còn sống! Em vẫn sống mà! Anh còn nhớ chứ? Kể từ phút đó, khi cô ấy bắt đầu nhảy, cô ấy biết là mình sẽ làm gì.

- Thế tại sao cô ấy lại muốn chết trần truồng? Anh giải thích điều đó thế nào?

- Cô ấy muốn bước vào vòng tay của cái chết như bước vào vòng tay của người tình. Vì thế cô ấy đã cởi quần áo, chải đầu, trang điểm ...

- Và vì thế mà cô ấy để cửa mở à! Xin anh đấy, đừng có tự ám thị mình là cô ấy thực sự đã muốn chết!

- Có thể là chính cô ấy cũng không biết chính xác mình muốn gì. Chẳng lẽ anh biết mình muốn gì sao? Ai trong chúng ta biết được điều đó? Cô ấy muốn - không muốn! Cô ấy hoàn toàn chân thành muốn chết và khi đó (cũng chân thành như thế) muốn lưu lại cái khoảnh khắc khi cô ấy đã được nửa đường dẫn đến cái chết, nhưng vẫn muốn cảm thấy giá trị hành động của chính mình. Anh hãy hiểu là cô ấy hoàn toàn không muốn để người ta thấy cô ấy đen ngoét, thối inh và dị dạng. Cô ấy muốn hiện ra trước chúng ta trong toàn bộ vẻ lộng lẫy của mình để cho thấy là cái cơ thể tuyệt đẹp và vô giá của cô ấy đang bơi đến vòng tay của cái chết để giao phối với nó. Cô ấy muốn để ngay trong giây phút đặc biệt đó chúng ta ghen tị với cái chết đang chiếm đoạt cái cơ thể đó và thèm muốn nó.

Lý thuyết của nữ bác sĩ

- Quý ngài thân mến,- nữ bác sĩ tham gia câu chuyện, sau khi nãy giờ vẫn giữ im lặng và chăm chú lắng nghe cả hai bác sĩ, - trong chừng mực là một người phụ nữ tôi có thể đánh giá là cả hai anh lý giải mọi thứ đều rất logic. Bản thân lý thuyết của các anh đều có lý lẽ xác đáng và chứng tỏ một hiểu biết cuộc sống sâu sắc. Thế nhưng chúng có một nhược điểm nhỏ: chúng không có lấy một tí sự thật. Elisabeth cũng không hề nghĩ tới chuyện tự tử. Không tự tử thật lẫn tự tử vờ. Không hề có tự tử nào.

Nữ bác sĩ tận hưởng hiệu ứng những lời nói của mình chừng một phút, sau đấy nói tiếp: - Quý ngài thân mến, ngay lập tức thấy rõ là các anh có lương tâm đen tối. Khi chúng ta quay về từ khoa nội, các anh cố len lén đi qua phòng Elisabeth. Các anh thậm chí không chợt liếc mắt vào đó. Nhưng riêng tôi xem xét kỹ phòng đó trong khi các anh hồi tỉnh Elisabeth. Trên bếp có một cái xoong. Elisabeth đun cà phê và ngủ thiếp đi. Nước sôi trào ra và làm tắt lửa.
Cả hai bác sĩ vội vàng theo nữ bác sĩ vào phòng y tá và thấy rõ là đúng là như vậy: trên bếp có một cái xoong nhỏ và đáy xoong còn sót lại một ít nước.
- Vậy thì nói cho tôi biết đi là tại sao cô ấy lại trần truồng? -bác sĩ trưởng ngạc nhiên hỏi.

- Anh nhìn đấy, - nữ bác sĩ nói và hất hàm chỉ về ba phía: ở sàn nhà dưới cửa sổ nằm một chiếc váy xanh nhạt, chiếc tủ thuốc trắng treo chiếc xu chiêng, còn phía đối diện trong góc lăn lóc chiếc xi líp trắng. - Elisabeth ném lung tung quần áo của mình khắp nơi; chắc là cô ấy muốn làm cho mình một màn thoát y vũ thực sự, màn thoát y vũ mà anh, sếp ạ, với sự cẩn thận cố hữu của mình đã ngăn cản.

Khi đã cởi hết, cô ấy, chắc là, đã cảm thấy mệt. Điều này đối với cô ấy hoàn toàn không đúng lúc, bởi vì cô ấy vẫn chưa từ bỏ hy vọng cho đêm nay. Cô ấy biết là chúng ta sẽ đi khỏi đó, và Havel sẽ còn lại một mình. Có thể vì thế mà cô ấy đã hỏi xin thuốc để tỉnh táo. Chính thế mà cô ấy đã quyết định pha thêm cà phê cho mình và đặt xoong nước lên bếp. Sau đó, ngắm cơ thể của mình, cô ấy hưng phấn. Ôi, quý ngài ơi, Elisabeth có một lợi thế so với các anh: cô ấy đã nhìn thấy cơ thể của mình, nhưng đã không nhìn thấy khuôn mặt của mình. Có nghĩa là cô ấy đã cảm thấy mình đẹp không chê vào đâu được. Điều này đã kích thích cô ấy đến nỗi cô ấy ra rời nằm trên đi văng. Nhưng giấc ngủ rõ ràng đã đến với cô ấy trước niềm cực khoái.

- Hoàn toàn có thể, - Havel nói. Bây giờ tôi nhớ lại là tôi đã đưa cho cô ấy thuốc ngủ.

- Đó là cung cách của anh, - nữ bác sĩ nói. - Còn điều gì anh chưa rõ nữa không?

- Còn đây, - Havel nói, - hãy nhớ lại những lời cô ấy đã nói: Em đã chết đâu! Em vẫn còn sống! Em vẫn sống mà! Và cả những lời cuối cùng - cô ấy phát âm chúng với vẻ thống thiết như thể vĩnh biệt chúng ta: Giá mà các người biết. Các người không biết gì. Các người không biết gì cả.
- Ôi, Havel, - nữ bác sĩ nói. - Cứ như là anh không biết
chín mươi chín phần trăm lời nói không hơn gì những thứ ba hoa lắm lời. Mà chẳng lẽ chính bản thân anh đa phần không ba hoa chỉ để không phải im lặng hay sao?
Các bác sĩ tán gẫu thêm một chút, sau đó cả ba người ra khỏi tòa nhà; sếp và nữ bác sĩ bắt tay Havel và đi xa dần.


Trong không khí buổi đêm bay lơ lửng hương thơm

Cuối cùng Fleischman ra đến con đường ngoại ô nơi anh sống với cha mẹ trong một ngôi nhà nhỏ biệt lập có vườn cây bao quanh. Anh mở cổng, nhưng chưa đi tiếp vào nhà, mà ngồi xuống ghế băng, trên đó treo lơ lửng những bông hồng được mẹ anh chăm sóc cẩn thận.
Trong đêm bay lơ lửng hương thơm của những bông hoa, và những từ "có lỗi", "ích kỷ", "được yêu", "cái chết" bốc lên trong ngực Fleischman và làm căng nó lên với một khoan khoái phấn khích; anh cảm thấy vai mình mọc ra đôi cánh.
Trong cao trào đa sầu say đắm anh hiểu là mình được yêu hơn bao giờ hết. Sự thực cũng đã có vài người phụ nữ biểu lộ tình ý đối với anh, nhưng bây giờ anh có thể lạnh lùng và tỉnh táo tự hỏi mình: liệu bao giờ đó cũng là tình yêu? liệu đôi khi anh đã không đắm mình trong ảo tưởng? liệu anh đã không đoán ra điều gì đã thực sự xảy ra? Lấy ví dụ Klara: liệu cô ấy có tính toán hơn cả yêu đương? liệu căn hộ mà anh kiếm cho cô ấy không cuốn hút cô ấy hơn chính bản thân anh? So với hành vi của Elisabeth mọi thứ đều bị lu mờ.
Trong không khí bay lơ lửng những từ kỳ vĩ , và Fleischman tự nhủ rằng tình yêu chỉ có một tiêu chí và tiêu chí đó - cái chết. Cái chết làm lễ đăng quang tình yêu thực sự và chỉ tình yêu được đăng quang bằng cái chết mới là tình yêu thực sự.
Trong không khí bay lơ lửng hương thơm và Flieschman tự hỏi: liệu có ai đó yêu anh như người phụ nữ xấu xí đó? Nhưng vẻ đẹp hay xấu xí có là gì so với tình yêu? Vẻ xấu xí của một khuôn mặt có là gì so với tình cảm mà trong sự cao cả của nó phản chiếu chính tuyệt đối?
(Tuyệt đối? Đúng. Chính Fleischman cũng chỉ là một cậu bé mà mới đây vừa bị ném vào thế giới không chắc chắn của người lớn. Dù lòng đam mê con gái của anh có mạnh mẽ thế nào chăng nữa thì trước hết anh tìm kiếm vòng tay ôm siết an ủi, vô cùng và vô tận, mà đã cứu anh khỏi tính tương đối quỷ sứ của thế giới vừa mới lộ ra.)



MÀN BỐN

Nữ bác sĩ quay trở lại

Bác sĩ Havel nằm trên đivăng được một lúc, phủ lên người một tấm khăn choàng mềm bằng len, thì nghe thấy tiếng gõ vào cửa sổ. Ông nhìn thấy khuôn mặt nữ bác sĩ được ánh trăng chiếu sáng. Mở cửa sổ ông hỏi:
- Có chuyện gì thế?
- Cho tôi vào đã, - nữ bác sĩ nói và đi vội tới cửa.

Havel cài khuy áo sơ mi, và thở dài ra khỏi phòng.
Khi ông mở cửa tòa nhà, nữ bác sĩ không một lời giải thích cần thiết, len lén vào phòng trực, và chỉ khi yên vị ở đó trong chiếc ghế phôtơi trước mặt Havel mới bắt đầu giải thích là cô tới đây do không thể quay về nhà và cảm thấy bồn chồn, mà đằng nào thì cũng không ngủ được; và bây giờ cô bảo Havel chuyện dóc thêm một chút nữa với cô, để giúp cô trấn tĩnh lại.
Havel không tin một lời nào mà cô nói, và đã hàm dưỡng tồi (hay thiếu thận trọng) đến nỗi đã để cảm xúc của mình ngay lập tức phản ánh trên khuôn mặt.
Vì thế nữ bác sĩ nói: - Anh, tất nhiên, không tin tôi bởi vì anh tin chắc là tôi tới đây chỉ để ngủ với anh.
Havel phác một cử chỉ phản đối, nhưng cô tiếp tục: Anh là một Don Juan quá tự tin. Đương nhiên. Chỉ cần một người phụ nữ nhìn thấy anh, cô ta đã không thể nghĩ điều gì khác được. Còn anh chẳng thay đổi gì hết, với cái vẻ buồn chán và đau khổ làm tròn cái định mệnh buồn tẻ của mình.
Bác sĩ lại phác một cử chỉ phản đối, nhưng nữ bác sĩ, châm một điếu thuốc và nhả khói, không cho mình dừng lời: Don Juan khốn khổ ơi, đừng sợ gì hết. Tôi đến đây không phải để thắt cổ anh. Anh hoàn toàn không như cái chết. Tất cả đó chỉ là những lời chua ngoa của ông sếp thân mến của chúng ta thôi. Anh không thể ai cũng vơ lấy dù chỉ do là không phải tất cả phụ nữ để cho anh vơ lấy họ. Đối với tôi, tôi thề là: tôi tuyệt đối miễn nhiễm anh.
- Cô đến đây chỉ để thông báo cho tôi về điều đó à?

- Cứ giả sử như vậy đi. Tôi đến đây để an ủi anh và nói với anh rằng anh hoàn toàn không như cái chết. Và rằng tôi không để cho anh vơ lấy tôi đâu


Đạo đức của Havel

- Cô thông minh thật, - Havel nói. - Thật dễ chịu khi được nghe là cô không chỉ không để cho tôi vơ lấy cô, mà còn đến đây để nói về điều đó nữa. Tôi hoàn toàn không như cái chết. Tôi quả thật không chỉ không vơ lấy Elisabeth, mà còn không vơ lấy cả cô.
- Thế a! - nữ bác sĩ ngạc nhiên.
- Nhưng chính là tôi tuyệt nhiên không muốn nói rằng tôi không thích cô. Ngược lại thì đúng hơn.
- Có nghĩa là thế à, - nữ bác sĩ nói.
- Đúng. Tôi thích cô, thậm chí rất thích.
- Thế thì tại sao anh lại không vơ lấy tôi? Hay là bởi vì tôi không thắt cổ anh?
- Không phải, tôi nghĩ là điều đó không có tí ti liên quan gì, - Havel nói.
- Thế điều gì có liên quan?
- Cô là nhân tình của sếp.
- Thế thì sao?
- Sếp ghen cô. Anh ấy đau lòng mất.
- Anh cũng có nguyên tắc đạo đức à? - nữ bác sĩ cười hỏi lại.

- Cô thấy không, - Havel trả lời, - tôi cũng có biết bao dan díu với phụ nữ trong đời, đến nỗi tôi học được cách quý trọng hết sức cao quý tình bạn giữa những người đàn ông. Những quan hệ đó, không bị hoen ố bởi chứng ngu xuẩn của dục tình và là thực chất giá trị duy nhất mà tôi biết được trong đời.
- Anh coi sếp là một người bạn của mình à?

- Sếp đã làm rất nhiều điều cho tôi.

- Cho tôi hiển nhiên còn nhiều hơn, - nữ bác sĩ giải thích thêm.
- Cũng có thể, - Havel nói. - nhưng câu chuyện đang nói không phải về chuyện hàm ơn. Đơn giản tôi yêu quý anh ấy. Một tay tuyệt vời. Và ông ấy gắn bó với cô. Nếu như tôi cố giành lấy cô, tôi sẽ cho mình là một tên đê tiện.


Bôi nhọ lên giám đốc


- Tôi không ngờ, - nữ bác sĩ nói, - là chính từ miệng anh tôi được nghe lời ca tụng nhiệt tình về tình bạn vinh quang như thế. Anh hiện ra trước mắt tôi, bác sĩ ạ, trong ánh quang hoàn toàn mới và bất ngờ. Anh, trái hẳn với mọi mong đợi, khám phá ra không chỉ khiếu tình cảm, mà còn hướng nó (và điều này còn cảm động hơn nữa) đến con người hói đầu, bạc phơ, già nua, người mà chỉ đáng chú ý ở tính khôi hài của mình. Anh hôm nay có để ý tới anh ấy không? Anh ấy không mệt mỏi khoe mình thế nào? Toàn thời gian anh ấy cố gắng chứng tỏ thứ gì đấy mà chẳng có ai tin
Thứ nhất, anh ấy mong muốn chứng tỏ sự sắc sảo của mình. Anh có nhận thấy không? Anh ấy không ngừng ba hoa, làm vui cả hội, buông lời điệu nghệ kiểu "bác sĩ Havel như cái chết", nghĩ ra nghịch lý về hôn nhân hạnh phúc (cứ như tôi chưa nghe thấy nó đã hàng trăm lần!), cố tìm cách chơi Fleischman một vố (cứ như điều đó đòi hỏi trí tuệ sắc sảo!)
Thứ hai, anh ấy cố gắng chứng tỏ thiện cảm với mọi người. Trên thực tế, anh ấy căm ghét bất cứ ai còn tóc trên đầu. Nhưng anh ấy lại cố làm ra vẻ mình hơn họ. Anh ấy phỉnh phờ anh, phỉnh phờ tôi, dịu dàng với Elisabeth như một người cha, và thêm nữa đánh lừa Fleischman một cách cẩn trọng khiến cho cậu chàng chẳng đoán ra được gì.
Và thứ ba, và là điều quan trọng nhất, anh ấy muốn chứng tỏ mình là một con người siêu đẳng. Anh ấy cố gắng một cách tuyệt vọng che dấu vẻ ngoài hiện nay của mình bằng cái vẻ ngoài trước kia, cái vẻ ngoài mà, ôi, đã từ lâu đã hoàn toàn không còn nữa. Anh, tất nhiên, đã thấy anh ấy khôn khéo thế nào lén kể cho chúng ta câu chuyện cô nàng lang chạ từ chối anh ấy, vả lại chỉ với một mục đích duy nhất: gợi nhớ lại vẻ ngoài mạnh mẽ của mình trong những tháng năm quá khứ và che dấu cái đầu hói đáng buồn của mình.


Bảo vệ bác sĩ trưởng

- Tất cả những gì cô nói, quý bà ạ, đều không xa sự thật lắm, - Havel trả lời. Thế nhưng tất cả những điều đó lại cho tôi thêm một lý do nữa để yêu quý sếp, bởi vì tất cả những điều đó làm tôi cảm động hơn là cô nghĩ đấy. Liệu tôi có cần phải cười cợt cái đầu hói mà nó sẽ chẳng bỏ qua cho tôi? Liệu tôi có cần phải cười cợt những mong muốn bướng bỉnh của sếp là trở thành một người khác với chính mình?
Khi già con người hoặc an phận với mình là ai, với những tàn dư đáng buồn đó của chính mình, hoặc không an phận, nhưng nếu không an phận thì phải làm thế nào đây? Anh ấy chẳng còn cách nào khác ngoài việc làm ra vẻ là anh ấy khác với chính mình. Anh ấy chẳng còn cách nào khác ngoài việc bằng sự giả dối cần mẫn tạo ra ấn tượng của cái đã không còn nữa, cái đã mất hoàn toàn; nghĩ ra, tỏ ra và trưng ra tâm trạng vui vẻ, yêu đời, thân tình của mình. Phục hồi lại cái vẻ ngoài trông còn trẻ của mình, cố gắng hòa nhập với nó, tự đánh tráo nó với vẻ ngoài hiện nay. Trong vở hài kịch mà sếp trình diễn tôi nhìn thấy chính bản thân mình, chính cái tương lai của chính mình. Tất nhiên, nếu như tôi có đủ sức lực để không ngoan ngoãn cam phận thì nhất định đó là điều độc địa khủng khiếp hơn cả diễn cái vở hài kịch buồn bã đó.

Cô, có lẽ, hiểu rất rõ sếp. Nhưng tôi lại yêu quý anh ấy hơn thế, và không bao giờ có thể giáng cho anh ấy một đòn, từ đó suy ra là tôi không bao giờ có thể dan díu được với cô.

Câu trả lời của nữ bác sĩ


- Đồng nghiệp thân mến ơi, - nữ bác sĩ cướp lời, - giữa chúng ta có ít bất đồng hơn là anh tưởng đấy. Dầu sao tôi cũng yêu quý anh ấy. Dầu sao tôi cũng thương anh ấy không kém hơn anh, và sự biết ơn của tôi chắc phải hàng trăm lần hơn của anh. Nếu không có sự giúp đỡ của anh ấy tôi không bao giờ có vị trí tuyệt vời này. (Anh biết điều đó, như tất cả mọi người biết, hơn nữa lại rất rõ!) Anh nghĩ là tôi xỏ mũi anh ấy, là bội tình anh ấy à? Là tôi có những tình nhân khác à? Người ta sẽ khoái trá thế nào khi mách anh ấy về điều đó! Tôi không muốn gây ác cho anh ấy, cho cả tôi, và vì vậy tôi bị gò bó hơn nhiều là anh tưởng đấy. Tôi tuyệt đối không tự do trong các hành động của mình. Tôi mừng là chúng ta cuối cùng đã hiểu nhau. Vì vậy anh là con người duy nhất mà tôi có thể cho phép mình phản bội sếp. Anh quả là yêu quý sếp và không bao giờ gây nỗi đau cho anh ấy. Anh tế nhị vô cùng. Tôi có thể trông cậy anh. Với anh tôi có thể đắm mình trong tình yêu. - cô nói và ngồi lên đầu gối Havel và bắt đầu cởi cúc áo anh.


Bác sĩ Havel đã làm gì?

Ô, có đáng hỏi hay không…


MÀN NĂM

Trong cơn tình cảm cao quý

Sau đêm là đến sáng và Fleischman đi ra vườn để hái một bó hoa hồng. Sau đó anh lên tàu điện và đi đến bệnh viện.

Elisabeth nằm trong một phòng riêng ở khoa nội. Fleischman ngồi xuống giường cô, đặt bó hoa lên bàn ngủ và cầm tay cô để bắt mạch.
- Nào cô thấy đỡ chưa? - anh hỏi.

- À đỡ rồi, - Elisabeth trả lời.

Và Fleischman cất giọng đầy tình cảm: - Không được làm những thứ ngu ngốc như thế, cô bé con ạ.

- Tất nhiên, - Elisabeth trả lời, - nhưng tôi chỉ ngủ thiếp thôi mà. Tôi đun nước pha cà phê thì ngủ thiếp đi mất như một con ngốc.
Lặng người vì ngạc nhiên, Fleischman không rời khỏi mắt Elisabeth, vì tình cảm cao quý như thế anh không hề chờ đợi từ cô: Elisabeth không muốn đè nặng lên cuộc đời của anh bằng cắn rứt lương tâm, cô không muốn đè nặng lên tình yêu của mình, và từ chối tình yêu đó!

Anh vuốt ve má cô, và với tình cảm phấn chấn anh bắt đầu gọi cô bằng em: - Anh biết tất cả rồi. Em không cần phải dối anh đâu. Nhưng anh cũng cám ơn em vì cả lời nói dối đó.
Anh hiểu là những tình cảm cao quý như thế, hết mình và thủy chung, anh không thể tìm thấy ở một người đàn bà nào khác, và ôm lấy anh một ước muốn không nén được, ước muốn xả theo cơn mê cuồng, và hỏi cô làm vợ. Vào giây phút cuối anh, thật ra, đã kìm được mình khỏi bước hết sức bồng bột (hãy còn có thừa thời gian để cầu hôn cô) và chỉ nói những lời sau:
- Elisabeth, Elisabeth yêu quý, cô bé con của anh, những bông hồng này anh mang đến cho em.

Elisabeth kinh ngạc nhìn chằm chằm Fleischman và hỏi: “Cho em?”

- Đúng, cho em. Bởi vì anh hạnh phúc được ở đây với em. Anh hạnh phúc là em nói chung có mặt ở thế giói này, Elisabeth ạ. Chắc chắn, anh yêu em. Chắc chắn, anh rất yêu em. Nhưng vì thế mà, chắc chắn, sẽ tốt hơn nếu chúng ta cứ giữ mọi thứ như cũ. Chắc chắn, một người đàn ông và một người đàn bà sẽ gần nhau hơn, khi họ không sống cùng nhau, mà đơn giản chỉ biết về nhau những gì họ có, và biết ơn nhau vì những gì họ có và cả những gì họ biết về nhau. Và đối với họ thế là đủ để hạnh phúc rồi. Cám ơn em, Elisabeth, cám ơn những gì em có.

Những lời của Fleischman như thế đâm ra đối với Elisabeth là một điều bí ẩn, nhưng khuôn mặt cô tỏ ra sung sướng, nở một nụ cười hơi ngớ ngẩn, chan chứa hạnh phúc mơ hồ và hoài vọng mơ màng.
Fleischman đứng lên, nắm nắm vai Elisabeth (dấu hiệu một tình yêu ngấm ngầm và dè dặt), quay lại và đi ra.

Không tin tưởng liên tục

- Cô đồng nghiệp quyến rũ của chúng ta, người hôm nay dễ dàng ngời ngời tuổi trẻ, chắc là, đã đưa ra lời giải thích đúng đắn cho tất cả mọi việc đã xảy ra, - bác sĩ trưởng nói với nữ bác sĩ và Havel, khi cả ba người lại gặp nhau ở khoa. - Elisabeth pha cà phê và ngủ thiếp đi mất. Dù thế nào đi nữa, chính cô ấy khẳng định như vậy.
- Đấy, các anh thấy chưa, - nữ bác sĩ nói.
- Tôi chẳng thấy gì cả, - bác sĩ trưởng không đồng ý. Quả là, cuối cùng thì không ai biết chuyện đã xảy ra thế nào. Có thể, cái xoong đã ở trên đèn cầy trước mọi việc. Nếu Elisabeth muốn mở khí gaz thì cô ấy bỏ nó ra để làm gì?
- Nhưng đó chính là lời giải thích của chính cô ấy cơ mà! - nữ bác sĩ không đồng ý.

- Sau khi cô ấy biểu diễn cho chúng ta và làm cho chúng ta hoảng sợ phát khiếp, vì sao cô ấy rút cục không đổ tất cả cho cái xoong? Đừng quên là tự tử ở chỗ chúng ta bị bắt buộc phải chữa bệnh ở trại điên. Ai muốn rơi vào đó chứ?
- Anh muốn mắc vào những vụ tử tự à, sếp? - nữ bác sĩ nói.

Nhưng bác sĩ trưởng cười và nói: - Tôi muốn để Havel phải một lần bị lương tâm cắn rứt.


Sám hối của Havel

Trong câu nói mà bác sĩ trưởng ném ra, lương tâm đen tối của Havel nhận ra lời trách cứ được mã hóa, ngấm ngầm gửi cho ông, và ông nói: - Sếp đúng đấy. Hoàn toàn không nhất thiết đấy là một ý định tự tử, nhưng mà ai biết được, có thể, nó là như vậy. Tuy vậy, thành thực mà nói, tôi không trách cứ Elisabeth về điều đó. Nói cho tôi đi, có chăng ở cuộc đời này có một giá trị như thế khiến cho một cuộc tự tử về nguyên tắc không thể chấp nhận được! Tình yêu ư? Hay là tình bạn? Tôi đảm bảo là tình bạn cũng mong manh như tình yêu, và trên nó chẳng gì xây dựng được. Hay, có thể, tính tự ái chăng? Ôi giá mà là nó! Sếp ơi, - Havel nói gần như say sưa và nghe như là sám hối, - thề với anh, sếp ạ, tôi hoàn toàn không hề yêu bản thân mình.

- Quý ngài thân mến ơi, - nữ bác sĩ mỉm cười nói, - nếu như điều đó làm cuộc đời của các anh tuyệt vời và cứu rỗi tâm hồn của các anh thì chúng ta hãy dừng lại ở điểm là Elisabeth đã thực sự muốn kết liễu bản thân mình. Các anh đồng ý chứ?


Happy end (Kết thúc có hậu)

- Nhảm nhí, - bác sĩ trưởng xua tay nói, - chúng ta dừng lại ở điểm đó vậy. Anh, Havel ạ, xúc phạm bầu không khí buổi sáng tuyệt vời bằng những lời của mình! Tôi già hơn anh mười năm tuổi đấy. Vận đen bám theo tôi, bởi vì tôi sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và không bao giờ có thể ly hôn được. Và tôi có một tình yêu bất hạnh, bởi vì người phụ nữ mà tôi yêu, chà, lại là người đàn bà này. Nhưng dù sao đi nữa, tôi thích cuộc đời này, kẻ láu lỉnh, anh làm sao!
- Tuyệt vời, tuyệt vời, - nữ bác sĩ với vẻ dịu dàng hiếm thấy nói với bác sĩ trưởng và cầm lấy tay ông. - Cả tôi cũng thích cuộc đời này!
Đúng lúc đó Fleischman nhập với nhóm ba bác sĩ và nói: - Tôi vừa ở chỗ Elisabeth. Đấy là một người phụ nữ làm xúc động mạnh. Cô ấy không đổ lỗi cho ai hết. Cô ấy nhận hết về mình.
- Đấy, anh thấy chưa, - bác sĩ trưởng cười. - Bây giờ Havel sẽ nhắc tất cả chúng ta tự tử!
- Hoàn toàn có thể lắm, - nữ bác sĩ nói và lại gần cửa sổ. - Hôm nay sẽ lại là một ngày tuyệt vời. Ngoài sân trời xanh quá. Fleischman, anh nói gì về điều này đi?
Vài phút trước Fleischman còn hơi tự trách mình là đã hành động láu lỉnh, lẩn tránh bằng bó hoa hồng và hai ba câu có cánh, nhưng giờ đây anh vui mừng khôn xiết là đã không xử sự xốc nổi. Anh nhận thấy trong lời nói của nữ bác sĩ có một tín hiệu và hiểu nó rõ ràng. Sợi dây phiêu lưu hồi phục lại ở đúng chỗ mà ngày hôm qua đứt đoạn, khi khí gaz cản trở cuộc hẹn hò của anh với nữ bác sĩ. Fleischman không ngăn cản được mình không mỉm cười với nữ bác sĩ ngay trước con mắt của ông sếp ghen tuông.

Như vậy, câu chuyện tiếp tục ngay ở chính khoảnh khắc mà ngày hôm qua dừng lại, nhưng Fleischman dù sao đi nữa cảm thấy là anh quay lại nó với sự trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Anh đã trải qua một tình yêu vĩ đại, như cái chết. Trong ngực anh trào dâng một đợt sóng, và đợt sóng này tuyệt vời nhất và mạnh mẽ nhất trong các đợt sóng mà anh từng có dịp trải qua từ trước đến nay. Bởi vì điều làm anh phấn chấn một cách thích thú là chính cái chết; cái chết, được tặng cho anh, một cái chết phúc khánh và ban đầy sức sống.




4 comments:

  1. Anh dich tu tieng Nga ra ah, kham phuc kham phuc. Em hoc co moi tieng Anh khogn thoi ma lan dan mai khong xong ^_^. Bai dai qua phai save mang ve nha ngam cuu :D

    ReplyDelete
  2. Ừ, anh dịch từ tiếng Nga, cũng lâu rồi. Nhân dịp Tết rỗi rãi làm blog chơi mà chẳng biết viết gì nên lục những cái cũ đem treo nơi blog cho thiên hạ đọc chơi.

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn anh đã post truyện này. Em thấy truyện rất thú vị, lần đầu tiên được đọc truyện của Milan Kundera.

    ReplyDelete
  4. Báo cáo bác, tên truyện ngắn này theo em nên dịch là Hội chẩn.

    ReplyDelete