Wednesday, April 1, 2009

Táo dại

Photobucket

Đây là hoa táo dại. Tên tiếng Anh thông dụng là Siberian crabapple, táo dại Siberi. Tiền tố crab không hiểu từ đâu mà có, và rất dễ cho rằng nó có liên quan gì đấy tới cua cáy, mặc dù những suy tưởng như vậy là không có cơ sở. Tên tiếng Nga không có gì liên quan tới crab. Hoa này không thơm, hơi hắc. Nếu như vậy thì chẳng có chuyện gì đáng nói.

Cây táo dại này trong tiếng Trung gọi là sơn kinh tử. Cây kinh là cây gì và có lẽ chưa ai dịch cây kinh là cây táo dại. Khi Nguyễn Du ở Huế, ông có viết câu thơ: "Khai song kiến kinh kỷ" và thông thường được dịch là mở cửa sổ ra nhìn thấy gai góc. Nguyễn Du muốn nói thứ cây gì ở Huế? Bụi gai trồng bên song hay là một bụi táo dại?

Bài thơ của Nguyễn Du có tên là Ngẫu thư công quán bích, Tình cờ đề lên bức vách ở công quán. Ngày xưa có vẻ thoải mái viết lên tường quán xá công cộng. Tập tục này không biết đến lúc nào thì bỏ. Ngày nay vô khách sạn viết lên tường chắc dễ bị bắt đền. Bài thơ như sau:

Triêu xan nhất vu phạn
Mộ dục nhất bồn thủy
Bế môn tạ tri giao
Khai song kiến kinh kỷ
Song ngoại kinh kỷ mạn thả trường
Mỹ nhân du du cách cao tường
Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hĩ
Hồn hề quy lai bi cố hương

Tôi dịch bài thơ này như sau:

Sớm ăn một bát cơm
Chiều tắm một chậu nước
Cửa cài giã bạn quen
Song mở nhìn gai góc
Ngoài song gai góc mọc la đà
Người đẹp cách tường vời vợi xa
Một tiếng cuốc kêu xuân đã hết
Hồn ơi về đi thương quê nhà

Bài thơ này có cấu trúc mường tượng như Tiết phụ ngâm. Tiết phụ ngâm là bài ca ly khai sự cám dỗ của phú quý. Mỹ nhân du du cách cao tường lại như hàm ý muốn được trọng dụng. Đó như là một giấc mộng, nơi vẫn còn vương vấn tới quyền quý. Đến khi một tiếng cuốc kêu mới bừng tỉnh giấc mộng ngày xuân. Xuân đã hết. Hồn hề quy lai bi cố hương như một tiếng nấc trong lòng. Trong giấc mộng ngày xuân đó hồn có kịp tỉnh ra khỏi giấc mộng không? Nhưng thực ra hồn và mộng như hai mặt của một tờ giấy. Mộng hết thì hồn cũng không còn.

Người ta thường bảo đêm dài nghe tiếng cuốc kêu không sao ngủ được. Nhưng ngày nay làm gì còn cuốc để mà trằn trọc suốt đêm thâu?

Một bông hoa dại bên đường có thể làm nhớ đến một bài thơ.

2 comments:

  1. Bác có thể xem từ nguyên ừ crab ở đây.
    http://www.etymonline.com/index.php?search=crab&searchmode=none
    crab
    O.E. crabba, from a general Gmc. root (cf. Low Ger. krabben "to scratch, claw"). The constellation name is attested in Eng. from c.1000; the Crab Nebula (1868), however, is in Taurus, and is so called for its shape. Crab "fruit of the wild apple tree" (c.1420) may be from unrelated Scand. scrab, of obscure origin. The combination of "bad-tempered, combative" and "sour" in the two words naturally yielded a meaning of "complain irritably," which is pre-1400, though crabby in this sense is Amer.Eng. 18c. Crabgrass is 1597, originally a marine grass of salt marshes; modern meaning is from 1743.

    ReplyDelete
  2. 진광덕Tran Quang Duc陳光德April 3, 2009 at 3:55 AM

    奇哉其人也!

    ReplyDelete