Sunday, April 5, 2009

Anh đào

Photobucket

Không biết tại sao cứ cuối xuân là hàng loạt hoa nở. Cứ như đua nhau, không nở thì thiệt thòi. Bây giờ mới hiểu hoa ghen nhau như thế nào. Yên hoa tam nguyệt có lẽ không phải là sương khói như hoa ở tháng ba. Tháng ba hoa nở như sương khói hai bờ ven sông. Nửa giấc yên hoa cười mộng cũ, tất nhiên hai chữ yên hoa này không phải là hai chữ yên hoa, hoa khói kia.

Hoa anh đào nhiều người nói đến. Đáng tiếc ở Hà Nội anh đào không ra hoa. Chẳng biết khi nào hoa anh đào có thể nở Hà Nội? Quảng quần phương phổ chép anh đào chung cùng quyển với thường lê, thường lệ, thạch lựu, không biết có phải là giống sakura như ở Nhật không. Hoa này nở cả cây thì đẹp, chứ tách từng bông ra thì cũng không đặc sắc.

Quảng quần phương phổ cũng chép nhiều thơ về anh đào. Không biết ở Nhật có quyển nào tương tự như vậy viết về hoa ở Nhật không. Việt Nam thì không rồi. Đây là bài Hòa Bùi bộc xạ khán anh đào hoa, Cùng bộc xạ họ Bùi ngắm hoa anh đào, của Trương Tịch.

Tạc nhật nam viên tân vũ hậu
Anh đào hoa phát cựu chi kha
Thiên minh bất đãi nhân đồng khán
Nhiễu thụ trùng trùng lý tích đa

Người xưa ngắm hoa làm thơ, tôi nay ngắm hoa dịch thơ:

Hôm trước vườn nam mới chớm mưa
Anh đào hoa nở khắp cành xưa
Sớm nay chẳng đợi người cùng ngắm
Chi chít dấu giày kín gốc chưa

Người xưa có những thú vui thật tao nhã. Ngắm trăng, xem hoa, làm thơ, gảy đàn, ca hát. Tất cả đều do tự mình làm. Ngắm hoa cảm hứng thành thơ, rồi độ khúc để hát. Có thể bài thơ mình làm chưa được hay, khúc nhạc chưa được chỉnh, nhưng cảm hứng là của mình, chẳng phải vay mượn ai. Một thời đã chẳng bao giờ còn nữa.

Hoa và thơ như một mối lương duyên. Xem hoa tôi đều cố tìm thơ về hoa. Rất may là có Quảng quần phương phổ nên cũng không mất công. Vừa ngắm hoa vừa đọc thơ cũng là một thú vui.


Photobucket

7 comments:

  1. Chắc chắn tôi không dịch được rồi, Quảng quần phương phổ vừa dày. lại rất nhiều thơ, từ, và trình độ chữ Hán của tôi thì non nớt, không làm được. Nhưng nếu viết về hoa tôi sẽ tìm thơ trong Quảng quần phương phổ để dịch chơi thôi. Dịch chơi thì được thì dịch thật thì chịu.
    Hoa anh đào có màu trắng, màu hồng. Nhưng anh đào của Chekhov không phải là sakura, người Nhật gọi là anh đào tây đương. Sakura có ra quả, nhưng thường không ăn được (có thể ăn được, nhưng chắc phải chế biến thế nào đấy), còn anh đào tây dương cho quả cherry ăn rất ngon.

    ReplyDelete
  2. Bác có thể dịch hết quyển Quảng Quần Phương Phổ cho bà con đọc nhờ trên blog của bác được không, dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến đã dịch cuốn U mộng Ảnh – Trương Trào đăng trên talawas rất giá trị. Ông Trịnh Lữ cũng dịch cuốn danh họa Trung Quốc của Lâm ngữ đường đã xuất bản cũng rất giá trị. Thực ra phương tây cũng rất hay dịch những tác phẩm kinh điển TQ tôi đã xem Giới tử viên họa phổ bằng tiếng Anh (The Mustard Seed Garden – painting manual), cảm ơn bác trước.

    ReplyDelete
  3. Bác Đông A ơi, nếu anh đào có thể nở ở Hà Nội, TPHCM, thì có lẽ... màu hoa cũng khác chăng? Trước giờ em cứ đinh ninh rằng hoa anh đào ở đâu cũng màu hồng, như "Vườn anh đào" của Chekhov...

    ReplyDelete
  4. Anh nay bac chup o Postech campus dung khong?

    ReplyDelete
  5. Hóa ra Postech cũng nổi danh ghê. Ảnh có dấu triện tất nhiên là ảnh tự chụp. Cây anh đào có dáng như liễu này gọi là weeping sakura hay shidarezakura, tên latin là prunus pendula, khác với anh đào cành cứng như prunus x yedoensis.

    ReplyDelete
  6. Chắc là postech campus rồi, cái hồ này nằm cạnh căng tin đây. Cây anh đào này có dáng rất lạ, rủ xuống như cây liễu, khác với tất cả các cây anh đào khác ở Postech, đồng chí Đông A thử giải thích xem tại sao lại thế :D? Chắc là anh đào Hàn khác với anh đào Nhật nhỉ? Ảnh đồng chí tự chụp hay mượn của ai đó?

    ReplyDelete
  7. For Weeping Sakura...

    Hito koishi
    Hitomoshi goro o
    Sakura chiru
    - Shirao

    ReplyDelete