Friday, March 6, 2009

Đền Yasukuni

Photobucket


Nhiều người biết tới ngôi đền này. Hàng năm báo chí Nhật lại ồn ào chuyện Thủ tướng Nhật có nên tới viếng ngôi đền này không. Trung Quốc và Hàn Quốc lại chuẩn bị phản đối Thủ tướng Nhật tới viếng đền này. Một đồng nghiệp người Nhật hỏi tôi Chính phủ Việt Nam có phản đối Thủ tướng Nhật tới viếng đền Yasukuni không? Tôi trả lời rằng chưa bao giờ phản đối. Anh bạn đồng nghiệp nói rằng báo chí Nhật đưa tin cứ như cả châu Á phản đối.

Cái tên Yasukuni không gợi mở một điều gì cả. Nhưng nếu đọc nó theo âm Hán Việt thì ý nghĩa của tên đền rõ nét hơn: Tĩnh quốc thần xã. "Tĩnh quốc" là làm cho đất nước yên bình. Hai chữ "tĩnh quốc" được lấy từ Tả truyện, năm Hi Công thứ 23, khi Tử Văn trả lời: "Ngô dĩ tĩnh quốc dã". (Tôi làm yên bình đất nước). Thần xã là cách gọi nơi thờ phụng của người Nhật theo Thần đạo, tức là một loại đền. Ngôi đền trước đây mang tên "Đông kinh chiêu hồn xã", sau đó được đổi thành 'Tĩnh quốc thần xã".

Photobucket

Yasukuni thờ phụng các quân nhân Nhật hy sinh trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt trong Thế chiến thứ 2. Có những tội phạm chiến tranh cũng được đưa vào đền thờ phụng. Và đấy chính là những điểm tạo ra tranh cãi và bất đồng. Dường như đối với người Nhật, bất kỳ ai hy sinh phụng sự cho đất nước đều có thể thờ phụng. Có thể họ là những người chưa được tốt theo một nghĩa nào đấy. Có thể họ là tội phạm chiến tranh. Nhưng tất cả họ đều hy sinh vì phụng sự tổ quốc. Có lẽ cái tên "chiêu hồn xã" ngày xưa nói đến điều này. Nói đến "chiêu hồn" chắc hẳn sẽ không ai phản đối. Tốt, xấu, thiện, ác đều đã chết và đều xứng đáng để được chiêu hồn. Khi chưa biết cái tên "Tĩnh quốc" được lấy từ Tả truyện tôi cứ nghĩ "tĩnh" ở đây là chỉ nơi yên nghỉ của những người đã khuất. [Ôi, mỗi cái tên chữ Hán, nếu không biết gốc tích của nó thì thật chẳng khác nào sa vào chốn u minh]. Cái tên rất sâu xa và súc tích. Những người đã đem lại sự yên bình cho đất nước. Chiến tranh như một nghĩa đối nghịch với yên bình. Nhưng chiến tranh lại có thể đem lại sự yên bình. Hai mặt đối lập nhau nhưng lại khá thống nhất. Cũng chính ở đây, những bất đồng giữa các quốc gia sẽ nảy sinh. Sự yên bình cho đất nước này lại có thể là nguồn gốc đau khổ, chết chóc cho đất nước khác. Đối diện với lịch sử luôn là một vấn đề khó khăn. Anh có cách nhìn về lịch sử của anh, tôi có cách nhìn về lịch sử của tôi, và chẳng bao giờ là một. Thoạt nghĩ có lẽ mỗi người, mỗi quốc gia cứ giữ cho mình một lịch sử, lịch sử của mình. Nhưng chính ở chỗ này, đa lịch sử không giải quyết được lịch sử, trở nên hỗn loạn khi một cá nhân chuyển từ một lịch sử này sang một lịch sử khác, tức là không có những điểm quy chiếu để ổn định cả về cá nhân lẫn về lịch sử, và không tạo ra được sự thông hiểu giữa các con người, giữa các dân tộc. Đi tìm một lịch sử thống nhất lại cũng là một việc vô cùng khó khăn, và không biết có hiện thực không.

25 comments:

  1. Vậy còn Việt Nam? Sự im lặng là thứ dành cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới 1979? Họ cũng hy sinh cho sự bình yên cho tổ quốc. Những binh sĩ Nhật trong chiến tranh thế giới II đã xâm lăng, bị lên án, vẫn được người dân Nhật tưởng nhớ. Còn những người lính Việt Nam đã ngã xuống, đã tham gia trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lược của Trung Hoa, ngày nay họ được gì?

    ReplyDelete
  2. Ngày 30-04 được kỷ niệm hoành tráng, như một ngày chiến thắng, của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Còn cuộc chiến với quân xâm lược Trung Quốc mới 30 năm mà chỉ còn thấy BBC, một đài nước ngoài là nhắc lại nhiều nhất.

    ReplyDelete
  3. Không ai bị lãng quên và không gì bị quên lãng!
    Nhưng tôi cho rằng người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử như nó vốn có. Không ít người sẵn sàng lợi dụng cơ hội nếu có và bất chấp để thổi phồng ngọn lửa thù hận giữa các dân tộc. Có những vấn đề bị đánh tráo ví dụ như chuyện Ma chiến hữu và Chú Mìn Phù gì đó. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào không còn ai thù hận nữa (hay số người thù hận rất ít) thì lịch sử lại trở về là lịch sử. Thực ra những ồn ào ngợi ca đâu có phải là những gì mà những người đã hy sinh cần hay vì nó mà phụng sự.
    Sự lặng im vốn không lời
    Mấy ai đã hiểu đôi hồi lặng im
    Nơi hè hội vẫn trống chiêng
    Át sao được sự lặng im không lời.

    ReplyDelete
  4. Em cũng mong bác ĐÔng A cho 1 ý kiến về cuốn Ma Chiến Hữu. Tại sao bác nói "Có những vấn đề bị đánh tráo ví dụ như chuyện Ma chiến hữu và Chú Mìn Phù"?
    Đến bây giờ em cũng không hiểu được sự vụ xoay quanh vấn đề cuốn sách này được phát hành.
    Có người đã so sánh việc cho phép xuất bản cuốn này với việc cấm xuất bản cuốn "Rồng đá". Nhưng qua một blog, em được đọc một vài trích đoạn của cuốn đó. Em thấy không cho xuất bản cũng đúng. Cuốn sách chủ yếu mô tả tính thú trong mỗi con người dưới hình thức phản chiến. Về hình thức, cũng không hay lắm và nhiều khi cho người đọc nhìn cuộc chiến ở khía cạnh tiêu cực hơn. Cách hành văn cũng chưa phù hợp.
    Nếu bác cho 1 ý kiến chủ quan về cuốn Ma Chiến Hữu thì tốt quá.
    Còn một điều nữa, Phát xít nhật cũng gián tiếp gây lên cái chết của 2 triệu người Việt nam. NHưng CP ta chưa một lần phản đối vụ thăm viếng đền Yasukuni. Có vẻ người Việt Nam là dân tộc dễ tha thứ nhất thế giới?

    ReplyDelete
  5. "Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào không còn ai thù hận nữa (hay số người thù hận rất ít) thì lịch sử lại trở về là lịch sử".
    Ý kiến của bác rất xác đáng.

    ReplyDelete
  6. "Không ai bị lãng quên và không gì bị quên lãng!"
    Em đoán câu này bác Đông A lấy từ những người Nga? Em từng đọc câu đó trong một tập sách ảnh về chiến tranh vệ quốc.

    ReplyDelete
  7. "Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào không còn ai thù hận nữa (hay số người thù hận rất ít) thì lịch sử lại trở về là lịch sử" = Nguỵ biện. Thế 2 bác cho rằng Việt Nam không nên có Lịch Sử thật à? Hay bao giờ thì con dân nước Việt biết được sự thật lịch sử của dân tộc mình?

    ReplyDelete
  8. MỌI và MỌI mà thôiMarch 8, 2009 at 6:20 PM

    Ối giời, M nghĩ chắc cái bọn Trung quốc và Hàn quốc ấy chúng chỉ lấy cớ để kiếm chắc gì đó với thằng Nhật trong cái vụ đó thôi

    ReplyDelete
  9. Vâng thưa anh! Như anh nói dân chúng Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử. Vậy lịch sử 4000 năm của dân tộc việt đều là giả sử hết. Vì thời nào cũng nghĩ dân như vậy thì làm sao có sự thật lịch sử được? còn anh cho những "Đại việt sử ký toàn thư..." là thật thì tại sao cha ông ta sống được với sự thật lịch sử. Còn ta thì không?

    ReplyDelete
  10. Có ai bảo Việt Nam không nên có lịch sử đâu? Tôi chỉ nói rằng người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử. Nếu người Việt đã sẵn sàng tiếp nhận lịch sử thì đã không có những người sẵn sàng đưa tin bịa đặt hay theo kiểu một nửa sự thật. Nếu người Việt đã sẵn sàng tiếp nhận lịch sử thì báo Du lịch đã không có bài Hận Nam quan. Một tờ báo có thể đăng bài nói rằng Trấn Nam quan là của Việt Nam, lãnh đạo tờ báo không thấy bị kỷ luật, dân chúng thích thú bài báo đó thì đấy là minh chứng rất rõ ràng rằng cả chính quyền lẫn người dân đều chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử.

    ReplyDelete
  11. @Tuấn: đổ lỗi cho thiếu thông tin thì quá dễ dãi. Vấn đề là khi đề cập tới một vấn đề nào đó người ta có sẵn sàng tìm hiểu vấn đề đó và có sẵn sàng chấp nhận những thông tin trái với nhận thức vốn có của mình, trái với mong muốn của mình không. Tôi cho rằng cả chính quyền lẫn người dân đều không.
    Tôi lấy ví dụ về Ải Nam quan. 7 năm trước đây tôi đã dẫn tư liệu về ải Nam quan từ Đại Nam nhất thống chí (xem ở đây http://lists.topica.com/lists/vnsa/read/message.html?mid=801739563&sort=d&start=28986 ) Tuy không khẳng định 100%, nhưng tôi tin rằng tôi là người đầu tiên trên internet dẫn chiếu ải Nam quan từ Đại Nam nhất thống chí. Câu hỏi đặt ra là khi tìm hiểu về ải Nam quan người ta phải bắt đầu từ đâu? Tất nhiên là từ tư liệu địa lý lịch sử. Vậy tại sao những người bô bô về hận Nam quan lại không chịu tìm hiểu về địa lý trong lịch sử, lại có thể dễ dàng tin vào một vở kịch hay một bài thơ nào đó (mặc dù xét cho cùng cả vở kịch, lẫn câu "từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau" đều không sai). Không phải là thiếu thông tin, mà là không chịu tìm hiểu vì thông tin luôn có rất nhiều. Không chịu tìm hiểu là biểu hiện của việc không sẵn sàng tiếp nhận lịch sử. Nếu người ta sẵn sàng tiếp nhận lịch sử, người ta đã tìm hiểu lịch sử.
    7 năm trước, sau khi dẫn chiếu từ Đại Nam nhất thống chí, tôi đã nghĩ vấn đề về ải Nam quan đã ngã ngũ. [Có chăng chỉ còn vấn đề đường biên giới ở phía nam ải Nam quan bao xa và ải Nam quan có bị di chuyển về phia nam hay không]. 7 năm trôi qua vẫn còn những người cho rằng ải Nam quan là của Việt Nam. Thậm chí còn có người nói với tôi rằng anh ta tin như vậy vì được giáo dục như vậy mặc dù đã đọc dẫn chiếu từ Đại Nam nhất thống chí. Đây là bằng chứng rất rõ ràng về chuyện không sẵn sàng tiếp nhận lịch sử.
    Một khi người ta chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử thì những thông tin về lịch sử truyền qua những người đấy lại là những thông tin cắt xén hay thêm bớt. Chuyện về ải Nam quan cho tôi những ví dụ rất rõ ràng những người sẵn sàng trích dẫn Đại Nam nhất thống chí hay Vân đài loại ngữ một cách cắt xén. Tôi không bao giờ chủ trương cắt xén, thêm bớt vào lịch sử, càng không bao giờ ngăn cấm ai muốn tìm hiểu lịch sử, tiếp nhận lịch sử. Nhưng xét về phương diện nhà nước, tôi sẽ không truyền thông về lịch sử khi cả chính quyền lẫn người dân đều không sẵn sàng tiếp nhận nó, bởi vì sự truyền thông đó sẽ phải ở trong một tinh thần bất toàn.

    ReplyDelete
  12. Cảm ơn bác Dong A vì đã trả lời.

    ReplyDelete
  13. Tôi có đọc cả 2 truyện Ma chiến hữu và Chú Mìn Phù. Theo cảm nhận cá nhân, MCH có thể được chấp nhận dưới góc độ 1 tác phẩm văn học với cái nhìn từ phía bên kia, và nxb phải nói rõ điều đó thay vì những dòng phản cảm đề tựa. Còn truyện CMP hoàn toàn mang tính câu khách sống sượng rẻ tiền núp dưới bóng khách quan (thực sự tôi k hiểu nxb nghĩ sao mà cho đăng truyện này.). Mặc dù trước đó cũng cảm thấy lạ khi truyện bị thu hồi nên tìm đọc, sau khi đọc xong tôi đồng tình với lệnh cấm.

    ReplyDelete
  14. Tôi không nghĩ người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử như nó vốn có, mà người viết sử Việt Nam, người làm chính trị Việt Nam không dám viết ra lịch sử như nó vốn có. Người ta bị lầm đường lạc lối và mù quáng cũng do thiếu thông tin.
    Bài thơ và truyện ở trên không thể là lý do để bác cho rằng đó là bằng chứng để củng cố cho luận điểm "người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử như cái nó vốn có". Đó là các tác phẩm văn học, không phải lịch sử. Các suy diễn của bác Đông A có thể nói là rất nguy hiểm.
    Thông tin "dân chúng thích thú" là một thông tin không đủ để kết luận dân Việt không xứng được đọc sử chính xác. Chưa hề có một cuộc thống kê nào về tỉ lệ người thích thú/người không thích thú với bài thơ trên. Thậm chí dù tỉ lệ người thích thú có lớn hơn tỉ lệ người không thích thú với bài thơ trên thì điều đó cũng không thể nào dẫn đến việc bác (giả sử Đông A là người quản lý và viết sử) thích cắt xén, thêm bớt thế nào vào lịch sử cũng được.
    Luận điểm cho rằng người ta chưa sẵn sàng tiếp nhận, do đó không cung cấp sẽ là luận điểm cực kỳ nguy hiểm.Giả sử, bác đến lớp 1 trong ngày khai giảng, bác sẽ thấy toàn thể "nhân loại bước vào lớp 1" đều chưa sẵn sàng tiếp nhận.

    ReplyDelete
  15. Tôi nghĩ rằng, xuất phát từ vấn đề giáo dục. Thế hệ người Việt Nam lớn lên sau chiến tranh rất khó khăn để tiếp cận lịch sử một cách khách quan. Vì thế cho nên quan điểm của mỗi người sẽ phản ánh cách mà họ được giáo dục (nhồi nhét) về lịch sử.
    Tôi nể phục bác Dong A về kiến thức uyên bác của bác, nhưng tôi cho rằng bác đã may mắn hơn nhiều người vì được tiếp cận với khối kiến thức lịch sử khách quan hơn. Tuy nhiên, theo như cá nhân tôi hiểu, sử quan khi ghi chép cũng phần nào mang tư tưởng và tình cảm của chính họ vào những trang sách. Vì vậy vấn đề "sẵn sàng tiếp nhận" hay chưa mà bác Dong A đề cập đến có vẻ như quá to tát rồi.

    ReplyDelete
  16. giá mà cán bộ Ban Tuyên giáo có được nhiều người như bác Đông A. Không phải ai cũng có thông tin và sử liệu chính xác nên hiểu lịch sử thiếu khách quan cũng là lẽ thường tình.

    ReplyDelete
  17. "Nhưng tôi cho rằng người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử như nó vốn có"
    Thế nào là lịch sử như "nó vốn có". Có dân tộc nào trên thế giới này đã từng chấp nhận lịch sử theo kiểu đó không?
    Thế bạn có chấp nhận lịch sử như quan điểm của nhà báo Nga trên tờ Pravda về chiến tranh biên giới 1979 rằng biên giới nước Việt kéo tân sông Trường giang hay không?
    Nếu dân Việt kém hiểu biết hay thiếu thông tin, thì toàn bộ các nhà sử học thông thái trên thế giới chắc sẽ nhìn nhận lịch sử thế giới một cách thống nhất " như nó vốn có" chứ?
    Và như thế thì trên thế giới này chỉ có Việt nam là có tranh chấp biên giới nhì?

    ReplyDelete
  18. "Nhưng tôi cho rằng người Việt chưa sẵn sàng tiếp nhận lịch sử như nó vốn có"
    Thế nào là lịch sử như "nó vốn có". Có dân tộc nào trên thế giới này đã từng chấp nhận lịch sử theo kiểu đó không?
    Thế bạn có chấp nhận lịch sử như quan điểm của nhà báo Nga trên tờ Pravda về chiến tranh biên giới 1979 rằng biên giới nước Việt kéo tân sông Trường giang hay không?
    Nếu dân Việt kém hiểu biết hay thiếu thông tin, thì toàn bộ các nhà sử học thông thái trên thế giới chắc sẽ nhìn nhận lịch sử thế giới một cách thống nhất " như nó vốn có" chứ?
    Và như thế thì trên thế giới này chỉ có Việt nam là có tranh chấp biên giới nhì?

    ReplyDelete
  19. Chính sử và lịch sử đương triều (hiện hành) luôn có cái khác nhau phải không bác?

    ReplyDelete
  20. Chính sử và lịch sử đương triều (hiện hành?) luôn có cái khác nhau phải không bác?

    ReplyDelete
  21. Chính sử và lịch sử đương triều (hiện hành?) luôn có cái khác nhau phải không bác?

    ReplyDelete
  22. Đền Yasukuni được xây năm 1869 nhằm mục đích nguyên thủy vinh danh những anh hùng Nhật đã chết cho Nhật Hoàng. Tây phương gọi là đền « của xứ bình yên ». Nay thì đền này đổi tên và đổi luôn ý nghĩa, từ Đông Kinh Chiên Hồn Xã ra thành Tĩnh Quốc Thần Xã ; từ chết cho Nhật Hoàng sang thành chết cho nước Nhật.
    Đền này thờ gần hai triệu rưởi người, chết từ 1853 đến 1951, bao gồm nhiều thành phần : chết vì nội chiến, vì xung đột các lãnh chúa, vì Thế Chiến thứ II (gồm cả người Đài Loan và Đại Hàn nhập tịch Nhật) v.v…
    Nhưng dân chúng ở Nhật không hoàn toàn đồng ý về ý nghĩa của đền này. Có nhiều cái nhìn về lịch sử, nhiều phe phái phản đối việc tôn thờ những các chết theo họ là không xứng đáng (thí dụ những người chết do việc thanh toán giữa các lãnh chúa Shogun hay thủ phạm các vụ nội chiến).
    Đã có (và sẽ có) nhiều vụ tranh tụng yêu cầu chính phủ Nhật hủy bỏ một số danh sách « anh hùng » đang được tôn thờ tại đây.
    Riêng về Thế Chiến thứ II, có hai cái nhìn về lịch sử : tội phạm chiến tranh và anh hùng dân tộc.
    Nhà cầm quyền cũng như dân chúng hai nước Nam Hàn và TQ đã kịch liệt phản đối mỗi lần một nhân vật lãnh đạo Nhật Bản chính thức thăm viếng đền Yasukuni. Theo hai chính phủ này một số người Nhật được thờ ở đền này là tội phạm chiến tranh. Điều này hoàn toàn hợp lý. Đáng lẽ nhà nước VN cũng phải làm tương tự như thế.
    Nếu so sánh Nhật Bản và Châu Âu, ở Đức không hề có việc vinh danh Hitler (và đồng bọn) tội phạm chiến tranh như ở Nhật.
    Lịch sử vì thế không thể có nhiều cái nhìn khác nhau. Có cái nhìn khác nhau là vì chính trị đã ảnh hưởng lên lịch sử. Đền Yasukuni sau này sẽ phải lấy danh sách những người bị phản đối ra.
    Trường hợp cuộc chiến 1979 giữa VN và TQ rõ ràng lịch sử chưa được biên chép đầy đủ trên tinh thần khách quan, khoa học. Hai bên nhìn cuộc chiến theo định hướng chính trị, do đó sự thật lịch sử không được thiết lập, thậm chí bị bóp méo hay bỏ quên.
    Cuốn sách Ma Chiến Hữu đã gây tranh luận gần đây cho thấy phía nhà nước VN muốn « bỏ quên » lịch sử. Đây là một tội ác của nhà nước VN, cuộc chiến 1979 có nhiều bằng chứng cho thấy phía TQ đã phạm tội ác diệt chủng. Bỏ quên nó là phỉ nhổ vào sự hy sinh bảo vệ đất nước của cả một dân tộc.

    ReplyDelete
  23. Người dân Nhật tôn thờ những người anh hùng đó là quyền của họ, tuy nhiên với vai trò của một thủ tướng lại hoàn toàn khác. Theo ngôn ngữ ngoại giao thì nó mang dáng dấp quan điểm của quốc gia đó với một vấn đề quá khứ và với các quốc gia nạn nhân thì chuyện phản đối là cũng dễ hiểu. Còn cá nhân tôi cho rằng việc đến thăm đền thờ hay việc phản đối của một vài nước cũng không hẳn là vì vấn đề lịch sử, nó cũng mang ít nhiều vấn đề của hiện tại và tương lai, khích lệ lòng tự tôn dân tộc, thể hiện vị thế quốc gia...và cơ bản là họ biết quốc gia họ đang ở đâu và việc đó ở hiện tại là cần thiết. Việc im lặng cũng chưa chắc là biểu hiện hèn nhát, quan trọng là đôi khi phải "biết mình là ai", đang cần gì và làm sao để có lợi nhất.

    ReplyDelete
  24. @Donga
    Tôi nghĩ rằng chuyện "Ải Nam Quan" thuộc ai chẳng.. dính dáng gì đến lịch sử! Nó là vấn đề chính trị.
    Chẳng qua là: hễ ai muốn tố cáo "chế độ này bán nước" thì nhất định bảo Ải Nam Quan là của Việt Nam... Mặc kệ lịch sử!
    Bởi vì có nói sai lịch sử thì mới có "bằng chứng" về chuyện "bán nước"!

    ReplyDelete
  25. Cái tên "Ải Nam Quan" đã chứng tỏ rằng nó vốn thuộc về người phương Bắc rồi :D

    ReplyDelete