Saturday, October 18, 2008

Thay đổi quan điểm trong ký ức lịch sử cá nhân

Tôi đang nghĩ về Kundera. Những chuyện xảy ra chung quanh khiến tôi lại nhớ đến ông. Không phải chỉ vì chuyện chỉ điểm, chuyện mật vụ. Qua những trang sách ông viết tôi như nhin thấy hiện tại. Những người thay đổi quan điểm để phù hợp với tinh thần thời đại, cái tinh thần mà trong sự vận động của nó cũng luôn thay đổi. Kundera đặt câu hỏi: "họ có nhớ những thái độ trước đây của họ không? Họ có giữ lại trong ký ức lịch sử những sự thay đổi của mình không?" Câu trả lời có thể của họ sẽ là gì? Là trẻ con trong quá khứ nên chưa nhận thức đầy đủ? Là một tập thể như vậy trong quá khứ? [Lúc đấy ai cũng như vậy] Là thân phận con người? "Họ thay đổi không phải để đến gần hơn một điều gì đó cốt yếu trong cái tôi của họ, mà để hòa lẫn với những người khác; sự thay đổi của họ cho phép họ giữ mình không thay đổi." Thực sự họ không còn phải là con người bởi vì khi hòa lẫn vào những người khác, họ đã đánh mất cá tính của họ, cái cá tính mà chỉ con người mới có. "Một hôm một ý nghĩ ghê người chợt đến với tôi: hay là những sự phẫn nộ ấy không phải do một thứ tự do nội tại, một sự dũng cảm, mà là do ý muốn làm vui lòng cái tòa án kia, trong bóng tối, nó đã đang chuẩn bị các phiên xử đại hình của nó?"

Thay đổi quan điểm nhân danh sự hòa giải với tinh thần thời đại

[...]

Tôi có thể kể một lô những chuyện như vậy. Những sự thay đổi quan điểm đó không chỉ nằm trong chuyện chính trị, mà cả trong các thói tục nói chung, nào chủ nghĩa nữ quyền thoạt tiên đi lên rồi lại đi xuống, nào ca ngợi rồi khinh rẻ đối với "tiểu thuyết mới", chủ nghĩa thánh giáo cách mạng được thay thế bằng chủ nghĩa khiêu dâm tự do vô chính phủ, ý tưởng về châu Âu bị coi là phản động và thực dân kiểu mới bởi những người sau đó lại dương nó lên như một ngọn cờ của tiến bộ, v.v. Và tôi tự hỏi: họ có nhớ những thái độ trước đây của họ không? Họ có giữ lại trong ký ức lịch sử những sự thay đổi của mình không? Không phải tôi bất bình vì thấy họ thay đổi quan điểm. Bézoukhov, người hâm mộ Napoléon ngày trước, về sau đã trở thành kẻ muốn hạ sát ông ta, và trong cả hai trường hợp đối với tôi anh đều đáng mến. Một người phụ nữ đã từng sùng bái Lênin năm 1971 đến năm 1991 có quyền vui mừng vì thành phố Léningrad không còn là Léningrad nữa không? Ðương nhiên, bà có quyền. Tuy nhiên, sự thay đổi của bà khác với sự thay đổi của Bézoukhov.

Chính xác là khi thế giới nội tâm của họ biến đổi mà Bézoukhov hay Bolkonsky tự xác định mình là những cá thể; mà họ khiến ta kinh ngạc; mà họ trở nên khác biệt; mà tự do của họ bùng cháy lên, và cùng với nó, là bản sắc của cái tôi của họ; đấy là những khoảnh khắc thơ: họ sống những khoảnh khắc đó với một cường độ lớn cho đến nỗi toàn bộ thế giới chạy ùa đến cùng họ với cả một đám rước say sưa những chi tiết huyền diệu. ở Tolstoi, con người càng là chính mình hơn khi anh ta có đủ sức mạnh, đủ sự phóng túng, đủ trí thông minh để mà thay đổi.

Trái lại, những người tôi thấy thay đổi thái độ đối với Lênin, với châu Âu v.v tự phơi bày mình ra trong sự phi cá thể của họ. Sự thay đổi đó không phải là sáng tạo của họ, cũng chẳng phải là phát minh, là ý thích thất thường, là điều bất ngờ, là suy tưởng, là sự điên rồ của họ; nó không có chất thơ; nó chỉ là một sự sửa lại cho khớp với tinh thần hay biến đổi của lịch sử. Chính vì vậy mà họ thậm chí không nhận ra nó; rốt cục, họ bao giờ cũng nguyên như vậy: bao giờ cũng đúng, bao giờ cũng suy nghĩ cái mà, trong môi trường của họ, cần phải suy nghĩ; họ thay đổi không phải để đến gần hơn một điều gì đó cốt yếu trong cái tôi của họ, mà để hòa lẫn với những người khác; sự thay đổi của họ cho phép họ giữ mình không thay đổi.

Tôi có thể diễn đạt cách khác: họ thay đổi các ý tưởng tùy theo cái tòa án vô hình chính nó cũng đang thay đổi các ý tưởng; sự thay đổi của họ như vậy chỉ là một món tiền đặt cược cho cái điều ngày mai tòa án sẽ tuyên bố là chân lý. Tôi nghĩ đến thời tuổi trẻ tôi sống ở Tiệp Khắc. Thoát ra khỏi tình trạng phấn khởi cộng sản đầu tiên, chúng tôi cảm thấy mỗi bước nhỏ chống lại học thuyết chính thống như là một hành vi dũng cảm. Chúng tôi phản đối việc ngược đãi những người theo đạo, chúng tôi bảo vệ nghệ thuật hiện đại bị phát vãng, chúng tôi nghi ngờ sự ngu ngốc của tuyên truyền, chúng tôi phê phán việc phụ thuộc vào nước Nga, v.v. Làm như vậy, chúng tôi mạo hiểm một cái gì đó, chẳng nhiều lắm, nhưng dẫu sao cũng là một cái gì đó và mối nguy hiểm (nhỏ) ấy khiến chúng tôi thấy bằng lòng về mặt đạo lý. Một hôm một ý nghĩ ghê người chợt đến với tôi: hay là những sự phẫn nộ ấy không phải do một thứ tự do nội tại, một sự dũng cảm, mà là do ý muốn làm vui lòng cái tòa án kia, trong bóng tối, nó đã đang chuẩn bị các phiên xử đại hình của nó?

[Trích Những di chúc bị phản bội của Milan Kundera, bản dịch của Nguyên Ngọc]

1 comment:

  1. Nhưng tại sao người ta lại lo lắng về một tòa án vô hình trong tương lai để tự thay đổi? Đó là vì dự cảm rằng những cái đang diễn ra trong hiện tại là sai lầm, hay thậm chí là tội lỗi.
    Vậy giả sử tôi là người đang có dự cảm đó, về một phiên tòa tương lai (tòa án thực hay tòa án của dư luận hay của hậu thế) sẽ kết án những điều trong hiện tại thì tôi nên làm gì? Bởi vì một khi đã cảm thấy có một tòa án nào đó trong tương lai sẽ kết án những gì tôi làm hiện tại là sai trái, những ý nghĩ, quan điểm của tôi là sai trái thì điều đó cũng có nghĩa rằng tôi không còn thực sự tin vào những giá trị hiện tại, và tôi cảm nhận (ít nhất là mơ hồ) rằng nó sai theo một cách nào đó. Và cái cảm giác ngọ nguậy thay đổi ấy chính là một sự chuyển biến để hy vọng hướng tới cái đúng hơn. Bởi vì người ta thường vẫn tin rằng hậu thế sẽ phán xét đúng hơn, sẽ nắm được chân lý hơn những người đang sống, họ không gặp phải những khó khăn để phán xét tình thế hiện tại mà sẽ có độ lùi cần thiết.
    Như Brecht viết:
    "Các bạn, những người sinh ra sau cơn lũ cuốn chìm chúng tôi, hãy nghĩ
    Khi các bạn nói tới những lầm lỗi của chúng tôi
    Hãy nói cả về cái thời đen tối
    Đã mang lại những lầm lỗi đấy.
    ...
    Và bạn, người tới từ tương lai
    Khi con người đối xử với nhau thực sự như những con người
    Xin đừng phán xét chúng tôi
    Quá nghiệt ngã."
    Tất nhiên, trong mỗi làn sóng thay đổi đều có những người cơ hội, đón gió, và đám đông thì cuốn theo sự thay đổi ấy, nhanh chóng coi những giá trị mới là chuẩn mực, như là một cách để tồn tại. Và không phải ai cũng là người có những niềm xác tín (conviction) mạnh mẽ như Bézoukhov. Và thực sự, nếu quan sát bề ngoài những thay đổi của Bézhoukhov, người ta cũng không thấy được tại sao anh ta thay đổi. Anh ta bị cuốn theo tất cả những trào lưu được coi là thời thượng của thời đại: từ sùng bái Napoleon tới căm ghét Napoleon, từ tham gia hội Tam Điểm tới giải phóng nông nô...Cái khác giữa Pierre Bézoukhov và đa số người khác là anh ta tin vào tất cả những cái đó trong mỗi thời điểm, bằng một niềm tin vững chắc rằng đó thực sự là chân lý.

    ReplyDelete