Monday, October 13, 2008

Kundera chỉ điểm?

Tin này tôi đọc từ blog của Nhị Linh. Milan Kundera bị tố cáo là thời trẻ từng chỉ điểm cho cơ quan an ninh Tiệp Khắc bắt người. Nếu tin này là thực thì có khi sự nghiệp của Kundera đến đây là chấm dứt. Giấc mơ giải thưởng Nobel sẽ vĩnh viễn không có nữa. Đối với các nước Đông Âu, hợp tác với cơ quan an ninh cũ bị cho là một điều cực kỳ kinh tởm. Nước Đức sau khi thống nhất đã loại bỏ toàn bộ những người từng hợp tác, làm việc với cơ quan an ninh STASI và cấm vĩnh viễn những người này làm việc trong các cơ quan nhà nước. Ba Lan cũng có những chiến dịch thanh tẩy tương tự.

Những nhà văn chống toàn trị như Orwell, và bây giờ có thể thêm Kundera, hóa ra đều từng là chỉ điểm cho mật vụ. Họ đã làm chính những việc mà chính họ trong những tác phẩm của chính mình ghê tởm, lên án và phê phán. Những hiện tượng như vậy cần phải hiểu thế nào? Liệu có thể rút ra một quy luật: ai ghê tởm, phê phán toàn trị là chính những người cộng tác với mật vụ. Nếu quy luật này đúng thì có thể nhận ra nhiều điều mà ta chưa nghĩ tới ở cuộc sống quanh đây, kể cả trong thế giới blog này.

Cập nhật:

Kundera đã lên tiếng. Ông ph
ủ nhận cáo buộc ông làm chỉ điểm. Ông nói rằng đó là thông tin dối trá.
The New York Times có bài phóng sự về câu chuyện này. Bài phóng sự có trích lại câu nói của Kundera trong buổi phỏng vấn với báo hồi năm 1985: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cuộc sống riêng tư đang bị tiêu diệt. Công an tiêu diệt nó ở các nước cộng sản, các nhà báo đe dọa nó ở các nước dân chủ, dần dần con người tự đánh mất vị giác của mình về cuộc sống riêng tư và cảm giác của mình về nó. Không có bí mật sẽ chẳng có gì cả, cả tình yêu lẫn tình bạn."

Tôi nghĩ về tình thế của một người Việt Nam. Cứ như Kundera nói thì người Việt Nam đang phải chịu đựng cả hai thế lực đang tìm cách tiêu diệt cuộc sống riêng tư: công an và nhà báo. Đây có lẽ cũng là một điều cực kỳ mỉa mai: các nhà báo Việt Nam đang tàn phá cuộc sống của con người Việt Nam một cách tàn bạo, không thương tiếc. Cứ xem vụ PMU18 thì thấy rất rõ. Nhà báo và công an đang chung sức đồng lòng trong cuộc tàn phá này.

3 comments:

  1. 1. Trong một xã hội toàn trị thì công an và mật vụ không khác nhau lắm. Có thể tôi dùng từ chưa chuẩn xác, nhưng bản chất sự việc không thay đổi, bởi vì nội dung của sự việc liên quan tới an ninh và mật vụ, không phải những thứ đại loại như tai nạn giao thông chẳng hạn.
    2. Vấn đề ở đây không phải tư tưởng chống Cộng hay thân Cộng. Vấn đề ở đây là cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân cần phải được tôn trọng và chỉ những người có trách nhiệm được pháp luật quy định trong những trường hợp cụ thể mới có quyền xâm phạm cuộc sống riêng tư của một con người cụ thể trong sự việc mà pháp luật quy định. Việc tôn trọng này không phụ thuộc vào quan điểm thân hay chống Cộng. Việc tôn trọng này chính là nhân cách con người và được đảm bảo bằng luật pháp. Chống lại tinh thần toàn trị chính là chống lại những thô bạo của một chế độ lên nhân cách con người. Miệng rêu rao chống toàn trị nhưng hành động lại theo đúng tinh thần chà đạp thô bạo lên nhân cách con người thì đấy không những không chỉ là một điểu mỉa mai, mà còn là một điều kinh tởm về nhân cách.
    3. Tôi mới chỉ đặt vấn đề vầ chuyện chống toàn trị và chỉ điểm. Rõ ràng là tôi chưa đủ dữ kiện và luận cứ đẻ tổng quát hóa, vì vậy mà tôi đã dùng từ "Liệu có thể ..." Một khi tôi không có chứng cứ thì làm sao tôi có thể kết luận ai đó làm chỉ điểm. Những chuyện như vậy chỉ có "tứ tri" mà thôi. Có thể tôi nghĩ ai đó nhưng việc công bố suy nghĩ của tôi sẽ làm tổn hại đến thân phận con người vốn đã mong manh và dễ bị thương tổn thì làm sao tôi có thể nhẫn tâm làm việc đó bởi vì suy nghĩ của tôi không phải bao giờ cũng đúng.
    4. Vấn đề tôi đã nói ở mục 2: không phải ở tư tưởng thân hay chống Cộng, ở hợp tác tình báo hay không. Vấn đề ở chỗ hành vi của anh có xâm phạm nhân cách của người khác hay không, cái nhân cách mà anh tôn thờ và ca ngợi.

    ReplyDelete
  2. 1. Bác Dong A đọc không kỹ lắm nhỉ. Kundera không hợp tác với mật vụ mà tố cáo với cảnh sát địa phương một lần duy nhất (theo hồ sơ còn lại). Đó cũng là lý do mà hồ sơ đấy bị lãng quên vì nó không được lưu trữ trong hồ sơ của cơ quan mật vụ. Người ta không tìm thấy tài liệu hợp tác nào của Kundera với cơ quan mật vụ cả.
    2. Hành động của Orwell lập danh sách những người mà ông coi là cộng sản ngầm hay thân cộng và chuyển cho một cơ quan chống cộng của Bộ Ngoại giao Anh năm 1949 có thể coi là chỉ điểm. Nhưng hành động đó không mâu thuẫn với con người Orwell, bản thân ông đã chống cộng từ năm 1939. Và việc ông chỉ điểm Cộng sản trong chiến tranh Lạnh cũng có thể được ông coi như một phần của con người công dân. Lấy ví dụ, nếu thay vì chỉ điểm Cộng sản, giả sử ông lập danh sách những văn nghệ sĩ thân phát xít và gửi cho cơ quan tình báo Anh thì có thể phê phán ông như thế không? Với Orwell thì Cộng sản, nhất là Cộng sản Stalinist, có lẽ còn tồi tệ hơn phát xít.
    3. Phần suy luận rằng trên blog, có thể nhiều blog chống chủ nghĩa toàn trị thật ra là chỉ điểm của bác rất thú vị, hehe. Tôi thấy có sự trùng hợp trong suy nghĩ của bác với cả của anh luật sư gì ở Phú Mỹ Hưng suốt ngày viết bài khẳng định blog Anh Ba Sài Gòn (một luật sư bạn của Điếu Cày) là cơ sở của an ninh. Bác Dong A có thể cho biết những blog nào mà bác đang nghi là cơ sở của an ninh không?

    ReplyDelete
  3. Cũng nói thêm, các nhà văn nổi tiếng như Hemingway hay Graham Greene cũng từng hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây, nhưng việc đó không làm hoen ố tên tuổi của họ. Các nhà văn nổi tiếng như Arthur Koestler và Andre Gide còn nhận tiền của các cơ quan chống cộng để viết sách chống cộng trong chiến tranh Lạnh (cuốn The God that Failed).

    ReplyDelete