Saturday, March 1, 2008

Khi đàn sếu bay qua và Tần ca

Cuối tuần ngồi xem phim trên mạng. Kể từ sau Bệnh nhân người Anh Hollywood chẳng có phim nào đáng xem đáng bàn. Xem lại Khi đàn sếu bay quaTần ca. Một của Nga, một của Trung quốc. Đều đã cũ. Bản dịch của VTC. Cả hai cái tên phim đều dịch không chuẩn. Một phải là Đàn sếu đang bay (Летят журавли), và một vốn là Tần tụng (秦頌). Đàn sếu đang bay, không phải là đã bay qua, và càng không phải chỉ thời gian khi điều gì đó xảy ra. Tụng vốn không phải ca, mà là một dạng thi nhạc như phong và nhã.

Khi đàn sếu bay qua, một bộ phim kinh điển, người ta đã nói nhiều về nó. Điện ảnh Xô Viết đã có những đóng góp không nhỏ cho nền điện ảnh thế giới. Những Eisenstein, Tarkovsky là những đỉnh cao trong nghệ thuật điện ảnh. Đoạn Boris hy sinh là một đoạn phim quay rất tuyệt. Bốn cây bạch dương quay quanh khuôn mặt và đôi mắt bất động của nhân vật đang từ từ ngã xuống, mường tượng ra chiếc cầu thang xoáy ốc đầu phim, dẫn đến căn phòng trong tiếng bom rơi đạn nổ xen tiếng dương cầm và số phận con người trong khoảnh khắc của chiến tranh. Các bộ phim của Liên Xô thường rất trữ tình và rất giàu chất thơ.

Tần ca, không phải là một phim xuất sắc. Nhưng kịch bản của bộ phim này khiến tôi suy nghĩ. Kịch bản không tuân theo sự thật lịch sử ở cấp độ thô sơ nhất. Cho Doanh Chính làm bạn với Cao Tiệm Ly từ thưở mới sinh. Tác giả kịch bản đã thoải mái hư hấu những câu chuyện cho các nhân vật lịch sử. Ở Việt Nam điều này rất khó được chấp nhận. Tôi nhớ có đọc đâu đó hồi dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga, con cháu của dòng họ Nguyễn Bặc, Đinh Điền đã phản đối rất dữ dội. Giữa lịch sử và nghệ thuật, đâu là ranh giới có thể vượt qua? Sự thật lịch sử ở chỗ nào có thể nhường bước cho hư cấu nghệ thuật? Tần ca là một ẩn dụ lớn, hư cấu từ lịch sử cho cuộc chiến dành lòng người thông qua âm nhạc như một tham vọng vừa mang tính bá độc, vừa mang tính hùng tráng. Đạo thanh âm liên thông với chính trị. Và do đó từ ngàn xưa ở phương Đông người ta vẫn luôn muốn vừa kiểm soát thanh âm, vừa tạo ra những tác phẩm bất hủ, vừa mang tính tụng ca, vừa mang tính chân trị. Có gì mâu thuẫn không?

8 comments:

  1. Tưởng là cách tư duy, tính cách của người phương Đông na ná nhau mà thật khác. Xem phim Tàu, thấy họ hư cấu sự kiện lịch sử rất nhiều, không biết có bị phản đối kiện tụng nhiều không. Ở Ta, chưa (hoặc ít) thấy sự hư cấu tương tự như vậy, chắc cũng vì rào cản tâm lý nặng nề.

    ReplyDelete
  2. Ơ, nhưng mà Việt nam mình lạ lắm nhé, có nhiều tượng thờ được vầy lên từ bùn. Xin mọi người hiểu trước tiên theo nghĩa đen!
    Nói chuyện sân khấu, lại thấy nản với "Quang Trung" dở dang...

    ReplyDelete
  3. Babel có phải là phim của Hollywood không bác nhỉ? (Em thấy có Brad Pitt đóng mà). Phim đấy cũng đáng xem đấy ạ!

    ReplyDelete
  4. Nghe anh "nói chuyện" thật thích.
    Em đã từng có một người bạn ngoài đời để trò chuyện những câu chuyện như thế này, với cách tư duy như thế này..

    ReplyDelete
  5. Khi đàn sếu bay qua và những phim Nga ma xưa mình hay chiếu trên TV mỗi dịp kỷ niệm CMT10 em thấy rất thơ và photographic.
    Câu hỏi của bác ở cuối đúng là quá nhiều mâu thuẫn :-) Mục đích làm phim là để làm gì? Có phải chúng ta đều nói entertainment business?

    ReplyDelete
  6. Anh Đông A ơi,ở VN đổi trắng thay đen lịch sử mà có thấy ai phàn nàn gì đâu: Trong Dương Vân Nga thì xây dựng Đinh Điền , Nguyễn Bặc thành loạn thần phản quốc . Trong "Câu thơ yên ngựa" cũng vậy , trút hết mọi tội lỗi lên đầu Thượng Dương hoàng hậu và 72 cung nữ còn Ỷ Lan thì trông hiền như Phật bà Quan Âm , gạt lệ xử Thượng Dương .

    ReplyDelete
  7. Chú có vẻ rất hâm mộ điện ảnh đặc biệt là điện ảnh của tác gia nhỉ. Cháu rấ thích nhưng cũng mớ chỉ có thời gian xem của FELLINI, ANTONIONI, TRUFFAU, VISCONTY, BERGMAN thôi, chưa xem đuợc GORDAR hay TARKOVSKY ( ông này có vẻ chú rất thích) cháu thì đang nghiên cứu kỹ ANTONIoNI VÀ FELLiNI

    ReplyDelete
  8. Xin lỗi bác Đông A, cho em phát biểu một câu, vì tình cờ đọc được câu phàn nàn của bác về chuyện dịch đầu đề phim. Em nghĩ, dịch một tác phẩm văn học, đôi khi không chỉ câu nệ vào chuyện dịch дословно, mà cần chú ý cả việc chuyển ý tưởng từ "của người" sang "của mình" một cách hợp lý và mềm mại nhất. Thậm chí, tên phim hoặc tên truyện, nhiều khi người ta còn phải chọn hẳn một cái tên khác để chuyển tải được hết ý tứ của phim và truyện ấy, sao cho khi nó vang lên bằng tiếng Việt Nam phải thực sự rất Việt Nam. Cái tên "Khi đàn sếu bay qua" đã đạt được mục đích ấy. Chứ nếu bác cần chính xác, lại phải dịch là "Những con sếu đang bay" chứ không chỉ là "Đàn sếu đang bay" đâu, có phải không ạ? Cả hai câu dịch ấy đều đúng nghĩa mà không có hồn. Vả lại, người Việt mình, khi nói bay qua, là với nghĩa đang bay qua trên đầu kia mà, đâu phải đã bay qua mất rồi đâu :P...

    ReplyDelete