Thursday, February 21, 2008

Về một thi pháp thơ chữ Hán

Nghiên cứu thi pháp thơ chữ Hán trong thi ca Việt Nam, GS Nguyễn Tài Cẩn nhận thấy các nhà thơ Việt Nam khi làm thơ chữ Hán (Đường luật) đều tuân thủ theo thi pháp thơ chữ Hán như các nhà thơ Trung Quốc, ngoại trừ một trường hợp khác biệt [*]. Cụ thể, cũng giống như các nhà thơ Trung Quốc, các nhà thơ Việt Nam coi mỗi chữ (âm tiết) là một tự, không phải là một âm. Do đó các nhà thơ có thể gieo vần trùng hoàn toàn âm, nhưng chữ là khác nhau thì không bị coi là lặp từ (ví dụ các nhà thơ có thể dùng hai từ hoa (華,花) làm hai vần trong một bài thơ mà không bị coi là mắc lỗi lặp từ tuy âm hoàn toàn giống nhau). Các nhà thơ Việt Nam cũng hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận (ngoại trừ một trường hợp khác biệt sẽ nói ở dưới). Do đó ở một số trường hợp tuy bài thơ làm đúng vần theo Quảng vận, nhưng đọc âm Hán-Việt nghe không được êm tai. Ví dụ như bài "Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ" của Nguyễn Du:

耒陽杜少陵墓

天古文章天古師
平生佩服未常離
耒陽松柏不知處
秋浦魚龍有所思
異代相憐空灑淚
一窮至此豈工詩
棹頭舊症醫痊未
地下無令鬼輩嗤

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ
Thu phố ngư long hữu sở tư
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi ?
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị ?
Ðịa hạ vô linh quỉ bối xi

Dịch thơ :

Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bách đâu đây ?
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương,
Há văn chương lụy người đến thế ?
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn,
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng ?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỉ trêu.

(Bản dịch của Quách Tấn)

Trong bài thơ này, các vần sư (師) thuộc vận chi (脂), vần ly (離) thuộc vận chi (支), và các vần tư (思), thi (詩), xi (嗤) đều thuộc vận chi (之). Cả ba vận chi này ( 脂,支,之) đều thuộc nhiếp chỉ (止). Như vậy các vần tư, thi, xi thuộc cùng một vận, còn các vần sư, ly thuộc bàng vận của vận chi (之). Bài thơ trên hoàn toàn phù hợp với luật thơ Đường khi các vần có thể thuộc cùng một vận (chính vận) hay thuộc các vận lân cận trong cùng một nhiếp (bàng vận) theo Quảng vận. Thế nhưng đọc bài thơ trên bằng âm Hán-Việt ta thấy các vận không hẳn đã vần êm tai: sư với vần ư không hẳn vần với vần y của từ ly, từ thi với vần i không hẳn vần với vần ư của từ tư. Những đặc điểm thi pháp này của thơ chữ Hán khác với thơ chữ Nôm và ca dao. Phần lớn thơ chữ Nôm và ca dao, các vần được gieo theo vần âm Việt (tỷ lệ vi phạm không cao), chẳng hạn rất khó tìm thấy bài thơ chữ Nôm hay bài ca dao nào có vần ư gieo vần với các từ có vần i. Như vậy nói chung thi pháp thơ chữ Hán của các nhà thơ Việt Nam không khác với thi pháp thơ chữ Hán của các nhà thơ Trung Quốc. Tuy nhiên có một trường hợp ngoại lệ: các nhà thơ Việt Nam đã phá bỏ nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận khi các vần quá hài hoà theo cách đọc Hán-Việt. Đó là trường hợp gieo vần các vận ca (歌), qua (戈) với vận ma (麻). Theo Quảng vận các vận ca, qua thuộc nhiếp quả (果), còn vận ma lại thuộc nhiếp giả (假), có nghĩa là các vận này không thể nào là bàng vận của nhau. Ví dụ, thuộc vận ca có các từ: ca (歌), ca (哥), nga (鵝), hà (河), la (羅), đa (多), tha (他) ...., thuộc vận qua có các từ: qua (戈), khoa (科), hoà (和), ba (波), pha (坡), ma (摩), ..., thuộc vận ma có các từ: ma (麻), gia (家), gia (加), nha (牙), hà (霞), sa (紗), ba (巴), xa (車), qua (瓜), hoa (花), hoa (華) ... Các nhà thơ Trung Quốc không bao giờ gieo các vần thuộc vận ca, qua với các vần thuộc vận ma. Ở thơ chữ Hán của Việt Nam mới thấy xuất hiện cách gieo vần kiểu này vì theo cách đọc Hán-Việt các vận ca, qua, ma quá hài hoà với nhau. Ví dụ như bài thơ "Hàn Tín giảng binh xứ" của Nguyễn Du các từ thuộc các vận ca, qua đã được gieo vần với từ "gia" thuộc vận ma:

韓信講兵處

百萬旌麾渡北河
燕郊地下友沉戈
悠悠事後二千載
蕩蕩城邊一片沙
噲伍未成甘碌碌
君前猶自善多多
可憐十世山河在
厚誓徒延絳灌家

Hàn Tín giảng binh xứ

Bách vạn tinh huy bắc độ Hà

Yên giao địa hạ hữu trầm qua
Du du hậu sự nhị thiên tải
Ðãng đãng thành biên nhất phiến sa
Khoái ngũ vị thành cam lục lục
Quân tiền do tự thiện đa đa
Khả liên thập thế sơn hà tại
Hậu thệ đồ diên Giáng, Quán gia

Dịch thơ:

Chỗ Hàn Tín luyện quân

Hoàng Hà trăm vạn lá cờ bay
Gươm giáo còn chôn dưới đất này
Xa tít hai nghìn năm chuyện cũ
Mênh mông một bãi cát thành nay
Tướng thua, bậc thấp ngang Phàn Khoái
Vua hỏi, quân nhiều đánh lại hay
Nhà Hán mười đời cơ nghiệp nối
Lời thề ... Giáng, Quán số còn may !

(Bản dịch từ trang nhà Nguyễn Du của Đặng Thế Kiệt)


Từ những phát hiện này, GS Nguyễn Tài Cẩn còn đưa ra nhận định là giai thoại đối đáp thơ giữa thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác rất có thể là sản phẩm tưởng tượng của người Việt Nam, tuy giai thoại này được chép trong chính sử. Bốn câu thơ đối đáp trong giai thoại này là:


鵝 鵝 兩 鵝

面 向 天 涯
白 毛 鋪 綠 水
紅 棹 擺 青 波

Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng nhiên nha
Bạch mao phô lục thuỷ
Hồng trạo bãi thanh ba

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng
Ngửa mặt nhìn chân trời
Nước lục phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)

(Theo Đại Việt sử ký toàn thư)

Ở đây vần nga (鵝), thuộc vận ca (歌), vần nhai (còn đọc là nha) (涯) thuộc vận giai (佳) đồng thời cũng thuộc vận ma (麻), vần ba (波) thuộc vận qua (戈). Vần nhai thuộc vận ma có thể quan sát thấy ngay trong thơ chữ Hán của người Trung Quốc, ví dụ như bài Vô đề sau của Lý Thương Ẩn:

Văn đạo Xương môn Ngạc Lục Hoa
Tích niên tương vọng đế thiên nha
Khởi tri nhất dạ Tần lâu khách
Thâu khán Ngô vương uyển nội hoa

Dịch thơ:

Nghe nói Xương môn có Lục Hoa
Năm xưa cùng ước đến thiên hà
Há hay khách gác Tần đêm ấy
Vườn uyển cung Ngô trộm ngắm hoa
(Đông A dịch)

Các vần hoa (華,花) ở bài thơ này thuộc vận ma. Như vậy gieo vần nhai với các vần hoa, ma, gia, xa ... của vận ma không có gì vi phạm Quảng vận. Nhưng ở bốn câu thơ đối đáp trên của thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác các vần được gieo đã vi phạm Quảng vận: vần nga của vận ca lại gieo vần với vần nhai của vận ma, vần nhai của vận ma lại được gieo vần với vần ba của vận qua. Chỉ có vận ca, vận qua là bàng vận. Vận ma thuộc nhiếp hoàn toàn khác với vận ca, qua. Do đó không thể nào một người Tống như Lý Giác lại có thể vi phạm thi pháp thơ Đường. Đó chỉ có thể là sản phẩm của người Việt Nam. Nguồn gốc của bốn câu thơ trên có lẽ có xuất xứ từ bài Vịnh nga của Lạc Tân Vương

鵝 鵝 鵝
曲 項 向 天 歌
白 毛 浮 綠 水
紅 掌 撥 清 波

Nga nga nga
Khúc hạng hướng thiên ca
Bạch mao phù lục thuỷ
Hồng chưởng bát thanh ba

Ở đây các vần được gieo hoàn toàn phù hợp với Quảng vận: nga, ca thuộc vận ca, còn ba thuộc vận qua, là bàng vận của vận ca. Đường thi không thể vi phạm nguyên tắc gieo vần theo Quảng vận.

Phát hiện thi pháp đặc biệt này của GS Nguyễn Tài Cẩn trong thơ chữ Hán Đường luật của người Việt có lẽ cũng không có vấn đề, nếu như người viết không tình cờ phát hiện hiện tượng tương tự trong thi pháp thơ chữ Hán của người Nhật và người Triều Tiên. Ở một số bài thơ chữ Hán của người Nhật và người Triều Tiên cũng có hiện tượng gieo vần hai vận bộ qua, ca với vận bộ ma. Ví dụ như bài "Bách hoa hiên" của Lý Triệu Niên (Yi Jonyeon, 李兆年, người Triều Tiên) sau

百花軒

爲報栽花更莫加
數盈於百不須過
雪梅霜菊情標外
浪紫浮紅也漫多

Bách hoa hiên

Vị báo tài hoa cánh mạc gia
Sổ doanh ư bách bất tu qua
Tuyết mai sương cúc tình tiêu ngoại
Lãng tử phù hồng dã mạn đa

Ở bài thơ này các vần gia thuộc vận ma đã gieo vần với vần qua thuộc vận qua và vần đa thuộc vận ca và như vậy là đã trái với nguyên tắc gieo vần của người Trung quốc, nhưng lại phù hợp với nguyên tắc gieo vần của người Việt. Tương tự như vậy bài thơ sau của Rai Sanyo (頼山陽, Lại San Dương) người Nhật cũng cho thấy cách gieo vần giữa hai vận bộ ca và ma

題不識庵撃機山図

鞭声粛粛夜渡河   
暁見千兵擁大牙   
遺恨十年磨一剣   
流星光底逸長蛇

Đề Bất thức am kích Ky San đồ

Tiên thanh túc túc dạ độ hà
Hiểu kiến thiên binh ủng Đại Nha
Di hận thập niên ma nhất kiếm
Lưu tinh quang để dật Trường Xà

Ở bài thơ này vần hà thuộc vận ca đã gieo với vần nha, xà thuộc vận ma.

Vậy tại sao thi pháp thơ chữ Hán này chỉ thấy xuất hiện ở các nước đồng văn với Trung Quốc, trong khi ở chính Trung Quốc lại không xuất hiện ? Ngoài ra tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Nhật thuộc các hệ ngôn ngữ khác nhau và phải chăng trong các ngôn ngữ này các vần thuộc vận ca, qua quá hài hoà với các vần thuộc vận ma nên các nhà thơ đã phá bỏ nguyên tắc Quảng vận mặc dù họ luôn tuân thủ quy tắc này một cách chặt chẽ ở các trường hợp khác ? Hay thực sự ở đó còn có nguyên nhân nào khác trong quá trình truyền bá Hán ngữ ra khỏi biên giới Trung Hoa ?

Đông A

[*] Nguyễn Tài Cẩn, Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (NXB Giáo dục, Hà Nội 1988) .

Phụ chú

Sau khi đăng bài trên ở một diễn đàn, một bạn trong diễn đàn cho biết người Trung Quốc cũng có những bài thơ gieo vần bộ ca, ma với nhau, ví dụ như các bài thơ sau

Bài Hiệu Đào Bành trạch của Vi Ứng Vật

效 陶 彭 澤

霜 露 悴 百 草
時 菊 獨 妍 華
物 性 有 如 此
寒 暑 其 奈 何
掇 英 泛 濁 醪
日 入 會 田 家
盡 醉 茅 檐 下
一 生 豈 在 多

Hiệu Ðào Bành Trạch

Sương lạc tụy bách thảo
Thì cúc độc nghiên hoa
Vật tính hữu như thử
Hàn thử kỳ nại hà
Xuyết anh phiếm trọc giao
Nhật nhập hội điền gia
Tận túy mao thiềm hạ
Nhất sinh khởi tại đa

Viên Tử Tài trong Tùy Viên Thi Thoại (thoại số 127) có chép lại một bài thơ của một người bạn ông (Trương Sán) mà ông lấy làm đắc ý như sau:

書 畫 琴 棋 詩 酒 花
當 年 件 件 不 离 他
而 今 七 事 都 更 變
柴 米 油 鹽 醬 醋 茶

Thư họa cầm kỳ thi tửu hoa
Ðương niên kiện kiện bất ly tha
Nhi kim thất sự đô canh biến
Sài mễ du diêm tương thố trà

Như vậy nhận xét của GS Nguyễn Tài Cẩn còn có những điểm chưa trọn vẹn. Câu chuyện về thiền sư Pháp Thuận và Lý Giác vẫn chưa có cơ sở để nghi ngờ tính chân thực của nó.

6 comments:

  1. @Beo: Bạn vào đây http://www.vietkiem.com/forums/lofiversion/index.php/t2362.html sẽ có nguyên đoạn trao đổi về vấn đề này, có khi sẽ thấy thú vị hơn không chừng hi hi.

    ReplyDelete
  2. hay thật, mỗi tội em ko hiểu chứ hán

    ReplyDelete
  3. Kính bác ,cho em chép bài này về nhà em ạ

    ReplyDelete
  4. 鵝 鵝 兩 鵝 鵝
    仰 面 向 天 涯
    白 毛 鋪 綠 水
    紅 棹 擺 青 波
    Nga nga lưỡng nga nga
    Ngưỡng diện hướng nhiên nha
    Bạch mao phô lục thuỷ
    Hồng trạo bãi thanh ba
    (Ngỗng ngỗng hai con ngỗng
    Ngửa mặt nhìn chân trời
    Nước lục phô lông trắng
    Chèo hồng sóng xanh bơi)
    (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)
    Tôi nhớ có một bản dịch thế này (theo tôi là thoát hơn, thơ hơn và vì thế Việt hơn)
    Ngỗng kia ngỗng một đôi
    Ngửa mặt nhìn chân trời
    Lông trắng phô nước biếc
    Chèo hồng rẽ sóng bơi.

    ReplyDelete
  5. 진광덕Tran Quang Duc陳光德March 31, 2008 at 5:28 AM

    Hôm nay đọc lại một lượt blog của bác, mới phát hiện ra bài này, nay tôi xin mạn phép trao đổi với bác thế này:
    Thứ nhất, âm Hán khi du nhập vào Việt Nam để hình thành nên âm Hán Việt nó có thể là thứ tiếng Trường An, cũng có thể là một phương ngữ hoặc cả tiếng phổ thông lẫn với phương ngữ.
    Thứ hai, trong tiếng Việt chỉ có 1 âm "A", 1 âm "I"...nhưng trong tiếng Hán thời Đường, Hán, thậm chí hất cả về trước, có thảy 3 âm "a", 3 âm "i" khác nhau. Vì thế, khi vào tiếng Việt, một số bị nhập vào làm 1, một số khác phải thay đổi cấu tạo ngữ âm. Tình hình này ở tiếng Việt cũng xảy ra ở rất nhiều phương ngữ bấy giờ thậm chí là cả sau này ở TQ.
    Thứ ba, tiếng Hán phổ thông vào thời Tống đã thay đổi nhiều so với thời Đường. Vì khi làm thơ, các thi sĩ hay gieo theo phương ngữ của mình, nên mới xuất hiện nhiều các sách vận thư vào thời này. (Tuy rằng, vận thư xuất hiện sớm nhất vào thời Đường). Các nhà "tiểu học" bấy giờ nghiên cứu lại sách "Thiết vận" viết từ thời Đường, rồi đối chiếu với phương ngữ các vùng, viết lại thành sách "Tập vận", "Quảng vận", có thể nói âm vận trong hai sách vừa nêu đã chỉ rõ được ngữ âm thời Đường Tống (đa phần là bảo lưu hệ thống phiên thiết, âm hệ, song cũng có thêm bớt dựa theo sự phát triển của ngôn ngữ bấy giờ). Vậy nên, tiếng Hán thời Đường đến tiếng Hán thời Tống là 1 vấn đề, tiếng Hán thời Đường với tiếng Hán Việt lại là 1 vấn đề khác.
    Dông dài vài lời, vì cũng ít thời gian hầu chuyện nên không viết dài hơn được, cũng không thể rà lại những gì vừa viết bên trên, mong bác thông cảm! :)

    ReplyDelete
  6. 진광덕Tran Quang Duc陳光德March 31, 2008 at 5:32 AM

    Đọc lại thấy nhiều câu viết lủng củng, bác thông cảm nhé, hehe, :D

    ReplyDelete