Monday, February 11, 2008

Nghị quyết 9 khóa 3

Theo một số nguồn tin không chính thức lưu hành trên mạng internet thì Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 khóa III là đầu mối của câu chuyện xét lại, và theo những nguồn thông tin đó nghị quyết 9 chỉ phổ biến miệng. Tôi tra trên trang web của ĐCSVN và tìm thấy văn kiện của nghị quyết này. Nội dung không thấy nhắc gì tới vấn đề xét lại trên thế giới. Nhưng thông cáo về hội nghị có nhắc tới diễn biến hòa bình, chủ nghĩa xét lại. Thông cáo có đoạn viết:
"
Bản Tuyên bố Mátxcơva năm 1960 đã nêu rõ:

"Trong khi xuyên tạc và tước bỏ tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, trong lý luận cũng như trong thực tiễn, đã phản ánh hệ tư tưởng của giai cấp tư sản, làm tê liệt ý chí cách mạng của giai cấp công nhân, tước đoạt vũ khí và làm tan rã tinh thần của công nhân, của quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị của bọn đế quốc và bọn bóc lột, giành hoà bình, dân chủ, giải phóng dân tộc, giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội".

Chống chủ nghĩa xét lại hiện đại là điều kiện rất quan trọng để khôi phục và tăng cường sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế, để tập hợp mọi lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác, để tăng cường sức chiến đấu của các lực lượng đó và bảo đảm giành thắng lợi vững chắc trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân toàn thế giới.

Hội nghị nhận định rằng: Sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới liên quan mật thiết với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng ta đã chỉ rõ: "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào quốc tế đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc và hoà bình thế giới".

Lập trường của Đảng ta là lập trường của chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đảng ta có nghĩa vụ chăm lo đến lợi ích cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân ta, đồng thời cũng có nghĩa vụ chăm lo đến lợi ích cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, Đảng ta vận dụng một cách có sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, Đảng ta đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc cách mạng của hai bản Tuyên bố Mátxcơva năm 1957 và năm 1960, bảo vệ sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế, bảo vệ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, bảo vệ Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng anh em khác. Cũng như từ trước đến nay, từ nay về sau, Đảng ta nguyện tiếp tục phấn đấu để cùng các đảng mácxít - lêninnít anh em ra sức bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tăng cường đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế.

Đảng ta phân rõ ranh giới về chính trị giữa bè lũ xét lại, tay sai của chủ nghĩa đế quốc, với những người phạm sai lầm của chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế. Thái độ của chúng ta đối với bè lũ xét lại là kiên quyết vạch mặt và phản đối, và đối với những người phạm sai lầm trong phong trào cộng sản quốc tế là vì đoàn kết mà đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết.

Kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại hiện đại không những là nghĩa vụ quốc tế của Đảng ta, mà còn là một yêu cầu cấp bách để bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, bảo vệ đường lối cách mạng đúng đắn của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mấy chục năm qua (thành công của Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của cuộc kháng chiến lâu dài chống bọn thực dân xâm lược Pháp và bọn can thiệp Mỹ, những thành tích to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, những thắng lợi liên tiếp của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, v.v.) chứng minh rằng: đường lối trước đây và hiện nay của Đảng ta là đường lối mácxít - lêninnít.

Nhưng trong một số cán bộ và đảng viên đang còn có những tư tưởng hữu khuynh. Chúng ta cần khắc phục những tư tưởng hữu khuynh ấy và ngăn ngừa ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng và những Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng."

Cũng cần nhắc tới thời gian ra đời nghị quyết 9 là tháng 12 năm 1963. Krushchev bị hạ bệ vào tháng 10 năm 1964. Thời kỳ khủng khoảng Trung-Xô bắt đầu vào năm 1959, đạt đỉnh điểm vào năm 1960. Năm 1963 cách xa khoảng thời gian 1959-1960. Ông Hoàng Minh Chính bị đưa đi tập trung vào năm 1967 theo wikipedia, cũng cách xa khoảng thời gian này. Năm 1964 Viện Triết đã do ông Phạm Như Cương làm viện trưởng. Vậy trong 3 năm 1964-1967 vấn đề xét lại đã không còn là vấn đề bàn cãi nữa. Các hội nghị 10, 11, 12 đều không đề cập tới vấn đề xét lại nữa. Năm 1967 có nghị quyết 13 về vấn đề vừa đánh vừa đàm. Như vậy thật khó hình dung câu chuyện năm 1967 có liên quan trực tiếp với xét lại.

15 comments:

  1. Vâng, em đồng ý với bác. Đêm giữa ban ngày được tác giả coi là một dạng "hồi ký chính trị" nên có nhiều quan điểm và cảm nhận cá nhân. Đáng tiếc là bằng tiếng Việt, ngoài ĐGBN chỉ có 2 quyển sách viết về vụ này là "Chuyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, "Một người tù xử lý nội bộ" của Trần Thư. Cả 3 đều là nạn nhân của vụ xét lại chống Đảng. Còn tài liệu khác thì phải đợi khi nào kho lưu trữ của ĐCSVN về thời kỳ đó mở thì mới biết được.
    Tài liệu nghiên cứu của nước ngoài không có nhiều vì thông tin từ các stakeholders ở Việt Nam bị đóng hết. Theo em biết đến giờ chỉ có 2 nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cold War History.
    1. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967-68. Tác giả Sophie Quinn-Judge. Bà này là 1 học giả có uy tín về Việt Nam, nổi tiếng với quyển "Ho Chi Minh, the missing years". Nói tiếng Việt rất giỏi, uống rượu Việt cũng thế. Em đã nói chuyện 1 lần với bà ấy ở TPHCM.
    2. 'Revisionism' in the Democratic Republic of Vietnam: New Evidence from the East German Archives, Martin Grossheim. Sử dụng các tư liệu của ĐSQ Đức và Đông Âu thời kỳ 1960s ở Việt Nam. Cũng có vẻ đáng tin cậy.

    ReplyDelete
  2. Em vừa google thì ra 1 serie 4 bài trên BBC về ông Lê Duẩn năm 2006, trong đó có đề cập khá chi tiết tới vụ án "xét lại chống Đảng".
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/05/060510_leduan_part3.shtml
    Tại Hội nghị TƯ lần thứ 9, các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam.
    Sau Hội nghị TƯ 9, nhóm do ông Lê Duẩn đứng đầu tăng cường phê phán “chủ nghĩa xét lại hiện đại” (ám chỉ chủ trương thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, mà Liên Xô, dưới thời Khrushchev, cổ vũ, nhưng Trung Quốc thì chỉ trích).
    Trong loạt bài “Tăng cường mặt trận tư tưởng để củng cố Đảng” của ông Lê Đức Thọ, được đăng sau Hội nghị TƯ 9, có sự thừa nhận rằng một thiểu số trong đảng không đi theo đường lối đã ra. Mặc dù bài báo không nêu tên cụ thể, nhưng theo các quan sát viên, sự ám chỉ nhắm đến những người như Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm…những người đã phát biểu phản đối nhóm của ông Lê Duẩn ở Hội nghị TƯ 9.
    Ông Lê Đức Thọ cũng loan báo các đảng viên sẽ phải dự các lớp học tập và chỉnh huấn để thấm nhuần nghị quyết của Hội nghị TƯ 9.
    Sứ quán Đông Đức khi ấy có được trong tay nội dung của các lớp học này, theo đó, các học viên phải hiểu sâu sắc sự khác biệt giữa “chủ nghĩa Mác - Lê chân chính” và “chủ nghĩa xét lại.”

    ReplyDelete
  3. Nghiên cứu gần đây nhất về sự kiện này, được Sophie Quinn-Judge công bố trên tạp chí Journal of Cold War History tháng 11-2005, ước lượng trong sự biến 1967-68, khoảng 30 nhân vật cao cấp bị bắt, và có lẽ có tới 300 người tất thảy, gồm các tướng lĩnh, nhà lí luận, giáo sư, văn nghệ sĩ và phóng viên truyền hình được đào tạo ở Moscow. Một trong những người bị bắt đầu tiên là Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, bị bắt tháng 7-1967 và bị tống giam.
    Cần nói rằng người ta vẫn còn biết rất ít về quá trình ra quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam mấy chục năm qua.
    Riêng trong vụ án xét lại 1967-68, không một ai liên lụy được mang ra xét xử. Cho đến thập niên 1990, một số người còn sống và gia đình người đã khuất vẫn gửi các thư và thỉnh nguyện xin phục hồi danh dự. Và như Sophie Quinn-Judge nhận định, “cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn công bố rất ít các tài liệu về việc ra quyết định ở cấp cao hơn từ thư khố của chính họ.”
    Có nhiều cách diễn giải khác nhau về sự kiện năm 1967-68.

    ReplyDelete
  4. Tôi có đọc Đêm giữa bay ngày, nhưng tài liệu này tôi xếp vào loại tác phẩm văn học (thậm chí tôi cũng không coi đó là một hồi ký), và do đó không tìm hiểu lịch sử từ nó.

    ReplyDelete
  5. Câu hỏi của bác Đông A rất thú vị? Tại sao nhóm "xét lại" không bị bắt trong những năm 1965-1966 mà phải đợi đến tháng 7/1967 mới bị xử lý với Hoàng Minh Chính là người đầu tiên, sau đó là rải rác gần 200 người nữa?
    Krushchev bị chính các cộng sự gần gũi là Brezhnev, Kosyghin hạ bệ vào tháng 10 năm 1964 (rồi bị giam lỏng đến khi chết 1971). Nhưng không có dấu hiệu gì là Liên Xô thay đổi các chính sách đối nội và đối ngoại cơ bản của mình cả, mặc dù một số "tự do" ban đầu của thời Krushchev_Thaw đã bị hủy bỏ. Căng thẳng Trung-Xô vẫn tiếp tục leo thang, Trung Quốc vẫn gọi bộ ba Leonid Brezhnev, Aleksei Kosyghin, Nikolai Podgorny là "cỗ xe tam mã của tên xà ích giấu mặt" (chữ dùng của tờ Pekin Information).
    Câu hỏi của bác Đông A có thể được trả lời nếu đọc "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên, con trai Vũ Đình Huỳnh (bí thư của Hồ Chí Minh thời chống Pháp). Là nhà văn, từng học điện ảnh ở Liên Xô, là người đã dịch Bông hồng vàng của Paustovsky năm 1960, Vũ Thư Hiên cũng bị bắt cùng với bố vào năm 1967.
    Tình hình thế giới (phong trào cộng sản) và Việt Nam hồi ấy cực kỳ phức tạp. Chiến tranh đã bắt đầu ác liệt khi Mỹ đổ quân vào miền nam 1965 và bắt đầu đánh phá miền Bắc bằng không quân.
    Vũ Thư Hiên viết như sau trong trang 167, 168 của hồi ký "Đêm giữa ban ngày":

    ReplyDelete
  6. Một câu hỏi khác được đặt ra là : vậy thì, trong tình hình vị thế của Lê Duẩn đã vững vàng như thế, ông ta cần gì phải trấn áp những người có ý kiến ngược ?
    Anh Phùng Mỹ, cán bộ Viện Triết học, trong khi bị giam chung cùng với tôi tại trại Tân Lập, cho rằng chúng tôi chẳng qua là vật hiến tế của Lê Duẩn dâng lên ban thờ Mao Trạch-đông. Đường lối đánh đu giữa hai cọc, chính chuyên với hai chồng cùng một lúc đã hết thời của nó, chẳng còn lừa được ai. Ban lãnh đạo Đảng quyết định bắt chúng tôi để chứng tỏ Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, vừa có tác dụng xoa dịu Mao, vừa làm mình làm mẩy trước Liên Xô.
    Trong chuyện đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ ấy, với tất cả sự rối rắm làm nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau, tôi nhớ tới nhận xét của nhà báo Liên Xô Evguéni Kobélev nói với tôi vào giữa thập niên 60:"Lê Duẩn tỏ ra thân Liên Xô nhiều quá là không có lợi cho Việt Nam đang chống Mỹ". Tôi cười, không tranh luận. Tôi biết, trong thời kỳ này Kobélev đã đánh mất tính độc lập suy nghĩ của người làm báo. Ông đang viết cuốn Bông Sen Việt Nam ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được các nhà lãnh đạo Việt Nam ưu ái. Cũng có cái nhìn tương tự Kobélev, khi nhân viên KGB ở Việt Nam báo cáo về cho ban lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô biết dường như có một âm mưu đảo chính bất thành vừa xảy ra tại Hà Nội, tức là nhân viên này chẳng biết quái gì về những việc xảy ra. Báo cáo của KGB chỉ chứng tỏ Liên Xô không hề nhúng tay vào chuyện âm mưu đảo chính, như Lê Đức Thọ vu cáo. Về bản báo cáo của KGB tôi chỉ được biết vào năm 1993, do chị Inna Malkhanova, một nhà Việt Nam học người Nga kể lại. Chị được nghe nội dung bản báo cáo nói trên vào năm 1968, được đọc nguyên bản năm 1991, khi có điều kiện tiếp cận những kho tư liệu mật và tối mật của Đảng và Nhà nước xô-viết.
    Trong thực tế, theo tôi, cuộc đấu tranh về quan điểm, đường lối mang tính chất dung tục, tính chất đời thường hơn người ta nghĩ. Trong nỗi lo lắng về quyền lực của Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp lồ lộ như một hiểm họa. Chính vì thế mà Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bao giờ cũng nhất quán trong mục tiêu hạ uy thế tướng Giáp. Cả hai hiểu rất rõ rằng vị trí cao nhất trong Đảng lẽ ra phải thuộc tướng Giáp, chứ không thuộc về họ và tướng Giáp là người bất cứ lúc nào cũng có thể thay thế họ một khi họ trượt chân.
    Trong cách tính toán của Duẩn - Thọ có sự đánh giá quá cao đối thủ !

    ReplyDelete
  7. Họ quá lo sợ trước uy tín của tướng Giáp trong quân đội. Họ quá lo sợ trước vầng hào quang người chiến thắng Điện Biên trong dân chúng. Tội thay, trên thực tế tướng Giáp không phải là đối thủ của cả Lê Duẩn võ biền lẫn Lê Đức Thọ mưu lược. Chiến lược đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận của Lê Duẩn chưa kịp đem ra dùng cho tướng Giáp thì tướng Giáp đã cài số lùi rồi.
    Tôi đã nói tới chuyện nhà cầm quyền e dè trí thức như thế nào. Đúng là trong thời gian này trí thức có hướng về Võ Nguyên Giáp thật. Người ta tin tướng Giáp, bởi vì ông đã từng là "giáo sư trường Thăng Long", chẳng gì cũng là trí thức, là người có học, chứ không phải loại dùi đục chấm mắm cáy.
    Nhưng tướng Giáp lại chẳng phải như người ta nghĩ. Ông đã phụ lòng tin của trí thức. Thậm chí khi những đòn chuyên chính vô sản giáng xuống những người thân cận của ông, những chiến hữu của ông, ông đã không dám hé răng nói một lời, mà chỉ ngoan ngoãn né qua một bên, mặc cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ muốn làm gì thì làm. Như một kẻ vô can, ông hiền lành khoanh tay nhìn cuộc khủng bố trắng diễn ra trước mắt.
    Bây giờ thì ai cũng biết những người bị bắt trong vụ "nhóm xét lại chống Đảng" không hề có liên quan gì với tướng Giáp trong bất cứ mưu mô nào. Việc Lê Đức Thọ đính họ vào tướng Giáp là sự ngụy tạo hoàn toàn. Âm mưu đảo chính không hề có. Thọ làm những việc đó chỉ để vu vạ cho tướng Giáp, để hạ bệ tướng Giáp, kẻ thù tiềm tàng, kẻ thù khả dĩ của Duẩn-Thọ mà thôi.
    Những người bị Đảng coi là xét lại biết rõ Võ Nguyên Giáp chẳng đại diện cho ai. Ông chưa từng và không hề là đối cực của liên minh Duẩn-Thọ. Chưa bao giờ ông dám chống lại những chủ trương của liên minh này. Ông có những bực mình nho nhỏ với Lê Duẩn, là chuyện có thật, nhưng không hơn. Ông có đưa ra một số vấn đề hiện đại hóa quân đội, tức là có đi ngược tí chút với đường lối lấy chiến tranh du kích chống chiến tranh hiện đại của đương kim tổng bí thư và tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng ông không dám hé răng nói lấy một lời về dân chủ và tự do là những vấn đề cốt lõi của mọi phong trào phản kháng.
    Điều làm tôi phải suy nghĩ là : nếu Duẩn-Thọ muốn dùng chúng tôi làm dê tế thần trong đền thờ Mao thì thời điểm 1967 đâu có phải là thời điểm đẹp nhất để dâng hương. Đáng lẽ phải làm việc này sớm hơn nhiều, từ đầu năm 1964 kia, bởi vì đó mới là thời điểm Mao và ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cần Việt Nam có thái độ dứt khoát trong cuộc xung đột quan điểm giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa.

    ReplyDelete
  8. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không bắt chúng tôi vào cuối năm 1963, hoặc 1964, hoặc chậm hơn nữa - 1965. Họ đã không làm gì hết. Họ tử tế, nhân đạo với các đồng chí chăng ? Họ tôn trọng luật pháp, chỉ bắt khi đã hội thật đầy đủ những cái theo họ là chứng cứ chăng ? Đó là điều không ai biết. Có vẻ như họ cắn răng chịu đựng bọn xét lại ngang tàng dám cãi bướng bề trên thêm mấy năm nữa, tới tận 1967 mới xuống tay.
    Hóa ra không phải thế.
    Duyên do là giữa canh bạc quốc tế mà hai tay chơi khát nước Duẩn-Thọ lao vào với vận mệnh Tổ quốc giắt lưng, cả hai bỗng giật mình thấy xì thẩu láng giềng đang sa vào bĩ cực. Bắc Triều Tiên bắt đầu đánh trống lảng. Anbani đột nhiên lừng chừng, lập trường chẳng ra ngô cũng chẳng ra khoai. Mặc dầu quan hệ Cuba-Liên Xô lủng củng, nhưng Cuba không ngả về phía Trung Quốc. Ông luật sư Fidel Castro thừa hiểu rằng ở Trung Quốc không có gì của chủ nghĩa Mác, rằng dưới sự lãnh đạo của ông giáo làng ở Hồ Nam cả một đại lục mênh mông đang biến thành một chảo tạp pí lù lổn nhổn thịt xương đồng chí. Các đảng cộng sản mất dần uy tín trong quần chúng, đảng viên ra đảng ngày một nhiều. Trong Đảng Lao động Việt Nam cũng xuất hiện sự phân hóa về quan điểm quốc tế, sự hoài nghi đường lối thân Trung Quốc của ban lãnh đạo Đảng.
    Nhưng Duẩn-Thọ là người cẩn thận. Họ không dại gì tỏ ra cứng đầu với ông đồng chí nông dân vùng Ukraina vốn nóng tính. Ngộ nhỡ ông ta nổi cơn giận lôi đình cắt giảm những khoản viện trợ khổng lồ cho cuộc chiến tranh ngày một tốn kém thì sao ?
    Chỉ từ đầu năm 1967 trở đi, sau khi biết chắc chắn rằng Leonid Brezhnev không phải là Khrusov, rằng đồng chí Brezhnev ưa các cuộc liên hoan trao huân chương hữu nghị và sưu tầm xe ô tô du lịch hơn là những cuộc cãi vã đã kiên quyết đưa Liên Xô trở về lối cũ, họ mới dám xuống tay diệt trừ hậu họa .
    Đến đây kẻ đánh lên tiếng kẻng báo động về một đường lối sai lầm mới bị hạ ngục.

    ReplyDelete
  9. (đoạn tiếp theo là về giải thích của Đảng sau này)
    Cứ như sự giải thích của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đảng khóa VI (1986-1991) vào tháng 11.1991 thì từ đầu những năm 60 Đảng đã phát hiện một nhóm chống Đảng mà hạt nhân gồm ba người : Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính; rằng nhóm này từ tháng 9 năm 1963 đã chủ trương phá hoại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, âm mưu truất bỏ Trung ương nhằm lập ra một Trung ương mới...
    Để tăng thêm tính thuyết phục người ta dẫn đoạn trích lời khai của Hoàng Minh Chính : "Ngay từ khi mới thành lập, tổ này (tổ lãnh đạo 3 người) đã mang đầy đủ tính chất và nhiệm vụ của Ban chấp hành Trung ương tương lai" mà mục tiêu là "truất bỏ Trung ương đi, quyết định ra đường lối mới và bầu ra Trung ương mới để điều hành".
    Vụ bắt bớ những người có quan điểm bất đồng với Đảng cầm quyền trong cái gọi là cuộc đấu tranh giữa hai đường lối bắt đầu từ tháng 7 năm 1967. Nạn nhân đầu tiên của nó là viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính , phó tổng biên tập tờ Hà Nội Mới Phạm Viết, phó tổng biên tập tạp chí Học Tập Kỳ Vân và vài người khác.
    Như một cơn gió đen, tin Ban tổ chức Trung ương Đảng phát hiện kịp thời và bóp chết từ trong trứng một âm mưu phản loạn lan nhanh trong thành phố.
    Đến lượt cha tôi và thiếu tướng Đặng Kim Giang cũng bị bắt thì dư luận ồn hẳn lên. Chỗ nào người ta cũng thì thào bàn tán về sự kiện này.

    ReplyDelete
  10. Em google thêm được 2 tài liệu nghiên cứu có liên quan:
    1. Đường lối chính trị và ngoại giao của Bắc Việt trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 - phần 3 về Vụ án Xét lại chống Đảng
    Tác giả T. Nguyễn là Assistant Professor khoa Sử, Trường Ðại học Kentucky, Hoa Kỳ. Bài viết này dựa theo một chương trong luận án tiến sĩ của tác giả, "Giữa những cơn bão: Lịch sử thế giới về Chiến tranh Việt Nam 1968-1973" (Đại học Yale).
    Bài này nói về Mậu Thân 1968 nhưng đề cập đến "Xét lại chống Đảng" vì đó là một mâu thuẫn lớn trong nội bộ liên quan đến đường lối chiến tranh và những người thực hiện (nhiều cộng sự thân tín của tướng Giáp bị bắt trong vụ này)
    http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9292&rb=0401
    2. Bản dịch tiếng Việt bài Sophie Quinn-Judge ở trên
    Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967-1968
    http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6937&rb=08

    ReplyDelete
  11. Gán cho Hoàng Minh Chính cái mác "dân chủ tự do" (theo cách hiểu hiện nay) là hoàn toàn không đúng. Quan điểm của HMC lúc đó chỉ đóng khung trong cái gọi là "chủ nghĩa xét lại hiện đại" của Liên Xô lúc đó: tức là không cần làm cách mạng bạo lực ngay để đập tan chủ nghĩa tư bản trên thế giới. Hai bên có thể chung sống hòa bình và thi đua nhau "ai thắng ai" bằng phát triển kinh tế. Đó chính là quan điểm của "Tuyên bố chung 81 Đảng CS toàn thế giới" mà ĐCSVN đã ký ở Moscow năm 1960 (đại biểu là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh).
    Quan điểm của HMC và nhóm xét lại cũng được chia sẻ bởi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, tức là có thể đàm phán, không cần giải phóng miền nam ngay bằng mọi giá mà có thể tập trung xây dựng CNXH ở miền Bắc trước. Nhưng quan điểm này hoàn toàn bị nhóm quyền lực nhất trong Đảng lúc đó là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh lấn át.
    Điều mà nhóm xét lại (trong đó tích cực nhất là HMC với thư ngỏ 1993) kêu nhất là họ hoàn toàn không được xét xử theo bất kỳ một điều luật hay tòa án nào, sau này cũng không đuợc minh oan (mặc dù họ chỉ theo Liên Xô chứ không phải theo tư bản). Điều mà họ đau lòng là các lãnh đạo như Võ Nguyên Giáp thấy cấp dưới bị khủng bố mà im lặng không hề bênh vực hay bảo vệ. Ví dụ đại tá Minh Nghĩa, Cục truởng Cục tình báo quân đội (Cục 2, là cấp trên trực tiếp của Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn ở miền nam) là một trí thức giúp việc rất đắc lực cho tướng Giáp từ thời kháng chiến chống Pháp. Bảo tàng TC2 bây giờ ở Lê Trọng Tấn không có hình ảnh gì của Minh Nghĩa trong khi đầy hình ảnh của Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Chính...
    Ngay cả Hồ Chí Minh, khi nghe tin Vũ Đình Huỳnh (thư ký riêng trong thời chống Pháp của Bác) bị bắt cũng chỉ thốt lên "chú Huỳnh có tội gì mà họ bắt chú ấy?", khi bà Tề vợ ông Huỳnh lên gặp Bác để kêu cứu (xem Đêm giữa ban ngày).
    Những anh hùng của trận Điện Biên như Lê Liêm (chính ủy mặt trận), Đặng Kim Giang (phó chủ nhiệm hậu cần), rồi các ủy viên trung ương kỳ cựu như Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng... phải chết trong đau đớn tủi nhục...

    ReplyDelete
  12. Tôi thấy vấn đề ở đây khá rõ ở mặt này và chưa rõ ở mặt khác. Vấn đề rõ ở tên gọi chính thức của vụ án là vụ án "Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài“. Nội dung của chủ nghĩa xét lại hiện đại là chung sống hòa bình của đại hội XX ĐCSLX. Ở nội dung này không có vấn đề về dân chủ hay tự do [chuyện của Pastenak là một minh chứng] mà người ta thường cố gán ghép cho Hoàng Minh Chính. Tư tưởng dân chủ tự do mà có lẽ Hoàng Minh Chính có được là sau thời kỳ Gorbachev. Điều này cũng lý giải tại sao quan điểm của Hoàng Minh Chính về dân chủ tự do [thể hiện qua phát biểu ở Harvard hay Quốc hội Mỹ] không có điểm sắc nét và nổi bật như của một nhà lý luận hay tư tưởng nếu không muốn nói là chỉ có sự khánh tận tư tưởng giống như ở Bolsa hay hò hét, và cũng chính vì điểm này mà tôi muốn đọc trước tác của ông để xác định một cách rõ hơn. Đây là điểm tôi thấy khá rõ ràng. Người ta đã cố tình gắn mác tự do dân chủ cho ông từ hồi những năm 60 mà thực chất có lẽ là không có. Điểm còn chưa rõ là nội dung vụ án. Nhưng có điểm rất rõ ràng là một số người lúc đấy (những năm 60') đã xin tị nạn chính trị ở Liên Xô và được chấp thuận. Đây là một điểm rất lạ, khá giống trường hợp Hoàng Văn Hoan. Như vậy tên gọi của vụ án là chống Đảng và làm tình báo không phải là không có cơ sở. Ít nhất chống lại nghị quyết 9, một nghị quyết đã được thông qua, thực chất là chống lại Đảng. Có thể bảo lưu ý kiến chứ không thể phủ định nghị quyết. Đấy là tính kỷ luật của một Đảng Cộng sản mà một khi đã tham gia bắt buộc phải tuân theo.

    ReplyDelete
  13. ☭ Người Cộng Sản ☭February 12, 2008 at 4:33 AM

    HMC ko chet vi vu xet lai

    ReplyDelete
  14. ☭ Người Cộng Sản ☭February 13, 2008 at 12:19 AM

    "Đêm giữa ban ngày" là 1 hồi kí chính trị mang nhiều tính chủ quan thế nên đừng quá tin vào "đêm giữa ban ngày", thông tin trong đêm giữa ban ngày chỉ mang tính tham khảo và nên tin theo ý mình, nhìn nhận các thoôg tin trong sự đánh giá chứ đừng tin 1 cách thái quá như vậy. Vũ Thư Hiên viết được đêm giữa ban ngày nên bị bắt là phải =))

    ReplyDelete
  15. ☭ Người Cộng Sản ☭February 13, 2008 at 12:33 AM

    Bác Dong A nói đúng muốn biết về HMC fải đọc các tác phảm của ông song tôi không tìm thấy tác phẩm nào cả, thông tin về ông cũng rất ít nên khó tiếp cận. Trong bản báo cáo của ông ở Harvard không cho thấy nhiều điều về ông thậm chí ngược lại. Vẫn mong bac Dong A có điều kiện tìm giúp.

    ReplyDelete