Monday, November 19, 2007

Sinh hoạt nghệ thuật

Có lần tôi xem bộ phim Nhật thực toàn phần (Total eclipse) về Rimbaud và Verlaine. Xem phim mới biết một số sinh hoạt văn học ở Paris thời đó. Không cũng khó hình dung. Và hiểu rõ hơn tại sao "phải tuyệt đối hiện đại".

Tôi mới xem video buổi trò chuyện giữa Rushdie và Pamuk về quê nhà do The New Yorker tổ chức. Tôi nghĩ về những sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam. Thực ra chưa bao giờ tôi tới nghe Cafe Văn học của Hội đồng Anh. Đọc hóng hớt trên mạng thôi. Có lẽ cũng chỉ hình dung tương đối như tôi thấy sinh hoạt văn học trong phim Nhật thực toàn phần. Nhưng buổi trò chuyện giữa Rushdie và Pamuk thì tôi thấy rõ. Chủ đề buổi trò chuyện rất đơn giản, phổ quát, nhưng cũng rất hấp dẫn: quê nhà. Xem Cafe Văn học thì thấy "Phê bình văn học trên báo chí - lý tính và cảm tính", một chủ đề mà tôi thấy là một sự lẩm cẩm và hổ lốn. Bởi vì chẳng cần đi nghe cũng biết chắc chắn với chủ đề như vậy sẽ không thu được bất kỳ một thông tin hữu ích nào. Những buổi trò chuyện không phải để chứng minh một luận điểm nào, không phải để làm sáng tỏ một quan điểm nào, không phải là đối thoại, và càng không phải là phỏng vấn. Trò chuyện chỉ đem lại những điểm nhìn tham chiếu. Tôi nghĩ đấy mới là ý nghĩa đích thực của trò chuyện. Vai trò của người dẫn trong buổi trò chuyện rất mờ nhạt, gần như chỉ là người giới thiệu và ngồi nghe. Điểm này rất khác với kiểu tọa đàm Cafe Văn học, khi người dẫn như là người phỏng vấn, như là người đối thoại, và như cả là người tham gia trò chuyện. Khán giả chỉ có vai trò duy nhất là ngồi nghe. Không có giao lưu, đặt câu hỏi gì hết, vì có giao lưu thì đấy đâu còn là trò chuyện nữa. Một căn bệnh trầm kha của sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam là phải có giao lưu với khán giả. Tôi luôn không hiểu mục đích của giao lưu là gì trong buổi trò chuyện. Trò chuyện không phải là để khán giả rõ hơn, hiểu hơn một chủ đề nào đó, vì mới mục đích như vậy thì lecture hay seminar sẽ tốt hơn nhiều. Trò chuyện chỉ nên có hai người. Nhiều người sẽ chẳng thành trò chuyện nữa. Sẽ thành một lẩu thập cẩm hay buổi cãi vã. Khi có nhiều quan điểm khác nhau, đấy không còn tạo ra những điểm nhìn tham chiếu nữa, trái lại khiến người nghe lâm vào tình cảnh không thể tham chiếu được vì khó định vị được cho mình.

No comments:

Post a Comment