Monday, October 22, 2007

Tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An

Đây là bài trên trang Diễn Đàn. Tôi copy về làm tư liệu.
-----------------------------------------------------------------

Ngày 22 octobre,
tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An

Alain RUSCIO

Lời mở đầu :

Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy, đã yêu cầu các giáo sư sử học, tới ngày 22 tháng mười này, đọc cho học sinh nghe lá thư tuyệt mệnh của Guy Môquet, bi xử bắn ngày 22.10.1941. Giới giáo chức phản ứng nhiều cách khác nhau.

Về phần tôi, nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại – và điều này chắc nhiều người không biết – rằng, cùng ngày hôm ấy, một người Việt Nam cũng đã đổ máu cho nước Pháp 1.


Ngày 22 tháng mười, tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An... không phải cho học trò, bởi vì tôi đã ra khỏi ngành giáo dục từ nhiều năm rồi. Nhưng, vâng, tôi sẽ đọc lá thư của Huỳnh Khương An, một người Việt Nam yêu nước, một người cộng sản Pháp và Việt Nam. Tôi sẽ đọc cho người thân, cho bạn bè, và, ừ nhỉ, cho cả những người tham gia Hội nghị hợp tác Pháp-Việt lần thứ VII, sẽ khai mạc tại Montreuil, may thay, vào đúng ngày 22 tháng mười này.

Huynh gì cơ ? Chẳng mấy người Pháp, chẳng mấy nhà sử học, chẳng mấy đồng chí cộng sản biết đến tên anh.

Vậy mà giữa anh và Guy Môquet, có ít nhất hai điểm tương đồng : họ là cộng sản và họ bị bắt làm con tin và, ngày 22.10.1941, họ bị xử bắn ngày 22.10.1941. Đối với Guy, An là một "ông già". Những 29 tuổi mà !

Sinh tại Sài Gòn, tại đất nước Việt Nam mà bọn thực dân cứ muốn gọi là Indochine, Huỳnh Khương An sang Pháp, tới học ở Lyon. Anh học giỏi, sắp sửa trở thành giáo sư Pháp văn tập sự. Và tham gia tận tình vào sinh hoạt chính trị Pháp. Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, bí thư Đoàn sinh viên Cộng sản vùng Lyon, anh hoạt động rất mạnh, nhất là trong Hội những người bạn của Liên Xô, bên cạnh người bạn đời của mình là Germaine Barjon. Năm 1939, Đảng Cộng sản bị cấm, An hoạt động trong vòng bí mật.

Anh được bổ nhiệm tại Trường trung học Versailles. Chính tại Versailles mà anh bị bắt (các nguồn lịch sử không nhất trí về thời điểm : tháng ba hoặc tháng sáu 1941), rồi đưa đi giam giữ ở Chateaubriant. Những gì xảy ra sau đó, kinh khủng thế nào, thì mọi người đều biết.

Đây là bức thư tuyệt mệnh của Huỳnh Khương An :

« Hãy can đảm lên, em yêu của anh. Đây chắc là lần cuối cùng anh viết cho em. Ngày hôm nay, anh sẽ lìa đời. Anh và các bạn, khoảng hai mươi đồng chí, đang bị tạm giam trong một gian nhà trống, sẵn sàng hy sinh trong tư thế dũng cảm và nhân cách. Em sẽ không hổ thẹn vì anh. Em sẽ cần rất nhiều dũng cảm để sống, nhiều hơn là anh cần để chết. Nhưng nhất định em phải sống. Bởi vì con, đứa con trai bé nhỏ của chúng ta ; khi nào gặp lại con, em hãy hôn nó cho anh, thật chặt. Từ nay, em phải sống bằng kỉ niệm, những kỉ niệm tươi đẹp của chúng ta, năm năm trời hạnh phúc ta đã sống với nhau. Vĩnh biệt, em yêu ».

Ở Paris, tại nghĩa trang Père-Lachaise, có tượng đài kỉ niệm các liệt sĩ Chateaubriant. Dưới dòng tên họ HUYNH KHUONG AN, chỉ có một danh từ, lỗi thời : Annamite.

Tôi xin nhắc lại sự kiện này để chúng ta cùng suy ngẫm. Sự hiện diện của người dân một nước thuộc địa, của một người nhập cư, bên cạnh những liệt sĩ người Pháp, phải chăng là cách để Lịch sử đưa mắt cho chúng ta ? Phải chăng đó là một biểu tượng ? Chế độ Vichy, là kẻ đã giao nộp họ, và bọn Nazi đã giết họ, chắc hẳn đã nhìn "tên ngoại quốc" lộn lạo trong "bọn khủng bố" bằng con mắt miệt thị. Chúng có đòi xét DNA (*) di truyền của anh để có quyền chết cho nước Pháp ?

Tôi không chủ trương tẩy chay việc đọc cho học sinh lá thư của Guy Môquet. Song chúng ta hãy đọc, như để trả lời cho nạn bài ngoại đang ngoi lên (lần nữa), như một lời đồng vọng, lá thư của một người Việt Nam, một người ngoại quốc mà cũng là người anh em của chúng ta.


Alain RUSCIO


1 Tôi dựa vào mục tiểu sử rất súc tích của Michel Dreyfus, « Huynh Khuong An, dit Luisine », trong Dictionnaire biographique du mouvement ouvrier français, Paris, Éditions de l'Atelier, 1988, do Claude Pennetier chủ biên.

(*) Dư luận đang phản đối việc chính quyền Sarkozy đề ra đạo luật dùng xét nghiệm DNA để cho phép hay từ chối đoàn tụ gia đình của người nhập cư (chú thích của DĐ).





2 comments:

  1. chẳng hiểu vì sao một entry vô cùng giá trị như vậy mà ko ai CM,thanks Bác rất nhiều,Bác cho cháu cop entry này nhé Bác,được ko ạh?

    ReplyDelete
  2. Cám ơn anh .Đây là lần đầu tôi biết về 1 người tên là Huỳnh Khương An

    ReplyDelete