Tuesday, May 22, 2007

Xem kịch: Bài ca đất nước của Tào Mạt

Vở kịch này tôi đã xem hai lần: một lần hồi còn nhỏ và một lần gần đây. Đều do đoàn kịch của Tổng cục Chính trị diễn. Lần gần đây không diễn hết cả ba phần và tôi cảm thấy dường như kém hơn xưa. Không biết có phải chỉ là tưởng tượng ra thế thôi hay ký ức của thời gian đã mất bao giờ cũng đẹp hơn, quyến rũ hơn, và tao ngộ lần hai không bao giờ được như cái thưở ban đầu, không được như cái ảo ảnh của sự trở về lớn lao đầy huyễn tưởng mà Kundera đã viết :"Những từ này, lặp lại, tạo ra một sức hút tận cõi lòng sâu thẳm của Irena, cô thấy chúng được viết hoa: Sự Trở Về Lớn Lao. Cô bỏ đi những do dự của mình: cô say đắm với những hình ảnh chợt khuấy lên từ những quyển sách cô đã đọc từ lâu, từ những bộ phim, từ ký ức của chính cô, và có thể cả từ ký ức của tổ tiên cô: đứa con lưu lạc trở về nhà với mẹ già của mình; trở về mảnh đất thân thương mà số mệnh ác nghiệt đã đẩy anh ra khỏi đó; nhà cửa ruộng nương mà chúng ta mang mãi trong lòng; con đường mòn được phát hiện lại vẫn đánh dấu bằng những dấu chân quên lãng của tuổi thơ; Odysseus trông thấy hòn đảo của mình sau những năm tháng lang thang; sự trở về, sự trở về, điều kỳ diệu tuyệt vời của sự trở về."

Lúc nhỏ xem Bài ca đất nước không hiểu "nhị hoa diện" là gì. Đến khi đọc tạp văn của Lỗ Tấn mới biết. Sự thâm thúy quy ước của kinh kịch lại rất hợp với chèo đầy ước lệ. Có lẽ xem chèo là thưởng thức những quy ước và ẩn dụ. Đó là tính kịch của chèo. Bài ca đất nước khó có thể nói là được xây dựng theo quan điểm Marxist. Tinh thần nghệ thuật Marxist là tinh thần thế giới, như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản viết: "Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới." (mấy chữ cuối này giống hệt Goethe) (Cũng có những điều mỉa mai khi ngày nay có những người muốn xướng lên một nền văn chương thế giới, một tinh thần thế giới, cứ như là một cái gì đó rất mới mẻ, một phục hưng lại Goethe, một thứ rất hiện đại và đặc biệt phải quên Marx.) Bài ca đất nước ca ngợi tinh thần chống ngoại xâm, chống tham quan lại nhũng. Những phá Tống, bình Chiêm hẳn không thể nào lại là một tinh thần thế giới. Ngược lại đó chính là "tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc", một tính chất phi Marxist. Ở Bài ca đất nước cũng không có những mâu thuẫn giai cấp đối kháng, trái lại ở đó là sự đoàn kết toàn dân để xây dựng và củng cố một vương triều đầy quyền uy và vững chắc.

Tính trào phúng của Bài ca đất nước rất cao, phát huy được các ưu thế trào phúng của chèo. Tiếng cười vừa dân gian, vừa thâm sâu, mang những ước lệ và ẩn dụ cho thời hiện tại.

Tuy nhiên Bài ca đất nước cũng có những nhược điểm. Nhược điểm lớn nhất là đã đẩy các chi tiết lịch sử đi quá xa. Hoàng hậu Thượng Dương trở thành một nhân vật phản diện. Tôi cảm thấy cách xây dựng này không được hay. Có lẽ một vở kịch hiện đại phải là một vở kịch vượt qua được khuôn khổ phân chia giới tuyến chính diện/phản diện.

2 comments:

  1. Bác Dong A, tôi không nghĩ là chủ nghĩa dân tộc lại không thể song tồn cùng tư tưởng Marxist. Lấy ví dụ Khmer Rouge là dân tộc cực đoan đi cùng với Marxist-Maoist. Nếu để ý thì hầu hết các vở kịch/chèo/cải lương... trong giai đoạn 1979-1990 ở VIệt Nam đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Marx. Ảnh hưởng của Marx trong Bài ca đất nước không nhiều lắm, nhưng vẫn có qua sự tương phản giữa Thượng Dương hoàng hậu thuộc tầng lớp trên với Ỷ Lan nguyên phi xuất thân nghèo hèn. Hoặc nhân vật trung tâm tác phẩm đóng vai trò narrator là anh hề cũng xuất thân vô sản...
    Điều tôi cũng không thích ở bộ tác phẩm này là biến một số nhân vật lịch sử thành phản diện, còn nhân vật chính diện thì tô hồng quá. Ví dụ Thượng Dương thành phản diện trong khi thực ra bà là nạn nhân của Ỷ Lan. Ỷ Lan từng giết 72 hay 99 cung phi theo Thương Dương chứ chẳng hề nhân hậu tha chết cho bà như trong kịch. Hay nhân vật Lê Văn Thịnh hóa hổ cũng thế (ở đây lại thêm cha con Mục Thận là nhân vật chính diện, xuất thân nghèo khổ)...

    ReplyDelete
  2. hôm nay tôi mới đọc cái entry này của bác. Tôi rất thuộc vở chèo này- vì sân khấu truyền thống là cái mà tôi rất mê- một cách tự nhiên, bât chấp lý luận. Tôi thấy bác nói tất cả đều đúng, chỉ có điều, theo tôi, giá trị lớn nhất - về nội dung của cái vở này là ở tính thời sự- hồi ấy ai xem cũng hiểu là Lê VĂn Thịnh tức Lê Dức Thọ- cho nên nhân vật lịch sử bị buộc phải biến dạng- biến chất cho thuận với cailogic riêng của thời điểm kịch xuất hiện.
    Giá trị khác của Vở chèo là ở sự cải biên các làn điệu và lời ca - khá đẹp. Bữa nào rảnh bác nghe lại mà coi, những đoạn tự sự của Ỷ lan có lời ca hay lắm, kể cả đoạn kể hạnh và đọc kệ. Tuyệt vời nhất là những khúc hát của lão hề, nhất là bài ca lão hát trước khi bị chôn sống

    ReplyDelete