Wednesday, May 16, 2007

W. Krivitsky: Tôi từng là mật vụ của Stalin

Đoạn trích sau được dịch từ một phần chương VI của cuốn sách Tôi từng là mật vụ của Stalin của W. Krivitsky, bản tiếng Nga. Đoạn trích này kể về quá trình thẩm vấn Mrachkovsky và có liên quan đến tác phẩm Bóng tối giữa ban ngày của A. Koestler như Koestler tự nhận.


Tôi từng là mật vụ của Stalin

W. Krivitsky

VI. Tại sao họ nhận tội?

[trích]

Mrachkovsky trở thành đảng viên bolshevik từ năm 1905. Anh là con của một nhà cách mạng, bị chính quyền Sa Hoàng đầy đi Sibir. Bản thân anh cũng bị cảnh sát Sa Hoàng bắt nhiều lần. Trong thời gian nội chiến, sau thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mrachkovsky thành lập ở Ural một đội tình nguyện, nổi tiếng với những chiến công đánh tan đội quân của Kolchak. Anh là một anh hùng dân tộc vĩ đại trong thời kỳ Lenin.

Tháng sáu năm 1936. Chuẩn bị cho xử án điển hình lần đầu tiên đã xong. Đã nhận được lời nhận tội của 14 người bị cầm tù. Các nhân vật chính - Zinoviev và Kamenev - đã tập xong vai của mình. Thế nhưng trong nhóm bị chỉ định tế thần này có hai người không chịu nhận tội; Mrachkovsky và bạn chiến đấu của anh Ivan Smirnov, một trong những người thành lập đảng bolshevik, chỉ huy tập đoàn quân số 5 trong thời kỳ nội chiến.

Stalin không muốn bắt đầu phiên tòa mà không có hai người này. Hàng tháng trời họ lâm vào cảnh bị thẩm vấn; họ chịu tất cả phương pháp ba giai đoạn thể xác của OGPU. Thế nhưng họ từ chối ký bản nhận tội. Thủ trưởng OGPU bất ngờ yêu cầu đồng nghiệp của tôi Slutsky tiến hành thẩm vấn Mrachkovsky và "bẻ gãy" con người mà Slutsky cảm thấy kính trọng sâu sắc .

Cả hai chúng tôi đã khóc, khi Slutsky kể cho tôi nghe về trải nghiệm của mình trong vai trò của kẻ ác nghiệt. Tôi kể lại câu chuyện của Slutsky trong mức độ tôi còn nhớ nó.

- Khi tớ bắt đầu cuộc thẩm vấn, tớ cạo râu sạch sẽ. Khi tớ kết thúc, râu ria xồm xoàng, - Slutsky kể lại.

- Cuộc thẩm vấn kéo dài 90 tiếng. Cứ hai tiếng là có điện thoại hỏi từ văn phòng của Stalin. Thư ký của Stalin hỏi: "Thế nào, anh đã bẻ gãy được hắn chưa?"

- Cậu muốn nói là mọi người không rời khỏi phòng trong suốt thời gian đấy? - tôi hỏi lại.

- Không, sau 10 tiếng đầu tiên tớ có ra khỏi phòng một chút, nhưng thế vào chỗ của tớ là thư ký của tớ. Trong suốt cuộc thẩm vấn 90 tiếng Mrachkovsky chẳng được để yên một phút nào. Cảnh vệ hộ tống anh ấy ngay cả khi đi vệ sinh.

Khi anh ấy bước vào phòng của tớ lần đầu tiên, anh đi khập khiễng, cho thấy vết thương ở chân trong thời gian nội chiến. Tớ đưa ghế cho anh. Anh ngồi xuống. Tớ bắt đầu thẩm vấn bằng những lời thế này: "Anh thấy đấy, đồng chí Mrachkovsky, tôi nhận được lệnh thẩm vấn anh". Mrachkovsky đáp lại: "Tôi chẳng có gì để nói. Nói chung tôi không muốn có bất cứ trò chuyện nào với anh. Anh và những người như anh tồi hơn cả hiến binh Sa Hoàng. Nói cho tôi biết, anh có quyền gì thẩm vấn tôi? Anh đã ở đâu trong thời gian cách mạng? Tôi sẽ chẳng nhớ được cái gì đó để lúc nào đó nghe thấy về anh trong những ngày đấu tranh cách mạng". Mrachkovsky nhận thấy hai huân chương Cờ Đỏ trên ngực Slutsky và nói tiếp:

- Những thứ kia trên mặt trận tôi chưa bao giờ thấy, thôi được huân chương, chắc hẳn, anh xoáy chúng.

Slutsky im lặng, anh để tù nhân của mình trút giận. Mrachkovky tiếp tục:

- Anh gọi tôi bằng từ "đồng chí". Chỉ mới hôm qua một người trong số các anh thẩm vấn tôi. Hắn gọi tôi là thằng đểu, đồ phản cách mạng. Thế mà tôi được sinh ra trong nhà tù Sa Hoàng. Bố mẹ tôi chết ở Sibir. Tôi vào đảng từ khi hãy còn là trẻ con.

Lúc này Mrachkovsky đứng dậy và rất nhanh phanh áo của mình để lộ ra những vết sẹo do bị thương trong những cuộc chiến đấu vì chính quyền Soviet.

- Đây là những huân chương của tôi! - Anh ấy kêu lên.

Slutsky tiếp tục im lặng. Anh yêu cầu mang trà đến và mời người tù một cốc trà và những điếu thuốc. Mrachkovsky chộp lấy cốc trà và cái gạt tàn thuốc lá, ném chúng xuống sàn và thét lên:

- Muốn mua tao chăng? Nói cho Stalin biết là tao căm thù nó. Nó là tên phản bội. Chúng dẫn tao đến Molotov, nó cũng muốn mua tao. Tao nhổ vào mặt nó.

Cuối cùng Slutsky bắt đầu nói:

- Không, đồng chí Mrachkovsky, tôi không xoáy các huân chương Cờ Đỏ này. Tôi được chúng ở trong Hồng Quân, trên mặt trận Tashken, nơi tôi chiến đấu dưới sự chỉ huy của anh. Tôi chưa bao giờ coi anh là đồ đểu, và cả ngay lúc này cũng không. Thế nhưng anh lại ở phía đối lập và đấu tranh chống lại đảng? Chắc chắn là vậy. Còn bây giờ đảng trao cho tôi nhiệm vụ thẩm vấn anh. Còn những vết thương ư, anh nhìn đây!

Và Slutsky phanh trần một phần thân mình cho thấy những vết sẹo chiến đấu.

- Chúng cũng từ cuộc nội chiến, - anh nói thêm. Mrachkovsky chăm chú lắng nghe, và sau đó nói:

- Tôi không tin anh. Chứng minh cho tôi xem đi.

Slutsky bảo mang lý lịch chính thức của mình từ kho lưu trữ của OGPU đến. Anh đọc nó cho Mrachkovsky. Sau đó anh nói:

- Tôi vào làm việc ở tòa án cách mạng sau cuộc nội chiến. Sau đó đảng cử tôi sang OGPU. Tôi chỉ thực hiện mệnh lệnh. Nếu đảng ra lệnh cho tôi chết, tôi sẽ chết.

Slutsky đã thực hiện điều này một năm rưỡi sau, khi đó người ta giải thích là anh đã tự tử.

- Không, anh đã tha hóa thành chó săn cảnh sát, thành tay sai mật thám, - Mrachkovsky nói, sau đó chầm chậm tiếp tục: - Dẫu vậy, rõ ràng, người ta vẫn chưa tẩy sạch lương tâm của anh.

Lần đầu tiên Slutsky cảm thấy rằng giữa anh và Mrachkovsky đã lóe ra một chút thông cảm. Anh bắt đầu nói về tình hình đất nước và trên thế giới, về chính quyền soviet, về hiểm họa bên ngoài và bên trong, về sự cần thiết phải cứu nguy cho đảng bằng bất cứ giá nào như một con đường duy nhất để cách mạng tiếp tục.

- Tớ nói với anh ấy, - Slutsky kể, - rằng cá nhân tớ tin rằng anh ấy, Mrachkovsky, không phải là tên phản cách mạng. Tớ lấy từ bàn các bản thú tội của các đồng chí bị cầm tù và đưa cho anh ấy bằng chứng cho thấy họ đã nã một cách hèn hạ như thế nào khi đối lập lại hệ thống soviet.

Trong suốt ba ngày, cả ngày lẫn đêm tớ và anh ấy đã trò chuyện và tranh luận với nhau. Trong suốt thời gian đó Mrachkovsky không có phút nào chợp mắt. Tớ chỉ dành ra được khoảng 3-4 tiếng để ngủ trong suốt thời gian khi chúng tớ đấu tranh với anh ấy.

Mrachkovsky kể cho Slutsky rằng mình đã hai lần bị dẫn từ nhà tù đến gặp Stalin. Lần đầu, anh bị dẫn đến điện Kreml, anh gặp Molotov ở phòng tiếp khách của Stalin. Molotov khuyên Mrachmovsky:

- Anh bây giờ sẽ gặp bác. Hãy cởi mở với bác, Sergey thân mến, đừng giấu giếm gì cả. Nếu không thì chuyện sẽ kết thúc bằng dựa cột đấy.

Stalin giữ Mrachkovsky lại gần hết cả đêm, cố gắng để đạt được từ tù nhân của mình lời từ chối tất cả các quan điểm đối lập. Stalin nói rằng đảng đầy dẫy các phần tử đe dọa sự nghiệp của chủ nghĩa bolshevik. Tất cả các lãnh đạo của đảng cần phải chứng tỏ cho đất nước thấy bằng cách thú nhận rằng chỉ có một con đường duy nhất - con đường của Stalin. Mrachmovsky không chịu và quay trở lại phòng giam.

Lần thứ hai, khi Mrachmovsky bị gọi đến điện Kreml, Stalin đưa ra lời hứa khác với anh nếu anh theo đúng đường lối Stalin.

- Nếu anh hợp tác toàn diện, - Stalin hứa, - thì tôi sẽ gửi anh đến Ural lãnh đạo ngành công nghiệp ở đó. Anh sẽ trở thành giám đốc. Anh sẽ làm những việc lớn.

Mrachmovsky một lần nữa từ chối đề nghị của Stalin. Chính lúc đấy Slutsky được giao nhiệm vụ bẻ gãy Mrachmovsky. Ngày và đêm trôi qua trong tranh luận về vấn đề là chẳng một ai khác ngoài Stalin có thể lãnh đạo đảng bolshevik. Mà Mrachkovsky kiên định tin tưởng vào hệ thống một đảng cầm quyền. Tuy vậy anh ấy đành phải thừa nhận rằng chẳng thể có các nhóm nhỏ trong đảng có thể đủ mạnh để thay đổi bộ máy của đảng từ bên trong hay hạ bệ sự lãnh đạo của Stalin. Không nghi ngờ gì, đất nước đang có những bất mãn sâu sắc, thế nhưng khắc phục nó ngoài hàng ngũ lãnh đạo của đảng đồng nghĩa với kết thúc chế độ mà Mrachkovsky vẫn còn tin tưởng.

Cả người thấm vấn lẫn người bị tù đồng ý với nhau rằng những người bolshevik cần phải phục tùng ý chí của mình, sự nghiệp của mình và tư tưởng của đảng. Họ đồng ý rằng cần phải giữ vững đảng, thậm chí ngay cả khi Stalin yêu cầu những thú nhận sai lầm vì mục đích củng cố chính quyền Soviet.

- Tớ làm cho anh ấy đến mức bắt đầu thổn thức, - Slutsky nói với tôi. - Tớ thổn thức cùng với anh ấy, khi tớ và anh ấy đi đến kết luận rằng tất cả đã hỏng, rằng cái duy nhất có thể làm, đấy là tiến hành một nỗ lực táo bạo ngăn chặn cuộc đấu tranh vô bổ của những lãnh tụ đối lập bất mãn bằng "những bản nhận tội".

Mrachkovsky yêu cầu cho phép anh ấy gặp Ivan Smirnov, bạn chiến đấu gần gũi của mình. Slutsky xuống lệnh dẫn Smirnov từ phòng giam tới, và cuộc gặp gỡ giữa hai người đồng chí diễn ra trong văn phòng của Slutsky. Chúng ta để Slutsky khắc họa cuộc gặp gỡ này:

- Đó là một cảnh đau đớn. Hai người anh hùng của cách mạng ôm nhau. Họ khóc. Mrachkovsky nói với Smirnov: "Ivan Nikitich, chúng mình cho họ cái mà họ muốn đi. Điều này buộc phải làm". Smirnov không đồng ý và trả lời: "Tớ chẳng việc gì phải nhận tội. Tớ chưa bao giờ chống lại chính quyền Soviet. Tớ chưa bao giờ chống lại đảng. Tớ chưa bao giờ là tên khủng bố và tớ chưa bao giờ có ý định giết ai cả".

Mrachkovsky cố gắng thuyết phục Smirnov, nhưng Smirnov không đầu hàng. Trong suốt thời gian đấy họ ôm nhau và thổn thức. Cuối cùng người ta dẫn Smirnov đi.

- Mrachmovsky một lần nữa trở nên bướng bỉnh và bực tức, - Slutsky tiếp tục. - Anh ấy lại bắt đầu gọi Stalin là tên phản bội. Thế nhưng đến cuối ngày thứ tư anh ấy ký vào tờ nhận tội trọn vẹn, được làm cho anh ấy trong các bước xét xử. Tớ đi về nhà. Cả tuần lễ tớ không thể làm việc nổi, cảm thấy rằng mình không thể sống tiếp.

Cũng cần nói thêm rằng sau khi Mrachkovsky đưa bản thú tội của mình cho OGPU, Ivan Smirnov làm theo lời khuyên của người đồng chí của mình và bị đánh gục. Tuy thế trong buổi xét xử công khai đầu tiên Smirnov có vài cố gắng phản cung lại bản nhận tội của mình, nhưng công tố viên đều chặn đứng những cố gắng đấy.


Chú thích của người dịch:

Walter Krivitsky, tên thật là Samuel Ginsberg, là một nhà tình báo Soviet và bỏ chạy sang phương Tây trước Thế chiến thứ hai. Tôi từng là mật vụ của Stalin được viết khi Krivitsky ở Mỹ và xuất bản năm 1939 (theo Britannica online, mục Stalin, additional reading).

Mrachkovsky bị xử án trong phiên tòa thường được gọi bằng tên "phiên tòa Maxcova" đầu tiên hay "phiên tòa mười sáu người", diễn ra từ ngày 19 tháng 8 đến 24 tháng 8 năm 1936. Họ bị kết tội thành lập tổ chức khủng bố với mục đích ám sát Stalin và các lãnh đạo chính quyền Soviet khác. Họ đều bị kết án tử hình.

OGPU: Liên hiệp Cục Chính trị Quốc gia, tiền thân của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) sau này.

Các phương pháp thẩm vấn của OGPU: phương pháp tra tấn, phương pháp bóp méo sự thật với sự giúp đỡ của các nhân chứng giả tự tạo, phương pháp đàn phán giữa điện Kreml và nạn nhân. Hệ thống liên hoàn ba giai đoạn thẩm vấn bắt đầu bằng giai đoạn tra tấn và sau đó chuyển sang giai đoạn hoàn toàn ngược lại.

1 comment:

  1. Nhờ bạn chỉ giúp có thể đọc được bản dịch đầy đủ của tác phẩm này ở đâu không?

    ReplyDelete