Saturday, April 21, 2007

Xem phim: Hoàng kim giáp

Tên phim: Mãn thành tận đái hoàng kim giáp
Đạo diễn: Trương Nghệ Mưu
Diễn viên: Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, Chu Kiệt Luân, Lưu Diệp ...


Đãi đáo thu lai cửu nguyệt bát
Ngã hoa khai hậu bách hoa sát
Xung thiên hương trận thấu Trường An
Mãn thành tận đái hoàng kim giáp
Hoàng Sào

Trùng cửu thu sang đợi sát ngày
Hoa ta nở giết vạn hoa bay
Trường An hương đẫm xông trời thẳm
Khắp chốn hoàng kim giáp trụ đầy
(Đông A dịch)

Câu thơ của Hoàng Sào "Mãn thành tận đái hoàng kim giáp" trong bài "Bất đệ hậu phú cúc" (Viết về hoa cúc sau khi thi hỏng) được Trương Nghệ Mưu lựa chọn làm nhan đề cho bộ phim. Tên bộ phim như vậy hơi dài tuy nó mang một tứ thơ. Tứ thơ của Hoàng Sào, tứ thơ báo trước một cuộc khởi nghĩa sẽ làm khuynh đảo đất nước, tứ thơ về tiết Trùng Cửu, về mùa thu, hoa cúc. Tiết Trùng Cửu ở Trung Quốc là ngày lễ về đoàn tụ gia đình. Một nhan đề phim như vậy hẳn sẽ phần nào mang hàm ý của bộ phim.

Hoàng kim giáp được xây dựng dựa trên cốt truyện vở kịch Lôi vũ của Tào Ngu. Có thể thấy một song ánh rõ ràng giữa Hoàng kim giápLôi vũ: vị hoàng đế chính là Chu Phác Viên, hoàng hậu chính là Phồn Y, thái tử Nguyên Tường chính là Chu Bình, nhị hoàng tử Nguyên Kiệt chính là Chu Xung, Tưởng thái y chính là Lỗ Quý, Tưởng thị chính là Thị Bình và Tưởng Thiền chính là Lỗ Tứ Phượng. Chỉ có Lỗ Đại Hải trong Lôi vũ là không có mặt trong phim và thay thế vào đó là tiểu hoàng tử Nguyên Thành. Quan hệ tình yêu phức hợp giữa Phồn Y - Chu Bình và Chu Bình - Tứ Phượng - Chu Xung trong Lôi vũ giờ được giản lược thành quan hệ tình yêu tay ba giữa hoàng hậu - thái tử - cung nữ. Như vậy Trương Nghệ Mưu đã bê gần như nguyên xi Lôi vũ vào bối cảnh nhà Đường trong một hoàng cung. Những bi kịch trong gia đình họ Chu ở đầu thế kỷ 20 được đẩy về hơn mười thế kỷ trước vào một hoàng gia. Tấn bi kịch Lôi vũ giờ đây được khoác chiếc áo cổ trang của một triều đại. Tuy vậy trong Lôi vũ nhân vật Chu Xung tương đối mờ nhạt và cái chết của Tứ Phượng và Chu Xung là do dàn dựng, không phải do những diễn biến của vở kịch thúc đẩy. Trong Hoàng kim giáp, nhân vật Nguyên Kiệt tương đối rõ nét, và nhân vật hoàng đế mang tất cả tính độc đoán và là tác nhân tạo ra tất cả những cái chết trong bộ phim. Có thể nói ở Hoàng kim giáp bi kịch được đẩy tới đỉnh điểm và là điều tất yếu phải xảy ra theo diễn biến của cốt truyện. Về mặt này tính bi kịch của Hoàng kim giáp được xử lý tốt hơn so với Lôi vũ.

Vậy Hoàng kim giáp chỉ là một bi kịch thuần túy hay còn có chứa những hàm ý chính trị? Điều này tùy thuộc vào từng người xem. Nhưng có thể thấy rõ ràng là vị hoàng đế sẵn sàng hy sinh tất cả để giữ vững quyền lực và trật tự. Phải chăng đây chính là thông điệp chính trị của bộ phim được sản sinh ra từ một nền "văn hóa ăn thịt người"?

Hoàng kim giáp tiếp tục là một "tái lai" giữa Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi, hai ngôi sao sáng chói trên bầu trời điện ảnh Trung Quốc. Củng Lợi vẫn luôn khẳng định mình bằng những diễn xuất của một ngôi sao thượng hạng. Bộ phim hoành tráng với những cảnh quay đầy màu sắc. Lần đầu tiên khán giả sẽ thấy những cấu trúc của một hoàng cung khác với những hoàng cung Trung Hoa truyền thống thường thấy. Hoàng cung trong Hoàng kim giáp tương đối bó hẹp, khép kín và mang màu sắc kịch. Nhưng nói chung ở Hoàng kim giáp không thấy có những sáng tạo đột phá hay mới mẻ trong dàn dựng và diễn xuất.

5 comments:

  1. Phim đẹp & very sexy, có điều xem thấy sợ quá bác ơi, thấy mọi người hãm hại nhau suốt

    ReplyDelete
  2. Cháu đã được xem phim này một lần, nay được đọc bài này, thấy hiểu thêm nhiều điều. Rất cảm ơn bác!
    Phim hoành tráng quá, phục trang quá đẹp! Nhưng xem xong thấy quá nhột vì cảnh chém giết, bạ đâu giết đấy! Liệu phim Hoàng kim giáp có kiểu ăn theo mô-tip Juliet-Romeo hay dính dáng đến mô-tip kiểu này không bác?

    ReplyDelete
  3. Tôi không nghĩ Hoàng kim giáp có motive Romeo-Juniet. Nhưng tất nhiên đây là một bi kịch.

    ReplyDelete
  4. Anh sao biết được mấy chuyện này vậy ;) siêu quá :D. Em xem phim này chỉ ấn tượng cảnh chém giết thôi :D, chém giết nhìn đã thật ^_^

    ReplyDelete
  5. Nếu là bi kịch, thì em thấy phim Dạ Yến (The Banquet) hay hơn. Dị ứng với cảnh chém giết (hoành tráng thật, nhưng cảnh chét giết trong phim chiến tranh của phương Tây đỡ man rợ, lạnh lùng hơn).

    ReplyDelete