Thursday, April 12, 2007

Đọc sách: Con nhân mã ở trong vườn của Scliar

Tên sách: Con nhân mã ở trong vườn
Tác giả: Moacyr Scliar
Dịch giả: Trịnh Lữ
Nhà xuất bản: Nhã Nam và Văn học (2006)


Khi hiện thực và phi thực là một hiện thực


Đây là cuốn truyện của Scliar đầu tiên mà tôi được đọc. Thật bất ngờ, Scliar đã mở ra trước mắt tôi một thế giới thực mà phi thực nhưng lại tràn đầy hiện thực. Tôi không khỏi nhớ tới tinh thần Bát Nhã Ba La Mật: thực - không phải là thực - cho nên gọi là thực. Tôi không muốn gọi đó là "hiện thực kỳ ảo" như các nhà nghiên cứu văn học thường gọi tên. Tôi gọi đó là Phục Hưng, là quay trở lại với những con người cổ xưa, khi hiện thực và phi hiện thực không có ranh giới phân biệt, khi trí tưởng tượng của con người không có lằn ranh biên giới tách ra khỏi hiện thực khách quan, khi con người và vạn vật đồng nhất thành một thể. Đó là quay trở về với những huyền thoại, những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện hoang đường. Đó là quay trở về thưở đỉnh Olympus còn ngự trị ở ngay giữa buôn làng. Đó là quay trở về với ý tưởng của Sọ Dừa, Tấm Cám, của Đam San, Xin Nhã. Lịch sử tiểu thuyết có những bước đi thật kỳ lạ. Từ khi Don Quixote xé toạc bức rèm kỳ ảo được dệt bằng các truyền thuyết, huyền thoại, tiểu thuyết bước vào một thời đại mới, Thời Hiện Đại, như Milan Kundera từng nhận xét. Cái thế giới mà Don Quixote bước vào tuy có thể lạ lẫm và nực cười, nhưng vẫn là một thế giới thực, một thế giới được cảm nhận trực tiếp bằng những giác quan của con người. Cái thế giới đó không có chỗ cho những hiện hữu của tưởng tượng vô biên. Ở đó không thể có cuộc tình giữa Odysseus và Calypso, cuộc tình giữa một con người và một vị thần. Ở đó chỉ có thể có tình yêu giữa con người với con người như giữa Odysseus và Penelope. Thời Hiện Đại đã đẩy nàng tiên cá, bà chúa tuyết về thế giới trẻ thơ hay thế giới của các câu chuyện cổ tích, cái thế giới không có tí gì chung với con người Thời Hiện Đại. Nhưng cũng chính tại Thời Hiện Đại này tiểu thuyết tìm về những ý tưởng kỳ ảo cổ xưa tưởng như đã mất, đã lụi tàn. Tuy tìm về những ý tưởng cổ xưa đó, tiểu thuyết Thời Hiện Đại không mất đi bản chất Thời Hiện Đại của mình, mà trái lại càng làm nổi bật hơn tính chất Thời Hiện Đại xuyên qua những hình tượng hay ẩn dụ vốn thuộc về trí tưởng tượng vô biên của thời đại cổ xưa đã không còn nữa. Con người Thời Hiện Đại và những tưởng tượng cổ xưa đấy có thể song hành trong cuộc đời thực không? Chỉ có tiểu thuyết mới có thể làm được công việc này, mới đưa ra được các tình thế nhân sinh vừa thực vừa phi thực để phát lộ những bản chất hiện thực của Thời Hiện Đại. Con nhân mã ở trong vườn là một tiểu thuyết như vậy.

Guedali Tartakowsky, nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, sinh ra trong một gia đình Do Thái di cư từ Nga dưới hình hài một con nhân mã. Con nhân mã, đã không còn là con nhân mã của cái thưở các vị thần trên đỉnh Olympus còn đi về giữa chốn nhân gian, mà là con nhân mã của Thời Hiện Đại, một hiện hữu với bản chất con người bên cạnh một hình hài không phải con người. Một nội dung và hình thức đầy mâu thuẫn và trái ngược nhau. Một khao khát xóa bỏ hình thức vốn thuộc về bản chất của mình để hòa đồng với môi trường xung quanh, để rồi lại thất vọng và ước mơ có lại cái hình hài mà mình đã cố công xóa bỏ. Đó không phải chỉ là tình trạng lưỡng nan của riêng người Do Thái nhập cư, mà là tình thế nhân sinh của con người Thời Hiện Đại. Hòa và đồng là hai mặt hiện sinh của Thời Hiện Đại. Một triết thuyết Á Đông cổ xưa cho rằng "hòa nhi bất đồng", hòa nhập nhưng vẫn giữ bản sắc riêng, không đồng nhất. Guedali lúc ban đầu cũng muốn hòa nhập với cộng đồng mà vẫn mang hình hài của con nhân mã. Một thất bại đắng cay vì cộng đồng không thể hòa với cái bất đồng. Vấn đề hòa - đồng không còn phải chỉ là vấn đề từ một phía cá nhân, mà còn có cả vấn đề của phía ngược lại, từ cộng đồng tới cá nhân. Cộng đồng luôn tìm cách loại bỏ những yếu tố dị biệt, có nguy cơ làm tan rã tính bền vững và ổn định của nó. Thời Hiện Đại mang đến cho mỗi con người và cộng đồng xung quanh nó những mâu thuẫn không thể giải quyết được, từ mâu thuẫn nội tại của mỗi cá thể đến mâu thuẫn giữa cá thể và cộng đồng. Con nhân mã là một ẩn dụ cho những mâu thuẫn đó.

3 comments:

  1. Cảm ơn tác giả! Thật tuyệt! Ấn phẩm sách điện tử pdf - Tạp chí Cánh Buồm số 02 [http://blog.360.yahoo.com/tapchicanhbuom] cũng có một bài "Đọc con nhân mã trong vườn" do nhà báo Nguyễn Trâm Anh viết, khá thú vị! Đường dẫn bài viết của Trâm Anh:
    http://blog.360.yahoo.com/blog-0LbNWmIlaaexqFNlNRvh92OzYhshwit4?p=1784.
    Lại một bài điểm sách thú vị về cùng một cuốn sách! Thật tuyệt!

    ReplyDelete
  2. Em đọc chuyện này lúc nó vừa mới in ra ở VN. Ban đầu cầm lên đọc thấy cũng kì kì, giống truyện thần thoại quá ;). Sau khi đọc hết truỵện cảm thấy giống như vừa xem một bộ phim phưu lưu mạo hiểm vậy ... ;). Em kô hiểu nhiều về văn học, nhưng đọc truyện này em rất thích cách viết của tác giả ^_^

    ReplyDelete
  3. Quan điểm của anh rất thuyết phục, nhưng "nâng tầm quan điểm" phát sợ. Đúng là "người suy tưởng".

    ReplyDelete