Friday, February 23, 2007

Svetlana Alexievich: Mê hoặc với cái chết [1]

MÊ HOẶC VỚI CÁI CHẾT
Svetlana Alexievich
LND: Trong lời nói đầu của tác giả, Svetlana Alexievich có dẫn lời của N. Berdiaev về tự tử: "Tự tử như là một hiện tượng cá nhân luôn luôn tồn tại, nhưng đôi khi nó lại trở thành hiện tượng xã hội". Và bà viết thêm: "hiện tượng chính trị nữa". Vâng, những câu chuyện tự tử trong tập "Mê hoặc với cái chết" này không còn là hiện tượng cá nhân đơn lẻ nữa, chúng đã trở thành hiện tượng xã hội và chính trị ở nước Nga thời kỳ hậu Soviet. Ở đấy có đủ mọi lứa tuổi, từ những ông già đến em bé trong tuổi học sinh. Họ có đặc điểm gì chung? Họ từng là những "homo sovieticus".

Đôi khi tôi bất chợt tự hỏi: không biết ở xã hội Việt Nam có hiện tượng tương tự không? Dẫu Việt Nam không phải là nước đồng văn với Liên Xô, nhưng chúng ta từng "đồng tưởng" với họ. Hàng ngày có thể ta bắt ngặp các tin tức về tự tử trên báo chí. Nhưng liệu ta có biết nguyên nhân nào đã dẫn những người tự tử đó đến cái chết. Đó chỉ là các hiện tượng cá nhân hay phức tạp hơn nữa?
Tôi chợt nhớ đến lời đề từ trong tác phẩm "Chuông nguyện hồn ai":
Cái chết mỗi con người làm ta nhỏ bé đi
Ta hoà nhập vào nhân quần rộng lớn
Xin đừng hỏi chuông nguyện hồn ai thế
Chuông nguyện cầu cho chính cả hồn anh.
Các câu chuyện dưới đây được dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

Đông A

1. Câu chuyện với những chiếc xà cạp, sao đỏ và giấc mơ thứ tư của Vera Pavlovna

Vasilia Petrovich N., đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 1920, 87 tuổi.

"Tôi nghĩ là một ngày đẹp để chết. Trời quang đãng. Tuyết. Ai đó bắt đầu tất cả lại từ đầu. Cuộc đời là sân khấu mà mỗi người đều có vai diễn của mình. Sân khấu của tôi đã biến mất. Những người bạn của tôi thưở nào, cùng chung một kỷ niệm, một thời, giờ đây đã hóa thành dĩ vãng, mơ hồ. Tôi không thể phân biệt nổi họ khỏi những cơn mơ. Khỏi những trận mê sảng đêm đêm. Một thời đã kết thúc và bắt đầu một thời khác. Tôi đã ngoài tám mươi từ lâu rồi. Tôi già kinh khủng. Dường như lâm vào tình trạng lão suy - đấy là chỗ giải thoát. Trở nên tự nhiên như những đứa bé, chẳng nhớ gì cả... Không phải, tôi thấy tất cả mọi thứ rõ ràng như lúc rạng đông ...

Các khớp xương đau kinh khủng ... Nhưng những cơn đau này lại giúp hòa dần với cái chết vì chúng làm tôi dửng dưng mọi thứ. Chỉ còn lại một mong ước: tất cả kết thúc nhanh lên, nhất là sau những trận mất ngủ, sau những thống khổ hành hạ và tàn nhẫn do mất ngủ...

Tôi cố ra đi... Tự mình... Thắt lưng tròng vào cổ... Vòng lấy như cà vạt... Thật ra tôi đã lâu không đeo cà vạt. Đeo cà vạt để làm gì, tới nhà ai, nơi bếp núc chứ. Tôi ít góp mặt với mọi người, và giờ đây hoàn toàn không muốn nữa, tôi chẳng biết ai, cả trong khu nhà lẫn ngoài đường. Ông già tôi quen cuối cùng ở lối cầu thang bên cạnh đã chết cách đây năm năm. Tôi đã mất hết chừng ấy người thân, ở cõi đấy tôi có họ nhiều hơn ở cõi này. Tôi nhìn ra ngoài đường, nhìn cuộc đời từ cửa sổ, quan sát. Từ chỗ tôi, tầng ba, tôi có thể nhận ra từng khuôn mặt, từng kiểu đầu. Tôi thấy đàn bà lại bắt đầu để tóc dài, mặc áo da. Đàn bà có mái tóc dài tôi chỉ gặp thời nhỏ và trên phim ảnh. Bà vợ đầu, bà vợ thứ của tôi đều để tóc ngắn, khi đó mọi người đều để tóc ngắn. Những người như vậy đã lâu không còn nữa. Họ ở đâu? Ừ, đúng là tới già tôi lại vô thần bấp bênh như vậy. Tôi muốn... Nhưng người ta không để tôi đi... Tôi nhắm mắt và hiểu là mình lại sống, lồng ngực tôi phập phồng như cái bơm hỏng, nhưng tôi vẫn thở. Các bác sĩ đứng quanh tôi. Họ có thể nói gì với con người mà họ vừa đưa về từ cõi đấy. Cứ như là họ biết họ vừa đưa người từ đâu về. Họ có thể đặt các ống truyền nước, bắt nhịp tim. Cô có nghe thấy, cuộc sống đang chảy vào tôi, trong khi tôi muốn chết. Tuy tôi còn sống, nhưng là sống giữa những người chết... Giữa những người sống, tôi có cảm giác kỳ lạ, cứ như là tôi không đang sống với họ, mà nhìn họ và nhìn mình từ một cõi khác... Thật đáng ngạc nhiên là cô lại đi hỏi chuyện tôi, cứ như là tôi đang sống, chứ không phải là một xác ướp. Chúng ta sử dụng cùng một thứ từ ngữ này nọ, nhưng ý nghĩa lại rút ra khác nhau. Như là qua một bức tường, chúng ta trao đổi với nhau bằng camera... Vậy tôi phải giải thích cho cô thế nào là tôi yêu Đảng suốt cả cuộc đời mình?! Vâng, Đảng là thứ quý giá nhất đời tôi. Đó là say mê của tôi, là tình yêu của tôi. Với say mê như thế, tôi có thể yêu quý chỉ còn ý nghĩ về cái chết. Chết cô độc vì bệnh, vì những cơn đau kinh khủng trong khớp, vì những trận mất ngủ, khi tự trò chuyện với mình. Hay là với những người chết. Họ là những người đối thoại tuyệt vời vì họ luôn im lặng, chỉ lắng nghe thôi. Giữa những người sống, tôi chẳng còn có ai quen biết. Ý nghĩ về cái chết lại một lần nữa hòa nhập tôi với cõi cao hơn nào đó, như trước kia với Đảng. Bảy mươi năm tôi ở trong Đảng. Để làm gì? Bây giờ ai quan tâm nữa?

Tôi cố giữ suy nghĩ mạch lạc, rất quan trọng, để cô hiểu được. Vì thế tôi phải đi thẳng, không vòng vo nữa. Đi thẳng vào vấn đề...Khi tôi tự treo mình vào chiếc thắt lưng...

Con trai tôi sinh vào năm hai mươi bảy. Tên gọi của nó là "Tháng Mười". Để kỷ niệm mười năm Tháng Mười vĩ đại. Sao những ý tưởng như vậy lại xuất hiện chứ? Những ý tưởng cực kỳ trong sáng. Xán lạn. Cả những con người cũng xán lạn. Những người như vậy chẳng bao giờ có nữa. Cách đây không lâu tôi có đọc trong một tờ báo là chúng tôi, thế hệ của chúng tôi, rớt ra khỏi lịch sử, cứ như là chúng tôi chưa từng có vậy. Lỗ hổng thời gian. Mà chúng tôi đã từng có mặt! Đã từng có mặt! Đã từng có mặt! Tại sao đó bỗng nhiên tôi lại nhớ. Trong đám cưới vợ tôi khâu áo cưới bằng vải băng... Tôi bị thương và cũng cuốn toàn băng. Xung quanh là đói, bệnh dịch, thương hàn. Dịch thương hàn quay trở lại, thương hàn não... Đi trên phố - một bà mẹ nằm chết, bên cạnh bà là một chú bé đang lê la và đòi mẹ: "Mẹ ơi, cho con ăn..." Thành phố Orsk vùng Orenbursk... Năm hai mươi mốt...Dù thế nào, tất cả chúng tôi đều hạnh phúc: chúng tôi sống trong thời đại vĩ đại, phục vụ Cách mạng! Điều đó không tuột khỏi trái tim tôi, trí óc tôi.

Nội chiến xảy ra... Tôi thậm chí còn nhớ, người ta đưa cho chúng tôi xà cạp và những ngôi sao đỏ để đeo lên mũ. Mũ thì chưa có, nhưng những ngôi sao đỏ vẫn trao cho chúng tôi. Phục vụ Hồng quân mà không có sao đỏ sao? Chúng tôi được đưa những khẩu súng trường. Và chúng tôi cảm thấy mình đã thành những người bảo vệ Cách mạng. Tôi nhớ những đồng chí của chúng tôi bị giết... Trên trán và trên ngực mỗi người đều bị giựt những ngôi sao đỏ... Hai ngôi sao đỏ... Đó là niềm tin của chúng tôi, là thánh kinh của chúng tôi! Ba mươi năm trước, hai mươi năm trước, mười năm trước. Năm năm trước, và ngay cả một năm trước đây... Tôi không kể cho cô nghe điều này đâu. Tôi cảm thấy là tôi không nhớ điều đấy... Không thể hiểu nổi là tôi thực sự không còn nhớ nữa... Tên sĩ quan Bạch vệ nằm thế nào... Cậu bé con... Trần truồng... Bụng phanh ra, quân hàm đổ ra ngổn ngang... Bụng nhồi đầy quân hàm... Tôi không kể cho cô nghe chuyện này sớm hơn đâu... Có chuyện gì đó xảy ra với trí nhớ của tôi... Tách tách ở đó, tách tách... Cứ như trong máy ảnh đấy... Tôi sắp đi rồi... Khi nhìn vĩnh biệt, không thể nói dối được...Không bao giờ...

Không! Cuộc đời của chúng tôi, đấy dường là một chuyến bay. Những năm đầu tiên của Cách mạng... Những năm tháng tốt nhất đời tôi, những năm tháng đẹp và tuyệt vời. Thêm nữa Lenin còn sống. Tôi không bán Lenin cho ai, với Lenin trong trái tim mình tôi có thể chết. Mọi người đều tin vào Cách mạng thế giới sắp xảy ra, bài hát yêu thích: "Tai ương cho bè lũ tư sản, lửa toàn cầu chúng ta thổi bùng lên"[1]. Tất nhiên, lúc đó có nhiều thơ ngây và buồn cười. Chẳng hạn, chúng tôi coi những người khiêu vũ là tụi tiểu tư sản, lập tòa án xét xử, kỷ luật những đoàn viên komsomol đi dạ nhạc, nhảy van. Có lần tôi làm chủ tọa phiên tòa xử... những người khiêu vũ...Vì những niềm tin mác xít như thế mà tôi không học nhảy, sau đó rất hối tiếc. Chẳng bao giờ tôi được nhảy với những người đàn bà đẹp. Chúng tôi đã tranh luận về những điều gì nhỉ? Về tương lai cộng sản, tương lai đấy như thế nào, có nhanh tới không. Phải qua đúng một trăm năm, chúng tôi cảm thấy lâu quá, quá lâu. Chúng tôi muốn nhanh hơn. Chúng tôi tranh luận cả về tình yêu, đặc biệt về cuốn "Tình yêu ong thợ" của Aleksandra Kollontai [2]. Tác giả bảo vệ tình yêu tự do, có nghĩa là tình yêu không có tình yêu, không có "Anh nhớ mãi những phút giây huyền diệu..." của Pushkin [3]. Chúng tôi cũng phản đối tình yêu theo thiên kiến tư sản, theo bản năng sinh vật, mà người cách mạng chân chính cần phải chiến thắng bản thân mình.Tình yêu chỉ có thể là yêu Cách mạng. Tôi nhớ (qua bao nhiêu năm!) quan điểm của chúng tôi chia làm hai, một ủng hộ tình yêu tự do, nhưng với "anh đào dại" [4], có nghĩa là có cảm xúc, còn quan điểm kia tình yêu không có bất cứ thứ "anh đào dại" nào. Tôi ủng hộ tình yêu với "anh đào dại" để có thể được hôn. Điều đó thật là buồn cười, quỷ thật, sao hôm nay tôi lại nhớ chứ...

À cô nói là chúng tôi đã lâm vào không tưởng. Nhưng chúng tôi tin vào những điều không tưởng đó, chúng tôi bị thôi miên vào chúng, như vào những tia chớp, vào ánh quang Bắc cực... Tôi không thể tìm được so sánh tương đương... Tiếc là tôi đã già thế này... Bây giờ nhìn lại, tất cả không như lúc bấy giờ, cả những từ bây giờ dường như không quen: "Chế độ xưa ta quyết phá sạch tan, Toàn nô lệ cùng đứng lên đi, Nay mai cuộc đời hoàn toàn tươi sáng, Bao nhiêu lợi quyền khắc qua tay mình" [5]. Phá! Bây giờ bỗng nhiên tôi nhớ, tôi thấy: từ dinh thự tan hoang ai đó vứt ra một chiếc piano... Những chú mục đồng chăn bò và dùng gậy nghịch trên chiếc piano đấy... Dinh thự cháy... Ngôi nhà cao màu trắng... Những người già làm dấu thánh giá, còn chúng tôi cười... Nóc vòm vàng từ mái nhà thờ rơi xuống, chúng tôi buộc dây thừng kéo xuống, lăn nó... Chúng tôi cười..."Nay mai cuộc đời hoàn toàn tươi sáng..." Chúng tôi i tờ, thiếu ăn. Nhưng trẻ! Dễ tìm được những người lý tưởng, mộng mơ trong chúng tôi. Chúng tôi mơ trong máu, máu của mình và máu của những người khác. Những vần thơ yêu thích: "Với trái tim thôi học yêu đương, đã mệt mỏi căm hờn thù ghét" [6], "... việc vững chắc, khi máu tuôn ở dưới..." [7] Máu và mơ đã hòa với nhau bằng cách nào đấy không thể hình dung được. Đơn giản là con người không còn nữa, chỉ có tư bản, địa chủ, người nghèo, vô sản, đế quốc, tư sản. Chúng tôi thương tiếc những người bị giết nếu đó là người vô sản. Nhưng cứ như là nhân tiện thương tiếc trong hành trình, trong lúc hành quân. Như là một nhà thơ viết: "... đội quân không nhận ra, một chiến sĩ đã mất, và bài hát "Trái táo", còn hát đến tận cùng." [8] Không một giọt nước mắt, không một lời chia buồn nếu đó là địa chủ, tư sản. Không thể giải thích nổi! Gần đây tôi tìm thấy câu nói của Aeschylus hay của Euripides thì phải "Con người không thể sống nếu Trời không tặng họ món quà lãng quên" [9]. Món quà này đã bỏ tôi. Chợt nhiên tôi tự đặt cho mình câu hỏi (thế mà trước đây chưa bao giờ tôi hỏi): tại sao tôi không thương xót cậu bé với bụng phanh ra nhồi đầy quân hàm mạ vàng? Thì đấy là bạch vệ, con lũ tư sản... Nhưng dù sao thì đấy cũng như anh... Cậu bé... Không, theo luật logic, theo luật tự nhiên không thể luận tội chúng tôi. Chỉ có thể luận tội chúng tôi theo luật tôn giáo. Nhưng mà tôi không phải là người tin vào tôn giáo.

Ngay ngày hôm qua tôi còn muốn hỏi: chẳng lẽ cô thực sự quan tâm tới lão già khùng này mà ngay cả lúa mỳ còn không tỏa mùi. Tôi luôn xúc động mùi lúa mỳ chín, mà bây giờ cả nó cũng không có mùi nữa. Như nước vậy. Tôi sống lâu hơn tất cả... Tôi sống lâu hơn cả con trai của mình... Chứng mất ngủ hành hạ tôi... Cả tách tách trong đầu nữa... Nhưng tôi phải đi thẳng tới vấn đề... Không vòng vo nữa...

Cách đây không lâu, khi tôi ra đường. Năm ngoái... Tất nhiên mang theo gậy. Lúc nào đó còn gần, tất cả có hai khu phố, mà giờ đây cả giờ lê bước. Tôi sợ len lên tàu điện, ở đó toàn người là người, còn ở đây chỉ có mình tôi, mệt chút thì dựa lưng vào cửa kính như đang suy nghĩ, đứng và thở vậy. Tôi không thích khi người ta nhắc đến tuổi già của tôi. Tôi già kinh khủng. Tôi muốn tin chắc là Lenin vẫn đứng ở đó, trên quảng trường, nơi ông luôn đứng đấy. Trông thấy ông từ đằng xa, trước tiên cánh tay giơ lên, sau đấy là cả thân hình. Lễ đài bên cạnh đã lâu không còn nữa, mà trước kia nó vẫn ở đó ngay sau bức tượng, ngày lễ người ta mang hoa tới đấy, treo những dải băng đỏ. Luôn luôn có hoa bên cạnh Lenin. Tôi không nhìn thấy hoa nữa, thậm chí là hoa khô héo. Giá như tôi có sức hơn, tôi mang hoa đến cho Lenin. Nhưng mà tôi không biết, bây giờ cửa hàng hoa ở đâu, tôi nhất định mua những bông cẩm chướng đỏ. Ngày nay người ta không thích những bông hoa màu đỏ, cả những thứ màu đỏ, tôi không chắc là người ta còn trồng cẩm chướng đỏ nữa không?

Tôi chẳng còn gì, ngoài Lenin. Nếu các người tước bỏ niềm tin Lenin của tôi thì tôi còn gì nữa? Còn gì nữa từ cuộc đời của tôi? Từ thời tuổi trẻ của tôi? Tất cả tài sản của tôi, chiếc giường sắt này tôi mua nó khoảng bốn mươi năm trước, tôi nhớ, là ngay sau chiến tranh, cả bàn viết và sách nữa. Xem xem, chúng cũ kỹ như tôi vậy. Tôi không gom góp đồ đạc, chẳng có thứ gì thích hợp tôi nghĩ được. Đầu tiên là chiến đấu vì tương lai xán lạn, sau đó là xây dựng tương lai đó. Ai mua sắm những thứ thừa thãi trên bãi chiến trường hay trên công trường xây dựng chứ? Cuộc sống hoàn toàn khác. Cuộc sống của chúng tôi. Tôi hiểu là tôi chẳng có một bằng chứng nào cả, ngoài ký ức thôi. Thế nhưng chúng phi vật thể... Chúng từ miền huyễn hoặc...

... Tất cả chúng tôi đều i tờ, thiếu mặc. Nhưng ngày thứ bảy cộng sản, chỗ chúng tôi, cả thành phố tham gia, ngay cả giữa mùa đông, nhiệt độ âm hai ba mươi độ. Vợ tôi chỉ có áo khoác mùa thu. Chúng tôi chở than, đẩy những xe kéo, vác bao bố. Bà ấy đang có mang. Một cô gái không quen, cùng làm với chúng tôi, hỏi vợ tôi:
- Cô mặc áo mỏng thế. Cô không có áo ấm hơn à?
- Ừ, cô không có
- Cô biết không, cháu có hai cái áo. Một cái palto hãy còn tốt và một cái còn mới cháu nhận từ hội chữ thập đỏ. Cô cho cháu địa chỉ, buổi chiều cháu mang đến cho.

Và buổi chiều cô ấy mang tới chỗ chúng tôi chiếc áo palto, không phải chiếc cũ, mà là chiếc mới. Cô ấy không quen chúng tôi, cô ấy lần đầu tiên thấy chúng tôi. Chỉ thế này là đủ: chúng tôi là đảng viên và cô ấy cũng là đảng viên. Chúng tôi đối với nhau như anh chị em ruột. Trong tòa nhà của chúng tôi có một cô gái mù sống, mù từ nhỏ, và cô ấy khóc đòi chúng tôi dẫn đi tham gia thứ bảy cộng sản. Tất cả đã chết rồi... Thế hệ bolshevik đang nằm dưới những phiến đá... Và trên những phiến đá đó khắc dòng chữ: đảng viên bolshevik từ năm ... Cô ra ngoài nghĩa trang cũ ở chỗ chúng ta ở Leningrad (đối với tôi thành phố của tôi mãi là thành phố của Lenin, không phải của Tsa Pie), ở Matxcva... Anh vào đảng từ năm nào? Điều này rất quan trọng ngay cả sau khi chết: anh có niềm tin ra sao?

Tôi chợt nhớ một chuyện cười. Chuyện cười những năm đó... Ga đường sắt. Những đám đông. Một người mặc áo da ra sức tìm ai đó. Anh ta tìm ra. Anh ấy lại gần một người khác mặc áo da:
- Đồng chí, anh có phải là đảng viên?
- Tôi là đảng viên
Thì thầm:
- Vậy chỉ cho tôi: nhà vệ sinh ở đâu đi
Ồ tôi hâm quá... Tôi kể chuyện gì vậy? Tôi mệt quá... (Im lặng hồi lâu)

...Người bolshevik đầu tiên tôi được nghe là ở làng tôi. Anh sinh viên trẻ trong áo ca pốt lính. Anh ấy phát biểu cạnh nhà thờ, trên quảng trường:
- Bây giờ một số người đi giầy ủng, còn những người khác thì đi dép cỏ, khi có chính quyền Soviet, tất cả mọi người sẽ như nhau.
- Thế chính quyền Soviet là cái gì vậy? - Những người đàn ông gào lên.
- Đó là thời đại tuyệt vời, khi đó vợ các anh sẽ mặc váy lụa, đi giày cao gót. Sẽ không còn kẻ giàu người nghèo. Tất cả mọi người đều như nhau. Tất cả sẽ sung sướng.

Mẹ tôi sẽ mặc váy lụa... Chị tôi sẽ đi giày cao gót... Chẳng lẽ giấc mơ này không đáng yêu sao? Những người nghèo, bần cùng đi theo bolshevik. Họ đông hơn.

Cô quan tâm chuyện đó không? Vậy nghe tiếp nhé.

Năm sau, lần đầu tiên tôi thấy Hồng quân. Vào năm mười tám. Đội lương thực thực phẩm tới làng chúng tôi, thu lúa mì của địa chủ. Địa chủ không chịu trao lúa mì, đem giấu và đốt cháy. Tôi đã là đoàn viên komxomol. Các anh ấy bảo tôi: Hồng quân đang đói, chính quyền Soviet đang đói, Lenin đang đói, em phải giúp. Tôi mới mười năm tuổi. Tôi hoàn toàn tin tưởng! Buổi tối chúng tôi theo dõi, kẻ càng giàu càng cẩn thận. Nhưng tôi phát hiện ra, hàng xóm của chúng tôi, chú Semen đốt lúa mì ở trong rừng. Sáng hôm sau chúng tôi tìm ra nơi đấy, mặt đất còn ấm... Các hạt lúa mì cháy tỏa mùi... Họ đưa chú Semen tới... Anh đội trưởng ra lệnh:
- Lập pháp đài
Chẳng ai hiểu từ này. Các anh ấy giải thích là tòa án khẩn cấp. Pháp đài lương thực thực phẩm - xét xử vụ che giấu bánh mì ác ý trong thời kỳ khó khăn của chính quyền Soviet. Kết án: xử bắn. Buổi chiều các anh ấy giải chú Semen vào rừng trên chiếc xe ngựa và bắn chú ấy. Đúng ở chỗ lúa mì còn tỏa mùi.

Tôi rất sợ. Trước đấy tôi chưa thấy người ta bắn người... Nhưng Hồng quân đang đói. Lenin đang đói... Tôi chỉ là cậu bé...

Đội luơng thực thực phẩm ra đi, và bố tôi đuổi tôi ra khỏi nhà:
- Cút đi! Đừng để tao thấy mày nữa. Đi khỏi cái làng này. Quân giết người! Cả tất chúng tao sẽ bị giết vì mày thôi.

Tôi ra khỏi làng, qua nghĩa địa, nơi chú Semen nằm... Nạn nhân đầu tiên của tôi, tôi đem hiến dâng cho Cách mạng, tôi khóc những giọt nước mắt trẻ thơ. Nhưng mẹ tôi sẽ mặc váy lụa... Chị tôi sẽ đi giày cao gót... Không phải chỉ mình họ, mà tất cả mọi người đều hạnh phúc...

Tách ... tách... Đôi khi tôi cảm thấy, đầu tôi nổ tung ra. Hay là đã đứt phim. Bỗng nhiên tôi chẳng nhớ gì. Hay là tôi bắt đầu nhớ ra những thứ mà tôi chưa bao giờ nhớ ra. Không nhớ nổi. Lúc đó những hình ảnh cứ quay cuồng như là trên những tấm phim hỏng. Những thước phim câm. Không có tiếng. Chỉ có những con mắt và khuôn mặt người. Thường thường như những con ngựa nhảy cẫng... Nhảy cẫng như thể trái tim vỡ ra đâu đây... Cho đến khi không mở mắt... Khi bà vợ thứ của tôi mất, tôi biết là tôi chẳng còn ai ngoài chính bản thân tôi. Tôi tự là bạn của mình, tự là tòa án xử mình, tự là kẻ thù của mình.

Thì tôi tin! Tôi tin! Tôi rất tin tưởng! Chúng tôi là những người cuồng tín Cách mạng, thế hệ của tôi. Thế hệ đáng khâm phục của tôi! Chỉ còn những đêm mất ngủ... Không, tôi khâm phục thế hệ của mình, khâm phục sự cuồng tín của họ. Ai có thể chết? Chỉ những người chuẩn bị tới cái chết. Nếu không có sự cuồng tín của chúng tôi, chúng ta có còn không? Dừng lại! Đôi khi tôi chợt nghĩ là tôi không nói chuyện với chính mình, mà suốt cả thời gian phát biểu trước ai đó, khi đấy tôi tự nhủ: "Nào cút xuống diễn đàn đi!" Có lẽ, bây giờ tôi cũng cần rời khỏi diễn đàn? Phải vậy ha?!

Đừng đòi hỏi tôi logic. Tôi yêu Cách mạng. Lý tưởng đẹp làm sao: mọi người đều là anh em, tất cả sẽ như nhau. Chúng ta cùng nhau làm việc, tất cả sẽ chia đều. Lý tưởng vĩnh cửu! Bất tử! Không có điều gì trên thế giới này có thể nghĩ ra đẹp hơn thế từ thưở đấy, như con người lột xác vậy. Những thứ bây giờ chửi rủa như chủ nghĩa xã hội chẳng có quan hệ gì với lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Con người chưa sẵn sàng tới đó, họ vẫn còn chưa hoàn thiện. Mà chúng tôi là những người lý tưởng. Chứng mất ngủ của tôi... Tôi chợp mắt tới sáng... Giấc mơ... Đứa bé giờ đã lớn, nặng nề... Tôi ẵm nó trên tay... Và tôi hạnh phúc... Tôi ngắm khuôn mặt nó cận kề, như đức mẹ nhìn vào mắt hài đồng của mình trên những bức icon: tôi ẵm chú Semen... Tôi cảm thấy tôi hét lên... Trong mơ tôi luôn hét không có tiếng, như trong trận đánh... Trước trận đánh... Tự bản thân mình không nghe thấy... Tôi còn chiến cờ shashki nữa, tôi lấy ở một tên codac chết. Bây giờ, thế kỷ vũ trụ, người ta viết chiến tranh các vì sao. Và cô có muốn hiểu tôi không? Lúc nào đó Lev Nikolaievich Tolstoi ngẫm nghĩ viết tiểu thuyết về thời đại Pie đệ nhất. Nhưng tôi vứt đi. Và tôi giải thích điều đó là nhà văn đã không hiểu tâm hồn những người thời đấy .

Có thể, cuộc đời của tôi sẽ có ý nghĩa sau khi chết? Khi đó chân dung sẽ hoàn thiện xong ư?!

Cô nghĩ là tôi ngay lập tức tròng thắt lưng vào cổ... Vào thòng lọng... Không, tôi đã thử cố sống. Tôi tới câu lạc bộ hội cựu chiến binh, như người ta nói là chạy trốn thời gian. Ở đó và thật là thời gian ngừng lại, ở đó tất cả sống trong quá khứ, không có một điều gì khác ở bất cứ ai. Tôi có những đứa cháu đã lớn, nhiều người ở đó không có cả cháu. Đặc biệt ở đó có nhiều phụ nữ. Có người muốn lấy tôi....(Cười) Nếu mà trong nhà lại lần nữa tỏa mùi bánh nướng, ai đấy ngồi bên TV đan lát, tôi có thể lấy. Nhưng ở đó (điều này buồn quá) chẳng có một người phụ nữ nào thích nướng bánh cả. Họ phục vụ cách mạng, đất nước, họ chưa bao giờ sinh con, nấu súp, nướng bánh. Tại sao tôi lại buồn cười? Tôi cũng như vậy thôi. Về già tôi khó tính, tôi chẳng thích gì cả, chẳng cái gì hấp dẫn tôi. Một hai lần đi câu, rồi bỏ. Tôi thích chơi cờ từ nhỏ, vì Lenin thích chơi cờ. Tôi chẳng có ai chơi cờ. Có lẽ nên ở lại ở đấy, ở đấy mọi người đều chơi cờ. Tôi chạy trốn... Tôi muốn chết ở nhà... Liệu tôi có thể cho phép mình trong suốt cả cuộc đời một lần xa xỉ duy nhất là chết ở nhà không?!

Trước tiên tôi là người leninist, sau đó là stalinist. Đến năm ba mươi bảy tôi vẫn là người stalinist. Tôi đã tin Stalin, tin tất cả mọi thứ Stalin nói và làm. Vâng, đấy là con người thiên tài vĩ đại nhất... Lãnh tụ của mọi thời đại và của mọi dân tộc... Bây giờ tự tôi cũng không biết tại sao tôi đã tin đến thế? Stalin, điều không thể giải thích nổi, và chẳng cũng ai hiểu nổi. Cả các cô lẫn chúng tôi. Stalin ra lệnh: đi đi và bắn! Tôi tuân theo. Người nói: đi đi và bắt! Tôi cũng tuân theo. Khi đấy, thời đấy, tôi sẵn làm mọi thứ người nói. Tra tấn, giết người, tố giác... Đó là điều không giải thích được, Stalin. Mê hoặc, phù thủy! Tới tận bây giờ tôi vẫn phân vân: không lẽ tôi bắt người, tố giác người hay sao?! Hóa ra, đao phủ và nạn nhân cũng chỉ là chính những người chúng tôi. Ai đó tuyển lựa , phân loại chúng tôi... Ở đâu đấy, bên trên...

Tôi mất niềm tin vào Stalin khi Tukhachevsky và Bukharin [10] bị kết tội là kẻ thù của nhân dân. Tôi đã thấy họ. Tôi nhớ khuôn mặt của họ. Kẻ thù không thể có khuôn mặt như thế. Khi đấy tôi suy nghĩ. Đó là khuôn mặt của những con người, không cần phải phân loại, cải tạo, không cần phải loại họ để thế giới con người trở nên trong sạch, như những hạt giống chọn lọc cho tương lai tuyệt vời khó tin. Buổi tối, khi chúng tôi còn lại một mình, vợ tôi, bà ấy là kỹ sư, nói với tôi:
- Có chuyện gì đó khó hiểu xảy ra. Ở nhà máy em các chuyên gia cũ không còn lại ai. Tất cả đã bị bắt. Có thay đổi gì đó.
- Đấy không phải là lỗi của anh với em, chúng ta không bị bắt đi, -tôi trả lời.
Sau đó người ta bắt vợ tôi. Vợ tôi đi xem và không trở về nhà. Tôi về nhà: con tôi ôm con mèo nằm ngủ trên tấm thảm ở lối vào. Nó đợi chờ mẹ và ngủ thiếp đi...

Sau đó vài ngày người ta bắt tôi. Ba tháng ngồi biệt giam, buồng giam, hai bước bề dài, bước rưỡi bề ngang. Tôi làm quen với những con quạ bay đến lỗ cửa bé xíu , cho chúng ăn vụn bánh mì. Từ đấy, quạ là loài chim tôi thích nhất. Trong chiến tranh, khi trận đánh kết thúc... Những loài chim khác không thấy, chỉ toàn quạ bay... Cô không tin nổi đâu khi kể cho cô những cực khổ phải chịu. Chân ghế Viên chọc vào hậu môn?! Bất cứ tờ khai nào mang đến cô cũng ký thôi. Chân ghế Viên chọc vào hậu môn hay dùi đâm bìu... Chẳng xử ai cả... Nikolai Berkhovtsev, tôi gặp anh ấy ở đó, là bạn tôi từ hồi nội chiến, đảng viên từ năm 1924. Một người thông minh! Cực kỳ trí thức, trước Cách mạng anh ấy học ở trường Tổng hợp. Này đây, toàn là người quen. Trong nhóm bạn thân... Ai đó đọc báo thành lời, ở đấy có thông báo là Ban chấp hành TW quyết định vấn đề thụ thai ngựa gỗ. Anh ấy đem ra đùa: ôi, TW hết việc làm hay sao mà lại nghiên cứu chuyện thụ thai ngựa gỗ... Buổi trưa anh ấy nói thế, tới chiều người ta mang anh ấy đi. Từ chỗ hỏi cung anh ấy quay về với hai bàn tay tàn phế. Các ngón tay bị người ta kẹp vào khe cửa và giập cửa lại. Tất cả các ngón tay đều bị gãy như những chiếc bút chì. Người ta đập đầu tôi vào tường.

Nửa năm sau, điều tra viên mới. Chuyện của tôi được xét lại. Và người ta thả tôi ra. Cứ như chơi xổ số vậy: một trăm người chơi, một người thắng, và tất cả tiếp tục chơi. Nhưng lúc đó tôi nghĩ khác: đây này tôi không có tội, người ta đã thả tôi...
- Tớ không ra khỏi đây được đâu- Nikolai Verkhovtsev tạm biệt tôi,-thậm chí cả khi người ta thanh minh cho tớ. Ai thả tớ ra với bộ trạng thế này. Không có ngón tay ư... Không lẽ tớ lại tự mình giấu tay đi hay sao.

Người ta thanh minh cho anh ấy và bắn anh ấy. Hình như do nhầm lẫn.

Tôi tìm thấy con trai tôi ở với những người xa lạ, nó nói lắp và sợ bóng tối. Chúng tôi sống hai người với nhau. Tôi cố tìm hiểu chuyện gì xảy ra với vợ tôi và đòi phục hồi đảng tịch. Chuyện xảy ra với tôi, tôi coi là nhầm lẫn. Cả chuyện xảy ra với Verkhovtsev, với vợ tôi, tôi cũng cho là do nhầm lẫn. Đảng không có lỗi trong những chuyện đó. Đó là niềm tin của chúng tôi, là thánh kinh của chúng tôi! Chúa không thể nhầm lẫn. Chúa sáng suốt anh minh. Tôi tìm nguyên do những chuyện xảy ra trong biển máu đó. Một giáo dân có đứa con nhỏ chết... Anh ta tìm nguyên do khổ đau của mình... Và tìm ra... Anh ta không nguyền rủa Chúa?...

Chiến tranh bắt đầu... Người ta không nhận tôi vào quân đội chính quy, vì vợ tôi là kẻ thù của nhân dân, ở đâu đó trong trại cải tạo. Tôi không có quyền bảo vệ Tổ quốc, người ta không tin tôi. Sự lăng nhục này cũng phải chịu đựng. Nhưng tôi đạt được- đi ra mặt trận. Người ta trả lại danh dự cho tôi vào năm bốn nhăm, khi tôi từ mặt trận trở về sau khi đi đến tận Berlin. Với huy chương và thương tật. Quận ủy gọi tôi lên và trao lại thẻ đảng cho tôi với lời thế này:
- Rất tiếc là chúng tôi không thể trả lại vợ cho đồng chí. Vợ đồng chí đã hy sinh. Nhưng danh dự thì chúng tôi trả lại cho đồng chí...

Cô hình dung xem tôi đã hạnh phúc thế nào! Có lẽ hôm nay không thể không thú nhận điều này, đó là những phút giây hạnh phúc nhất trong đời tôi. Đảng đối với chúng tôi cao hơn tất cả, cao hơn cả tình yêu của chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi. Hạnh phúc được coi là khi tự hiến mình, và mọi người đều sẵn sàng. Tương lai trở nên tuyệt vời luôn ở dưới những khẩu hiệu hy sinh mà bất kỳ ai trong chúng tôi cũng có thể bị yêu cầu bất cứ lúc nào. Xung quanh mọi lúc đều có người hy sinh, nhiều người hy sinh. Chúng tôi đã quen điều này. Vợ tôi hy sinh. Tôi có thể hy sinh...

Vâng vợ tôi... Bà ấy cũng là Đảng viên... Chẳng lẽ tôi có thể cưới một người không theo bolshevik sao? Tôi đoán là tại sao cô lại hỏi tôi điều này. Tôi làm cô thất vọng thôi: tôi yêu vợ tôi, bà vợ đầu tiên của tôi rất đẹp. Nhưng nếu như bà ấy theo Đạo và không vào đoàn komxomol? Tất nhiên tôi có thể không yêu bà. Sao tôi lại hạnh phúc khi vợ tôi hy sinh? Không cần phải xin lỗi, câu hỏi của cô không xúc phạm tôi. Đó thêm một điểm minh chứng nữa là tôi từ một cõi khác, từ hành tinh khác, nếu muốn thì cõi đó đã không còn nữa. Ở đó có những luật lệ của mình. Những thứ cô cho là không bình thường thì ở đó là bình thường. Còn những thứ đối với cô là bình thường, thì ở đó chỉ có kẻ điên mới nói hay thậm chí nghĩ tới.

Cách đây không lâu khi tôi ra ngoài... Không, tôi không nhát, đơn giản là tôi mệt... Tôi xé những tấm ảnh cũ... Chỉ những tấm của bà vợ đầu là tôi không thể xé... Ở đó, chúng tôi hai người, trẻ trung tươi cười... Tôi nhớ tia nắng... Bãi cỏ trong rừng nào đó, tôi ngả đầu trên đùi vợ tôi... trong vòng tay của cô ấy... Tôi nhớ tia nắng.

Người ta phản bội Đảng, phản bội lý tưởng. Tất cả đã biến mất, tôi hiến dâng mình, cuộc đời mình cho gì đây. Ở ngoài đường tín ngưỡng mới thống trị, thị trường: "Tiền! Tiền! Tiền!" Thì có người trở nên giàu, sống phè phỡn, nhưng họ dường như quên mất là để làm gì? Chẳng lẽ cuộc đời cho con người chỉ vì chính cuộc sống như cỏ cây cá mú hay sao? Không, cuộc đời để cho điều gì đó cao cả hơn cuộc sống. Xúc xích và mercedes không bao giờ trở thành mục tiêu cao quý của giấc mơ chói sáng giữa trời xanh. Có lẽ, vì thế mà chúng tôi yêu cái chết. Đúng, chúng tôi yêu cái chết! Tôi hiểu ra điều này cách đây không lâu. Từ một đêm mất ngủ...

Sao cô lại im lặng? Đừng giận lời khiêu khích của tôi... (Chúng tôi cả hai im lặng hồi lâu)

... Cuộc sống của tôi ở đâu? Không lẽ nó chỉ còn có trong trí não yếu ớt của tôi? Đáng sợ quá! Đầu tôi, cái kho duy nhất chứa ký ức của tôi... Nhà bảo tàng! Nhưng tôi chưa bao giờ sống một mình... Cả cuộc đời tôi cùng với tất cả họ xây dựng, chiến đấu. Ngồi trong tù. Tôi chẳng có một chuyên môn nào ngoài niềm tin. Chuyên môn của tôi - tự tin và dạy người khác niềm tin. Tôi không có thời gian để học, ba lớp trường Đạo và trường Đảng... Tôi đã lãnh đạo những nhà máy lớn... Tôi thường chỉ có một, hai áo sơ mi, vài đôi tất, cái quần, còn những thứ khác, để làm gì? Tôi trải qua từ kế hoạch này đến kế hoạch khác, năm năm này đến năm năm khác. Đấy, tòa nhà đầu tiên của nhà máy chúng tôi xây dựng... Cái thứ hai... Đường xe đầu tiên chúng tôi khánh thành... Cái thứ hai... Đấy là kế hoạch mười năm... Chúng bay, cháy rụi... Mùa hè, mùa đông, rất... Như trong vườn hoa nở... Chỉ đến lúc già tôi mới nhìn thấy... Tôi cảm thấy là hơn nửa thế kỷ tôi không ra ngoài công trường xây dựng... Cô nhớ không, Mayakovsky nói: "Tôi nhổ vào những tượng đồng ám bụi. Tôi nhổ vào những phiến nhớt hoa cương. Trọng vinh quang dù sao ta cũng như mọi người. Tượng đài chúng ta chung xây trong chiến đấu vì xã hội chủ nghĩa...?"[11] Đấy là niềm tin của chúng tôi, thánh kinh của chúng tôi!

Tôi chỉ còn những giá trị đó, những giá trị trải nghiệm. Người ta cướp chúng đi...

Tôi từng có một cậu con trai. Nó đã mất từ lâu, con trai Tháng Mười của tôi. Chúng tôi cùng thích bộ phim Chapaev. "Này, Petka, Chapaev thở dài, cậu là người hạnh phúc. Này tớ sắp chết, cậu với Anka sẽ sống dưới chủ nghĩa cộng sản. Không được chết".[12] Con trai tôi không còn nữa. Cháu, chắt... Những người lạ... Ruột thịt mà sao xa lạ... Chúng không để ý tới tôi, như những thứ đồ cũ, hoàn toàn cũ kỹ, bỏ đi. Tôi chẳng đi đâu được nữa. Tôi già quá. Tôi chẳng bảo vệ được cái gì nữa. Thời của tôi đã hết. Thời gian- số phận, người Hy lạp cổ nói...

... Ngôi nhà bằng kính và kim loại, những lầu cung vĩ đại. Vườn chanh và cam giữa những thành phố. Không có người già, con người rất lâu già vì cuộc sống tuyệt vời. Mọi thứ đều do máy móc làm, con người chỉ đi lại và điều khiển máy móc. Cánh đồng phì nhiêu và màu mỡ. Hoa nở như gấm. Tất cả đều hạnh phúc sung sướng. Đàn ông và đàn bà mặc những bộ quần áo đẹp. Họ tạo dựng cuộc sống lao động và tự chủ hưởng thụ. Chẳng lẽ đấy là chúng ta? Chẳng lẽ đấy là đất nước chúng ta? Và tất cả sẽ như thế sống?...[13]

Giấc mơ thứ tư của Vera Pavlovna từ cuốn "Làm gì?" của Nikolai Chenushevsky. Sách giáo khoa của Cách mạng... Chúng tôi đọc thuộc lòng trong các lớp chính trị phổ cập. Như là thơ. Tương lai là tôn giáo của chúng tôi. Tương lai không bao giờ đến gần. Tôi trở thành con tin...

Hàng chục năm không nhìn thấy. Không nhớ. Người ta dùng báng súng, gậy gộc đuổi họ như thế nào. Đuổi vào toa đen lạnh lẽo. Mùa đông. Tuyết. Ở ga dừng tôi mở cửa một toa: trong góc người đàn ông bị treo lên. Bà mẹ lựng đứa con nhỏ trên tay. Đứa lớn hơn ngồi bốc cức của mình ăn... Như ăn cháo...
- Đóng cửa lại!- ông đội trưởng quát- Địa chủ giải đến Koluma đấy. Tẩy sạch. Chúng không xứng đáng cho tương lai. Đóng cửa lại!

Cứ như mơ... Dường như sân ga quen thuộc... Tôi nhớ! Tôi nhớ ga đó tên.... Quên mất rồi...

Buổi sáng trở nên hoàn toàn không chịu nổi... Đau kinh khủng trong khớp... Tôi không thể nhớ cái ga đó tên gì... Điều đó dường kéo dài mãi. Thế thì cái ga đó tên gì? Tôi không thể ngừng nghĩ về nó. Tôi cần phải giải thoát... Tôi tưởng tượng, như điều đó nom có vẻ: ông lão lủng lẳng treo trên tủ quần áo... Đó đã là tôi... Không hay là đứa bé đã nhìn thấy...Nó cứu tôi...Nó kêu ầm lên... Nhưng nó đã nhìn thấy... Bây giờ tôi chuẩn bị gói thuốc ngủ để chết trong mơ. Rất giống nhồi máu cơ tim. Thật ra, ý nghĩ về tội lỗi tự tử đang ám ảnh tôi, nhưng bây giờ tôi mặc kệ cả những điều do dự, dù sao thì tôi cũng vô thần. Tôi mơ về thiên đường, về bầu trời trên mặt đất, quên mất là còn có địa ngục. Nhưng nếu có Chúa đi nữa, Chúa sẽ tha thứ cho tôi. Tôi chân thành... Tôi dằn vặt mình...

Đừng nhân danh tôi... Tôi không chịu được nữa là nó nhìn thấy tôi ở đó... Trên tủ...Trong thòng lọng... Chú bé con mới từ giống của tôi... Từ hạt giống của tôi... Nhưng tôi muốn chết... Nó yêu quí tôi, khi còn nhỏ. Khi lớn lên, nó sẽ căm thù tôi. Khi tôi treo trên tủ, tôi nom khủng khiếp, nhưng lại nực cười. Tôi không muốn lủng lẳng nực cười và lố bịch trong cuộc đời này. Kệ mọi thứ dù bách khoa toàn thư viết về tôi. Tâm hồn tôi không ai ở đây hiểu được..."

Lời tác giả

Từ mẩu thư để lại trước lần tự tử thứ hai đã kết thúc cuộc đời như ông muốn điều đó:

"... Tôi từng là người lính, tôi giết người không chỉ một lần. Tôi giết người nhưng tôi tin là vì tương lai. Không bao giờ tôi nghĩ là mình đành phải bảo vệ quá khứ. Tôi khép lại quá khứ bằng trái tim già cỗi của mình..."


Chú thích của người dịch:

[1] Trích từ trường ca "Mười hai" của A. Blok
[2] A. Kollontai là một nhà Cách mạng bolshevik, một nhà chính trị và ngoại giao trong chính quyền Soviet. Bà đồng thời cũng là nhà văn, nhà tư tưởng. Bà chủ trương giải phóng phụ nữ khỏi trình trạng nô lệ trong hôn nhân, Cách mạng vô sản phải tiến hành trước Cách mạng tình dục, và đề cao tình yêu tự do, tình yêu vượt lên trên bất cứ thứ ràng buộc nào.

[3] Trích bài thơ "Gửi K." của A. Pushkin (bản dịch tiếng Việt của Thúy Toàn)
[4] Tiếng Nga có câu "Tình yêu không có anh đào dại" có nghĩa bóng là tình yêu không có sự lãng mạn, âu yếm.
[5] Trích từ bài hát Quốc tế ca (bản tiếng Việt không rõ dịch giả)
[6] Trích từ bài thơ "Nín đi, nàng thơ dọn và buồn..." của N. Nekrasov
[7] Trích từ bài thơ "Nhà thơ và công dân" của N. Nekrasov
[8] Trích từ bài thơ "Grenada" của M. Svetlov
[9]
Aeschylus và Euripides là hai nhà viết kịch Hy lạp cổ đại. Câu nói này là của Euripides.
[10] M.N. Tukhachevsky là một nhà chỉ huy quân sự trong chính quyền Soviet, và cũng là nạn nhân của Stalin trong chiến dịch thanh trừng nội bộ. Năm 1935 ông trở thành Nguyên soái Hồng quân Liên Xô khi mới có 42 tuổi. Nhưng ông bị bắt vào năm 1937 với tội danh gián điệp quân sự và bị tử hình tại một tòa án bí mật. Năm 1957 ông được nhà nước Liên Xô phục hồi danh dự.
N.I. Bukharin là một nhà cách mạng bolshevik, nhà hoạt động chính trị của nhà nước Liên Xô. Sau khi Lenin mất, năm 1924, Bukharin trở thành ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô và đồng thời giữ cương vị Chủ tịch Quốc tế Cộng sản cho đến năm 1929. Năm 1937 ông bị chính quyền Soviet do Stalin lãnh đạo bắt và tử hình vào năm 1938. Năm 1988 ông được nhà nước Liên Xô phục hồi danh dự.
[11] Trích từ bài thơ "Toàn tiếng nói" của V. Mayakovsky
[12] Trích từ phim "Chapaev" của hai đạo diễn Soviet V. Vasiliev và G. Vasiliev
[13] Trích đoạn từ tiểu thuyết "Làm gì" của N. Chenushevsky

No comments:

Post a Comment