Thursday, October 16, 2008

Bản sonata dành cho một con người tốt

Khi nghe âm nhạc chúng ta nghe thấy gì? Chúng ta có nghe thấy thiện tính trỗi dậy từ cõi lòng sâu thẳm mà bấy lâu nay vẫn chưa rời khỏi con người? Tôi nghĩ về Kundera, về câu chuyện mới xảy ra với ông gần đây. Tôi chợt nhớ bộ phim Cuộc sống của những người khác. Tôi nhớ tới khúc nhạc ngắn ngủi trong phim, khúc nhạc có tên Bản sonata dành cho một con người tốt (Die Sonate vom guten Menschen).

Bản sonata là điểm ngoặt trong cuộc đời của một nhân vật trong bộ phim, viên mật vụ Stasi, đang làm nhiệm vụ theo dõi cuộc sống của một nhà thơ, nhà soạn kịch Đông Đức. Khi đang nghe lén cuộc sống của nhà soạn kịch, viên mật vụ nghe được khúc sonata mà nhà soạn kịch đang chơi. Viên mật vụ sau đấy đã tìm cách bảo vệ nhà soạn kịch thoát khỏi những thô bạo của chính quyền. Người diễn viên đóng vai viên mật vụ đấy đã đóng rất thành công cảnh nghe khúc sonata. Không có lời thoại, chỉ có biểu cảm trên khuôn mặt lạnh không góc cạnh trên nền phông xam xám xanh xanh. Khúc nhạc đã đánh thức thiện tâm của một con người.

Dostroevsky có viết trong tiểu thuyết Thằng ngốc câu nói trở nên rất nổi tiếng của ông: Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới. Trong tiếng Việt câu nói này trở nên dễ cảm nhận. Một cấu trúc câu đơn giản và dễ hiểu. Trong tiểu thuyết câu nói này nguyên được viết như sau:
мир спасет красота. Tôi không biết người Nga cảm nhận câu nói này như thế nào, có trắc trở gì không, nhưng đối với tôi, tôi chỉ hiểu sau khi đã phân tích cú pháp. Ở câu nói này, bổ ngữ (thế giới) được đưa lên đầu câu, chủ ngữ (cái đẹp) bị đưa xuống cuối câu, đứng sau động từ (cứu rỗi). Ngữ pháp tiếng Nga cho phép vị trí các thành phần câu đứng tùy thích bởi vì giữa chúng còn có mối liên hệ ngữ pháp khác. Chủ ngữ (cái đẹp) ở nguyên dạng thức, điểm này cho thấy nó là chủ ngữ (cũng rất may, "cái đẹp" là một từ giống cái (cái đẹp luôn luôn mang tính nữ ngay cả trong ngôn ngữ), nếu như nó là từ giống đực hay giống trung thì đã không biệt được rồi và chỉ còn cách duy nhất là dùng vị trí trong câu xác định). Dostroevsky đã cố tình đảo vị trí bất thường trong một câu viết như vậy. Ông không muốn người ta cảm nhận nó một cách quá nhanh chóng, quá trực tiếp, không cần một giây ngừng lại để suy nghĩ. Cái đẹp có cứu rỗi được thế giới hay không, không phải là một điều hiển ngôn và dễ cảm nhận. Nhưng đối với Dostroevsky đó là một niềm tin và hy vọng, cũng bởi chính vì vậy mà ông đã phải sử dụng động từ "cứu rỗi" ở thể hoàn thành. Động từ ở thể hoàn thành không thể miêu tả hành động đang xảy ra ở hiện tại. Nó chỉ có thể miêu tả một hành động hoặc đã thực sự kết thúc ở quá khứ hoặc sẽ chắc chắn phải xảy ra ở tương lai. Cái tương lai sẽ tới đấy là cái mà ở hiện tại không thể nào biết được, không thể nào tiên nghiệm được, khi nào nó sẽ xảy ra, chỉ biết rằng chắc chắn sẽ đến lúc nó phải xảy ra.

Tôi nghĩ đến tình thế nếu viên mật vụ trong bộ phim không có mỹ cảm âm nhạc thì câu chuyện sẽ ra sao? Đánh mất mỹ cảm là đánh mất con người. Một chút mỹ cảm thôi sẽ đưa con người trở lại con người. Tác giả bộ phim đã xây dựng câu chuyện rất tốt, bởi vì đối với người Đức mỹ cảm âm nhạc sẽ không bao giờ có thể mất được. Dân tộc Đức là một dân tộc được nuôi dưỡng trong âm nhạc.

Tôi nghĩ về những người mật vụ Việt Nam. Họ có mỹ cảm không và có thể hy vọng một chút mỹ cảm còn lại nơi họ không?

Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn ....

[Bản sonata có thể nghe ở đây: http://www.imeem.com/misall/music/QtfLdRfO/gabriel_yared_stphane_moucha_die_sonate_vom_guten_mensche/ ]

5 comments:

  1. Cái đoạn đấy là chơi bản Die sonate vom Guten Menschen mà, đâu phải Appasionata đâu :)

    ReplyDelete
  2. Cũng trong phim này (Cuộc sống của những người khác) có một chi tiết (theo tôi) là khá đắt. Đó là cảnh nhân vật chính (Dreyman), sau khi chơi một đoạn trong Sonate 23 cung Fa thứ của Beethoven (Appasionata) trên cây đàn Piano trong căn hộ của ông đã hỏi người tình của mình (Christa-Maria Sieland) lúc đó đang đứng ngay sau lưng rằng “Không hiểu nếu một người thích bản nhạc này thì có thể là người xấu không?”. Tôi nghĩ (imply) rằng đạo diễn đang có ý ám chỉ V.Lenin. Vì tương truyền rằng Lenin cực kỳ thích bản Sonate này. Ông có thể nghe nó cả ngày mà không biết chán. Không biết tôi có quá suy diễn không? Suy luận của có có lý hay không? What do you think, Đông A?

    ReplyDelete
  3. Ops!! Tôi có nói là chi tiết tôi đề cập ở trên xẩy ra trong cảnh ấy đâu. Mà cũng có lẽ tôi nhầm, vì phim thì xem cũng lâu rồi, không có sẵn ở đây mở ra để check lại, chi tiết đó có thể là ở một cảnh Dreyman nghe bản Appasionata rồi hỏi câu hởi đó cho người tình (mặc dù tôi vẫn nhớ là chính ông ấy chơi bản ấy!hihih). Bạn Apomethe có thể kiểm tra bằng net. Cứ gõ từ khoá “ The lives of the others + Appasionata” là ra ngay mà. Mà trong câu hỏi tôi dặt cho bác Đông A thì ông ấy chơi hay nghe không quan trọng, quan trọng là câu hỏi của ông ấy và sự suy diễn của tôi.

    ReplyDelete
  4. - Sau khi quote lời của Lenin, nhân vật hỏi tiếp thêm một câu hỏi nữa. Nguyên văn câu hỏi bằng tiếng Anh là “ Can anyone who has heard this music, I mean truly heard this, really be a bad person?”. Câu hỏi ám ảnh tôi đến giờ. Theo tôi, rõ ràng ở đây tác giả đã có dụng ý khi trích lời Lenin rồi lại cho nhân vật đặt luôn câu hỏi đó. Đây là câu hỏi cho cô người tình của anh ta, cho chính anh ta và cho chúng ta!
    - Người Việt Nam có nhất thiết phải sống bằng Bach, Mozart, Chopin… không hả bác?

    ReplyDelete
  5. Trên Youtube có đoạn trích đoạn phim về bản sonata ở đây:
    http://jp.youtube.com/watch?v=0W3jn72tDcY
    Đúng như bác Apotheme nói đấy là bản die Sonate vom guten Menschen. Trong đoạn phim này hai nhân vật trong phim có nhắc tới Lenin và bản Appasionata. Nhà soạn kịch nói rằng Lenin nói nếu cứ nghe bản Appasionata thì ông không thể kết thúc được cuộc cách mạng. Kundera có luận về Lenin và bản Appasionata trong tiểu thuyết Chậm rãi của ông, nhưng tôi lại không có sách ở đây để trích ra, nhưng tôi nhớ đại loại Kundera nói rằng khi nghe bản Appasionata người ta sẽ thấy nhiệt huyết cách mạng.
    Tôi rất ấn tượng khi Solzhenitsyn nói rằng ông không thể hình dung nổi cuộc đời của mình nếu không có Bach.
    Nhưng âm nhạc dường như không có ý nghĩa gì đối với người Việt Nam. Không có Bach hay ai khác cuộc đời của người Việt Nam cũng không thay đổi gì.

    ReplyDelete